giám sát thực hiện nội dung Báo cáo ĐTM nói riêng, giám sát việc tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung trong Luật BVMT và các văn bản pháp quy liên quan.
Cho đến nay, pháp luật nước ta chưa quy định cơ chế giải quyết kiến nghị của người dân (trình tự, thủ tục của việc giải quyết kiến nghị) liên quan đến công tác BVMT. Pháp luật nước ta cũng chưa quy định cơ chế giải quyết các khiếu kiện tập thể, khiếu kiện đông người, không thừa nhận cơ chế kiện tập thể áp dụng cho lĩnh vực BVMT, điều mà các quốc gia trên thế giới đang áp dụng khá hiệu quả. Bên cạnh đó, điểm hạn chế trong quy định của pháp luật nước ta về việc phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong việc giám sát, thực thi việc tuân thủ pháp luật BVMT là sự thiếu cơ chế xử phạt các chủ thể không tuân thủ việc giải quyết các yêu cầu, khiếu nại, kiến nghị của người dân – các chủ thể không tuân thủ này bao gồm các chủ dự án hoặc các cơ quan nhà nước có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc kiến nghị của người dân.
Chính vì thiếu các cơ chế đảm bảo cho cộng đồng có quyền năng đích thực trong việc giám sát việc thực hiện nội dung báo cáo ĐTM nói riêng, việc tuân thủ pháp luật BVMT của các chủ thể gây hại cho môi trường nói riêng mà trong thực
tế, cộng đồng dân cư chưa thực sự phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường. Không ít cộng đồng dân cư chịu nhiều thiệt hại về môi trường như phải sống gần các khu vực bị ô nhiễm nguồn nước, sống gần các nhà máy thải ra các loại khí, chất thải độc hại... nhưng cộng đồng dân cư vẫn không kiến nghị, khiếu nại, tố cáo hoặc nếu có cũng chưa được giải quyết thỏa đáng, kịp thời, gây nhiều bức xúc cho người dân sống trong cộng đồng, điển hình là vụ đòi bồi thường thiệt hại của cộng đồng dân cư đối với Công ty Vedan Việt Nam vẫn chưa được giải quyết [28]. Một số nơi, phản ứng của người dân trở nên rất cực đoan, chẳng hạn, ngăn chặn không cho các phương tiện vận tải của nhà máy được hoạt động nhằm khiến cho hoạt động của nhà máy bị đình trệ, chặn xe chở rác không cho vào bãi rác... Những phản ứng tự phát kể trên rất không có lợi đối với việc giữ gìn trật tự, tri an, phát triển kinh tế và cũng không phải là cách bảo vệ môi trường tối ưu.
Vì vậy, nên quy định rõ địa vị pháp lý của cộng đồng trong việc giám sát thực hiện nội dung báo cáo ĐTM của chủ dự án nói riêng, trách nhiệm bảo vệ môi trường của các chủ thể hoạt động phát triển nói chung trong luật bảo vệ môi trường và các văn bản pháp luật liên quan. Tham khảo cơ chế giải quyết kiến nghị của người dân trong một số lĩnh vực khác để áp dụng cho lĩnh vực bảo vệ môi trường. Chẳng hạn, nên tham khảo Nghị định số 20/2008/NĐ - CP ngày 14/02/2008 về việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của các nhân, tổ chức về quy định hành chính để xây dựng quy trình tiếp nhận, xử lý kiến nghị về môi trường của người dân theo hướng đáp ứng các yêu cầu như công khai, minh bạch, quy trình cụ thể, rõ ràng, thống nhất, thủ tục tiếp nhận đơn giản và thuận tiện. Bên cạnh đó, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan hữu quan, nguồn kinh phí giải quyết kiến nghị, quy định biện pháp chế tài cụ thể, nghiêm khắc.