6. Kết cấu luận văn
1.1.2.6. Các quan điểm về cho vay đối với người nghèo
Vốn có mối liên hệ mật thiết với phát triển kinh tế, tuy nhiên, mức độ tác động của phương thức cung ứng vốn đến quá trình phát triển và giảm nghèo đói lại chủ yếu dựa vào các chính sách mà Chính phủ ở các nước áp dụng. Các chính sách khác nhau xuất phát từ các quan điểm khác nhau về hoạt động cho vay đối với người nghèo. Có rất nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này, mỗi quan điểm có quá trình lịch sử ra đời và phát triển khác nhau và thích ứng với một hoàn cảnh riêng biệt và do vậy lựa chọn theo quan điểm nào là tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể của từng quốc gia.
- Quan điểm cổ điển:
Vốn được coi là một đầu vào quan trọng bậc nhất đối với quá trình sản xuất. Tăng vốn sẽ cho phép mở rộng sản xuất, đặc biệt trong khu vực nông nghiệp, áp dụng kỹ thuật mới, điều này có nghĩa là sản lượng sẽ tăng mạnh. Như vậy, thiếu vốn đã trở thành trở ngại chính trong áp dụng kỹ thuật tiên tiến và mua các khoản đầu vào cho sản xuất. Do đó, một chính sách cho vay lãi suất thấp và chương trình cho vay trợ giá đã được đề xuất. Nguồn vốn chủ yếu từ các nhà tài trợ nước ngoài và các tổ chức tài chính chính thức do Chính phủ tài trợ, trong khi đó tiết kiệm tự nguyện của người nghèo lại đóng vai trò rất thấp. Chính sách cho vay trợ giá đã được sử dụng một cách triệt để. Quan điểm này cho rằng người nghèo và người sản xuất nhỏ chỉ được lợi từ các chính sách và chương trình bao cấp. Chính phủ các nước đang phát triển sử dụng phương pháp này như là công cụ hữu hiệu phục vụ phát triển kinh tế và giảm nghèo đói. Quan điểm này khá phổ biến và được áp dụng rộng rãi tại các nước đang phát triển trong những năm 60 – 70 và vẫn còn ảnh hưởng mạnh
mẽ đến ngày nay trong các chính sách cho vay đối với người nghèo ở một số nước. Tuy vậy, kinh nghiệm thực tế cũng như lý thuyết đều chứng minh rằng đề xuất chính sách theo quan điểm này rất ít có khả năng thành công.
- Các quan điểm tiếp cận mới: Nội dung chủ yếu của các quan điểm này:
Tài chính như một quá trình trung gian:
Nếu quan điểm cổ điển coi vốn là một đầu vào quan trọng của sản xuất thì quan điểm mới lại nhấn mạnh vốn là yếu tố trung gian của quá trình sản xuất. Vai trò của thị trường tài chính là trung gian chuyển các nguồn lực từ người và khu vực “dư thừa” sang người và khu vực có nhu cầu về các nguồn lực đó. Quan điểm này ủng hộ chính sách lãi suất cao, cho rằng lãi suất có chức năng quan trọng trong việc bù đắp cho những người tiết kiệm cũng như trong việc phân bổ vốn. Lãi suất là giá cả của vốn, cũng giống như giá cả của các hàng hoá khác trên thị trường, lãi suất cần giữ ở mức phản ánh được các chi phí thực chứ không phải là công cụ cho mục tiêu chính trị và các tiêu chuẩn phi kinh tế khác. Trên cơ sở đó, đẩy mạnh huy động tiết kiệm của các trung gian tài chính. Từ thất bại trong hoạt động tiết kiệm của những chính sách tài chính trước kia ở các nước đang phát triển, các trung gian tài chính cần phải “xem xét lại phương pháp hoạt động, sự cân bằng và tính bền vững của mình”. Giải pháp cho tính bền vững là mô hình tự lực về tài chính. Từ những chỉ tiêu đánh giá tổ chức tài chính hoạt động tốt ở phần trên cho thấy tính cân bằng tài chính là một yếu tố quan trọng. Hoạt động tạo vốn là hoạt động then chốt nhất của các trung gian tài chính tự lập.
Tính thay thế của tín dụng:
Quan điểm này cho rằng tính thay thế của tín dụng đã làm triệt tiêu những cố gắng của các chương trình cho vay theo mục tiêu của Chính phủ. Một đồng tiền mà một người đi vay được giống như bất cứ một đồng tiền
khác mà người đó đang giữ hoặc sử dụng. Đồng tiền này có thể được sử dụng với những cách khác nhau, bất kể những thoả thuận trước đây giữa người đi vay và cho vay trong Hợp đồng tín dụng. Đây là tính thay thế của tín dụng. Về phía người nghèo được vay vốn, họ có thể sử dụng món vay trái ngược so với cách mà họ dự định sử dụng hoặc họ được quyền sử dụng, chẳng hạn, thay vì mua gia súc họ đem gửi tiết kiệm hoặc tiêu dùng. Điều này gây ra khó khăn cho việc đạt được các mục tiêu cụ thể của Chính phủ. Khắc phục tình trạng này bằng cung cấp hiện vật thay cho tiền cũng không giải quyết được vấn đề một cách triệt để vì hàng hoá có thể được đổi lấy tiền và sau đó tiền được sử dụng cho các mục tiêu khác.
Đảm bảo lãi suất thực dương:
Tỷ lệ lãi suất cho vay cao sẽ đảm bảo cho các tổ chức tài chính có khả năng chi trả được mọi khoản chi phí phát sinh. Hệ thống tài chính tự lập yêu cầu tỷ lệ lãi suất cho vay phải đủ để trang trải 3 yếu tố sau: (i) lãi suất trả cho người gửi tiết kiệm (ii) chi phí giao dịch bình quân (iii) và chi phí rủi ro dự phòng trang trải cho khả năng không trả được nợ.
Người nghèo vẫn có thể gửi tiền tiết kiệm:
Hiện nay người ta đã công nhận rằng ngay cả những người nghèo nhất cũng có cái gì đó để tiết kiệm. Mặc dù thu nhập của họ không đều đặn hoặc khả năng của họ chỉ giới hạn ở tiết kiệm những khoản nho nhỏ mỗi lần, thực tế cho thấy rằng họ có thể và họ thực sự tiết kiệm. Hầu hết các hộ nghèo đều có một vài nhu cầu dành giụm tiền, ví dụ như để dự phòng cho thu nhập tiền mặt theo mùa, gây dựng một quỹ dự phòng tài chính, tiết kiệm cho các khoản cho tiêu tiền mặt định kỳ (học phí cho con cái) hay thậm chí là tiết kiệm để mua tài sản có giá trị cao và đầu tư. Việc tiết kiệm đối với người nghèo có vai trò vô cùng quan trọng trong việc gây dựng một quỹ dự phòng tài chính và vì vậy trong việc giảm nguy cơ dễ bị tổn thương.
Về tài sản thế chấp:
Người nghèo, đặc biệt là nông dân nghèo luôn vấp phải những khó khăn trong vấn đề tài sản thế chấp khi đi vay. Quan điểm này cho rằng, vấn đề trên có thể được giải quyết bằng “tín chấp” thông qua sự đảm bảo của hợp tác xã và các nhóm nông dân được thành lập chính thức nhằm giúp người nghèo vượt qua tình trạng thiếu vốn. Ở các nước đang phát triển, lòng tin chủ yếu dựa vào mối quan hệ cá nhân và nó trở thành một yếu tố quan trọng trong vấn đề giảm chi phí.