Pháp luật về giải quyết việc làm thời kỳ trước khi có Bộ luật Lao động

Một phần của tài liệu Pháp luật lao động về việc làm và giải quyết việc làm ở Việt Nam trong thời kỳ hội nhập (Trang 27)

thuận lợi hoặc giúp đỡ. Về chủ trương, giải quyết việc làm, đảm bảo cho mọi người có khả năng lao động đều có cơ hội có việc làm là trách nhiệm của Nhà nước, của các doanh nghiệp và của toàn xã hội. Trách nhiệm của Nhà nước thể hiện ở chỗ Nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ trực tiếp về vốn cho các doanh nghiệp sản xuất tạo công ăn việc làm cho người lao động, giúp đỡ các cơ sở dạy nghề và học nghề gắn với việc làm bằng cơ sở vật chất ban đầu như nhà xưởng, trường lớp, thiết bị…

Nhà nước khuyến khích mọi hoạt động tạo ra việc làm, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh thu hút lao động dưới các hình thức khen thưởng, động viên bằng vật chất hoặc tinh thần.

Những nguyên tắc pháp lý trên đây là những quan điểm tư tưởng chỉ đạo toàn bộ quá trình giải quyết việc làm ở nước ta, phù hợp với những nguyên tắc của pháp luật lao động quốc tế về việc làm và đặc điểm cũng như thực trạng kinh tế - xã hội ở Việt Nam.

1.3. Lược sử quá trình hình thành và phát triển pháp luật về việc làm và giải quyết việc làm ở Việt Nam làm và giải quyết việc làm ở Việt Nam

1.3.1. Pháp luật về giải quyết việc làm thời kỳ trước khi có Bộ luật Lao động Lao động

Trong giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1954, là thời kỳ đầu của nước Việt Nam khi Cách mạng Tháng Tám thành công, trong điều kiện các văn bản pháp luật hầu như chưa có, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh cho tạm thời giữ lại các luật lệ của chế độ cũ ở các miền cho đến khi ban hành những đạo luật mới chung cho cả nước. Mặt khác, Chính phủ đã giao cho các Bộ trong phạm vi chức năng của mình, khẩn trương nghiên cứu ban hành các văn bản pháp luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội, trong đó có quan hệ pháp luật lao động.

Để bảo vệ người lao động trong quan hệ lao động, ngày 01/10/1945 Bộ Lao động ra nghị định buộc các xưởng kỹ nghệ, các nhà thương mại phải

báo trước một tháng cho người lao động khi sa thải họ đồng thời Bộ Lao động cũng ban hành Nghị định ấn định tiền phụ cấp cho công nhân khi bị thải hồi.

Năm 1947, Chính phủ ra tiếp sắc lệnh 29/SL (ngày 12/03/1947) quy định về các chế độ lao động khi làm công cho các chủ người Việt Nam tại các xưởng kỹ nghệ, hầm mỏ và các nhà làm nghề tự do trong toàn quốc. Người lao động đến tuổi lao động phải ra Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn để đăng ký lao động, ghi tên vào sổ lao động. Căn cứ tình hình được ghi trong sổ, Ủy ban có trách nhiệm sắp xếp việc làm với cơ chế: khi có chỉ tiêu của các ngành, các cấp thì giải quyết việc làm cho số lao động đó hoặc sắp xếp họ vào làm việc tại các hợp tác xã, tổ sản xuất.

Tháng 8 năm 1950, Chính phủ ban hành hàng loạt sắc lệnh quan trọng như Sắc lệnh 76/SL ban hành quy chế Công chức, Sắc lệnh 77/SL quy định chế độ Công nhân giúp việc Chính phủ trong thời kỳ kháng chiến… Đáng chú ý trong thời kỳ này là tổ chức các Phòng giới thiệu công nhân tại Bộ Lao động và Liên khu (Nghị định 21/CP ngày 15/5/1948 của Bộ Lao động, Thông tư số 02/TT ngày 18/05/1948 của Bộ lao động về việc định nhiệm vụ các cơ quan giới thiệu công nhân). Đây có thể coi là hình thức "tiền thân" của tổ chức giới thiệu việc làm.

Trong giai đoạn từ năm 1955 đến năm 1975, lần đầu tiên, Hiến pháp 1959 xác định lao động là một quyền lợi, một nghĩa vụ, một vinh dự. Nhà nước cam kết đảm bảo việc làm đầy đủ thông qua cơ chế kế hoạch hóa tập trung: "Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có quyền làm việc. Nhà

nước dựa vào sự phát triển có kế hoạch của nền kinh tế quốc dân, dần dần mở rộng công việc làm, cải thiện điều kiện lao động và lương bổng, để đảm bảo cho công dân được hưởng quyền đó" (Điều 30 Hiến pháp).

Trong giai đoạn này, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bảo pháp quy về lao động để cụ thể hóa Điều 30 của Hiến pháp 1959, đảm bảo quyền có việc làm của công dân. Trong đó có các văn bản: Luật Công đoàn 1957, Nghị định 24/CP ngày 13/3/1963 ban hành Điều lệ tuyển dụng, cho thôi việc đối

với công nhân viên chức nhà nước, Nghị định 172/CP tháng 11/1963 ban hành Điều lệ tạm thời về việc ký kết hợp đồng tập thể ở các xí nghiệp quốc doanh.

Trong giai đoạn từ năm 1976 đến năm 1985, khái niệm việc làm và thất nghiệp cũng không được đề cập. Việc sử dụng lao động mang nặng tính kế hoạch hóa tập trung. Về mặt nhận thức, lao động không được coi là một thứ hàng hóa đặc biệt và do vậy không được mua và bán trên thị trường. Quan hệ lao động thông qua hình thức tuyển dụng vào biên chế suốt đời và dưới dạng chủ yếu là lao động trực tiếp giữa Nhà nước và người lao động. Nhà nước trực tiếp trả các khoản bảo hiểm xã hội và các chế độ khác cho người lao động. Trong khu vực kinh tế chính thức, hoạt động tuyển dụng mang tính chất mệnh lệnh và người lao động được sắp xếp vào những chức vụ, công việc nhất định và được sử dụng lâu dài. Các căn cứ chủ yếu được pháp luật quy định bao gồm chỉ tiêu tuyển dụng và nhu cầu lao động. Nhà nước là người sử dụng lao động lớn nhất nên có trách nhiệm bảo đảm việc làm cho người dân theo kế hoạch.

Điều 59 Hiến pháp năm 1980 khẳng định:

Lao động là quyền, nghĩa vụ và vinh dự hàng đầu của công dân. Công dân có quyền có việc làm. Người có sức lao động phải lao động theo quy định của pháp luật. Nhà nước dựa vào kế hoạch phát triển kinh tế và văn hóa mà tạo thêm việc làm, sắp xếp công việc căn cứ vào năng lực, nguyện vọng cá nhân và yêu cầu của xã hội, nâng cao trình độ nghề nghiệp, bồi dưỡng sức lao động, không ngừng cải thiện điều kiện làm việc của lao động chân tay và lao động trí óc [27].

Trong thời gian này, hình thức xuất khẩu lao động và chuyên gia đi làm việc ở các nước Xã hội chủ nghĩa Đông Âu được thực hiện vào những năm 80 như là một cải cách về lao động việc làm, Nhà nước ban hành một số văn bản chỉ đạo như Quyết định số 46/CP ngày 1/2/1980 của Chính phủ về việc đưa công nhân và cán bộ đi bồi dưỡng, nâng cao trình độ và làm việc có

thời hạn tại các nước xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết số 362/CP ngày 29/11/1980 của Hội đồng Chính phủ về việc hợp tác sử dụng lao động với các nước xã hội chủ nghĩa trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi, với mục tiêu: "Giải quyết

việc làm cho một bộ phận thanh niên nước ta, thông qua hợp tác sử dụng lao động nhờ các nước anh em đào tạo giúp ta một đội ngũ lao động có tay nghề vững, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế nước ta sau này". Qua đó,

chúng ta đã ký một loạt các hiệp định với một số nước như Bungari (3/10/1980) có hiệu lực 5 năm, với Tiệp Khắc (27/11/1980) có hiệu lực 8 năm, Liên Xô (2/4/1981) có hiệu lực 10 năm…

Bắt đầu từ năm 1986, với Đại hội lần thứ VI của Đảng ta, công cuộc đổi mới đất nước được khởi xướng thì quan niệm về việc làm và thất nghiệp đã từng bước đổi mới. Một loạt văn bản pháp luật quan trọng về vấn đề lao động, việc làm được ban hành thể hiện quan niệm đổi mới đó.

Việc thực sự đổi mới quan niệm về việc làm, giải quyết việc làm được đánh dấu bằng việc Hội đồng Bộ trưởng (sau này là Chính phủ) ban hành Nghị định số 120/HĐBT ngày 11/4/1992 về chủ trương, phương hướng và biện pháp giải quyết việc làm. Đây là lần đầu tiên Chính phủ có một nghị quyết riêng về vấn đề việc làm. Theo đó, giải quyết việc làm là trách nhiệm của Nhà nước, của các ngành các cấp, các tổ chức xã hội và của mỗi người lao động. Trong bối cảnh chuyển đổi sang cơ chế thị trường, Nhà nước còn ban hành một số văn bản có "tính chất tình thế", như trong lĩnh vực sắp xếp việc làm cho lao động dôi ra do tinh giảm biên chế (Quyết định số 176/HĐBT ngày 9/10/1989; Quyết định số 111/HĐBT ngày 12/4/1991...); trong lĩnh vực điều động lao động và dân cư, xây dựng vùng kinh tế mới (Quyết định số 327/CT, ngày 15/9/1992...); trong lĩnh vực vay vốn để tạo mở việc làm (Quyết định số 259/CT ngày 13/7/1992); trong xây dựng quỹ trợ cấp thất nghiệp (Nghị định số 233/HĐBT, ngày 22/6/1990...); trong tổ chức trung tâm xúc tiến việc làm (Quyết định số 146/LĐTBXH-QĐ, ngày 17/3/1993); trong chương trình giải quyết việc làm cho một số đối tượng đặc thù (Quyết định số 15, ngày 20/10/1992)...

Có thể nói, trong thời kỳ 1986 đến 1994, giai đoạn đầu thực hiện công cuộc đổi mới, vấn đề việc làm đã được nhận thức lại phù hợp với tiến trình đổi mới của đất nước. Những biện pháp được thế giới đúc kết, đã được ghi nhận trong các công ước quốc tế về vấn đề việc làm trong cơ chế thị trường từng bước đã được vận dụng ở Việt Nam, như: dịch vụ việc làm, di dân, làm việc ở nước ngoài (hợp tác lao động), trợ cấp thất nghiệp, các chương trình việc làm cho các đối tượng đặc thù... Đồng thời, chúng ta cũng có những giải pháp sáng tạo đáp ứng trực tiếp những đòi hỏi của thực tiễn đất nước, như: cho vay vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, sắp xếp lao động... Tất cả điều này được thực hiện thông qua một loạt những chính sách, pháp luật, trong đó Nghị quyết số 120/HĐBT là một bước đột phá toàn diện từ chủ trương, phương hướng đến biện pháp thực hiện. Chính những văn bản pháp quy trong lĩnh vực việc làm và những kinh nghiệm qua thực tiễn áp dụng đã là cơ sở để xây dựng chương "Việc làm" trong Bộ luật Lao động, được thông qua ngày 23/6/1994 tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa IX.

Một phần của tài liệu Pháp luật lao động về việc làm và giải quyết việc làm ở Việt Nam trong thời kỳ hội nhập (Trang 27)