Trong kỹ thuật điện di mao quản, mẫu có thể được đưa vào mao quản bằng hai phương pháp chính là phương pháp điện động học (electrokinetic), phương pháp thủy động học (hydrodynamic)
Phương pháp điện động học: đặt một điện thế nhỏ hơn 3 – 5 lần so với điện thế đặt lúc điện di. Hai đầu của mao quản được nhúng trong lọ mẫu và lọ đệm. Khi đó, những ion mẫu di chuyển vào mao quản tạo thành vùng mẫu đầu mao quản. Chất phân tích đi vào mao quản bằng cả di chuyển và lực đẩy
của EOF. Như vậy, lượng mẫu tiêm phụ thuộc vào linh độ điện di của chất phân tích: linh độ càng lớn, lượng mẫu nạp vào càng nhiều. Sự sai khác này sẽ lớn nếu thời gian bơm mẫu dài. Tuy nhiên, có thể loại trừ sai số này bằng cách bơm mẫu trong thời gian ngắn và ở những điều kiện như nhau trong mọi thí nghiệm nghiên cứu. Bơm mẫu trong thời gian ngắn có ảnh hưởng đến độ nhạy của phương pháp. Ngoài ra, lượng mẫu bơm còn phụ thuộc vào độ dẫn điện của dung dịch mẫu, đặc biệt ở những mẫu có nồng độ muối cao mà ta không thể biết trước được như những mẫu nước tiểu.
Phương pháp xi phông: nâng cao bình đựng mẫu và hạ thấp bình đầu ra. Phương pháp xi phông đơn giản nhưng khi nạp một lượng mẫu cỡ vài nl thì khó chính xác. Phương pháp này chỉ áp dụng cho những hệ điện di tự tạo đơn giản, độ lặp lại kém.
Phương pháp thủy động lực học: tăng áp suất ở đầu mao quản nhúng vào bình chứa mẫu hoặc tạo chân không ở bình đầu ra. Do chênh lệch áp suất ở hai đầu mao quản, một lượng mẫu sẽ được bơm vào đầu mao quản. Mẫu được bơm vào sẽ có nồng độ đều và giống với nồng độ của chất tan trong mẫu phân tích. Đây là phương pháp tiêm mẫu phổ biến nhất.
Trong khóa luận này, chúng tôi lựa chọn phương pháp tiêm thủy động lực học với áp suất là 50mbar.