1.3.3.1. Khả năng tài chính
Đây là nhân tố quan trọng quyết định khả năng kinh doanh cũng như là chỉ tiêu hàng đầu để đánh giá quy mô của doanh nghiệp. Bất cứ một hoạt động đầu tư, mua sắm trang thiết bị hay phân phối, quảng cáo… đều phải được tính toán dựa trên
thực trạng tài chính của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh mẽ sẽ có khả năng trang bị các dịch vụ hoàn hảo, tổ chức các hoạt động quảng cáo khuyến mại mạnh mẽ nâng cao sức cạnh tranh.
Năng lực tài chính được thể hiện ở quy mô vốn, khả năng huy động vốn và sử dụng vốn có hiệu quả, năng lực quản lý tài chính…
1.3.3.2. Trình độ nhân sự
Đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp sẽ là những người quyết định các hoạt động kinh doanh: Kinh doanh cái gì? sản phẩm/dịch vụ nào tốt cho ai? Số lượng bao nhiêu? Mỗi một quyết định của họ có một ý nghĩa hết sức quan trọng liên quan tới sự tồn tại, phát triển hay diệt vong của doanh nghiệp. Chính họ là những người quyết định cạnh tranh như thế nào, khả năng cạnh tranh của công ty sẽ tới mức bao nhiêu…Nguồn nhân lực trong công ty còn là lực lượng tham gia tích cực vào quá trình cải tiến kỹ thuật, góp sức vào những phát kiến và sáng chế… Do vậy, trình độ của lực lượng lao động tác động rất lớn đến chất lượng của sản phẩm/dịch vụ, ảnh hưởng lớn đến năng suất chi phí của doanh nghiệp.
1.3.3.3. Trình độ công nghệ sản xuất - kinh doanh
Trình độ chất lượng của sản phẩm không thể vượt quá giới hạn khả năng của trình độ tiến bộ khoa học - công nghệ của một giai đoạn lịch sử nhất định. Chất lượng sản phẩm trước hết thể hiện ở những đặc trưng về trình độ kỹ thuật tạo ra sản phẩm đó. Các chỉ tiêu kỹ thuật này lại phụ thuộc vào trình độ kỹ thuật, công nghệ sử dụng để tạo ra sản phẩm. Đây là giới hạn cao nhất mà chất lượng sản phẩm có thể đạt được. Tiến bộ khoa học công nghệ tạo ra khả năng không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm. Tác động của khoa học công nghệ là không có giới hạn, nhờ đó mà sản phẩm sản xuất ra luôn có các thuộc tính chất lượng với các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật ngày càng hoàn thiện, mức thoả mãn nhu cầu người tiêu dùng ngày càng tốt hơn.
Tiến bộ khoa học công nghệ tạo ra phương tiện điều tra, nghiên cứu khoa học chính xác hơn, xác định đúng đắn nhu cầu và biến đổi nhu cầu thành đặc điểm sản phẩm chính xác hơn nhờ trang bị những phương tiện đo lường, dự báo, thí nghiệm, thiết kế tốt hơn, hiện đại hơn.
Công nghệ, thiết bị mới ứng dụng trong sản xuất giúp nâng cao các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật của sản phẩm. Nhờ tiến bộ khoa học công nghệ làm xuất hiện các nguồn nguyên nhiên liệu mới tốt hơn, rẻ hơn nguồn nguồn nguyên liệu sẵn có.
Khoa học quản lý phát triển, hình thành những phương pháp quản lý tiên tiến hiện đại, góp phần nắm bắt nhanh hơn, chính xác hơn nhu cầu của khách hàng và giảm chi phí sản xuất, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng mức độ thoả mãn khách hàng. 1.3.3.4. Khả năng tổ chức, quản lý
Điều này được thể hiện thông qua cơ cấu tổ chức, tác phong làm việc của các thành viên, mối quan hệ của các bộ phận. Một bộ máy được vận hành một cách nhịp nhàng, thông suốt chắc chắn sẽ góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh và ngược lại. Để có được sự tổ chức quản lý tốt doanh nghiệp cần phải tạo ra được quy chế làm việc. Các quy định về trách nhiệm và quyền lợi cho các cá nhân, mối quan hệ giữa các bộ phận trong doanh nghiệp một cách rõ ràng và được sự nhất trí của các thành viên trong doanh nghiệp. Khả năng tổ chức quản lý còn phụ thuộc rất lớn vào khả năng quản lý tổ chức của những người làm công tác quản lý trong doanh nghiệp.
Năng lực tổ chức, quản lý doanh nghiệp được thực hiện ở việc sắp xếp, bố trí cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý và phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của các bộ phận, ở việc hoạch định chiến lược kinh doanh, lập kế hoạch, điều hành tác nghiệp. Việc hình thành tổ chức bộ máy quản lý doanh nghiệp theo hướng gọn nhẹ và hiệu quả có ý nghĩa quan trọng không chỉ đảm bảo hiệu quả quản lý cao, ra quyết định nhanh chóng, chính xác mà còn làm giảm tương đối chi phí quản lý doanh nghiệp, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
1.3.3.5. Kế hoạch sản xuất kinh doanh
Kế hoạch sản xuất dựa trên kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của năm trước và công tác nghiên cứu dự báo thị trường tiêu thụ của năm tới. Việc đưa ra được kế hoạch sản xuất kinh doanh hợp lý sẽ giúp cho công ty khắc phục được tình trạng tồn kho, cũng như hạn chế các chi phí liên quan đến lưu kho, dữ trự, bảo quản sản phẩm. Từ đó tiết kiệm được chi phí để tiến hành tái đầu tư, quay vòng sản xuất cũng như thực hiện các chương trình bán hàng phù hợp, nâng cao hiệu quả kinh doanh cũng như khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
1.3.3.6. Thương hiệu của doanh nghiệp
Thương hiệu doanh nghiệp có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng phát triển và năng lực cạnh tranh của một sản phẩm. Trong kinh doanh và tiêu dùng thương hiệu xuất hiện do nhu cầu nhận biết, xác định và phân biệt sản phẩm của các nhà sản xuất khác nhau. Để nhận biết và xác định sản phẩm người ta phải nhãn hiệu hóa sản phẩm và nâng cao hơn nữa là thương hiệu hóa các sản phẩm. Vì thương hiệu thường gắn với sản phẩm và được sử dụng để xác định sản phẩm của từng doanh nghiệp nên khách hàng thường mua sản phẩm thông qua thương hiệu. Một thương hiệu tốt đồng nghĩa với một sản phẩm tốt và ngược lại. Người tiêu dùng tìm mua sản phẩm trên cơ sở các mức độ đánh giá khác nhau về hình ảnh của nhãn hiệu trên thị trường. Mức độ chấp nhận thương hiệu tương ứng với mức độ chấp nhận sản phẩm của doanh nghiệp. Như vậy, thương hiệu có tầm quan trọng và ảnh hưởng ngày càng lớn đến năng lực cạnh tranh của một sản phẩm.