Nam hiện nay
Thứ nhất, mặc dù bảo vệ môi trường nói chung cũng như bảo vệ môi trường đô thị nói riêng là vấn đề khá mới, nhưng các văn bản pháp luật được ban hành ngày càng hoàn thiện hơn, bước đầu đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đô thị, nâng cao nhận thức của cơ quan nhà nước, tổ chức, công dân đối với vấn đề bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường đô thị nói riêng.
Nếu như Luật Bảo vệ môi trường năm 1993 chưa đề cập lĩnh vực bảo vệ môi trường đô thị thì đến Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, các nhà lập pháp đã đưa bảo vệ môi trường đô thị vào một chương của Luật này (Chương VI). Từ đó, các văn bản dưới luật được ban hành đã phần nào điều chỉnh đến vấn đề bảo vệ môi trường đô thị.
Thứ hai, các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đô thị còn nằm rải rác, thiếu sự tập trung, thống nhất.
Như đã nói ở trên, vấn đề bảo vệ môi trường đô thị mới được điều chỉnh tại Chương VI Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 (có 5 điều), bao gồm những quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường đô thị (Điều 50), yêu cầu bảo vệ môi trường đối với đô thị (Điều 51), bảo vệ môi trường nơi công cộng (Điều 52), yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với hộ gia đình (Điều 53) và tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường (Điều 54). Còn các nội dung khác của bảo vệ môi trường đô thị lại được điều chỉnh ở các văn bản khác như Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và các văn bản hướng dẫn…
Thứ ba, các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường đô thị vẫn tồn tại những quy định mâu thuẫn nhau, ví dụ như:
Quy định về lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 quy định cơ quan thẩm định quy hoạch đô thị chủ trì phối hợp với cơ quan quản lý về môi trường thẩm định Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược. Thế nhưng, Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 lại quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược do Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức hội đồng thẩm định đánh giá môi trường chiến lược với dự án thuộc quyền phê duyệt của mình; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thẩm định đối với dự án thuộc quyền quyết định của mình và Hội đồng nhân dân cùng cấp. Như vậy, sẽ gây khó khăn cho việc triển khai việc lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược trong quy hoạch đô thị.
Thứ tư, một số vấn đề môi trường đô thị chưa được điều chỉnh đúng mức, thiếu tính khả thi, thậm chí có những quan hệ xã hội về bảo vệ môi trường đô thị chưa được pháp luật điều chỉnh.
Pháp luật về quy hoạch bảo vệ môi trường đô thị còn nhiều hạn chế như các quy định về quy hoạch đô thị chỉ nặng về kỹ thuật mà thiếu yếu tố quy hoạch không gian kiến trúc, chưa có sự kết hợp đồng bộ giữa các ngành liên
quan, các nhà lập pháp ít quan tâm đến các quan điểm của các nhà khoa học và quản lý môi trường hoặc chỉ quan tâm một cách hình thức, các quy định cũng chỉ mang tính chung chung chưa có hướng dẫn cụ thể. Ví dụ, đối với quy hoạch khu dân cư thì không có quy định về quy hoạch công trình giao thông, điện nước, nhà giữ xe, công viên, cây xanh, câu lạc bộ…
Trên thực tế, công tác lồng ghép các nội dung quy hoạch về bảo vệ môi trường trong quy hoạch vùng, quy hoạch chung đô thị còn rất yếu kém vì chưa có các văn bản pháp quy để thực hiện yêu cầu này.
Hệ thống quy chuẩn kỹ thuật về môi trường còn chưa đầy đủ. Hiện chưa có đủ quy chuẩn kỹ thuật về môi trường cho lĩnh vực tái chế chất thải, xử lý chất thải. Một số quy chuẩn đã ban hành chưa đảm bảo tính khoa học cao, do đó tính khả thi không cao, dẫn đến những khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường nói chung, bảo vệ môi trường đô thị nói riêng. Mặt khác, lộ trình chuyển đổi các tiêu chuẩn môi trường sang quy chuẩn môi trường theo quy định hiện nay là chưa phù hợp.
Chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường đô thị nói riêng còn hạn chế. Các quy định về tội phạm hình sự còn khó thực thi do chưa có những hướng dẫn cụ thể cũng như chưa có cơ chế xác định rõ chủ thể thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Đã có quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường và quy định về xác định thiệt hại, giải quyết bồi thường thiệt hại, trách nhiệm bồi thường thiệt hại, nhưng những quy định về xác định thiệt hại về môi trường còn chưa đầy đủ (ví dụ như chưa có văn bản xác định mức độ ô nhiễm môi trường không khí do hoạt động sản xuất công nghiệp…); chưa có cơ chế khiếu kiện tập thể đối với vấn đề bồi thường thiệt hại.
Một số nội dung liên quan đến triển khai các công cụ kinh tế trong quản lý môi trường vẫn chưa được đề cập đến như kiểm toán môi trường; các quy
định cụ thể để khuyến khích việc áp dụng hệ thống quản lý môi trường (ISO 14000); các quy định hướng dẫn sử dụng cơ chế cô-ta phát thải và hình thành thị trường chuyển nhượng cô-ta phát thải…
Hầu hết các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường đô thị đã đề cập đến sự tham gia của cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường, tuy nhiên, mới chỉ đề cập về mặt chủ trương mà chưa có các quy định chi tiết, chưa có cơ chế cụ thể để huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng trong bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, các quy định của pháp luật mới chỉ là quy định khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động bảo vệ môi trường mà chưa có chế tài kiểm soát đối với việc cản trở cộng đồng tham gia hoạt động quản lý môi trường.
Thứ năm, việc thực thi pháp luật về môi trường đô thị trên thực tế lại kém hiệu quả. Điều này sẽ đề cập, phân tích trong các nội dung tiếp theo của luận văn.
2.2. Thực tiễn thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường đô thị tại địa bàn thành phố Hà Nội
Thời gian qua, việc thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường đô thị tại Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng cũng còn tồn tại một số hạn chế, yếu kém, mà tiêu biểu là thực tiễn tại địa bàn thành phố Hà Nội.