Hậu quả pháp lý của quyết định phê duyệt

Một phần của tài liệu Thẩm định báo cáo ĐTM và kiểm tra, giám sát việc thực hiện báo cáo ĐTM (Trang 61)

Các dự án quy định tại Điều 18 của Luật BVMT năm 2005 chỉ được phê duyệt, cấp phép đầu tư, xây dựng, khai thác sau khi báo cáo ĐTM đã được phê duyệt [33, khoản 4 Điều 21]. Do đó, báo cáo ĐTM được phê duyệt là cơ sở pháp lý để chủ dự án đầu tư được phê duyệt, cấp phép đầu tư hoặc là cơ sở để thi công xây dựng dự án, khai thác dự án.

Bên cạnh đó, báo cáo ĐTM được phê duyệt là cơ sở pháp lý để xác định trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ dự án trong việc thực hiện các nội dung của báo cáo ĐTM (các biện pháp giảm thiểu, phòng ngừa sự cố môi trường, cam kết bảo vệ môi trường…) và các yêu cầu của quyết định phê duyệt. Đó cũng là cơ sở để xác định trách nhiệm pháp lý, áp dụng các chế tài khi chủ dự án vi phạm các nghĩa vụ của mình.

Tiếp đến, khi thông qua và phê duyệt báo cáo ĐTM, cơ quan có thẩm quyền công nhận rằng báo cáo ĐTM là hợp pháp, hợp lệ cả về mặt nội dung cũng như hình thức. Đây là căn cứ để xác định trách nhiệm đối với cơ quan (người có thẩm quyền) phê duyệt khi dự án có vấn đề về môi trường lúc đi vào hoạt động.

Như vậy, thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM được pháp luật phân cấp cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (cấp trung ương) và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh (cấp địa phương). Ở Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc thẩm định lại được giao cho Vụ thẩm định nay thuộc Tổng Cục môi trường (trước đây Vụ thẩm định thuộc Bộ). Ở cấp tỉnh, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh lại ủy quyền cho Sở Tài nguyên và Môi trường (Giám đốc Sở) tổ chức Hội đồng thẩm định và thẩm định báo cáo ĐTM. Theo các chuyên gia, những ưu tiên về dự án đầu tư và phát triển kinh tế của cả Chính phủ, ngành và đặc biệt là các tỉnh, thành đã đặt các cơ quan (và cá nhân) chịu trách nhiệm thẩm định báo cáo ĐTM vào thế “không được làm trái ý cấp trên”, nhất là các dự án đầu tư quy mô lớn của nước ngoài nhưng tiềm ẩn rủi ro cao về môi trường như xây dựng thủy điện, cảng biển, khai thác khoáng sản, sửa chữa tàu biển, tái chế rác thải... Có thể nói, tính độc lập, phản biện và chịu trách nhiệm trước pháp luật, thể hiện qua trách nhiệm và quyền hạn của hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM chưa

được quy định rõ ràng. Vì thế, có những ý kiến băn khoăn rằng quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM bị thiên lệch để phục vụ lợi ích của các nhà đầu tư hơn là lợi ích chung của cộng đồng và xã hội [38]. Thiết nghĩ, trong các dự án khai thác Bauxite ở Tây Nguyên vừa qua đã phần nào cho chúng ta nhận thấy điều đó.

Một phần của tài liệu Thẩm định báo cáo ĐTM và kiểm tra, giám sát việc thực hiện báo cáo ĐTM (Trang 61)