pháp luật của Nhà nước về các vấn đề xã hội, bảo đảm công bằng xã hội
Quán triệt sâu sắc chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác xoá đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, bảo đảm công bằng xã hội và các chính sách xã hội khác; quan điểm xây dựng Nhà nước xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân... Thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân, giữ nghiêm kỷ cương xã hội; tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Đảng và Nhà nước ta quan điểm trước sau như một là tôn trọng quyền bình đẳng giữa các dân tộc, phấn đấu cho sự bình đẳng đó được thực hiện sinh động trên thực tế, không ngừng củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc trong mọi thời kỳ của cách mạng. Tất cả các dân tộc đều bình đẳng, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau không ngừng phát triển và phát huy bản sắc độc đáo của dân tộc Việt Nam. Trợ giúp pháp lý miễn phí là một trong những chủ trương xoá đói, giảm nghèo, đền ơn, đáp nghĩa, thực hiện công bằng xã hội của Đảng
và Nhà nước ta. Vấn đề "xoá đói giảm nghèo" không chỉ bó hẹp ở khía cạnh kinh tế vật chất mà còn phải quan tâm đến sự hiểu biết về văn hoá tinh thần và về pháp luật cho mỗi người dân. Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xoá đói giảm nghèo là chương trình hành động thực hiện định hướng tăng trưởng kinh tế và xoá đói giảm nghèo, kết hợp hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội. Trong tổng thể chính sách xóa đói giảm nghèo đó, việc nâng cao hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý phải đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với việc giải quyết các chính sách, các vấn đề xã hội khác. Hoàn thiện khuôn khổ của pháp luật, tăng cường trợ giúp pháp lý và khả năng tiếp cận pháp lý của người nghèo. Mở rộng mạng lưới trợ giúp pháp lý cho người nghèo ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa được tiếp cận thuận lợi, tiếp tục thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Trợ giúp pháp lý là một trong những cơ chế, chính sách hướng tới đối tượng là những người yếu thế trong xã hội mà việc bảo vệ quyền và lợi ích của họ là trách nhiệm của nhà nước. Hoạt động trợ giúp pháp lý không thể đến được với những người dân nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, miền núi nếu không có phương thức trợ giúp pháp lý phù hợp, tổ chức trợ giúp pháp lý không chủ động tìm đến người dân. Việc phát triển trợ giúp pháp lý phải nhằm bảo đảm mọi người dân đều có thể tiếp cận được với hoạt động trợ giúp pháp lý một cách thuận lợi, dễ dàng. Mục tiêu đặt ra đối với trợ giúp pháp lý trong thời gian tới phải bao gồm cả lượng và chất. Nếu trước đây, giai đoạn mới ra đời việc mở rộng hoạt động được quan tâm chú trọng nhiều hơn, đến nay nhiệm vụ đặt ra là nâng cao hiệu quả, khẳng định chất lượng của trợ giúp pháp lý.