Thẩm định báo cáo ĐTM là hoạt động của lĩnh vực quản lý nhà nước (quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường) nên thông thường do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hồ sơ dự án thực hiện việc thẩm định – và thường là cơ quan có quyền quyết định phê duyệt dự án đầu tư. Chủ thể thực hiện việc thẩm định có thể là cá nhân hoặc một tập thể (hội đồng). Hội đồng thẩm định phải do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt báo cáo ĐTM ra quyết định thành lập theo một cơ chế nhất định. ĐTM là một lĩnh vực phức tạp, mang tính khoa học
cần thiết phải được thẩm định dưới hình thức hội đồng (một tập thể gồm nhiều cá nhân có trình độ, kinh nghiệm liên quan đến lĩnh vực thẩm định).
Cũng vì là lĩnh vực tạp, yêu cầu kiến thức đa ngành, đa lĩnh vực nên hoạt động thẩm định báo cáo ĐTM đòi hỏi phải quy định số lượng tối thiểu cán bộ, nhà khoa học chuyên ngành các lĩnh vực liên quan trong thành phần hội đồng thẩm định để đảm bảo báo cáo ĐTM sẽ được xem xét một cách khách quan, khoa học, chính xác về mặt pháp lý cũng như kỹ thuật.
Hội đồng thẩm định (HĐTĐ) hoạt động tập thể, quyết định theo đa số nên phải có cơ chế làm việc rõ ràng, khoa học nhằm phát huy được giá trị tri thức tập thể trong việc đưa ra phán quyết. Cụ thể như thành phần tham gia hội đồng, hình thức và cơ chế biểu quyết trong cuộc họp, điều kiện sửa đổi, bổ sung hoặc không thông qua báo cáo ĐTM…
Chủ thể thực hiện việc thẩm định chủ yếu là cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức khác có đủ chức năng, điều kiện được cơ quan nhà nước ủy quyền, lựa chọn thực hiện việc thẩm định. Với mục đích xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường nói chung, đánh giá tác động môi trường nói riêng, đồng thời chia sẽ gánh nặng trách nhiệm cho hệ thống cơ quan nhà nước nên đối với một số trường hợp báo cáo ĐTM có thể chuyển (ủy quyền) cho tổ chức dịch vụ thẩm định có đủ điều kiện, tiêu chuẩn thực hiện việc thẩm định. Nhưng phải có các quy định cụ thể, rõ ràng về hình thức thẩm định, cơ chế lựa chọn tổ chức dịch vụ thẩm định, đồng thời quy định chặt chẽ các điều kiện để tổ chức dịch vụ thẩm định được hoạt động.
Khi thẩm định báo cáo ĐTM, cơ quan thẩm định phải xem xét, đánh giá nội dung báo cáo ĐTM có phân tích được hiện trạng môi trường tại địa bàn thực hiện dự án, dự báo được xu thế diễn biến của từng thành phần môi trường trong những trường hợp không thực hiên dự án hay không? Hoạt động của dự án tác động đến môi trường như thế nào? Chủ dự án có đưa ra được các giải pháp giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường hay không? Các cam kết của chủ dự án…Hoạt động thẩm định báo cáo ĐTM phải dựa trên các nguyên tắc cơ bản như: (i) phải
xem xét một cách toàn diện mối liên hệ giữa yêu cầu phát triển kinh tế (lợi ích kinh tế) mà các dự án đem lại với lợi ích môi trường cần phải bảo vệ; (ii) phải xem xét, giải quyết hài hòa lợi ích cá nhân, lợi ích cục bộ của từng đơn vị, tổ chức, lợi ích của địa phương với lợi ích chung của toàn xã hội; (iii) phải xem xét lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài…[41, tr.152].