Vì nếu khi chúng ta còn là thù nghịch cùng Đức Chúa Trời, mà đã được hòa thuận với Ngài bởi sự chết của Con Ngài, thì huống chi nay đã hòa thuận rồi, chúng ta sẽ nhờ sự sống của Con ấy mà được cứu là dường nào!
(Rô-ma 5:10)
Đức Chúa Trời muốn làm người bạn tốt nhất của bạn.
Mối tương giao giữa bạn với Đức Chúa Trời có nhiều khía cạnh khác nhau: Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Dựng, là Chúa và Chủ, Đấng Đoán Xét, Đấng Giải Cứu, Cha, Cứu Chúa, và nhiều điều khác nữa.
[i] Nhưng sự thật đáng kinh ngạc nhất là: Đức Chúa Trời Toàn Năng muốn làm Bạn của bạn!
Tại vườn Ê-đen, chúng ta thấy được mối tương giao lý tưởng của Đức Chúa Trời với chúng ta: A-đam và Ê-va vui hưởng một mối tương giao mật thiết với Đức Chúa Trời. Không có các nghi thức, các kỳ lễ hay tôn giáo-chỉ có một mối quan hệ yêu thương đơn sơ giữa Đức Chúa Trời và con người mà Ngài tạo dựng nên. Không hề bị ngăn trở bởi sự sợ hãi và mặc cảm tội lỗi, A-đam và Ê-va vui mừng trong Đức Chúa Trời và Ngài vui mừng trong họ.
Chúng ta được tạo dựng để sống trong sự hiện diện miên viễn của Đức Chúa Trời, nhưng sau biến cố Sa Ngã, mối tương giao lý tưởng đó đã bị mất. Chỉ có một số ít người trong thời Cựu Ước có được đặc ân hưởng một tình bạn với Đức Chúa Trời. Môi-se và Áp-ra-ham được gọi là "bạn hữu Chúa," Đa-vít được gọi là "người vừa lòng Chúa," còn Gióp, Hê-nóc và Nô-ê đã là những người bạn thân thiết của Đức Chúa Trời.[ii] Nhưng sự kính sợ Đức Chúa Trời, chứ không phải tình bạn, lại là điều phổ biến hơn trong Cựu Ước.
Sau đó Đức Chúa Trời đã biến đổi tình thế. Khi Ngài trả giá cho tội lỗi của chúng ta trên thánh giá, bức màn trong đền thờ, vốn tượng trưng cho sự ngăn cách giữa chúng ta và Đức Chúa Trời, đã bị xé đôi từ trên xuống dưới, chứng tỏ rằng một lần nữa con người có thể trực tiếp đến với Đức Chúa Trời. Không giống như những thầy tế lễ trong Cựu Ước, những người đã phải giành nhiều giờ đồng hồ chuẩn bị để gặp gỡ Đức Chúa Trời, bây giờ chúng ta có thể đến với Ngài bất cứ lúc nào. Kinh Thánh chép, "Hiện nay chúng ta có thể vui mừng trong mối tương giao mới của chúng ta với Chúa-chính những gì Đức Chúa Giê-su Christ đã làm cho chúng ta khiến chúng ta nên những người bạn của Đức Chúa Trời"
(Rô-ma 5:11 bản NLT-ND). Chúng ta có được tình bạn với Đức Chúa Trời là nhờ ân điển Ngài và sự hy sinh của Đức Chúa Giê-su Christ. "Mọi điều đó đến bởi Đức Chúa Trời, Ngài đã làm cho chúng ta nhờ Đấng Christ mà được hòa thuận lại cùng Ngài" (II Cô-rinh-tô 5:18a). Có một bài thánh ca hát như vầy, "Ôi, Giê-su Chúa ta là bạn thật," nhưng thực ra thì Đức Chúa Trời mời gọi chúng ta tận hưởng tình bạn và mối thông công với cả Ba Ngôi: Đức Chúa Cha,[iii] Đức Chúa Con,[iv] và Đức Chúa Thánh Linh[v]
Chúa Giê-su phán, "Ta chẳng gọi các ngươi là đầy tớ nữa, vì đầy tớ chẳng biết điều chủ mình làm; nhưng ta đã gọi các ngươi là bạn hữu ta, vì ta từng tỏ cho các ngươi biết mọi điều ta đã nghe nơi Cha ta" (Giăng 15:15). Từ bạn hữu trong câu này không có nghĩa là tình bạn ngẫu nhiên, bèn là một mối tương giao mật thiết, tin cậy. Từ đó cũng được dùng khi nói về bạn của chàng rể[vi] và những cận thần mật thiết, tin cẩn của nhà vua. Trong cung điện, những người đầy tớ phải giữ khoảng cách với nhà vua, nhưng những người bạn hay cận thần được gần gũi, liên hệ trực tiếp và biết được những tin tức bí mật. Việc Đức Chúa Trời muốn nơi tôi một tình bạn mật thiết là điều khó hiểu, nhưng Kinh Thánh chép rằng, "Ngài là Đức Chúa Trời tha thiết trong mối tương giao với ngươi" (Xuất 34:14 bản NLT-ND).
Đức Chúa Trời rất khao khát chúng ta biết rõ Ngài. Trên thực tế, Ngài hoạch định vũ trụ và sắp đặt lịch sử, bao gồm cả những chi tiết trong cuộc đời của chúng ta, để chúng ta có thể trở thành bạn của Ngài. Kinh Thánh chép, "Ngài đã làm cho muôn dân sanh ra bởi chỉ một người, và khiến ở khắp trên mặt đất, định trước thì giờ đời người ta cùng giới hạn chỗ ở, hầu cho tìm kiếm Đức Chúa Trời, và hết sức rờ tìm cho được, dẫu Ngài chẳng ở xa mỗi một người trong chúng ta" (Công Vụ 17:26-27).
Biết và yêu Chúa là đặc quyền lớn nhất của chúng ta, và được biết cũng như được yêu là niềm vui thỏa lớn nhất của Đức Chúa Trời. Chúa phán, "Nhưng kẻ nào khoe, hãy khoe về trí khôn mình biết ta là Đức Giê-hô-va, là Đấng làm ra sự thương xót, chánh trực, và công bình trên đất; vì ta ưa thích những sự ấy" (Giê-rê-mi 9:24).
Thật khó tưởng tượng ra một tình bạn giữa một Đức Chúa Trời vô hạn, vô hình, toàn hảo và con người hữu hạn, tội lỗi. Sẽ dễ hiểu hơn nếu nói đến một mối quan hệ Chủ-tớ, hay Đấng Tạo Hóa-tạo vật hoặc là Cha-con. Nhưng Chúa muốn tôi trở thành bạn Ngài, điều đó có ý nghĩa gì? Khi nhìn vào cuộc đời những người bạn của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh, chúng ta khám phá được sáu điều bí mật về tình bạn với Đức Chúa Trời. Chúng ta sẽ tìm hiểu hai điều trong chương này và bốn điều còn lại trong chương sau.
Trở Thành Người Bạn Tốt Nhất Của Đức Chúa Trời
Thông qua sự tương giao không ngừng. Bạn sẽ không bao giờ có được một mối tương giao mật thiết với Đức Chúa Trời chỉ nhờ việc đi nhà thờ một lần mỗi tuần hoặc thậm chí có thì giờ tĩnh nguyện hằng ngày. Tình bạn với Đức Chúa Trời được xây dựng trên sự chia sẻ với Ngài tất cả những kinh nghiệm trong cuộc đời bạn.
Dĩ nhiên, việc tập một thói quen tĩnh nguyện hằng ngày với Chúa là điều quan trọng,[vii] nhưng Đức Chúa Trời không chỉ muốn một cuộc hẹn trong lịch làm việc của bạn. Ngài muốn hiện diện trong từng
công việc, từng cuộc trò chuyện, từng nan đề, và thậm chí từng ý tưởng. Bạn có thể tương giao với Ngài không ngừng nghỉ suốt cả ngày, nói chuyện với Ngài về bất cứ điều gì bạn đang làm hoặc suy nghĩ vào lúc đó. "Cầu nguyện không thôi"[viii] có nghĩa là nói chuyện với Đức Chúa Trời đang khi đi mua sắm, lái xe, làm việc hoặc giải quyết những công việc hằng ngày.
Người ta hay có một quan niệm sai lầm rằng "dành thời gian cho Đức Chúa Trời" là ở một mình với Ngài. Dĩ nhiên, theo như Chúa Giê-su làm gương cho chúng ta, bạn cần có thời gian ở riêng với Đức Chúa Trời, nhưng đó chỉ là một khoảng ngắn trong toàn bộ thời gian bạn thức mỗi ngày. Mọi việc bạn làm đều có thể "dành thời gian cho Đức Chúa Trời" nếu bạn mời Ngài dự phần vào đó, và bạn luôn ý thức về sự hiện diện của Ngài.
Một cuốn sách kinh điển về cách phát triển một mối tương giao không ngừng nghỉ với Đức Chúa Trời là cuốn Practicing the Presence of God. Nó được Brother Lawrence viết vào thế kỷ thứ bảy. Ông là
một người đầu bếp khiêm nhường trong một tu viện tại Pháp. Brother Lawrence đã có thể biến thậm chí những công việc thông thường và nhỏ nhặt nhất, chẳng hạn như chuẩn bị các bữa ăn và rửa bát đĩa, thành những công việc ngợi khen và tương giao với Đức Chúa Trời. Ông nói chiếc chìa khóa dẫn đến tình bạn với Đức Chúa Trời không phải là thay đổi những gì bạn làm, bèn là thay đổi thái độ của bạn
đối với những gì bạn làm. Những gì thông thường bạn làm cho chính mình, hãy bắt đầu làm cho Chúa, dù đó là ăn uống, tắm rửa, làm việc, nghỉ ngơi hoặc đổ rác.
Ngày nay, chúng ta thường thấy rằng mình phải "chạy trốn" khỏi công việc hằng ngày để thờ phượng Đức Chúa Trời, nhưng đó là do chúng ta chưa học được cách sống trong sự hiện diện của Ngài luôn luôn. Brother Lawrence khám phá ra rằng thờ phượng Đức Chúa Trời qua những công việc thông thường của cuộc sống là dễ dàng biết bao; ông không cần phải đi xa để nghỉ ngơi và bồi dưỡng tâm linh.
Đây chính là ý tưởng của Đức Chúa Trời. Tại vườn Ê-đen, sự thờ phượng không phải là một chương trình để tham dự, bèn là một thái độ liên tục; A-đam và Ê-va ở trong mối tương giao không ngừng với Đức Chúa Trời. Vì Chúa ở với bạn luôn luôn, nên không có nơi nào gần với Đức Chúa Trời hơn là chính nơi bạn đang ở ngay lúc này. Kinh Thánh chép, "Ngài cai trị mọi sự và ở khắp mọi nơi và ở trong mọi sự" (Ê-phê-sô 4:6b bản NCV-ND).
Một trong số những ý tưởng hữu ích khác của Brother Lawrence là cầu nguyện những câu ngắn như là nói chuyện suốt cả ngày thay vì cố gắng cầu nguyện thật dài dòng và phức tạp. Để duy trì tập trung và chống lại những ý tưởng phân tâm, ông nói, "Tôi không khuyên bạn dùng quá nhiều lời trong khi cầu nguyện, vì những cuộc nói chuyện dài dòng thường hay đi lang thang."[ix] Trong thời đại thiếu tập trung này, lời khuyên 450 năm tuổi kia tỏ ra thật phù hợp.
Kinh Thánh bảo chúng ta phải "cầu nguyện không thôi" (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:17). Làm sao có thể làm được việc này? Một cách đó là dùng "lời cầu nguyện hơi thở" suốt cả ngày, như nhiều Cơ-đốc nhân đã làm hàng thế kỷ qua. Bạn chọn một câu ngắn hoặc một cụm từ đơn giản có thể nói với Chúa Giê-su trong một hơi thở: "Ngài ở với con." "Con nhận ơn Ngài." "Con trông cậy nơi Ngài." "Con muốn biết Ngài." "Con thuộc về Ngài." "Hãy giúp con tin cậy Ngài." Bạn cũng có thể dùng những câu Kinh Thánh ngắn, chẳng hạn: "Đối với tôi, sống là Đấng Christ." "Ngài chẳng hề lìa bỏ tôi." "Ngài là Đức Chúa Trời tôi." Cầu nguyện càng nhiều lần càng tốt để nó có thể đâm rễ thật sâu vào lòng bạn. Phải bảo đảm rằng động cơ của bạn là tôn vinh Đức Chúa Trời chứ không phải điều khiển Ngài.
Sống trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời là một kỹ năng, một thói quen bạn cần phát triển. Giống như các nhạc sĩ tập luyện mỗi ngày để có thể chơi nhạc hay mà dễ dàng, bạn phải buộc chính mình nghĩ về Đức Chúa Trời vào nhiều thời điểm khác nhau trong ngày. Bạn phải luyện để tâm trí mình luôn nhớ về Đức Chúa Trời.
Trước hết, bạn cần phải có cái gì đó để thường xuyên nhắc bạn nghĩ đến sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Hãy bắt đầu bằng những vật nhắc nhở thấy được xung quanh bạn. Bạn có thể dán một câu ghi chú như sau, "Đức Chúa Trời đang ở đây với mình!" Những thầy tu dòng Bê-nê-đích dùng tiếng chuông đồng hồ hằng giờ để nhắc họ dừng lại và cầu nguyện "bài cầu nguyện hằng giờ." Nếu bạn có một cái đồng hồ hoặc một điện thoại di động có chuông, bạn cũng có thể làm như vậy. Đôi khi bạn sẽ cảm nhận được sự hiện diện của Đức Chúa Trời, đôi khi thì không.
Nếu bạn đang tìm kiếm một trải nghiệm về sự hiện diện của Ngài qua tất cả những điều này, thì bạn đã đi chệch hướng. Chúng ta không ngợi khen Đức Chúa Trời để cảm thấy tốt, bèn là để làm tốt. Mục đích của bạn không phải là cảm xúc, bèn là sự nhận thức liên tục về thực tại hiện hữu của Đức Chúa Trời.
Đó là một lối sống thờ phượng.
Thông qua sự suy gẫm không ngừng. Cách thứ hai để thiết lập tình bạn với Đức Chúa Trời là suy nghĩ về Lời Ngài suốt cả ngày. Đây gọi là sự suy gẫm, và Kinh Thánh liên tục thúc giục chúng ta suy gẫm về việc Đức Chúa Trời là ai, Ngài đã làm gì và Ngài đã phán gì.[x]
Thật không thể làm bạn với Đức Chúa Trời mà không biết Ngài nói gì. Bạn không thể yêu Chúa trừ khi bạn biết Ngài, và bạn không thể biết Ngài nếu không biết Lời Ngài. Kinh Thánh chép rằng Đức Chúa Trời "khiến cho người biết lời của Ngài" (I Sa-mu-ên 3:21). Ngày nay Đức Chúa Trời vẫn còng dùng phương pháp đó. Bạn không thể dành cả ngày học Kinh Thánh, nhưng bạn có thể suy nghĩ về nó suốt cả ngày, nhớ lại những câu mà bạn đã đọc hoặc học thuộc lòng và suy gẫm về chúng.
Sự suy gẫm thường bị hiểu sai là một nghi thức khó khăn, huyền bí nào đó do những thầy tu hay những nhà huyền bí cách ly thực hiện. Nhưng suy gẫm chỉ đơn giản là suy nghĩ có tập trung-một kỹ năng mà mọi người đều có thể học và sử dụng ở bất cứ nơi đâu.
Khi bạn suy nghĩ về một nan đề nào đó hết lần này đến lần khác trong trí mình thì đó gọi là lo lắng. Khi bạn suy nghĩ về Lời của Đức Chúa Trời hết lần này đến lần khác, thì đó gọi là suy gẫm. Nếu bạn biết lo lắng là gì, thì bạn cũng đã biết suy gẫm rồi! Bạn chỉ cần thay đổi sự chú ý từ những nan đề của mình sang các câu Kinh Thánh mà thôi. Bạn càng suy gẫm Lời Đức Chúa Trời nhiều bao nhiêu, thì bạn càng bớt lo lắng bấy nhiêu.
Lý do Đức Chúa Trời xem Gióp và Đa-vít là những người bạn thiết của Ngài là vì họ xem Lời Ngài có giá trị hơn mọi sự khác, và họ nghĩ về nó suốt cả ngày. Gióp thừa nhận rằng, "Tôi xem lời của môi miệng Ngài còn hơn cả bữa ăn hằng ngày của tôi" (Gióp 23:12 bản NIV-ND). Đa-vít nói, "Tôi yêu mến luật pháp Chúa biết bao! Trọn ngày tôi suy gẫm luật pháp ấy" (Thi Thiên 119:97). "Lời Ngài luôn ở trong suy nghĩ của tôi. Tôi không thể ngừng suy nghĩ về chúng" (Thi Thiên 77:12 bản NLT-ND).
Những người bạn chia sẻ các bí mật, và Đức Chúa Trời sẽ chia sẻ những bí mật của Ngài với bạn nếu bạn phát triển thói quen suy nghĩ về Lời Ngài suốt cả ngày. Đức Chúa Trời phán với Áp-ra-ham những bí mật của Ngài, và Ngài cũng làm điều đó với Đa-ni-ên, Phao-lô, các môn đồ và những người bạn khác.[xi]
Khi bạn đọc Kinh Thánh, nghe giảng hoặc nghe băng, đừng vội quên và bỏ đi. Hãy tập ôn nhớ lẽ thật trong tâm trí bạn, suy nghĩ về nó luôn. Bạn càng dành nhiều thời gian ôn lại điều Chúa đã phán bao nhiêu, thì bạn càng hiểu được "những bí mật" của cuộc đời này mà đa số những người khác không biết đến. Kinh Thánh chép, "Đức Chúa Trời kết bạn với những người kính sợ Ngài. Ngài sẽ chia sẻ với họ những bí mật về lời hứa Ngài" (Thi Thiên 25:14 bản LB-ND).
Trong chương tiếp theo chúng ta sẽ khám phá bốn điều bí mật khác khi có một tình bạn với Đức Chúa Trời, nhưng đừng chờ cho tới ngày mai. Ngay hôm nay, hãy tập tương giao không ngừng với Chúa và liên tục suy gẫm về lời Ngài. Cầu nguyện giúp bạn nói chuyện với Đức Chúa Trời; suy gẫm là để Đức Chúa Trời phán với bạn. Cả hai đều rất cần thiết để trở thành bạn của Đức Chúa Trời.
Suy Nghĩ Về Mục Đích Của Tôi
Vấn Đề Suy Nghĩ: Đức Chúa Trời muốn trở thành người bạn tốt nhất của tôi.
Câu Gốc: "Đức Chúa Trời kết bạn với những người kính sợ Ngài." Thi Thiên 25:14 (LB)
Câu Hỏi Suy Gẫm: Làm sao tôi có thể tự nhắc nhở mình nói chuyện với Chúa thường xuyên hơn trong một ngày?
Ngày 12: