2.1.3.1. Tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường đô thị
Lần đầu tiên trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, Nhà nước có quy định khuyến khích cộng đồng dân cư thành lập tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường nơi mình sinh sống, nhằm đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường đô thị.
Tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường được thành lập và hoạt động dựa trên nguyên tắc tự nguyện, cộng đồng trách nhiệm, tuân theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Điều 54 Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 thì các tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường có các trách nhiệm sau đây:
- Kiểm tra, đôn đốc các hộ gia đình, cá nhân thực hiện quy định về giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường.
- Tổ chức thu gom, tập kết và xử lý rác thải, chất thải.
- Giữ gìn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khu phố, nơi công cộng.
- Xây dựng và tổ chức thực hiện hương ước về bảo vệ môi trường; tuyên truyền, vận động nhân dân xoá bỏ các hủ tục, thói quen mất vệ sinh, có hại cho môi trường.
- Tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn.
Nếu các tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường thực hiện tốt các nhiệm vụ của mình thì sẽ góp phần làm giảm các tác hại đối với môi trường, bảo vệ, giữ gìn cảnh quan môi trường.
Cùng với các quy định trên thì pháp luật còn quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc quy định về hoạt động và tạo điều kiện để tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường hoạt động có hiệu quả. Điều đó càng cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của Nhà nước trong xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, một trong những biện pháp hữu hiệu bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường đô thị nói riêng.
2.1.3.2. Các quy định về quy chuẩn kỹ thuật môi trường trong bảo vệ môi trường đô thị
Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật năm 2006, quy chuẩn kỹ thuật là quy định về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý mà sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế - xã hội phải tuân thủ để bảo đảm an toàn, vệ sinh, sức khoẻ con người; bảo vệ động vật, thực vật, môi trường; bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, quyền lợi của người tiêu dùng và các yêu cầu thiết yếu khác.
Quy chuẩn kỹ thuật môi trường là công cụ pháp lý rất quan trọng được sử dụng phổ biến trong quản lý môi trường, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Quy chuẩn kỹ thuật môi trường quy định về mức, chỉ tiêu, yêu cầu về chất lượng môi trường xung quanh, về chất thải (khoản 3 Điều 38 Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật năm 2006).
Căn cứ quy định tại Điều 10 Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, trong bảo vệ môi trường đô thị, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng môi trường xung quanh bao gồm: Nhóm quy chuẩn kỹ thuật môi trường nước mặt và nước dưới đất phục vụ cho các mục đích về cung cấp nước uống, sinh hoạt, công nghiệp; nhóm quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với không khí ở vùng đô thị; nhóm quy chuẩn kỹ thuật về âm thanh, ánh sáng, bức xạ trong khu vực dân cư, nơi công cộng. Còn quy chuẩn kỹ thuật về chất thải bao gồm: Nhóm quy chuẩn kỹ thuật về nước thải công nghiệp, dịch vụ, nước thải sinh hoạt; nhóm quy chuẩn kỹ thuật về khí thải công nghiệp, khí thải từ các thiết bị dùng để xử lý, tiêu hủy chất thải sinh hoạt, công nghiệp, y tế và từ hình thức xử lý khác đối với chất thải; nhóm quy chuẩn kỹ thuật về khí thải đối với phương tiện giao thông, máy móc, thiết bị chuyên dụng; nhóm quy chuẩn kỹ thuật về chất thải nguy hại; nhóm quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn, độ rung đối với phương tiện giao thông, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, hoạt động xây dựng.
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan có trách nhiệm tổ chức xây dựng và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường trong lĩnh vực môi trường nói chung và vấn đề bảo vệ môi trường đô thị nói riêng. Bộ Tài nguyên và Môi trường còn có trách nhiệm rà soát, chuyển đổi các tiêu chuẩn quốc gia về chất lượng môi trường xung quanh và tiêu chuẩn quốc gia về chất thải đã ban hành trước ngày 01/01/2007 thành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng môi trường xung quanh và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải [23]. Việc chuyển đổi này được thực hiện theo quy định tại Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật năm 2006 và các văn bản hướng dẫn như Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Nghị định số 67/2009/NĐ-CP ngày 03/8/2009 của Chính phủ sửa đổi một số điều của Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 của Chính phủ...
Một số quy chuẩn kỹ thuật môi trường trong bảo vệ môi trường đô thị đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành là:
QCVN 02: 2008/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải lò đốt chất thải rắn y tế(ban hành kèm theo Quyết định số 04/2008/QĐ-BTNMT ngày 18/7/2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường). Quy chuẩn này quy định giá trị tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm trong khí thải lò đốt chất thải rắn y tế.
QCVN 03: 2008/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giới hạn cho phép của kim loại nặng trong đất (ban hành kèm theo Quyết định số 04/2008/QĐ-BTNMT ngày 18/7/2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường).
Quy chuẩn này quy định mức giới hạn hàm lượng tổng số của một số kim loại nặng: Asen (As), Cadimi (Cd), Đồng (Cu), Chì (Pb) và Kẽm (Zn) trong tầng đất mặt theo mục đích sử dụng đất, trong đó có đất dân sinh là vùng đất thuộc nhóm đất phi nông nghiệp, sử dụng chủ yếu làm khu dân cư, nơi vui chơi giải trí, các công viên, vùng đệm trong các khu dân cư [3].
QCVN 08: 2008/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt (ban hành kèm theo Quyết định số 16/2008/QĐ-BTNMT ngày 31/12/2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường). Quy chuẩn này quy định giá trị giới hạn các thông số chất lượng nước mặt, đó là nước chảy qua hoặc đọng lại trên mặt đất, suối, kênh, mương, khe, rạch, hồ, ao, đầm…
QCVN 09: 2008/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ngầm (ban hành kèm theo Quyết định số 16/2008/QĐ-BTNMT ngày 31/12/2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường). Quy chuẩn này quy định giá trị giới hạn các thông số chất lượng nước ngầm (nước nằm trong các lớp đất, đá ở dưới mặt đất); áp dụng để đánh giá và giám sát chất lượng nguồn nước ngầm, làm căn cứ để định hướng cho các mục đích sử dụng nước khác nhau [4].
QCVN 14: 2008/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sinh hoạt (ban hành kèm theo Quyết định số 16/2008/QĐ-BTNMT ngày 31/12/2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường). Quy chuẩn này quy định giá trị tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm trong nước thải sinh hoạt khi thải ra môi trường.
QCVN 05: 2009/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh (ban hànhkèm theo Thông tư số 16/2009/TT-BTNMT ngày 07/10/2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường). Quy chuẩn này quy định giá trị giới hạn các thông số cơ bản, gồm lưu huỳnh đioxit (SO2), cacbon (CO), nitơ oxit (NOx), ôzôn (O3), bụi lơ lửng, bụi PM10 (bụi ≤ 10µm) và chì (Pb) trong không khí xung quanh. Quy chuẩn này áp dụng để đánh giá chất lượng không khí xung quanh và giám sát tình trạng ô nhiễm không khí [5].
QCVN 06: 2009/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về một số chất độc hại trong không khí xung quanh (ban hành kèm theo Thông tư số 16/2009/TT-BTNMT ngày 07/10/2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường). Quy chuẩn này quy định nồng độ tối đa cho phép của một số chất độc hại trong không khí xung quanh.
QCVN 07: 2009/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng chất thải nguy hại (ban hành kèm theo Thông tư số 25/2009/TT-BTNMT ngày 16/11/2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường). Quy chuẩn này quy định ngưỡng chất thải nguy hại đối với các chất thải và hỗn hợp của các chất thải (trừ chất thải phóng xạ, chất thải ở thể khí và hơi) có tên tương ứng trong Danh mục chất thải nguy hại do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành. Quy chuẩn này áp dụng đối với: các tổ chức, cá nhân phát sinh chất thải; các đơn vị có hoạt động thu gom, vận chuyển, lưu giữ, xử lý, tiêu huỷ, chôn lấp chất thải; các cơ quan quản lý nhà nước; đơn vị lấy mẫu, phân tích và các tổ chức, cá nhân khác có hoạt động liên quan đến chất thải [6].
QCVN 25: 2009/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải của bãi chôn lấp chất thải rắn (ban hành kèm theo Thông tư số 25/2009/TT- BTNMT ngày 16/11/2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường). Quy chuẩn này quy định nồng độ tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm trong nước thải của bãi chôn lấp chất thải rắn khi xả vào nguồn tiếp nhận.
QCVN 26: 2010/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn (ban hành kèm theo Thông tư số 39/2010/TT-BTNMT ngày 16/12/2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường). Quy chuẩn này quy định giới hạn tối đa các mức tiếng ồn tại các khu vực có con người sinh sống, hoạt động và làm việc.
QCVN 27: 2010/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về độ rung (ban hành kèm theo Thông tư số 39/2010/TT-BTNMT ngày 16/12/2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường). Quy chuẩn này quy định giới hạn tối đa cho phép mức gia tốc rung tại các khu vực có con người sinh sống, hoạt động và làm việc.
QCVN 28: 2010/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải y tế (ban hành kèm theo Thông tư số 39/2010/TT-BTNMT ngày 16/12/2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường). Quy chuẩn này quy định giới hạn tối đa cho phép của các thông số và các chất gây ô nhiễm trong nước thải y tế của các cơ sở khám, chữa bệnh. Quy chuẩn này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động thải nước thải y tế ra môi trường.
QCVN 40: 2011/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp (ban hành kèm theo Thông tư số 47/2011/TT-BTNMT ngày 28/12/2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường). Quy chuẩn này quy định giá trị tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm trong nước thải công nghiệp khi xả ra nguồn tiếp nhận nước thải.
Bên cạnh các quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành, trong bảo vệ môi trường đô thị còn có các quy chuẩn kỹ thuật do Bộ Xây dựng ban hành, đó là Quy chuẩn xây dựng Việt Nam QCXDVN 01: 2008/BXD do Bộ Xây dựng ban hành theo Quyết định số 04/2008/QĐ-BXD ngày 03/4/2008. Quy chuẩn này là những quy định bắt buộc phải tuân thủ trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt các đồ án quy hoạch xây dựng; là cơ sở pháp lý để quản lý việc ban hành, áp dụng các tiêu chuẩn quy hoạch xây dựng và các quy định về quản lý xây dựng theo quy hoạch tại địa phương; trong đó có nội dung về quy hoạch bảo vệ môi trường đô thị [12].
2.1.3.3. Xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường đô thị
Theo quy định tại Điều 127 Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 thì mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường đô thị nói riêng đều bị xử lý theo quy định của pháp luật. Theo đó, người vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đô thị thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý bằng biện pháp hình sự, dân sự, hành chính hay kỷ luật.
* Biện pháp hình sự:
Đây là biện pháp nghiêm khắc nhất mà Nhà nước áp dụng đối với các cá nhân có các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường đô thị.
Biện pháp hình sự được áp dụng đối với các cá nhân có các hành vi vi phạm pháp luật môi trường gây hậu quả nghiêm trọng, có đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009; hoặc trong trường hợp người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật môi trường đã bị xử lý bằng biện pháp hành chính nhưng họ vẫn tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đó thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bộ luật hình sự hiện hành chưa có quy định riêng về những hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường đô thị, song có thể áp dụng các điều luật tại Chương VII Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định các tội phạm về môi trường, đó là: Điều 182 - Tội gây ô nhiễm môi trường; Điều 182a - Tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại; Điều 182b - Tội vi phạm quy định về phòng ngừa sự cố môi trường; Điều 185 - Tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam; Điều 186 - Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người; Điều 187 - Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật. Theo đó, khung hình phạt cao nhất áp dụng đối với các tội phạm về môi trường đô thị là 10 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.
* Biện pháp hành chính:
Biện pháp hành chính được áp dụng khi các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường đô thị gây hậu quả lớn nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự.
Các hành vi vi phạm về pháp luật bảo vệ môi trường đô thị là một bộ phận của vi phạm pháp luật môi trường nói chung. Theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 117/2009/NĐ-CP ngày 31/12/2009 của Chính phủ về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, vi phạm hành chính trong bảo vệ môi trường đô thị có thể kể đến là: Các hành vi vi phạm các quy định về lập, thực hiện cam kết bảo vệ môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường; các hành vi gây ô nhiễm môi trường đô thị; các hành vi vi phạm các quy định về quản lý chất thải; các hành vi vi phạm các quy định về thực hiện phòng, chống, khắc phục ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường và các hành vi vi phạm các quy định khác về bảo vệ môi trường đô thị.
Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đô thị, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong hai hình thức xử phạt chính là cảnh cáo và phạt tiền. Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đô thị là 500.000.000 đồng [24].
Bên cạnh các hình thức xử phạt chính thì theo quy định tại khoản 2