đối với đô thị, bảo vệ môi trường nơi công cộng và bảo vệ môi trường đối với các hộ gia đình tại đô thị
Bảo vệ môi trường là yêu cầu chung, tất yếu của tất cả các ngành, lĩnh vực, với mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân. Riêng đối với bảo vệ môi trường đô thị, pháp luật đã quy định các yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với đô thị, yêu cầu bảo vệ môi trường nơi công cộng và yêu cầu bảo vệ môi trường đối với các hộ gia đình tại đô thị.
2.1.2.1. Các yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với đô thị
Theo quy định của pháp luật hiện hành, đô thị phải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường sau đây:
Thứ nhất, có kết cấu hạ tầng về bảo vệ môi trường phù hợp với quy hoạch đô thị, khu dân cư tập trung đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Đây là một yêu cầu quan trọng, có tính bắt buộc bởi kết cấu hạ tầng về bảo vệ môi trường giữ vai trò quyết định tới hiệu quả của công tác bảo vệ môi trường đô thị.
Như đã phân tích ở trên, quy hoạch bảo vệ môi trường là một nội dung của quy hoạch đô thị, bởi vậy kết cấu hạ tầng về bảo vệ môi trường đô thị cần phải phù hợp với quy hoạch đô thị đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Theo đó, các đô thị đều phải có hệ thống công trình thu gom, xử lý nước thải tập trung; hệ thống tiêu thoát nước mưa; hệ thống cơ sở thu gom, tập kết, xử lý, tái chế chất thải rắn; hệ thống cấp nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất; hệ thống công viên, khu vui chơi, giải trí, công trình vệ sinh công cộng; hệ thống cây xanh, vùng nước và khu vực mai táng được xây dựng đảm bảo tuân theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt.
Thứ hai, có thiết bị, phương tiện thu gom, tập trung chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với khối lượng, chủng loại chất thải và đủ khả năng tiếp nhận chất thải đã được phân loại tại nguồn từ các hộ gia đình trong khu dân cư.
Lượng chất thải rắn sinh hoạt tại các đô thị ở nước ta đang có xu thế phát sinh ngày càng tăng. Tổng lượng phát sinh chất thải rắn sinh hoạt tại các đô thị loại III trở lên và một số đô thị loại IV là các trung tâm văn hóa, xã hội, kinh tế của các tỉnh thành trên cả nước lên đến 6,5 triệu tấn/năm. Đô thị có lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh lớn nhất là Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 5.500 tấn/ngày, Hà Nội khoảng 2.500 tấn/ngày. Theo Dự báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến năm 2015, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ các đô thị ước tính khoảng 37 nghìn tấn/ngày và năm 2020 là 59 nghìn tấn/ngày, cao gấp 2 - 3 lần hiện nay [62].
Bởi vậy, yêu cầu này được đặt ra trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại đô thị là thực sự cần thiết. Nếu được đảm bảo thực hiện tốt thì các vấn đề ô nhiễm môi trường phát sinh từ chất thải rắn sinh hoạt sẽ được ngăn ngừa và giảm thiểu, góp phần đảm bảo cho con người được sống trong môi trường trong lành, sạch đẹp.
Ngày 10/7/1999, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Chiến lược quản lý chất thải rắn tại các đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2020" tại Quyết định số 152/1999/QĐ-TTg. Qua quá trình thực hiện, công tác quản lý chất thải rắn đô thị và khu công nghiệp đã từng bước đi vào nề nếp, tình hình môi trường đô thị dần được cải thiện. Tuy nhiên, trước những yêu cầu, thách thức thực tế là quy mô dân số đô thị ở nước ta ngày càng tăng, đời sống người dân được nâng cao, công nghiệp hóa phát triển mạnh làm phát sinh càng nhiều chất thải rắn, trong đó có các chất thải rắn sinh hoạt, vì vậy Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Chỉ thị số 23/2005/CT-TTg ngày 21/6/2005 về đẩy mạnh công tác quản lý chất thải rắn tại các đô thị và khu công nghiệp nhằm thực hiện thành công Chiến lược quản lý chất thải rắn tại các đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2020.
Thứ ba, bảo đảm các yêu cầu về cảnh quan đô thị, vệ sinh môi trường.
Một là, yêu cầu về cảnh quan đô thị. Cảnh quan đô thị là không gian cụ thể có nhiều hướng quan sát ở trong đô thị như không gian trước tổ hợp kiến trúc, quảng trường, đường phố, hè, đường đi bộ, công viên, thảm thực vật, vườn cây, vườn hoa, đồi, núi, gò đất, đảo, cù lao, triền đất tự nhiên, dải đất ven bờ biển, mặt hồ, mặt sông, kênh, rạch trong đô thị và không gian sử dụng chung thuộc đô thị [28].
Theo quy định tại Nghị định số 38/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, các yêu cầu chung về cảnh quan đô thị được đặt ra là:
- Cảnh quan đô thị do chính quyền đô thị trực tiếp quản lý. Chủ sở hữu các công trình kiến trúc, cảnh quan đô thị có trách nhiệm bảo vệ, duy trì trong quá trình khai thác, sử dụng.
- Việc xây dựng, cải tạo, chỉnh trang các công trình kiến trúc tại các khu vực cảnh quan trong đô thị đã được chính quyền đô thị xác định quản lý cần hạn chế tối đa việc làm thay đổi địa hình và bảo đảm sự phát triển bền vững của môi trường tự nhiên.
- Đối với những khu vực có cảnh quan gắn với di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, khu vực bảo tồn, chính quyền đô thị phải căn cứ Luật Di sản văn hóa và các quy định hiện hành, phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức nghiên cứu, đánh giá về giá trị trước khi đề xuất giải pháp bảo tồn và khai thác phù hợp.
Bên cạnh đó, Nghị định còn quy định cụ thể về yêu cầu đối với cảnh quan công viên, cây xanh; cảnh quan tự nhiên; công trình cấp, thoát nước, vệ sinh đô thị; công trình giao thông trong đô thị; các không gian khác trong đô thị... nhằm góp phần bảo vệ, giữ gìn cảnh quan đô thị.
Hai là, yêu cầu về vệ sinh môi trường tại đô thị. Yêu cầu này được đặt ra trong sinh hoạt hàng ngày cũng như trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của con người tại đô thị. Do vậy, vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường được quy định tại nhiều văn bản khác nhau, có thể là văn bản luật hay văn bản dưới luật thể hiện bằng quy định của các chính quyền đô thị trong hoạt động quản lý đô thị của mình. Theo đó, yêu cầu đảm bảo vệ sinh môi trường tại đô thị có thể kể đến như “tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh ở nơi công cộng; đổ, bỏ rác vào thùng chứa rác công cộng hoặc đúng nơi quy định tập trung rác thải” [44], cấm thực hiện các hành vi vứt rác ra nơi công cộng, ao, hồ...
Như vậy, các yêu cầu bảo vệ môi trường đối với đô thị là rất quan trọng, cần phải được tuân thủ nghiêm ngặt. Khi xây dựng mới các khu dân cư tập trung, khu chung cư; chủ đầu tư phải thực hiện đầy đủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường nêu trên thì mới được bàn giao đưa vào sử dụng.
2.1.2.2. Yêu cầu về bảo vệ môi trường nơi công cộng
Nơi công cộng là nơi thường tập trung dân cư đông đúc với nhiều hoạt động khác nhau như đường phố, quảng trường, công viên, nhà ga, bến xe… Các hoạt động của con người tại nơi công cộng gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, cảnh quan đô thị; trong khi đó ý thức bảo vệ môi trường tại nơi công cộng của người dân còn thấp. Bởi vậy, pháp luật đã quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ môi trường nơi công cộng của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư tại Điều 52 Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, như sau:
Thứ nhất, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh ở nơi công cộng; đổ, bỏ rác vào thùng chứa rác công cộng hoặc đúng nơi quy định tập trung rác thải; không để vật nuôi gây mất vệ sinh nơi công cộng.
Thứ hai, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư quản lý công viên, khu vui chơi, giải trí, khu du lịch, chợ, nhà ga, bến xe, bến tàu, bến cảng, bến phà và khu vực công cộng khác có trách nhiệm: Niêm yết quy định về giữ gìn vệ sinh ở nơi công cộng; bố trí đủ công trình vệ sinh công cộng; phương tiện, thiết bị thu gom chất thải đáp ứng nhu cầu giữ gìn vệ sinh môi trường; Có đủ lực lượng thu gom chất thải, làm vệ sinh môi trường trong phạm vi quản lý.
Đồng thời, pháp luật còn quy định trách nhiệm xử lý các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường ở nơi công cộng của Ủy ban nhân dân các cấp, lực lượng công an, đơn vị quản lý trật tự công cộng. Những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, quy định giữ gìn vệ sinh môi trường nơi công cộng bị xử lý bằng các biện pháp: Phạt tiền; buộc lao động vệ sinh môi trường
có thời hạn ở nơi công cộng; tạm giữ phương tiện có liên quan gây ra ô nhiễm môi trường [44]. Những quy định này rất có ý nghĩa đối với việc nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường nơi công cộng.
2.1.2.3. Yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với các hộ gia đình
Bên cạnh quy định về yêu cầu bảo vệ môi trường tại nơi công cộng, pháp luật về bảo vệ môi trường đô thị còn quy định yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với các hộ gia đình tại đô thị. Theo quy định tại Điều 53 Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, hộ gia đình có trách nhiệm thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường sau đây:
- Thu gom và chuyển chất thải sinh hoạt đến đúng nơi do tổ chức giữ gìn vệ sinh môi trường tại địa bàn quy định; xả nước thải vào hệ thống thu gom nước thải.
- Không được phát tán khí thải, gây tiếng ồn và tác nhân khác vượt quá tiêu chuẩn môi trường gây ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt của cộng đồng dân cư xung quanh.
- Nộp đủ và đúng thời hạn các loại phí bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Các hộ gia đình tại đô thị có thể phải nộp các khoản phí như phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn theo các văn bản pháp luật do Nhà nước ban hành là Nghị định số 67/2003/NĐ-CP ngày 13/6/2003 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải; Nghị định số 04/2007/NĐ-CP ngày 08/01/2007 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67/2003/NĐ-CP; Nghị định số 174/2007/NĐ-CP ngày 29/11/2007 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn. Nếu các quy định về mức phí phù hợp thì có thể tác động đến ý thức của các gia đình về việc giảm lượng nước thải, chất thải sinh hoạt, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường đô thị.
- Tham gia hoạt động vệ sinh môi trường khu phố, đường làng, ngõ xóm, nơi công cộng và hoạt động tự quản về bảo vệ môi trường của cộng đồng dân cư.
- Có công trình vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm bảo đảm vệ sinh, an toàn đối với khu vực sinh hoạt của con người.
- Thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường trong hương ước, bản cam kết bảo vệ môi trường.
Thực hiện tốt các quy định về bảo vệ môi trường nêu trên là một trong những tiêu chí để xếp loại gia đình văn hóa hiện nay.