Theo Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành, hệ thống tổ chức trợ giúp pháp lý ở Việt Nam hiện nay bao gồm: ở Trung ương có Cục Trợ giúp pháp lý thuộc Bộ Tư pháp; ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước thuộc Sở Tư pháp. Ở cấp huyện có các Chi nhánh Trợ giúp pháp lý của Trung tâm và cấp xã có các Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý. Ngoài mạng lưới trợ giúp pháp lý của nhà nước như nêu trên còn có các tổ chức khác tham gia trợ giúp pháp lý bao gồm: Tổ chức hành nghề luật sư (Văn phòng luật sư, Công ty luật theo quy định của pháp luật về luật sư) và tổ chức tư vấn pháp luật thuộc tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.
2.2.1.1. Về Trung tâm Trợ giúp pháp lý và Chi nhánh của Trung tâm
Theo Luật Trợ giúp pháp lý, “Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định thành lập. Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Tư pháp, có tư cách pháp nhân, có con dấu, trụ sở và tài khoản riêng” [34, tr.4]. Trung tâm có quyền và nghĩa vụ như:
Thực hiện trợ giúp pháp lý; quản lý, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng trợ giúp pháp lý cho Chi nhánh, hướng dẫn hoạt động đối với Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý và các hoạt động nghiệp vụ khác; đề nghị cơ quan, tổ chức hữu quan phối hợp, cung cấp thông tin, tài liệu về vụ việc trợ giúp pháp lý; bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra trong khi thực hiện trợ giúp pháp lý; thực hiện chế độ báo cáo, thống kê về trợ giúp pháp lý; giải quyết khiếu nại theo quy định. Giải quyết tranh chấp trong trợ giúp pháp lý; kiến nghị về những vấn đề liên quan đến thi hành pháp luật;
Chi nhánh của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước là đơn vị phụ thuộc của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước. Trung tâm
Trợ giúp pháp lý nhà nước chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của Chi nhánh [45, tr.4].
Căn cứ các quyết định: Quyết định số 452/ QĐ-UB ngày 23/3/1999 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc thành lập Trung tâm Trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và đối tượng chính sách thuộc Sở Tư pháp Thanh Hoá; Quyết định số 2098/QĐ-UB ngày 15/7/2008 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc đổi tên Trung tâm Trợ giúp pháp lý Thanh Hóa thành Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Thanh Hóa; Quyết định số 1588/QĐ-UB ngày 28/5/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc kiện toàn Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước và quy hoạch mạng lưới Chi nhánh thuộc Trung tâm đến năm 2015; đến nay, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Thanh Hóa và các Chi nhánh của Trung tâm đã được thành lập, kiện toàn và đi vào hoạt động được hơn 15 năm.
Cụ thể, về cơ cấu tổ chức bộ máy và biên chế Trung tâm đã được củng cố và kiện toàn như sau:
- Về lãnh đạo, Trung tâm có Giám đốc và 02 phó Giám đốc.
- Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ bao gồm: Phòng Hành chính - Tổng hợp; Phòng Pháp luật Hình sự-Hành chính; Phòng Pháp luật Dân sự và đất đai; Phòng Pháp luật Lao động và xã hội.
- Có 08 Chi nhánh đã được thành lập đặt tại các huyện bao gồm: Chi nhánh số 1 đặt tại huyện Quan Hoá, Chi nhánh số 02 đặt tại huyện Ngọc Lặc, Chi nhánh số 03 đặt tại huyện Cẩm Thủy, Chi nhánh số 04 đặc tại huyện Như Thanh, Chi nhánh số 05 đặt tại huyện Quan Sơn, Chi nhánh số 06 đặt tại huyện Thường Xuân, Chi nhánh số 07 đặt tại huyện Như Xuân và Chi nhánh số 8 đặt tại huyện Lang Chánh.
- Về biên chế: Trung tâm đã được phê duyệt biên chế đến năm 2015 là 55 người, hiện tại năm 2014 Trung tâm đã có 37 biên chế.
Như vậy, về cơ cấu tổ chức, bộ máy hoạt động của Trung tâm về cơ bản đã được kiện toàn một cách toàn diện theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, tập trung chủ yếu cho mục đích nâng cao chất lượng chuyên môn; về hệ thống mạng lưới Chi nhánh hiện còn chưa đáp ứng được so với nhu cầu thực tế, các Chi nhánh chủ yếu được thành lập tập trung tại các huyện miền núi nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, như đã nêu Thanh Hóa là địa phương có diện tích rộng, dân cư đông, địa lý phân bố thành ba miền rõ rệt miền núi, trung du và ven biển, số lượng đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý tương đối lớn và phấn bố trên các vùng. Hiện tại, khu vực trung du, ven biển và những huyện ở xa Trung tâm đều chưa được bố trí thành lập các Chi nhánh do đó thực tế có nhiều khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý cho người dân ở khu vực này; Về biên chế, mặc dù có sự quan tâm lớn của UBND tỉnh trong thời gian gần đây nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Các Chi nhánh hiện chỉ có 03 biên chế trong đó gồm 01 Trợ giúp viên pháp lý và 02 viên chức, các Phòng nghiệp vụ cũng chưa có đủ cán bộ để đảm bảo thực hiện các lĩnh vực pháp luật một cách chuyên biệt.
2.2.1.2. Tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý
Theo Luật Trợ giúp pháp lý, các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý bao gồm: Tổ chức hành nghề luật sư (Văn phòng luật sư, Công ty luật theo quy định của pháp luật về luật sư) và tổ chức tư vấn pháp luật thuộc tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Thực hiện chủ trương xã hội hoá trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý, Thanh Hóa đã triển khai công tác vận động, khuyến khích các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật thuộc các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý. Đến nay, có 01 Trung tâm tư vấn pháp luật đã đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý là Trung tâm tư
vấn pháp luật của tỉnh Hội Luật gia Thanh Hóa. Đối với giới luật sư tại Thanh Hóa, trong những năm từ 2011 trở về trước có một số ít luật sư chuyên thực hiện các vụ việc trợ giúp pháp lý dưới hình thức là Cộng tác viên trợ giúp pháp lý. Tuy nhiên, do điều kiện khó khăn, kinh phí hạn hẹp nên hoạt động trợ giúp pháp lý không thu hút được luật sư tham gia và hiện tại chưa có tổ chức hành nghề luật sư nào đăng ký tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý.
Thực tế có đăng ký hoạt động trợ giúp pháp lý nhưng lực lượng cán bộ trong các Trung tâm tư vấn pháp luật nói trên cũng rất hạn chế tham gia, phần lớn cán bộ cao tuổi, một số đã nghỉ hưu nên không có điều kiện cập nhật kiến thức pháp luật mới, việc đi lại khó khăn. Việc thực hiện chế độ thống kê, báo cáo không thường xuyên; chưa đề xuất Nhà nước thực hiện các biện pháp hỗ trợ trong những trường hợp cần thiết; cơ chế phối hợp giữa các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý với Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước thiếu thường xuyên, chưa thật chặt chẽ; công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng vụ việc chưa được thực hiện đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của hoạt động.
2.2.1.3. Về mạng lưới trợ giúp pháp lý ở cơ sở
Mạng lưới trợ giúp pháp lý ở cơ sở có lịch sử gắn liền với sự ra đời và phát triển của hệ thống trợ giúp pháp lý nhà nước, một mô hình trợ giúp pháp lý cộng đồng để người dân có thể tiếp cận và sử dụng ngay tại địa bàn dân cư đó. Tại Thanh Hóa việc ra đời và hoạt động của các Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý tại cấp xã đã hình thành nên hệ thống mạng lưới trợ giúp pháp lý ở cấp cơ sở rộng khắp trên địa bàn.
Thực tế phát triển tại Thanh Hóa, giai đoạn từ năm 2006 đến 2012 là thời điểm hoạt động trợ giúp pháp lý được hỗ trợ kinh phí từ Dự án Sida- Thụy Điển và từ các Chương trình giảm nghèo như Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2; Chương trình 135. Dựa trên cơ sở các nguồn kinh phí đó, mô hình Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý phát triển mạnh mẽ
và đạt được hiệu quả thiết thực trong đời sống cộng đồng dân cư. Tổng cộng đã có 250 Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý được thành lập và đi vào hoạt động. Khi dự án hỗ trợ kinh phí của nước ngoài kết thúc và kinh phí cho hoạt động trợ giúp pháp lý tại các chương trình giảm nghèo bị cắt giảm dẫn tới không có kinh phí bảo đảm hoạt động nên nhiều Câu lạc bộ đã hoạt động cầm chừng hoặc chấm dứt hoạt động (Các Câu lạc bộ thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2). Năm 2012 trở lại đây, do triển khai hoạt động trợ giúp pháp lý theo Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo giai đoạn 2011 – 2020, kinh phí cho các hoạt động trợ giúp pháp lý nói chung được tiếp tục thực hiện, các Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý được củng cố, kiện toàn và tiếp tục hoạt động ổn định. Hiện tại, Thanh Hóa có 102 Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý hoạt động thường xuyên và toàn bộ các Câu lạc bộ này đều được đảm bảo hoạt động bởi nguồn kinh phí từ Chương trình hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo giai đoạn 2011 – 2020 theo Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg.
Có thể khẳng định, mạng lưới trợ giúp pháp lý ở cơ sở đã có những đóng góp tích cực cho hoạt động trợ giúp pháp lý, thực sự là cầu nối giữa người được trợ giúp pháp lý với các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý; kịp thời thông tin về tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý và các quy định của pháp luật đến với nhân dân; tháo gỡ những vướng mắc pháp luật đơn giản ngay tại cơ sở, tạo thuận lợi nhất cho người dân, kịp thời chuyển các vụ việc phức tạp đến Trung tâm, Chi nhánh để thực hiện. những năm qua, hoạt động của các Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân, hạn chế tình trạng đơn thư, khiếu nại, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, so với yêu cầu đề ra, mạng lưới này chưa thực sự phát triển đồng đều và thiếu tính bền vững. Chất lượng hoạt động của một số Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý còn chưa bảo đảm, thậm chí còn hình thức, nặng về tổ chức hành chính, hoạt động thường gắn với tuyên truyền, phổ biến pháp luật hơn là tư vấn, giải quyết các vụ việc có vướng mắc pháp luật của người dân. Thành viên Ban Chủ nhiệm hoạt động kiêm nhiệm nhiều việc; kinh phí bảo đảm cho hoạt động không ổn định và phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn từ trung ương.