Sự cần thiết phải hoàn thiện pháp luật lao động về việc làm và giải quyết việc làm ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Pháp luật lao động về việc làm và giải quyết việc làm ở Việt Nam trong thời kỳ hội nhập (Trang 91)

TRONG THỜI KỲ HỘI NHẬP

3.1. Sự cần thiết phải hoàn thiện pháp luật lao động về việc làm và giải quyết việc làm ở Việt Nam giải quyết việc làm ở Việt Nam

Trong bối cảnh hiện nay, toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế đang phát triển về quy mô, mức độ, việc tham gia vào quá trình phân công lao động quốc tế trở thành yêu cầu đối với các nền kinh tế, ảnh hưởng rất lớn tới việc làm và giải quyết việc làm cho người lao động. Từ bối cảnh quốc tế, trong nước cùng với thực trạng của pháp luật mà chúng ta đã tìm hiểu ở chương 2 của luận văn, có thể thấy rõ những cơ hội đồng thời đi kèm là những thách thức, tồn tại ảnh hưởng rất lớn tới việc làm và giải quyết việc làm trong thời kỳ hội nhập. Do vậy, để theo kịp sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội, giải quyết những vấn đề cấp thiết về việc làm và giải quyết việc làm, điều cần thiết hiện nay là pháp luật lao động về việc làm và giải quyết việc làm trong thời kỳ hội nhập phải có sự hoàn thiện kịp thời bởi những lí do sau đây:

Việc hội nhập đem lại nhiều cơ hội thuận lợi cho Việt Nam, đặc biệt đối với lĩnh vực lao động và việc làm. Cụ thể là cơ hội việc làm sẽ được tạo ra nhiều hơn trong nền kinh tế. Hội nhập kinh tế, thị trường được mở rộng, đầu tư nước ngoài tăng, thúc đẩy kinh tế phát triển, đặc biệt từ bốn khu vực: có vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp sản xuất và chế biến hàng xuất khẩu thu hút nhiều lao động (dệt may, giày dép, chế biến thủy hải sản…), khu vực có mức tăng trưởng cao của nền kinh tế (viễn thông, tài chính ngân hàng, bảo hiểm, du lịch…) và khu vực các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do đó, nhu cầu về số lượng lao động sẽ tăng lên rất nhiều. Bên cạnh đó, lao động Việt Nam có cơ hội tiếp cận với trang thiết bị hiện đại, trình độ quản lý, tổ chức sản xuất

tiên tiến, từ đó tạo tiền đề nâng cao chất lượng việc làm theo hướng bền vững, tạo thêm cơ hội việc làm cho người lao động và nâng cao chất lượng nhân lực cho lao động của Việt Nam, đặc biệt là lao động kỹ thuật trình độ cao. Việt Nam gia nhập WTO sẽ đẩy nhanh hơn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn, sẽ có một lượng lớn lao động nông nghiệp, thanh niên nông thôn nhàn rỗi, thiếu việc làm tham gia vào hoạt động kinh tế trong các doanh nghiệp, các hộ gia đình, đơn vị kinh doanh cá thể… Điều này đồng nghĩa với mang lại nhiều cơ hội thay đổi công việc và tăng thu nhập cho một bộ phận lớn lao động nông nghiệp hiện nay. Hơn nữa, sự phát triển nhanh chóng về công nghệ và thiết bị sản xuất và các hoạt động trao đổi chuyên gia giữa các nước với Việt Nam sẽ làm cho trình độ chuyên môn kỹ thuật. Hợp tác quốc tế về lao động có cơ hội phát triển, từ đó góp phần nâng cao chất lượng nhân lực, để có thể làm chủ các công nghệ và thiết bị tiên tiến trên thế giới. Đồng thời, lao động Việt Nam có cơ hội tham gia tích cực hơn vào phân công lao động quốc tế, thúc đẩy hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, mặt khác khi nhiều công ty xuyên quốc gia đầu tư vào nước ta cũng như doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài sẽ là cơ hội để lao động Việt Nam có thêm nhiều việc làm và nâng cao chất lượng cạnh tranh của mình.

Song, đi kèm những cơ hội thuận lợi đó là những thách thức, những khó khăn đối với việc làm và giải quyết việc làm mà pháp luật lao động nước ta phải quan tâm và có sự điều chỉnh kịp thời. Cạnh tranh về lao động trình độ cao sẽ ngày càng gay gắt, trong khi lao động Việt Nam còn nhiều hạn chế. Hội nhập, toàn cầu hóa trở thành xu thế chung, lao động nước ngoài (đặc biệt là lao động có kỹ thuật, trình độ quản lý…) tham gia vào thị trường lao động Việt Nam nhiều hơn, đồng thời lao động của Việt Nam cũng di chuyển ra nước ngoài nhiều hơn. Ngoài việc phải nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, mức độ lành nghề thì các yêu cầu khác về chất lượng nguồn nhân lực đang được đặt ra như những thách thức mới. Đó là yêu cầu về ngoại ngữ, tin học, tác phong và văn hóa ứng xử công nghiệp, hiểu biết về luật pháp và

thông lệ quốc tế… Điều này đòi hỏi lao động phải nhanh chóng học tập những cái mới, cái ưu việt, nhưng cũng cần phải loại bỏ những yếu tố không phù hợp và đi ngược lại với đạo đức và văn hóa Việt.

Hội nhập kinh tế sâu rộng kéo theo nguy cơ mất việc làm lớn, tỉ lệ thất nghiệp ngày càng gia tăng. Hiện nay, dưới tác động của cuộc khủng hoảng và suy thoái kinh tế trên phạm vi toàn cầu, thế giới đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng về việc làm và thất nghiệp. "Số người thất nghiệp toàn thế giới theo số liệu thống kê hiện nay dự báo có thể đạt mức kỷ lục là 210 triệu người và có xu hướng tăng lên không ngừng" [71]. Còn Việt Nam, theo Trung tâm Quốc gia dự báo và thông tin thị trường lao động thì "từ ngày 01/01/2010 đến ngày 31/03/2010 số người đăng ký thất nghiệp là 25.913 người" [72]. Trong quá trình hội nhập, do cơ cấu lại nguồn nhân lực cộng với lao động dôi dư từ các doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa, sẽ tạo ra các áp lực lớn về việc làm cho người lao động. Một bộ phận người lao động trong các doanh nghiệp sẽ mất việc làm do trình độ chuyên môn không đáp ứng được yêu cầu mới đặt ra. Điều này gây tác động xấu về mặt xã hội, làm cho tỷ lệ thất nghiệp tăng lên, người lao động mất việc làm, giảm thu nhập… Trong khi đó, theo dự báo thì đến năm 2015, dân số của Việt Nam sẽ là 91,7 triệu người, năm 2020 tăng lên 96 triệu người. Tỷ trọng dân số ở khu vực nông thôn, lao động ở khu vực phi chính thức giảm dần. Lực lượng lao động tăng nhanh, năm 2015 có khoảng 59,2 triệu người, năm 2020 khoảng 60,6 triệu người. Lao động trong khu vực chính thức chiếm 25% vào năm 2015 và 36% vào năm 2020. Lao động trong nông nghiệp chiếm 40% vào năm 2015 và khoảng 30% vào năm 2020. Trong giai đoạn 2011- 2015, bình quân mỗi năm có khoảng 1,5 triệu người bước vào tuổi lao động; giai đoạn 2016- 2020 là 1,4 triệu người... Do đó mục tiêu cần hướng tới là tạo ra việc làm không chỉ đảm bảo về số lượng mà còn phải đảm bảo về chất lượng.

Theo dự báo thì các năm 2011 - 2020, công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta sẽ được đẩy nhanh và hội nhập quốc tế sâu rộng hơn,

có tác động tích cực tới giải quyết việc làm cho người lao động. "Nếu giả định tăng trưởng kinh tế đạt 7%/năm thì trong giai đoạn 2011-2015 có khả năng tạo thêm khoảng 1 triệu việc làm/năm và nếu đạt 8-9% thì tạo thêm bình quân 1,35 triệu việc làm/năm" [66].

Tốc độ tăng việc làm mới trong các doanh nghiệp có xuất khẩu hàng hóa thời kỳ này, dự đoán khoảng 6,4%/năm, riêng đối với các doanh nghiệp có tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu cao là 8,9%/năm, cụ thể như: dệt may, da giầy, chế biến thủy sản, khai thác khoáng sản; sản xuất chế biến cà phê, chè, du lịch; nhà hàng, khách sạn; công nghệ thông tin; sản xuất máy móc, phương tiện vận tải và phụ tùng; sản xuất vật liệu xây dựng; chế biến lương thực và thực phẩm…

Trong giai đoạn này, nếu tính theo mức tăng FDI bình quân của các năm là 2005-2009 là 40%/năm và việc làm trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng với tốc độ 11,21%/năm thì số lượng lao động trực tiếp làm việc ở khu vực này sẽ là khoảng 4 triệu người vào năm 2020.

Cũng trong các năm 2011-2016, lao động di cư từ nông thôn đến các khu công nghiệp và thành thị khoảng 140 nghìn người/năm, ước con số này tiếp tục tăng lên 160 nghìn người/năm trong giai đoạn 2016-2020. Ngoài ra, về sau khoảng cách tiền lương giữa lao động làm việc có trình độ kỹ thuật và lao động giản đơn có xu hướng gia tăng. Lao động quản lý, lao động kỹ thuật cao có mức tăng tiền lương cao nhất với 11%/năm so với 5%/năm của lao động phổ thông. Khoảng cách tiền lương giữa các ngành gia tăng, tiền lương ngành nông lâm thủy sản tăng thấp hơn ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.

Về cơ bản, theo dự báo dân số Việt Nam 1999-2024 thì quy mô lực lượng lao động nước ta tiếp tục tăng, lực lượng lao động cả nước đến năm 2015 là 51 triệu lao động (nữ chiếm 48,1%) và đến năm 2020 là 53,4 triệu lao động (nữ chiếm 47,8%), tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2011-2015 là 1,2%/năm, giai đoạn 2016-2020 có khoảng 0,75%/năm. Nhìn chung từ nay đến năm 2020, tốc độ tăng quy mô lực lượng lao động bình quân khoảng

1,1% tương ứng tăng trên 500.000 lao động/năm. Cơ cầu lao động nước ta tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, đến năm 2015, tỷ trọng lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ còn khoảng 41% và đến năm 2020, tỷ trọng này là 30%. Về cơ bản, tỷ trọng lao động nữ làm việc trong ngành nông nghiệp giảm xuống, từ 62% năm 2010 còn 38,4% năm 2020 nhưng với nam vẫn còn tồn tại một khoảng cách khá lớn.

Do vậy, giải quyết việc làm cho người lao động cần khai thác triệt để thế mạnh nguồn nhân lực Việt Nam, đặc biệt là về quy mô lao động, lực lượng lao động trẻ lớn, chú trọng vào lĩnh vực phi nông nghiệp. Tạo việc làm theo hướng bền vững và ổn định, nâng cao năng suất lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị và tỷ lệ thiếu việc làm ở nông thôn. Đồng thời chuyển dịch cơ cấu lao động thanh niên theo hướng phi nông nghiệp, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.

Mặt khác, nội dung Chương trình nghị sự việc làm toàn cầu do Tổ chức lao động quốc tế khởi xướng đòi hỏi phải đảm bảo việc làm bền vững cho người lao động theo 6 tiêu thức (cơ hội việc làm, làm việc trong điều kiện tự do, việc làm năng suất, bình đẳng trong công việc, an toàn tại nơi làm việc, bảo đảm nhân phẩm tại nơi làm việc). Là một nước tham gia tổ chức này, Việt Nam không thể không quan tâm đến các tiêu thức đó cũng như việc thực hiện các tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo các cam kết thương mại quốc tế về loại trừ và không sử dụng lao động trẻ em, loại trừ và không sử dụng lao động cưỡng bức, bình đẳng trong việc làm…

Trong khi đó, qua các phân tích ở chương 2 của luận văn cũng đã cho thấy còn quá nhiều những vướng mắc, bất cập từ pháp luật lao động về việc làm và giải quyết việc làm thể hiện ở các quy định về lao động, việc làm, trách nhiệm của Nhà nước, người sử dụng lao động, tổ chức giới thiệu việc làm, lao động đặc thù… đòi hỏi phải được sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới. Bởi lẽ, pháp luật lao động là công cụ, phương tiện của Nhà nước trong việc giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần ổn định và phát triển

kinh tế - xã hội, nếu như hệ thống này còn những tồn tại thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới thực trạng giải quyết việc làm, kéo theo những hệ quả xấu về nhiều mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh…

Vì những lý do trên, việc hoàn thiện pháp luật lao động về việc làm và giải quyết việc làm ở Việt Nam trong thời kỳ hội nhập là hết sức cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu đảm bảo việc làm bền vững và an ninh việc làm cho người lao động trong bối cảnh hội nhập. Việc hoàn thiện này cần chú trọng các yêu cầu đối với việc làm trong bối cảnh hội nhập đó là: Thực hiện các tiêu chuẩn lao động quốc tế về việc làm; Xử lý các vấn đề về việc làm, điều phối thị trường lao động do di chuyển lao động; Xử lý các vấn đề về lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc; có các quy định để phát triển thị trường lao động; Chính sách phát triển việc làm phải đi đôi với việc đảm bảo an sinh và công bằng xã hội.

3.2. Phương hướng hoàn thiện pháp luật lao động về việc làm và

giải quyết việc làm ở Việt Nam

Để hoàn thiện pháp luật lao động về việc làm và giải quyết việc làm trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, cần quán triệt các quan điểm về giải quyết việc làm để kịp thời thể chế hóa và ban hành các quy định kịp thời thúc đẩy quá trình giải quyết việc làm cho người lao động Việt Nam:

Thứ nhất, quán triệt và tiếp tục thể chế hóa đường lối đổi mới của

Đảng trong Nghị quyết của các Đại hội Đảng, Nghị quyết của các Hội nghị Ban chấp hành Trung ương về thúc đẩy xây dựng đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của Nhà nước, đồng thời cụ thể hóa Hiến pháp năm 1992 đã được Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 10 tháng 12 năm 2001 sửa đổi, bổ sung.

Thứ hai, hoàn thiện thể chế thị trường lao động theo định hướng xã

hội chủ nghĩa; nghiên cứu, xây dựng và ban hành các văn bản, cơ chế, chính sách theo hướng tiếp cận với chuẩn mực chung của quốc tế về lao động, việc làm và thị trường lao động, phù hợp các thông lệ và cam kết quốc tế của Việt

Nam trong hội nhập; đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng minh bạch, công khai và đơn giản; tăng cường phân cấp, nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động trong lĩnh vực lao động - việc làm. Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách về lao động - việc làm: Sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Lao động, nghiên cứu xây dựng Luật Việc làm, Luật Tiền lương tối thiểu; xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; kịp thời ban hành những chính sách liên quan tới giải quyết việc làm và phát triển thị trường lao động để khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức trong và ngoài nước đầu tư phát triển sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm, đẩy mạnh mở rộng thị trường nhận lao động Việt Nam; Phê chuẩn các công ước và khuyến nghị của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về lao động, việc làm và thị trường lao động; các thông lệ quốc tế và cam kết quốc tế liên quan của Việt Nam trong hội nhập…

Thứ ba, pháp luật lao động lao động về việc làm và giải quyết việc

làm cần có các quy định tận dụng thời cơ của hội nhập, ra sức phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần tạo nhiều việc làm theo hướng: ưu tiên phát triển những ngành sản xuất hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu, những ngành mà Việt Nam có lợi thế trong hội nhập; những ngành kinh tế mũi nhọn, sử dụng lao động có trình độ kỹ thuật cao đồng thời tăng đầu tư, khuyến khích những ngành công nghiệp đòi hỏi ít vốn, sử dụng nhiều lao động, đòi hỏi trình độ chuyên môn kỹ thuật không cao; thu hút mạnh đầu tư nước ngoài, hình thành những khu công nghiệp, khu chế xuất; đầu tư, đẩy mạnh các ngành du lịch, dịch vụ và thương mại... Đây chính là giải pháp quan trọng mà Đảng ta xác định nhằm kết hợp phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, trong đó có giải quyết việc làm.

Một phần của tài liệu Pháp luật lao động về việc làm và giải quyết việc làm ở Việt Nam trong thời kỳ hội nhập (Trang 91)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)