Người được trợ giúp pháp lý là người được hưởng các dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí. Xuất phát từ mục đích, ý nghĩa và tính chất của hoạt động trợ giúp pháp lý, không phải tất cả mọi người dân đều được hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý mà chỉ có những nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội được hưởng dịch vụ này. Theo Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006, Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007, Nghị định số 14/2013/NĐ-CP ngày 05/02/2013 của Chính phủ về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ và pháp luật hiện hành, những đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý miễn phí của Nhà nước bao gồm:
Người nghèo; người có công với cách mạng; người già cô đơn; người khuyết tật; người bị nhiễm chất độc hóa học, bị nhiễm HIV mà không có nơi nương tựa; trẻ em, người chưa thành niên dưới 18 tuổi; người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Nạn nhân trong các vụ việc mua, bán người... khi có nhu cầu sẽ được tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng miễn phí [18], [23].
Trên cơ sở các quy định về diện đối tượng được hưởng thụ dịch trợ giúp pháp lý miễn phí của Nhà nước như nêu trên, nghiên cứu về đặc điểm riêng của Thanh Hóa về đối tượng được trợ giúp pháp lý và nhu cầu về trợ giúp pháp lý tại Thanh Hóa thấy rằng:
- Về địa lý Thanh Hoá có địa hình đa dạng, thấp dần từ Tây sang Đông, chia làm 3 vùng rõ rệt: Vùng núi và vùng trung du có diện tích đất tự nhiên 839.037 ha, chiếm 75,44% diện tích toàn tỉnh. Vùng đồng bằng có diện tích đất tự nhiên là 162.341 ha chiếm 14,61% diện tích toàn tỉnh. Vùng ven biển có diện tích 110.655 ha chiếm 9,95% diện tích toàn tỉnh.
- Về dân cư Thanh Hoá là một tỉnh đất rộng, người đông, toàn tỉnh có 27 đơn vị hành chính, trong đó có một thành phố là thành phố Thanh Hoá và hai thị xã. Dân số trên 3,7 triệu người, có 7 dân tộc anh em cùng chung sống đó là: Dân tộc Kinh, Mường, Thổ, H'mông, Dao, Hoa, Thái. Trong đó, dân tộc Mường trên 300 ngàn người, dân tộc Thái trên 200 ngàn người.... Đồng bào dân tộc miền núi Thanh Hoá có trên 1 triệu người chiếm gần 30% dân số toàn tỉnh, dân cư tập trung chủ yếu ở 11 huyện miền núi Thanh Hoá. Gồm: 1 huyện vùng cao, 222 xã miền núi, trên 100 xã vùng cao, có 13 xã giáp nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào. Tỉnh Thanh Hoá có khoảng 275.000 hộ nghèo (Thanh Hóa là một trong những tỉnh có nhiều huyện nghèo nhất cả nước, 07 huyện), 113.000 người có công với cách mạng, gần 162.000 người tàn tật, khoảng 9.600 người già sống cô đơn không nơi nương tựa, khoảng 10.470 trẻ em mồ côi, người dân tộc thiểu số vùng 135 khoảng 200.000 người, hơn 190.000 đối tượng hưởng trợ cấp BTXH thường xuyên tại cộng đồng, ước tính số lượng người nghèo và đối tượng chính sách tỉnh Thanh Hoá khoảng 33% dân số của tỉnh.
Với những nghiên cứu thông tin về đặc điểm địa lý, dân cư cũng có đủ cơ sở để phản ánh thực trạng về nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân trên địa bàn tỉnh là rất lớn. Đặc điểm địa lý cho thấy nhu cầu trợ giúp pháp lý bao
gồm rất nhiều các lĩnh vực pháp luật khác nhau gắn liền với tập tục, hoạt động đời sống kinh tế - xã hội các vùng miền khác nhau như vùng núi, đồng bằng trung du và ven biển. Đặc điểm dân cư cũng phản ánh lượng nhu cầu, lĩnh vực pháp luật phát sinh nhu cầu từ các nhóm đối tượng khác nhau như người có công, người nghèo, người chưa thành niên... Ngoài ra, thực trạng và nhu cầu trợ giúp pháp lý còn được phản ánh tại phần thực trạng về kết quả thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý. Như vậy, với thực trạng về đối tượng trợ giúp pháp lý tại Thanh Hóa hiện nay đặt ra yêu cầu hết sức cấp thiết và đó cũng chính là cơ sở để đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý cho từng vùng, miền, nhóm đối tượng trên địa bàn tỉnh.