Thực trạng pháp luật về bảo vệ môi trường đô thị ở Việt Nam hiện nay

Một phần của tài liệu Pháp luật về bảo vệ môi trường đô thị - thực tiễn tại địa bàn Thành phố Hà Nội Luận văn ThS. Luật (Trang 39)

THÀNH PHỐ HÀ NỘI

2.1. Thực trạng pháp luật về bảo vệ môi trường đô thị ở Việt Nam hiện nay hiện nay

2.1.1. Các quy định pháp luật về quy hoạch bảo vệ môi trường đô thị 2.1.1.1. Nội dung cơ bản của quy hoạch bảo vệ môi trường đô thị

Quy hoạch bảo vệ môi trường đô thị là một trong những biện pháp quan trọng để kiểm soát, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường tại các đô thị. Công tác quy hoạch bảo vệ môi trường đô thị tại Việt Nam ngày càng được quan tâm và từng bước được quy phạm hóa. Hiện nay, pháp luật đã quy định quy hoạch bảo vệ môi trường đô thị phải là một nội dung của quy hoạch đô thị.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, quy hoạch đô thị là việc tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở để tạo lập môi trường sống thích hợp cho người dân sống trong đô thị, được thể hiện thông qua đồ án quy hoạch đô thị.

Cũng theo Luật Quy hoạch đô thị thì quy hoạch đô thị được phân chia thành ba cấp độ khác nhau là quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết.

Quy hoạch chung là việc tổ chức không gian, hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở cho một đô thị phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đô thị, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững.

Quy hoạch phân khu là việc phân chia và xác định chức năng, chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị của các khu đất, mạng lưới công trình hạ tầng kỹ

thuật, công trình hạ tầng xã hội trong một khu vực đô thị nhằm cụ thể hóa nội dung quy hoạch chung.

Quy hoạch chi tiết là việc phân chia và xác định chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị, yêu cầu quản lý kiến trúc, cảnh quan của từng lô đất; bố trí công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội nhằm cụ thể hóa nội dung của quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chung.

Trong các yêu cầu đối với quy hoạch đô thị thì bảo vệ môi trường là một yêu cầu quan trọng cần được các cơ quan, tổ chức, cá nhân tuân thủ khi tiến hành lập quy hoạch, thực hiện các hoạt động liên quan đến quy hoạch đô thị.

Lập quy hoạch bảo vệ môi trường đô thị có tác động rất lớn tới hiệu quả bảo vệ môi trường. Nếu làm tốt công tác này sẽ giúp ngăn ngừa, giảm thiểu rủi ro, bất lợi đối với môi trường, góp phần duy trì môi trường vốn có cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động cải tạo chất lượng môi trường. Ngược lại, nếu lập quy hoạch thiếu thận trọng, bất hợp lý thì tất yếu dẫn tới ô nhiễm, suy thoái môi trường, đồng thời rất khó khăn cho việc khôi phục, cải thiện môi trường.

Nội dung quy hoạch bảo vệ môi trường đô thị được xác định tại Điều 50 của Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, gồm các quy hoạch về đất đai cho xây dựng kết cấu hạ tầng bảo vệ môi trường và các hệ thống công trình kết cấu hạ tầng bảo vệ môi trường, cụ thể là:

- Hệ thống công trình thu gom, xử lý nước thải tập trung; hệ thống tiêu thoát nước mưa; hệ thống cơ sở thu gom, tập kết, xử lý, tái chế chất thải rắn. Khu quy hoạch đô thị cần xác định tổng lượng chất thải, vị trí, quy mô trạm trung chuyển, cơ sở xử lý chất thải rắn, công trình phụ trợ, khoảng cách ly vệ sinh của cơ sở xử lý chất thải rắn; xác định tổng lượng nước thải, vị trí và quy mô công trình thoát nước gồm mạng lưới tuyến ống thoát, nhà máy, trạm xử lý nước thải, khoảng cách ly vệ sinh và hành lang bảo vệ công trình thoát

nước thải đô thị [47]. Từ đó, các nhà quy hoạch mới có thể lập được đồ án quy hoạch đô thị đáp ứng tốt nhất yêu cầu bảo vệ môi trường đô thị.

- Hệ thống cấp nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất bao gồm các vấn đề về chất lượng nước cấp, vị trí, quy mô các công trình cấp nước gồm mạng lưới tuyến truyền tải và phân phối, nhà máy, trạm làm sạch, phạm vi bảo vệ nguồn nước và hành lang bảo vệ công trình cấp nước.

- Hệ thống công viên, khu vui chơi, giải trí, công trình vệ sinh công cộng. - Hệ thống cây xanh, vùng nước.

- Khu vực mai táng như địa điểm mai táng, tuyến vận chuyển đám tang, hệ thống cây xanh cách ly nghĩa trang, nghĩa địa.

Ngoài ra, còn cấm xây dựng mới cơ sở sản xuất kinh doanh tiềm ẩn nguy cơ lớn về ô nhiễm, sự cố môi trường trong đô thị.

Để cụ thể hóa việc thực thi các văn bản luật về quy hoạch bảo vệ môi trường đô thị, các văn bản quy pháp pháp luật dưới luật cũng đã được ban hành nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác quy hoạch bảo vệ môi trường đô thị, như: Chỉ thị số 23/2005/CT-TTg ngày 21/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác quản lý chất thải rắn tại các đô thị và khu công nghiệp; Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị; Thông tư số 20/2005/TT-BXD ngày 20/12/2005 của Bộ Xây dựng hướng dẫn quản lý cây xanh đô thị; Thông tư số 20/2009/TT-BXD ngày 30/6/2009 về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 20/2005/TT-BXD ngày 20/12/2005 của Bộ Xây dựng hướng dẫn quản lý cây xanh đô thị...

Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 23/2005/CT-TTg ngày 21/6/2005 về đẩy mạnh công tác quản lý chất thải rắn tại các đô thị và khu công nghiệp, trong đó quy định nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước là phải hoàn thành quy hoạch quản lý chất thải rắn cho các đô thị theo hướng

vùng, tỉnh, vùng liên tỉnh hay vùng đặc thù, trong đó ưu tiên quy hoạch các bãi chôn lấp chất thải rắn; xây dựng các công trình tái chế chất thải rắn.

Theo Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị, Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia quy hoạch, trồng, chăm sóc, ươm cây, bảo vệ cây xanh đô thị. Khi triển khai xây dựng khu đô thị mới, chủ đầu tư phải đảm bảo quỹ đất cây xanh; cây xanh được trồng phải đúng chủng loại, tiêu chuẩn cây trồng theo quy hoạch chi tiết khu đô thị mới đã được phê duyệt, đồng thời phải có trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ cây xanh đến khi bàn giao cho cơ quan quản lý theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

2.1.1.2. Các yêu cầu cơ bản của quy hoạch bảo vệ môi trường đô thị

Việc lập và thực hiện các nội dung của quy hoạch bảo vệ môi trường đô thị cần phải đảm bảo các yêu cầu sau đây:

Thứ nhất, quy hoạch bảo vệ môi trường đô thị phải là một nội dung của quy hoạch đô thị và phải được lồng ghép một cách hợp lý, có tính khả thi; góp phần hình thành một công cụ trong thực hiện công tác quản lý xây dựng đô thị và bảo vệ môi trường đô thị ngày càng thống nhất, đồng bộ và mang lại hiệu quả cao hơn.

Thứ hai, quy hoạch chung xây dựng đô thị phải đảm bảo xác định tổng mặt bằng sử dụng đất của đô thị theo quy mô dân số của từng giai đoạn quy hoạch, phân khu chức năng đô thị, bố trí tổng thể các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị… Quy hoạch chung đô thị phải được thiết kế theo quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, phải tận dụng địa hình, cây xanh, mặt nước và các điều kiện thiên nhiên nơi quy hoạch.

Thứ ba, quy hoạch chi tiết đô thị cần phải có các giải pháp thiết kế về hệ thống các công trình kỹ thuật đô thị, các biện pháp đảm bảo cảnh quan môi trường sinh thái và các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật có liên quan.

Để đảm bảo thực hiện tốt các yêu cầu của pháp luật về quy hoạch môi trường đô thị cần phải chú ý đến các yếu tố môi trường sau đây:

- Các yếu tố môi trường không gian chức năng đô thị bao gồm quy hoạch các không gian chức năng sản xuất trong đô thị như khu công nghiệp, nhà máy sản xuất…; quy hoạch các không gian chức năng ở trong đô thị như các khu phố cổ, khu cũ, khu nhà cấp IV… trên quan điểm bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái đô thị và phát triển bền vững đô thị.

- Các yếu tố môi trường cơ sở hạ tầng xã hội đô thị. Lồng ghép các yếu tố này bao gồm việc nghiên cứu: quy hoạch các không gian chức năng thương mại, kinh doanh; quy hoạch các không gian chức năng vui chơi, giải trí, sinh hoạt; quy hoạch các không gian chức năng quản lý hành chính, điều hành đô thị, tỉnh, vùng hay quốc gia (nếu có); quy hoạch các không gian chức năng giáo dục đào tạo; quy hoạch các không gian về kiến trúc đình chùa, di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, bảo tồn, bảo tàng; quy hoạch môi trường các không gian cảnh quan đô thị như cây xanh, thảm cỏ, mặt nước, hồ, sông, suối, độ dốc địa hình trong đô thị trên quan điểm bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái đô thị và phát triển đô thị bền vững[36]. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

- Các yếu tố môi trường hạ tầng kỹ thuật đô thị bao gồm: Nghiên cứu quy hoạch hệ thống giao thông đô thị, tỉnh, vùng hay quốc gia xuyên qua đô thị (nếu có) trong đô thị; quy hoạch hệ thống cấp nước đô thị liên quan đến tỉnh, vùng hay quốc gia; quy hoạch hệ thống thoát nước mưa, nước bẩn đô thị liên quan đến tỉnh, vùng hay quốc gia; quy hoạch hệ thống phân loại, thu gom và vận chuyển chất thải rắn đô thị; quy hoạch hệ thống nghĩa trang, nghĩa địa đô thị trên quan điểm bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái và phát triển đô thị bền vững.

Tóm lại, lồng ghép vấn đề bảo vệ môi trường vào quy hoạch đô thị là một trong những giải pháp cần thiết trong việc bảo vệ môi trường đô thị. Hoạt

động này không chỉ góp phần ngăn ngừa và giảm thiểu những tác động bất lợi cho môi trường từ những hoạt động của con người trong các đô thị mà còn có thể tận dụng được những lợi thế của môi trường tự nhiên trong việc đảm bảo yêu cầu mỹ quan đô thị.

Vì thế, trong các đồ án quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị, cần phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược. Đó là việc phân tích, dự báo các tác động đến môi trường của đồ án quy hoạch xây dựng trước khi phê duyệt nhằm đưa ra phương án tối ưu của đồ án quy hoạch xây dựng đảm bảo phát triển bền vững. Việc đánh giá môi trường chiến lược trong các đồ án quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị, bao gồm đồ án quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn và quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật được hướng dẫn cụ thể tại Thông tư số 01/2011/TT-BXD ngày 27/01/2011 của Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn đánh giá môi trường chiến lược trong đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.

Một phần của tài liệu Pháp luật về bảo vệ môi trường đô thị - thực tiễn tại địa bàn Thành phố Hà Nội Luận văn ThS. Luật (Trang 39)