Điều kiện tự nhiên

Một phần của tài liệu Thực trạng đầu tư phát triển xã hội kinh tế huyện Phù Cát tỉnh Bình Định (Trang 28)

IV. Những nhận xét khác:

2.1.1.1.Điều kiện tự nhiên

Phù Cát là một huyện đồng bằng ven biển của tỉnh Bình Định. Phía Bắc và phía Tây Bắc giáp huyện Phù Mỹ và Hoài Ân. Phía Nam giáp thị xã An Nhơn, phía Tây và Tây Nam giáp huyện Vĩnh Thạnh và Tây Sơn. Phía Đông giáp biển Đông và có chiều dài 35 km và chếch về phía Đông Nam huyện Tuy Phước và thành phố Quy Nhơn.

Theo thống kê, huyện Phù Cát có diện tích là 680,49km2, dân số trung bình 194.100 người, mật độ dân số 286 người/km2. Hiện nay, trên địa bàn huyện có các dân tộc anh em cùng sinh sống trong đó chủ yếu là người Kinh và một số ít người Bana gồm 26 hộ, 91 nhân khẩu nằm rải rác tại các xã Cát Lâm, Cát Sơn.

Phù Cát có 18 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 17 xã là Cát Sơn, Cát Lâm, Cát Hiệp, Cát Hanh, Cát Tài, Cát Minh, Cát Khánh, Cát Thành, Cát Hải, Cát Tiến, Cát Chánh, Cát Thắng, Cát Hưng, Cát Nhơn, Cát Tường, Cát Trinh, Cát Tân và 01 thị trấn là Thị trấn Ngô Mây. Dưới xã - thị trấn được phân chia thành 117 thôn và khu phố.

Diện tích tự nhiên : 67.854,8 ha. Trong đó : + Đất nông nghiệp : 19.294,43 ha.

+ Vườn tạp : 2.579,1 ha. + Rừng tự nhiên : 10.256,9 ha + Đất lâm nghiệp có rừng : 15.534,3 ha.

Địa hình và đất đai:

Địa hình Phù Cát đa dạng, gồm có đồng bằng chuyên trồng lúa nước, tập trung ở các xã ven sông Côn và sông La Tinh; vùng núi thấp – gò đồi trồng các loại cây trồng cạn, cây lâm nghiệp; ngoài ra còn có các vùng đầm ven biển thuộc Cát Minh, Cát Khánh, Cát Thành.

Đất đồi rừng Phù Cát tuy rộng chiếm 2/3 diện tích tự nhiên nhưng bạc màu - rừng Phù Cát có một số lâm sản có giá trị như: dầu rái, song mây, trắc gai, trầm, dược liệu… có thể phát triển cây công nghiệp như đào - xoài - dừa - mía - chè nếu đầu tư tốt sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Trong lòng đất chứa nhiều khoáng sản như ti-tan, cao lanh, sắt, đá ốp lát… và có 2 suối nước khoáng (Hội Vân - Chánh Thắng ) phù hợp cho khai thác nước suối tinh khiết và du lịch sinh thái.

Đất nông nghiệp (trồng trọt ) 19.294 ha, chiếm 28,5% quỹ đất tự nhiên, đảm bảo ổn định lương thực trong vùng.

Sông ngoài:

Về sông ngòi,đáng kể nhất là sông Đại An (thuộc hệ sông Côn) nối từ Cát Tường - Cát Nhơn đến Cát Chánh rồi đổ ra Đầm Thị Nại. Sông La Tinh bắt nguồn từ Hội Sơn, đổ ra đầm Đề Gi, là ranh giới tự nhiên giữa huyện Phù Cát với huyện Phù Mỹ. Đây là hai con sông rất quan trọng đối với huyện vì nó phục vụ nước tưới cho cây trồng, đem lại phù sa cho các cánh đồng.

Bờ biển Phù Cát dài hơn 30 km với cửa lạch Đề Gi, đầm nước ngọt thuận lợi cho tàu thuyền ra vào neo đậu và nhiều bãi ngang, đảo san hô ven bờ với những loài hải sản ngon và có giá trị xuất khẩu như tôm hùm, cá nhám chim, nước mắm cá cơm, muối Đề Gi, cá chua, rau câu… được người dân tiêu dùng ưa thích. Đầm Đạm Thủy với diện tích 1600 ha với hệ sinh thái ven biển tiêu biểu đồng thời nối liền giao thông biển qua cửa Đề Gi và tạo nên cảng biển có giá trị.

Giao thông:

Phù Cát có Quốc lộ 1A và đường sắt chạy ngang qua 3 xã và trung tâm huyện lỵ với chiều dài 18 km; có các trục đường tỉnh lộ 633, 634, 635, 640B và 639 nối liền các xã với huyện và các huyện lân cận đã được nâng cấp mở rộng, nhựa hoá và đi lại thông suốt. Đặc biệt có sân bay dân dụng nối liền Phù Cát - Bình Định với nhiều miền của đất nước - Cửa lạch Đề Gi tuy nhỏ nhưng rất thuận lợi cho tàu thuyền ra vào trú bão, mua bán sản phẩm và sẽ là cảng biển thứ 2 của Bình Định sau Quy Nhơn. Tuyến đường sắt với 2 ga chính là Phù Cát và Khánh Phước.

Danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử:

+ Danh lam thắng cảnh: có Đạm thuỷ Hà Lưu, Vọng Phu Thiên cổ, Linh Phong Mai Tăng, khoáng tuyền Hội Vân…

+ Di tích lịch sử: Tân phủ Càn Dương, thành Chánh Mẫn, Ao Vua, Gò Kho, Hòn Chè - Hòn nọc…

Ngoài ra, Phù Cát còn có các làng nghề truyền thống như: đan lát, gạch ngói, làng muối (Trung An, Gia Thạnh, Đức Phổ- Cát Minh), nước mắm cá cơm (Đề Gi- Cát Khánh), đá mỹ nghệ (Cát Tường, Cát Nhơn, Cát Hưng), nón ngựa và bánh tráng làng nghề Phú Gia( Cát Tường), làng dệt chiếu ( Cát Tiến)

Huyện Phù Cát hiện có 5 khu và cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp: Khu công nghiệp Hòa Hội, Khu công nghiệp Cát Trinh, cụm công nghiệp Gò Mít, cụm công nghiệp Cát Nhơn, cụm công nghiệp Cát Hải. Đã có 230 công trình được đầu tư xây dựng, có 27 dự án đầu tư tập trung chủ yếu ở cụm công nghiệp Gò Mít 23 dự án, 3 dự án ở cụm công nghiệp Cát Nhơn, 1 dự án ở Cát Trinh.

Với những lợi thế về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên mà tạo hóa ban cho, huyện Phù Cát có rất nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là động lực rất lớn cho hoạt động đầu tư phát triển kinh tế trên địa bàn thực hiện thuận lợi và có kết quả cao. Trước hết là phát triển nền sản xuất nông nghiệp đa dạng từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, khai thác thủy – hải sản, trồng rừng; phát triển sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp với mặt bằng rộng rãi, nguyên vật liệu phong phú; phát triển về thương mại, du lịch, các loại dịch vụ với nhiều thắng cảnh đẹp, hệ thống giao thông thuận tiện; phát triển mạnh về nguồn nhân lực.

Một phần của tài liệu Thực trạng đầu tư phát triển xã hội kinh tế huyện Phù Cát tỉnh Bình Định (Trang 28)