Sử Dụng Điều Chúa Ban Cho Bạn

Một phần của tài liệu kỹ năng mềm sống theo đúng mục đích (Trang 139)

Chúng ta là nhiều người mà hiệp nên một thân trong Đấng Christ, và hết thảy chúng ta đều là các phần chi thể của nhau.

(Rô-ma 12:5) Bạn là ai là món quà Chúa ban cho bạn; bạn làm gì với chính mình là món quà của bạn cho Chúa. (Ngạn Ngữ Đan-mạch)

Chúa xứng đáng nhận những điều tốt nhất của bạn.

Ngài định hình bạn theo một mục đích và mong muốn bạn tận dụng tối đa những gì đã ban cho bạn. Ngài không muốn bạn lo lắng hay thèm khát những khả năng mà Ngài không ban cho. Thay vào đó, Ngài muốn bạn tập trung vào những tài năng mà bạn hiện có. Khi bạn cố gắng phục vụ Chúa theo cách không phù hợp với ý định của Ngài, thì cũng giống như cố nhét một cái cọc vuông vào cái lỗ tròn. Việc đó dẫn đến nản lòng và kết quả rất giới hạn. Nó cũng làm lãng phí thời gian, tài năng và sức lực mà bạn có. Cách tốt nhất để sử dụng cuộc đời là phục vụ Chúa theo đúng định dạng của bạn. Để làm được điều này, bạn cần phải khám phá định dạng của mình, học biết cách tiếp nhận và tận hưởng nó, rồi phát triển nó đến mức độ cao nhất.

Khám Phá Định Dạng Của Bạn

Kinh Thánh chép, "Vậy chớ nên như kẻ dại dột, nhưng phải hiểu rõ ý muốn của Chúa là thế nào" (Ê- phê-sô 5:17). Đừng để cho một ngày nữa trôi qua. Hãy bắt đầu tìm hiểu và làm rõ điều Chúa muốn bạn trở thành và làm.

Hãy bắt đầu bằng việc xác định những ân tứ và khả năng của bạn. Hãy nhìn lại một cách chân thật, bạn làm tốt việc gì, và dở việc gì. Phao-lô khuyên, "Vậy, nhờ ơn đã ban cho tôi, tôi nói với mỗi người trong anh em chớ có tư tưởng cao quá lẽ, nhưng phải có tâm tình tầm thường, y theo lượng đức tin mà Đức Chúa Trời đã phú cho từng người" (Rô-ma 12:3). Hãy liệt kê ra. Nhờ những người khác cho ý kiến khách quan của họ. Hãy nói với họ rằng bạn đang tìm kiếm sự thật chứ không phải lời khen. Các ân tứ thuộc linh và những khả năng tự nhiên luôn được người khác nhận biết. Nếu bạn nghĩ mình được ơn để làm một giáo sư hay một ca sĩ mà không có một ai đồng ý thì sao? Nếu bạn muốn biết mình có ơn lãnh đạo không, thì hãy nhìn xung quanh! Nếu không có ai theo bạn, bạn không phải là một người lãnh đạo.

Hãy đặt những câu hỏi như sau: Nhờ đâu tôi thấy được bông trái mà những người khác khẳng định là có trong cuộc đời mình? Tôi đã thành công trong lĩnh vực nào?

Những bài trắc nghiệm ân tứ thuộc linh và khả năng có một chút giá trị, nhưng chúng rất giới hạn. Trước hết, chúng đã bị tiêu chuẩn hóa, cho nên không phù hợp với tính độc nhất của bạn. Thứ hai, không hề có những định nghĩa của các ân tứ thuộc linh trong Kinh Thánh, nên bất cứ định nghĩa nào cũng chỉ mang tính tham khảo và thường có khuynh hướng thiên về tín lý của hệ phái. Một vấn đề khác đó là bạn càng trưởng thành bao nhiêu, thì càng có nhiều đặc điểm của nhiều ân tứ. Có thể bạn sẽ phục vụ hay dạy dỗ hoặc ban cho rời rộng hơn vì cớ sự trưởng thành chứ không phải đó là các ân tứ thuộc linh.

Cách tốt nhất để khám phá các ân tứ và khả năng của bạn là thử nghiệm trong nhiều địa hạt phục vụ khác nhau. Tôi đã làm hàng trăm bài trắc nghiệm ân tứ và khả năng hồi còn trẻ mà không bao giờ khám phá ra là mình được ơn giảng dạy bởi vì tôi chưa bao giờ làm việc đó! Chỉ sau khi tôi bắt đầu tận dụng các cơ hội để nói thì tôi mới thấy những kết quả, được người khác thừa nhận, và mới nhận ra là mình có ơn đó. "Chúa đã ban ơn cho tôi để làm việc này!"

Nhiều cuốn sách thì hướng dẫn ngược lại. Chúng nói, "Hãy khám phá các ân tứ thuộc linh của bạn trước rồi bạn sẽ biết chức vụ của mình là gì." Thật ra thì hoàn toàn ngược lại mới đúng. Hãy bắt đầu phục vụ, thử nghiệm các mục vụ khác nhau, và rồi bạn mới khám phá được những ân tứ của mình. Nếu bạn không thực sự dấn thân phục vụ, bạn sẽ không biết mình giỏi cái gì.

Bạn có hàng tá khả năng và ân tứ ẩn giấu mà bạn không biết vì chưa bao giờ thử. Cho nên tôi khích lệ bạn thử làm một số việc mà bạn chưa hề làm. Dù bạn đã bao nhiêu tuổi, tôi vẫn khích lệ bạn đừng ngừng thử việc. Tôi đã gặp nhiều người khám phá được tài năng tiềm ẩn của họ ở độ tuổi bảy mươi và tám mươi. Tôi biết một bà cụ chín mươi tuổi đã từng thắng cuộc đua 10 km mà chính bà không biết rằng mình thích chạy mãi cho tới khi được bảy mươi tám tuổi!

Đừng cố gắng xác định các ân tứ của bạn trước khi tình nguyện phục vụ ở một nơi nào đó. Hãy bắt đầu phục vụ. Bạn sẽ khám phá các ân tứ của mình khi dấn thân phục vụ. Hãy thử dạy dỗ, lãnh đạo, tổ chức, chơi nhạc cụ hoặc làm việc với thiếu niên. Bạn sẽ không bao giờ biết mình giỏi việc gì cho tới khi nào bạn thử làm. Khi mọi sự không kết quả, hãy gọi đó là "thử nghiệm," đừng xem nó là thất bại. Cuối cùng thì bạn sẽ biết được mình thạo việc gì.

Hãy xét đến tấm lòng và cá tính của bạn. Phao-lô khuyên, "Mỗi người phải thử xét việc làm của mình, thì sự khoe mình chỉ tại mình thôi, chớ chẳng phải tại kẻ khác" (Ga-la-ti 6:4). Một lần nữa, bạn cần sự phản hồi từ những người biết bạn rõ nhất. Hãy tự hỏi mình các câu hỏi sau: Tôi thích làm việc gì nhất? Khi nào thì tôi thấy mình thực sự sống động? Tôi sẽ làm gì khi không biết rõ thời gian? Tôi thích những công việc thường ngày hay thích sự đổi mới? Tôi thích phục vụ trong một nhóm hay thích làm một mình? Tôi là người hướng nội hay hướng ngoại? Tôi là một người thích tư duy hay cảm xúc? Tôi thích điều nào hơn-cạnh tranh hay hợp tác?

Hãy xem xét các kinh nghiệm của bạn và rút ra bài học. Hãy ôn lại cuộc đời bạn và suy nghĩ về cách nó đã định hình bạn. Môi-se nói với dân Y-sơ-ra-ên, "Ngày nay, các ngươi hãy ghi nhớ điều mình đã học về Giê-hô-va Đức Chúa Trời thông qua những trải nghiệm của các ngươi với Ngài" (Phục Truyền 5:17 bản LB-ND). Những kinh nghiệm bị lãng quên không có giá trị gì hết; có một lý do rất chính đáng để ghi nhớ về hành trình tâm linh. Phao-lô lo rằng các tín nhân tại Ga-la-ti sẽ lãng phí nỗi đau mà họ đã trải qua. Ông nói, "Anh em há luống công mà chịu sự khốn khó dường ấy sao? Nếu quả là luống công"

Chúng ta hiếm khi thấy được mục đích của Đức Chúa Trời trong sự đau đớn, thất bại hay xấu hổ khi nó đang diễn ra. Khi Chúa Giê-su rửa chân cho Phi-e-rơ, Ngài phán, "Hiện nay ngươi chẳng biết sự ta làm; nhưng về sau sẽ biết" (Giăng 13:7). Chỉ sau khi sự việc qua rồi chúng ta mới hiểu mục đích của Đức Chúa Trời trong nan đề đó là vì ích lợi cho chúng ta.

Rút ra những bài học từ các kinh nghiệm của mình đòi hỏi phải có thời gian. Tôi đề nghị bạn dành cả một kỳ cuối tuần để ôn lại cuộc đời, đó là lúc bạn dừng lại để xem cách Đức Chúa Trời vận hành trong những giờ phút đặc biệt của cuộc đời bạn và cách Ngài muốn bạn dùng những bài học đó để giúp đỡ những người khác. Nhiều tài liệu có thể giúp bạn làm việc này.[i]

Chấp Nhận Và Tận Hưởng Định Dạng Của Bạn

Vì Chúa biết điều gì tốt nhất cho bạn, nên bạn cần phải tạ ơn mà chấp nhận cách Ngài đã tạo dựng bạn. Kinh Thánh chép, "Nhưng, hỡi người, ngươi là ai, mà dám cãi lại cùng Đức Chúa Trời? Có lẽ nào cái bình bằng đất sét lại nói với kẻ nắn nên mình rằng: Sao ngươi đã làm nên ta như vậy? Người thợ gốm há chẳng có quyền trên đất sét, cùng trong một đống mà làm ra hạng bình để dùng việc sang trọng, lại hạng khác để dùng việc hèn hạ sao?" (Rô-ma 9:20-21).

Định dạng của bạn được Đức Chúa Trời quyết định tùy mục đích của Ngài, cho nên bạn không nên khó chịu hay khước từ nó. Thay vì cố gắng tái định hình chính mình để giống như một người khác, bạn nên vui mừng vì điều mà Chúa chỉ ban cho một mình bạn thôi. "Đấng Christ đã ban cho mỗi chúng ta những khả năng đặc biệt-là những gì Ngài muốn chúng ta có tùy theo sự giàu có của ơn Ngài đã định"

(Ê-phê-sô 4:7 bản LB-ND).

Chấp nhận định dạng cũng có nghĩa là nhìn nhận các giới hạn của mình. Không có ai tài giỏi trong tất cả mọi chuyện, và cũng không có ai được kêu gọi để làm hết mọi chuyện. Tất cả chúng ta đều có vai trò riêng biệt. Phao-lô hiểu rằng sự kêu gọi của ông không phải là làm trọn mọi việc hoặc làm đẹp lòng mọi người, bèn là chỉ tập trung vào một chức vụ cụ thể mà Đức Chúa Trời đã chỉ định cho ông.[ii] Ông nói, "Về phần chúng tôi, chẳng muốn khoe mình quá mực, chỉ theo mực về địa phận mà Đức Chúa Trời đã chỉ định cho chúng tôi tới đến anh em" (II Cô-rinh-tô 10:13).

Từ địa phận ngụ ý rằng Đức Chúa Trời đặt để mỗi chúng ta trong một lĩnh vực phục vụ. Định dạng quyết định chuyên môn của bạn. Khi chúng ta cố gắng mở rộng chức vụ của mình ra ngoài những gì Chúa đã định, thì chúng ta sẽ bị căng thẳng. Cũng giống như mỗi người chạy trong cuộc đua đều có một làn chạy riêng, cá nhân chúng ta phải "lấy lòng nhẫn nại mà chạy cuộc đua Đức Chúa Trời đã bày sẵn ra cho chúng ta" (Hê-bơ-rơ 12:1 bản LB-ND). Đừng ghen tị với người chạy ở làn đua bên cạnh bạn; hãy tập trung và kết thúc cuộc đua của bạn.

Chúa muốn bạn vui thích sử dụng định dạng mà Ngài đã ban cho bạn. Kinh Thánh chép, "Mỗi người phải thử xét việc làm của mình, thì sự khoe mình chỉ tại mình thôi, chớ chẳng phải tại kẻ khác" (Ga-la- ti 6:4). Sa-tan sẽ cố gắng đánh cắp niềm vui của sự phục vụ khỏi lòng bạn bằng nhiều cách: cám dỗ bạn

so đo chức vụ của mình với người khác, và cám dỗ bạn lèo lái chức vụ của mình theo những mong đợi của người khác. Cả hai đều là những cái bẫy chết người khiến bạn xao lãng khỏi công việc phục vụ mà Đức Chúa Trời muốn. Bất cứ khi nào bạn để mất niềm vui trong chức vụ, hãy thử xét xem có phải một trong số những cám dỗ này là nguyên nhân hay không.

Kinh Thánh cảnh báo rằng chúng ta không được so sánh mình với những người khác: "Hãy làm tốt công việc của mình thì anh em sẽ có cớ tự hào. Nhưng đường so đo chính mình anh em với kẻ khác"

(Ga-la-ti 6:4 bản CEV-ND). Có hai lý do để bạn không nên so sánh định dạng, chức vụ hoặc những kết quả trong chức vụ của bạn với bất kỳ một ai khác. Thứ nhất, bạn sẽ luôn tìm được người có vẻ như đang làm việc tốt hơn bạn và bạn cảm thấy chán nản. Hay là bạn sẽ luôn tìm được người có vẻ như đang làm việc kém hơn bạn và thế là bạn lên mình kiêu ngạo. Cả hai thái độ đó đều sẽ đẩy bạn ra khỏi chức vụ và đánh đổ công việc của bạn.

Phao-lô nói rằng so sánh chính mình và người khác là một việc dại dột. Ông nói, "Thật chúng tôi không dám bằng vai hoặc sánh mình với những người kia, là kẻ hay tự phô mình. Nhưng lấy mình đo mình, lấy mình so sánh với mình, thì họ tỏ ra ít trí khôn" (II Cô-rinh-tô 10:12). Bản diễn ý Message viết như sau, "Khi so đo cao thấp và cạnh tranh, họ đánh mất trọng tâm" (II Cô-rinh-tô 10:12b bản Msg- ND).

Bạn sẽ thấy rằng nhiều người không hiểu định dạng của bạn cho chức vụ sẽ chỉ trích và cố gắng khiến bạn làm theo điều họ nghĩ bạn nên làm. Hãy mặc kệ họ. Phao-lô thường phải đối đầu với những người chỉ trích vốn đã hiểu lầm mà còn vu khống chức vụ của ông. Lúc nào ông cũng phản ứng như vầy: Tránh sự so sánh, chống những lời nói phóng đại, và tìm kiếm sự định đoạt của Đức Chúa Trời mà thôi.

[iii]

Một trong những lý do khiến Phao-lô được Chúa dùng thật kết quả đó là ông không để cho mình bị chệch hướng bởi sự chỉ trích, sự so sánh chức vụ của ông với những người khác, hoặc sự lôi kéo vào những tranh luận vô bổ về chức vụ đó. John Bunyan đã nói, "Nếu đời sống tôi không kết quả, ai khen ngợi tôi cũng không quan trọng, và nếu đời sống tôi kết quả, ai chỉ trích tôi cũng không sao."

Tiếp Tục Phát Triển Định Dạng Của Bạn

Ví dụ về các ta-lâng của Chúa Giê-su cho thấy rằng Đức Chúa Trời mong muốn chúng ta tận dụng tối đa những gì Ngài ban cho. Chúng ta phải vun đắp các ân tứ và tài năng của mình, giữ cho tấm lòng luôn nóng cháy, phát triển nhân cách và cá tính, đồng thời mở rộng các kinh nghiệm để chúng ta ngày càng trở nên hiệu quả trong sự phục vụ của mình. Phao-lô nói với những Cơ-đốc nhân tại Phi-líp, "Hãy tiếp tục lớn lên trong sự tri thức và thông hiểu của anh em" (Phi-líp 1:9), và ông cũng nhắc nhở Ti-mô- thê, "Vậy nên ta khuyên con hãy nhen lại ơn của Đức Chúa Trời ban cho, mà con đã nhận lãnh bởi sự đặt tay của ta" (II Ti-mô-thê 1:6).

Nếu bạn không tập luyện các cơ bắp của mình, chúng sẽ yếu đi và teo lại. Cũng vậy, nếu bạn không tận dụng tối đa các khả năng và kỹ năng mà Đức Chúa Trời ban cho, bạn sẽ đánh mất chúng. Chúa Giê-su kể câu chuyện về các ta-lâng để nhấn mạnh lẽ thật này. Chủ nói với người đầy tớ không sử dụng một ta-lâng của mình rằng, "Vậy, các ngươi hãy lấy ta-lâng của người nầy mà cho kẻ có mười ta-lâng"

(Ma-thi-ơ 25:28). Không sử dụng những gì đã ban cho bạn thì bạn sẽ đánh mất chúng. Hãy dùng khả năng mà bạn có và Chúa sẽ cho thêm. Phao-lô nói với Ti-mô-thê, "Đừng bỏ quên ơn ban trong lòng con, là ơn bởi lời tiên tri nhân hội trưởng lão đặt tay mà đã ban cho con vậy. Hãy săn sóc chuyên lo những việc đó, hầu cho thiên hạ thấy sự tấn tới của con" (I Ti-mô-thê 4:14-15).

Bất cứ ân tứ nào bạn có được cũng có thể mở rộng và phát triển qua việc thực hành. Chẳng hạn, không một ai có ân tứ dạy dỗ được phát triển đầy đủ. Nhưng qua việc học hỏi, phản hồi, và thực hành, một giáo sư "tốt" có thể trở thành một giáo sư tốt hơn, và theo thời gian, sẽ trở thành một giáo sư bậc thầy. Đừng thỏa mãn với ân tứ nửa vời. Hãy làm hết sức và học mọi điều bạn có thể học. "Hãy chuyên tâm cho được đẹp lòng Đức Chúa Trời như người làm công không chỗ trách được, lấy lòng ngay thẳng giảng dạy lời của lẽ thật" (II Ti-mô-thê 2:15). Hãy tận dụng mọi cơ hội rèn luyện để phát triển định

dạng của bạn cũng như mài giũa các kỹ năng mình.

Trên thiên đàng, tất cả chúng ta sẽ phục vụ Chúa đời đời. Ngay bây giờ, chúng ta có thể chuẩn bị cho sự phục vụ đời đời đó bằng cách tập luyện trên trần gian. Giống như những vận động viên chuẩn bị cho kỳ Thế Vận Hội, chúng ta cứ tiếp tục rèn luyện cho ngày hội lớn đó. "Hết thảy những người đua tranh, tự mình chịu lấy mọi sự kiêng kỵ, họ chịu vậy để được mão triều thiên hay hư nát. Nhưng chúng ta chịu vậy để được mão triều thiên không hay hư nát" (I Cô-rinh-tô 9:25). Chúng ta đang chuẩn bị sẵn sàng

Một phần của tài liệu kỹ năng mềm sống theo đúng mục đích (Trang 139)