Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém

Một phần của tài liệu Pháp luật về bảo vệ môi trường đô thị - thực tiễn tại địa bàn Thành phố Hà Nội Luận văn ThS. Luật (Trang 70)

Qua thực tế trên có thể thấy hiệu quả thực thi các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đô thị tại địa bàn thành phố Hà Nội chưa cao. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như:

- Do các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đô thị của Việt Nam hiện nay còn thiếu, chưa đồng bộ, còn nhiều hạn chế, không đủ để quản lý, kiểm soát mọi vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường đô thị. Một số quy định hiệu quả thực thi kém, chỉ mang tính hình thức.

- Công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đô thị tại địa bàn thành phố Hà Nội còn bộc lộ nhiều yếu kém; phân công, phân cấp trách

nhiệm chưa rõ ràng, thiếu hợp lý, số lượng cán bộ còn thiếu và hạn chế về năng lực.

Bộ máy quản lý môi trường chưa tương xứng với khối lượng công việc. Biên chế công chức làm môi trường ở cấp huyện và cấp xã còn rất thiếu. Chưa có nhiều chuyên gia sâu trong từng lĩnh vực và chưa có chế độ, chính sách đãi ngộ cho đội ngũ này. Trình độ của một số cán bộ, công chức, viên chức còn chưa theo kịp yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về môi trường, chưa đáp ứng yêu cầu của công cuộc cải cách hành chính nhà nước. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ có chuyên môn chưa được đáp ứng kịp thời.

Theo Đoàn khảo sát tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 22-6-2010 tại Hà Nội cho biết một đại diện Phòng Tài nguyên - Môi trường quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội đã thẳng thắn nói về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn quận này: “Còn tại Phòng Tài nguyên - Môi trường chúng tôi có 2 cán bộ môi trường nhưng một người phải tăng cường cho địa chính. Việc nhiều, người không có, làm sao mà làm tốt được? Công tác môi trường gần như chỉ mang tính “đối phó”, thiếu chủ động” [40].

Vẫn còn tình trạng thiếu kiên quyết trong việc xử lý đối với các cơ sở gây ô nhiễm, thậm chí là gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

- Đầu tư cho bảo vệ môi trường đô thị tại Hà Nội còn rất thấp, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Đây cũng là tình trạng chung của các đô thị trên cả nước bởi ngân sách nhà nước chỉ dành 1% cho công tác bảo vệ môi trường từ năm 2006 và duy trì tỷ lệ đó cho đến nay. So với GDP, tỷ lệ chi ngân sách cho môi trường năm 2010 chỉ đạt xấp xỉ 0,4% GDP. Trong khi đó, ở Trung Quốc và các nước ASEAN đầu tư cho môi trường trung bình hàng năm chiếm khoảng 1% GDP, ở các nước phát triển thường chiếm 2-3% GDP. So bình quân đầu người, tỷ lệ chi cho môi trường từ nguồn ngân sách chỉ đạt 4,5 USD/người

năm 2010. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với mức trung bình của các nước trên thế giới (khoảng 5% so với mức trung bình)[7, 166].

Như vậy, tỷ lệ này quá nhỏ không đủ để đáp ứng cho các vấn đề bảo vệ môi trường. Do vậy, bảo vệ môi trường đô thị có thể nói là chưa được đầu tư và quan tâm đúng mức.

Bên cạnh đó, do là nguồn chi thường xuyên nên kinh phí từ nguồn này không thể bố trí để đầu tư giải quyết triệt để các vấn đề môi trường bức xúc đang diễn ra hàng ngày. Cơ chế sử dụng các nguồn thu từ phí bảo vệ môi trường, tiền phạt, tài trợ ODA, tài trợ phi chính phủ cho bảo vệ môi trường chưa rõ ràng; thiếu sự điều hòa, phối hợp.

- Người dân thiếu hiểu biết và ít quan tâm tới hoạt động bảo vệ môi trường đô thị. Tại các khu dân cư hay tại các nơi công cộng việc người dân vi phạm các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường vẫn còn phổ biến. Vẫn còn tồn tại khá nhiều các hành vi người dân tự do đổ rác thải, nước thải ra kênh, mương, ao, hồ…; tại các khu vực công cộng người dân tự do xả rác thải mặc dù quanh đó đã được công ty môi trường đô thị bố trí đủ các thùng rác đảm bảo vệ sinh môi trường.

- Về phía các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tại địa bàn Hà Nội: Chưa có ý thức, trách nhiệm về công tác bảo vệ môi trường, có tâm lý đối phó trong việc phòng ngừa, kiểm soát nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Vì những lợi ích kinh tế mà đầu tư không thích đáng hoặc không đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường dẫn đến ô nhiễm môi trường, thường thấy nhất là các cơ sở chưa chú trọng đầu tư hệ thống xử lý nước thải, chất thải, khí thải; quản lý chất thải, chất thải nguy hại không đúng quy định, thải ra môi trường không qua xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường cho phép. Khi để xảy ra tình trạng gây ô nhiễm môi trường không thực hiện đầy đủ các biện pháp khắc phục….

Chương 3

GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT

VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐÔ THỊ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY 3.1. Tính cấp thiết của việc hoàn thiện pháp luật về bảo vệ môi trường đô thị ở Việt Nam hiện nay

Việc hoàn thiện pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung và pháp luật bảo vệ môi trường đô thị nói riêng ở nước ta hiện nay là một yêu cầu cấp thiết, thể hiện trên các khía cạnh sau:

Thứ nhất, quan điểm của Đảng và Nhà nước về bảo vệ môi trường ở Việt Nam hiện nay.

Bảo vệ môi trường là một nhiệm vụ lớn luôn được Đảng và Nhà nước ta coi trọng, đặc biệt là trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước đã chỉ rõ: “Bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn của nhân loại; là nhân tố đảm bảo sức khỏe và chất lượng cuộc sống của nhân dân; góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta”.

“Bảo vệ môi trường phải theo phương châm lấy phòng ngừa và hạn chế tác động xấu đối với môi trường là chính kết hợp với xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái, cải thiện môi trường và bảo tồn thiên nhiên; kết hợp giữa sự đầu tư của Nhà nước với đẩy mạnh huy động nguồn lực trong xã hội và mở rộng hợp tác quốc tế; kết hợp giữa công nghệ hiện đại với các phương pháp truyền thống”.

Ngày 21/01/2009, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 29-CT/TW về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) “Về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Trong đó nêu ra các nhiệm vụ về bảo vệ môi trường trong thời gian tới như sau:

- Tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về trách nhiệm, ý thức bảo vệ môi trường.

- Tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; kiện toàn hệ thống quản lý nhà nước về môi trường từ Trung ương đến cơ sở. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm mọi sai phạm, nhất là những sai phạm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

- Đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, có cơ chế, chính sách khuyến khích cá nhân, tổ chức, cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường.

- Tăng đầu tư và sử dụng đúng mục đích, hiệu quả nguồn chi thường xuyên từ ngân sách cho sự nghiệp môi trường, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước đầu tư bảo vệ môi trường; tăng tỉ lệ đầu tư cho môi trường trong nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).

- Nghiên cứu xây dựng các luận cứ khoa học phục vụ hoạch định chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo vệ môi trường.

- Hợp tác chặt chẽ với các nước láng giềng và các nước trong khu vực để giải quyết các vấn đề môi trường liên quốc gia. Tranh thủ tối đa nguồn hỗ trợ tài chính, kỹ thuật từ các nước, các tổ chức quốc tế và cá nhân cho công tác bảo vệ môi trường.

Đại hội XI của Đảng đã nhận định: “Môi trường ở nhiều nơi đang bị ô nhiễm nặng; tài nguyên, đất đai chưa được quản lý tốt, khai thác và sử dụng kém hiệu quả, chính sách đất đai có mặt chưa phù hợp” [31, 93]. Vì vậy, bảo vệ môi trường ngày càng trở thành một trong những chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước.

Quan điểm chỉ đạo của Đại hội XI về công tác bảo vệ môi trường là: “Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và của mọi công dân. Kết hợp chặt chẽ giữa kiểm soát, ngăn ngừa, khắc phục ô nhiễm với khôi phục và bảo vệ môi trường sinh thái. Phát triển năng lượng sạch, sản xuất sạch, tiêu dùng sạch. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo và ứng phó với sự biến đổi khí hậu, các thảm họa thiên nhiên. Tăng cường quản lý, bảo vệ và sử dụng hợp lý, có hiệu quả tài nguyên quốc gia” [31, 42-43].

Bên cạnh đó, còn có các văn bản của Nhà nước định hướng việc bảo vệ môi trường như sau: Quyết định số 256/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 02/12/2003 phê duyệt Chiến lược quốc gia về bảo vệ môi trường đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Quyết định số 34/2005/QĐ-TTg ngày 22/02/2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước khẳng định quan điểm: “Chiến lược bảo vệ môi trường là bộ phận cấu thành không thể tách rời của Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, là cơ sở quan trọng bảo đảm phát triển bền vững đất nước. Phát triển kinh tế phải kết hợp chặt chẽ, hài hòa với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường, là đầu tư cho phát triển bền vững”. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

“Bảo vệ môi trường là việc làm thường xuyên, lâu dài. Coi phòng ngừa là chính, kết hợp với xử lý và kiểm soát ô nhiễm, khắc phục suy thoái, cải

thiện chất lượng môi trường, tiến hành có trọng tâm, trọng điểm; coi khoa học và công nghệ là công cụ hữu hiệu trong bảo vệ môi trường”.

Những nội dung cơ bản trong chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường được thể hiện tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, cụ thể như sau:

- Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để mọi tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân tham gia hoạt động bảo vệ môi trường.

- Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, vận động, kết hợp áp dụng các biện pháp hành chính, kinh tế và các biện pháp khác để xây dựng ý thức tự giác, kỷ cương trong hoạt động bảo vệ môi trường.

- Sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; đẩy mạnh tái chế, tái sử dụng và giảm thiểu chất thải.

- Ưu tiên giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc; tập trung xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; phục hồi môi trường ở các khu vực bị ô nhiễm, suy thoái; chú trọng bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư.

- Đầu tư bảo vệ môi trường là đầu tư phát triển; đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường và bố trí khoản chi riêng cho sự nghiệp môi trường trong ngân sách nhà nước hằng năm.

- Ưu đãi về đất đai, thuế, hỗ trợ tài chính cho các hoạt động bảo vệ môi trường và các sản phẩm thân thiện với môi trường; kết hợp hài hòa giữa bảo vệ và sử dụng có hiệu quả các thành phần môi trường cho phát triển.

- Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, khuyến khích nghiên cứu, áp dụng và chuyển giao các thành tựu khoa học và công nghệ về bảo vệ môi trường; hình thành và phát triển ngành công nghiệp môi trường.

- Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế; thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường.

- Phát triển kết cấu hạ tầng bảo vệ môi trường; tăng cường, nâng cao năng lực quốc gia về bảo vệ môi trường theo hướng chính quy, hiện đại.

Như vậy, bảo vệ môi trường ở Việt Nam hiện nay là vấn đề cấp thiết, nên nội dung bảo vệ môi trường đô thị cũng rất quan trọng, cần được quan tâm kịp thời.

Thứ hai, tác động của quá trình đô thị hóa đối với môi trường đô thị. Quá trình đô thị hóa là tất yếu trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, nhưng nó cũng có thể gây ra những tác động xấu đối với môi trường, thể hiện ở việc tài nguyên đất bị khai thác triệt để, diện tích cây xanh và mặt nước giảm, ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng...

Ô nhiễm bụi là vấn đề nổi cộm của các đô thị. Chỉ số về bụi PM10 (hạt bụi có kích thước nhỏ hơn 10mm) ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... đều vượt ngưỡng khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Bụi lơ lửng rất đáng lo ngại, kết quả quan trắc tại các tuyến giao thông ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… cho thấy, khoảng 60% vượt chuẩn, trong đó 25% vượt gấp 2 lần [35].

Ô nhiễm môi trường nước đô thị cũng rất đáng báo động. Các kết quả nghiên cứu mới nhất cũng cho thấy, tại các đô thị lớn, nguồn nước ngầm đang có dấu hiệu cạn kiệt, ô nhiễm, nhiễm mặn. Mực nước của các tầng chứa nước giảm liên tục. Nước thải đô thị chưa qua xử lý đổ ra các sông là nguồn phát thải gây ô nhiễm nghiêm trọng. Ngày càng có nhiều mương ao, hồ nội đô trở thành nơi chứa nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt.

Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng thì các phương tiện giao thông ngày càng phát triển. Ví dụ tại địa bàn thành phố Hà Nội, trong 10 năm qua, ô tô tăng 2,5 lần, xe máy tăng 3,5 lần. Đến nay có khoảng 3,6 triệu xe máy, 300.000 ô tô và trong tương lai sẽ còn tăng nhiều hơn nữa [60]. Đó là nguồn khí thải gây ra ô nhiễm môi trường không khí.

PGS, TS Hà Huy Thành, Viện Nghiên cứu môi trường và phát triển bền vững cho biết, các khu đô thị tuy chỉ chiếm 28,5% dân số của cả nước nhưng có đến hơn 6 triệu tấn chất thải mỗi năm (gần bằng 50% tổng lượng chất thải của cả nước) [35].

Theo dự báo của Bộ Xây dựng, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam vào năm 2020 sẽ đạt khoảng 40%, số dân cư sinh sống tại đô thị khoảng hơn 45 triệu. Với tốc độ phát triển và dân số đô thị như vậy, Việt Nam sẽ phải đối mặt với ngày càng nhiều vấn đề phức tạp phát sinh từ quá trình đô thị hóa, đặc biệt là vấn đề bảo vệ môi trường đô thị.

Thứ ba, yêu cầu của hội nhập quốc tế.

Cùng với quá trình đô thị hóa và những thách thức của nó đối với môi

Một phần của tài liệu Pháp luật về bảo vệ môi trường đô thị - thực tiễn tại địa bàn Thành phố Hà Nội Luận văn ThS. Luật (Trang 70)