Phàm sự gì có thì tiết; mọi việc dưới trời có kỳ định. (Truyền Đạo 3:1) Tôi tin chắc rằng Đấng đã khởi làm việc lành trong anh em, sẽ làm trọn hết cho đến ngày của Đức
Chúa Jêsus Christ. (Phi-líp 1:6)
Không có con đường tắt nào dẫn đến sự trưởng thành.
Bạn cần phải sống nhiều năm mới bước vào tuổi trưởng thành, và trái cây thì cũng cần cả một mùa để lớn lên rồi chín. Đối với bông trái Thánh Linh cũng vậy. Sự phát triển nhân cách Đấng Christ không thể vội vã được. Sự tăng trưởng thuộc linh, cũng như sự tăng trưởng thuộc thể, cần phải có thời gian. Khi bạn cố gắng làm cho trái cây chín nhanh, nó sẽ mất vị ngay. Ở Mỹ, cà chua thường được hái lúc chưa chín để nó không bị dập khi chuyển đến các cửa hàng. Sau đó, trước khi bán, người ta xịt khí CO2 lên trái cà chua để nó có màu đỏ ngay. Những trái cà chua được xịt khí lên vẫn ăn được, nhưng vị của nó không thể ngon bằng trái cà chín cây.
Khi chúng ta lo lắng về việc mình tăng trưởng nhanh thế nào, thì Đức Chúa Trời lại quan tâm đến việc chúng ta tăng trưởng mạnh ra sao. Đức Chúa Trời nhìn cuộc đời của chúng ta từ và cho cõi đời đời, nên Ngài không hề vội vàng.
Lane Adams đã có lần so sánh tiến trình tăng trưởng thuộc linh với chiến lược quân Đồng Minh dùng trong Đệ Nhị Thế Chiến để giải phóng các hòn đảo thuộc Thái Bình Dương. Trước tiên, họ "làm mềm" một hòn đảo, làm suy yếu hàng phòng ngự bằng cách nã pháo vào những đồn lũy của kẻ thù từ những chiến thuyền ngoài khơi. Kế đến, một nhóm nhỏ lính thủy đánh bộ sẽ đột nhập lên đảo và chọn "vị trí đổ bộ"-một phần nhỏ của hòn đảo mà họ chiếm được. Một khi điểm đổ bộ đã chọn xong, họ sẽ bắt đầu tiến trình lâu dài nhằm giải phóng toàn bộ hòn đảo, nhích từng chút một. Cuối cùng, cả hòn đảo sẽ được kiểm soát, nhưng không tránh khỏi những trận chiến đẫm máu.
Adams rút ra một hình ảnh như thế này: Trước khi Đấng Christ bước vào cuộc đời của chúng ta lúc chúng ta cải đạo, có khi Ngài phải "làm mềm" chúng ta đi bằng cách cho phép những nan đề mà chúng ta không thể giải quyết được xảy ra. Một số người thì mở cửa đời sống mình ngay tiếng gõ đầu tiên của Đấng Christ, nhưng đa số chúng ta thì kháng cự lại và chuyển sang phòng thủ. Kinh nghiệm tiền cải đạo của chúng ta chính là câu nói của Chúa Giê-su, "Này, ta đứng ngoài cửa và... dội bom!"
Giây phút bạn mở lòng mình ra với Đấng Christ, Đức Chúa Trời chọn một "vị trí đổ bộ" trong cuộc đời bạn. Có thể bạn nghĩ rằng mình đã phó dâng toàn bộ cuộc sống mình cho Ngài, nhưng sự thật là có rất nhiều điều về cuộc đời bạn mà bạn thậm chí chưa hề biết tới. Bạn chỉ có thể dâng cho Đức Chúa Trời
những gì mà bạn hiểu vào lúc đó thôi. Điều đó cũng không sao. Một khi Đấng Christ đã xác định được điểm đổ bộ rồi, Ngài sẽ bắt đầu chiến dịch chiếm lĩnh từ từ cho tới khi nào toàn bộ cuộc đời bạn thuộc về Ngài. Sẽ có những trận chiến và đổ máu, nhưng kết quả là hết sức rõ ràng. Đức Chúa Trời đã hứa rằng, "Đấng đã khởi làm việc lành trong anh em, sẽ làm trọn hết" (Phi-líp 1:6).
Môn đồ hóa là tiến trình chúng ta làm theo Đấng Christ. Kinh Thánh chép, "Cho đến chừng chúng ta thảy đều hiệp một trong đức tin và trong sự hiểu biết Con Đức Chúa Trời, mà nên bậc thành nhân, được tầm thước vóc giạc trọn vẹn của Đấng Christ" (Ê-phê-sô 4:13). Sự giống Đấng Christ là đích đến cuối cùng của bạn, nhưng hành trình đến đó chính là trọn phần đời còn lại của bạn.
Cho đến giờ, chúng ta đã biết rằng hành trình này gồm có tin (thông qua thờ phượng), thuộc về (thông qua mối thông công), và trở thành (thông qua môn đồ hóa). Mỗi ngày qua đi, Đức Chúa Trời đều muốn bạn giống Ngài hơn một chút: "Anh em đã... mặc lấy người mới là người đang đổi ra mới theo hình tượng Đấng dựng nên người ấy" (Cô-lô-se 3:10a).
Ngày nay chúng ta bị ám ảnh bởi tốc độ, nhưng Đức Chúa Trời thì quan tâm đến sức mạnh và sự ổn định hơn là sự nhanh chóng. Chúng ta muốn giải pháp nhanh gọn, đi tắt và tới ngay. Chúng ta muốn có một bài giảng, một buổi hội thảo, hay một trải nghiệm có thể lập tức giải quyết mọi nan đề, xóa bỏ mọi cám dỗ, và giải thoát chúng ta khỏi mọi nỗi đau. Nhưng sự trưởng thành thật không hề đến chỉ bởi một kinh nghiệm, bất luận nó mạnh mẽ hay tác động ra sao. Sự tăng trưởng thường chậm chạp. Kinh Thánh chép, "Cuộc đời chúng ta dần trở nên tươi sáng và đẹp đẽ hơn khi Đức Chúa Trời bước vào và chúng ta trở nên giống Ngài" (II Cô-rinh-tô 3:18b bản Msg-ND).
Tại Sao Lại Lâu Như Thế?
Đức Chúa Trời hoàn toàn có thể biến đổi chúng ta ngay tức khắc, nhưng Ngài lại chọn làm cho chúng ta lớn lên cách từ từ. Chúa Giê-su rất cân nhắc trong việc phát triển các môn đồ của Ngài. Cũng giống như Đức Chúa Trời cho phép dân Y-sơ-ra-ên chiếm lấy Đất Hứa "từng chút một"[i] để họ không bị dồn dập, Ngài thích vận hành theo từng bước phát triển trong cuộc đời chúng ta.
Tại sao thay đổi và lớn lên lại cần nhiều thời gian đến như vậy? Có nhiều lý do.
Chúng ta là những học sinh chậm chạp. Chúng ta thường phải học lại một bài học bốn hay năm mươi lần mới thuộc nó. Nan đề cứ quay trở lại, và chúng ta nghĩ, "Thôi chứ! Mình đã học bài học đó rồi mà!"-nhưng Đức Chúa Trời biết rõ hơn. Lịch sử dân Y-sơ-ra-ên chứng minh rằng chúng ta rất dễ quên những bài học mà Đức Chúa Trời đã dạy, và chúng ta cũng rất dễ quay trở lại những lối cũ của mình. Chúng ta cần học đi học lại.
Còn quá nhiều điều chúng ta chưa học được. Nhiều người đến gặp các nhà tư vấn với một nan đề cá nhân hoặc quan hệ mà phải mất nhiều năm mới phát sinh và nói rằng, "Tôi cần anh giúp. Tôi chỉ có một tiếng." Họ ngây thơ mong đợi một giải pháp nhanh chóng cho một khó khăn lâu dài, sâu sắc. Vì hầu hết những nan đề của chúng ta-và tất cả các thói quen xấu nữa-không tự hình thành chỉ sau một đêm, nên thật phi thực tế khi mong rằng chúng sẽ biến mất ngay lập tức. Không có một viên thuốc, một lời cầu nguyện hay một nguyên tắc nào có thể lập tức đảo ngược tổn hại của nhiều năm trời. Nó đòi hỏi công việc tháo gỡ và thay thế nặng nhọc. Kinh Thánh gọi đó là "bỏ con người cũ" và "mặc lấy người mới."[ii] Dù bạn nhận được một bản chất hoàn toàn mới ngay giờ phút cải đạo, bạn vẫn còn những thói quen, những kiểu cách, và phong thái cũ cần phải bỏ đi cũng như thay mới.
Chúng ta sợ phải đối diện với sự thật về chính mình. Tôi đã chứng minh rằng lẽ thật sẽ giải phóng chúng ta, nhưng nó thường khiến chúng ta khổ sở trước. Nỗi lo sợ trước điều chúng ta có thể khám phá
được nếu chúng ta chân thành đối diện với những thiếu sót trong nhân cách của mình cứ giam hãm chúng ta trong ngục tù của sự phủ nhận. Chỉ khi nào Đức Chúa Trời được phép chiếu ánh sáng lẽ thật Ngài lên những sai lầm, thất bại và ray rứt của chúng ta thì chúng ta mới bắt đầu đối diện với chúng. Đó là lý do tại sao bạn không thể tăng trưởng nếu thiếu một thái độ khiêm nhường, chịu học.
Sự tăng trưởng thường đau đớn và đáng sợ. Sẽ không có sự tăng trưởng nếu không có thay đổi; không có thay đổi nếu không có lo sợ hay mất mát; và không có mất mát nào lại không gây đau đớn. Mọi thay đổi đều kèm theo một mất mát nào đó: Bạn phải từ bỏ những đường lối cũ để kinh nghiệm được sự tươi mới. Chúng ta sợ mất mát, ngay cả khi đường lối cũ của mình dẫn đến chỗ tự diệt, vì, giống như đôi giày cũ mòn lẵng, ít nhất đường cũ cũng thoải mái và quen thuộc.
Con người thường xây dựng cá tính của mình xung quanh những thiếu sót của họ. Chúng ta nói rằng, "Tôi là..." và "Tôi là như vậy đó." Điều chúng ta lo lắng cách vô thức ở dây là nếu tôi từ bỏ thói quen, nỗi đau hay sự ray rứt của mình, tôi sẽ trở thành ai? Nỗi sợ hãi này hoàn toàn có thể kìm hãm tốc độ tăng trưởng của bạn.
Thói quen cần có thời gian để hình thành. Hãy nhớ rằng nhân cách của bạn là toàn bộ các thói quen bạn có. Bạn không thể nói mình tử tế nếu bạn không thường xuyên tử tế-bạn tỏ ra bệnh hoạn ngay cả khi bạn không nghĩ tới nó. Bạn không thể nói mình chánh trực trừ khi đó chính là thói quen của bạn. Người chồng chung thủy với vợ phần lớn thời gian thì không phải là chung thủy! Các thói quen định hình nhân cách.
Chỉ có một cách để phát triển các thói quen của nhân cách Đấng Christ: Bạn phải tập rèn chúng-và điều đó cần có thời gian! Không hề có những thói quen tức thì. Phao-lô khuyên Ti-mô-thê, "Hãy săn sóc chuyên lo những việc đó, hầu cho thiên hạ thấy sự tấn tới của con" (I Ti-mô-thê 4:15).
Nếu bạn tập luyện một việc gì đó thường xuyên, thì bạn sẽ thành thạo nó. Sự lập lại là mẹ của nhân cách và kỹ năng. Những thói quen xây dựng nhân cách này thường được gọi là "những kỷ luật thuộc linh," và có hàng tá sách hay có thể dạy bạn làm việc này. Hãy xem trong phụ lục 2 một bảng liệt kê những sách hay về sự tăng trưởng tâm linh.
Đừng Vội Vàng
Khi bạn tăng trưởng tâm linh, có nhiều cách để đồng công với Đức Chúa Trời.
Hãy tin rằng Đức Chúa Trời đang vận hành trong cuộc đời bạn dù bạn không cảm thấy điều đó. Sự tăng trưởng tâm linh đôi khi là một công việc buồn tẻ, từng bước ngắn. Hãy chờ đợi sự cải thiện chậm chạp. Kinh Thánh chép, "Phàm sự gì có thì tiết; mọi việc dưới trời có kỳ định" (Truyền Đạo 3:1). Cũng có những thì tiết trong đời sống thuộc linh của bạn nữa. Đôi lúc bạn tăng trưởng bùng nổ (mùa xuân) và sau đó là thời kỳ ổn định cùng với thử thách (mùa thu và mùa đông).
Còn về những nan đề, thói quen, và nỗi đau mà bạn muốn bỏ đi ngay lập tức thì sao? Cầu xin một phép lạ là điều tốt, nhưng đừng thất vọng nếu Chúa đáp lời bằng sự thay đổi từ từ. Theo thời gian, một dòng suối chậm chạp, đều đều có thể làm xói mòn hòn đá cứng nhất và biến đá cuội thành sỏi. Theo thời gian, một mầm non có thể biến thành một cây gỗ đỏ khổng lồ, cao hơn 350 feet.
Hãy ghi lại những bài học mà bạn học được. Đây không phải là nhật ký các biến cố, bèn là sự ghi nhận những gì bạn đang học. Hãy viết ra những ý tưởng và những bài học trong cuộc sống mà Đức Chúa Trời dạy bạn về chính Ngài, về bạn, về cuộc sống, các mối quan hệ và về mọi điều khác. Khi đã ghi xuống rồi, bạn có thể ôn lại và ghi nhớ chúng cũng như truyền lại cho thế hệ sau.[iii] Lý do chúng
ta phải học lại các bài học là vì chúng ta hay quên chúng. Việc ôn lại hành trình tâm linh của bạn
thường xuyên có thể cứu bạn khỏi nhiều nỗi đau không cần thiết. Kinh Thánh chép, "Vậy nên, chúng ta phải càng giữ vững lấy điều mình đã nghe e kẻo bị trôi lạc chăng" (Hê-bơ-rơ 2:1).
Hãy kiên nhẫn với Chúa và với chính bạn. Một trong những rắc rối của cuộc đời chính là thời khóa biểu của Đức Chúa Trời không khớp với của chúng ta. Chúng ta thường hay vội vã trong khi đó Chúa thì không. Bạn có thể cảm thấy nản lòng trước tiến triển chậm chạp của mình trong cuộc đời. Hãy nhớ rằng Đức Chúa Trời không hề vội vã, nhưng Ngài luôn đúng giờ. Ngài sẽ dùng trọn phần còn lại của cuộc đời bạn để chuẩn bị bạn cho cõi đời đời.
Kinh Thánh có rất nhiều ví dụ về cách Đức Chúa Trời dùng những tiến trình lâu dài để phát triển nhân cách, đặc biệt là những nhà lãnh đạo. Ngài phải mất tám mươi năm để chuẩn bị Môi-se, bao gồm cả bốn mươi năm trong đồng vắng. Trong 14,600 ngày, Môi-se cứ chờ đợi và tự hỏi, "Đã đến lúc chưa?" Nhưng Chúa thì cứ đáp, "Chưa đâu."
Trái ngược với tiêu đề của những cuốn sách khá nổi tiếng, không hề có cái gọi là Những Bước Đơn Giản Để Trưởng Thành hay Chìa Khóa Để Nên Thánh Ngay Tức Thì. Khi Đức Chúa Trời muốn có một cây sồi khổng lồ, Ngài dùng hàng trăm năm, nhưng khi Ngài muốn làm một cây nấm, Ngài làm trong một đêm. Những linh hồn vĩ đại tăng trưởng qua sự tranh đấu và qua những cơn bão đau thương. Hãy nhẫn nại với cả tiến trình. Gia-cơ khuyên, "Nhưng sự nhịn nhục phải làm trọn việc nó, hầu cho chính mình anh em cũng trọn lành toàn vẹn, không thiếu thốn chút nào" (Gia-cơ 1:4).
Đừng thối chí. Khi Ha-ba-cúc chán nản vì ông không nghĩ rằng Đức Chúa Trời hành động đủ nhanh, Chúa đã phán như vầy, "Vì sự hiện thấy còn phải ứng nghiệm trong kỳ nhất định, sau cùng nó sẽ kíp đến, không phỉnh dối đâu; nếu nó chậm trễ, ngươi hãy đợi; bởi nó chắc sẽ đến, không chậm trễ" (Ha- ba-cúc 2:3). Trì hoãn không phải là sự từ chối của Đức Chúa Trời.
Hãy ghi nhớ bạn đã đi được bao xa, chứ không chỉ nhớ rằng bạn phải đi bao xa. Bạn chưa đi tới nơi mà bạn muốn tới đâu, nhưng bạn cũng không còn ở chỗ mà bạn đã từng ở nữa. Nhiều năm trước đây, người ta đã đeo một cái khuy khá phổ biến với dòng chữ PBPGINFWMY. Nó có nghĩa là, "Phải Nhẫn Nại. Chúa Chưa Làm Xong Việc Cho Tôi." Đức Chúa Trời cũng chưa làm xong việc cho bạn, nên hãy cứ bước tới. Ngay cả con ốc sên cũng bò được lên tàu nhờ lòng kiên trì!
Suy Nghĩ Về Mục Đích Của Tôi
Vấn Đề Suy Nghĩ: Không có con đường tắt nào dẫn đến sự trưởng thành.
Câu Gốc: "Đấng đã khởi làm việc lành trong anh em, sẽ làm trọn hết cho đến ngày của Đức Chúa Jêsus Christ." Phi-líp 1:6
Câu Hỏi Suy Gẫm: Tôi cần phải nhẫn nại và kiên trì hơn trong lĩnh vực nào của sự tăng trưởng tâm linh tôi?
Mục đích thứ tư
BẠN ĐƯỢC TẠO DỰNG ĐỂ PHỤC VỤ ĐỨC CHÚA TRỜI
Chúng tôi chỉ là những tôi tớ của Đức Chúa Trời... Mỗi người trong chúng tôi làm công việc mà Ngài giao cho làm: Tôi trồng, A-bô-lô tưới, nhưng Đức Chúa Trời làm cho lớn lên.
(I Cô-rinh-tô 3:5-6 / TEV-ND)
Ngày 29: