Bộ luật Lao động được Quốc hội khóa IX thông qua ngày 17/6/1994 (sau đây gọi là Bộ luật Lao động năm 1994) là sự kiện có ý nghĩa và tầm quan trọng to lớn đối với người lao động và người sử dụng lao động. Đây là lần tiên nước ta có một Bộ luật Lao động hoàn chỉnh để điều chỉnh mối quan hệ lao động giữa một bên là người sử dụng lao động và một bên là người lao động, đồng thời xác định rõ vai trò, trách nhiệm và quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước về lao động trong mối quan hệ đó. Bộ luật Lao động gồm 17 chương, 198 điều trong đó có riêng một chương (chương II) với 7 điều quy định về việc làm, tạo tiền đề để cho việc thiết lập và tiến hành quan hệ lao động. Để cụ thể hóa những quy định về việc làm trong Bộ luật Lao động năm 1994, Chính phủ ban hành Nghị định số 72/CP ngày 31/10/1995 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về việc làm (sau đây gọi là Nghị định 72/CP).
Ngoài Bộ luật Lao động, các vấn đề về việc làm và giải quyết việc làm, bảo đảm việc làm còn được đề cập khá nhiều trong một số đạo luật khác như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư nước ngoài, Luật Công đoàn, Luật Giáo dục…
Bộ luật Lao động đã khẳng định quyền làm việc và tự do chọn việc làm: "Mọi người đều có quyền làm việc, tự lựa chọn việc làm và nghề nghiệp... Mọi
hoạt động tạo ra việc làm, tự tạo việc làm, dạy nghề và học nghề để có việc làm, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh thu hút nhiều lao động đều được Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi hoặc giúp đỡ" (Điều 5). Những nội dung
này đã phần nào được đề cập ở Nghị quyết 120/HĐBT, nay được luật hóa. Bộ luật đã đưa ra một quan niệm mới về việc làm: "Mọi hoạt động lao
động tạo ra nguồn thu nhập không bị pháp luật cấm đều được thừa nhận là việc làm" (Điều 13). Với quan niệm này thì người lao động đã đứng vào vị trí
trung tâm, năng động và chủ động tự tạo việc làm cho mình và cho người khác, ở tất cả các thành phần kinh tế, không thụ động, trông chờ, ỷ lại vào sự bố trí việc làm của Nhà nước.
Bộ luật cũng đã xác định trách nhiệm các bên trong việc giải quyết, bảo đảm việc làm, bao gồm trách nhiệm của Nhà nước, của người sử dụng lao động, của tổ chức Công đoàn, của xã hội…
Bên cạnh những quy định có tính nguyên tắc chung, Bộ luật và các văn bản cụ thể hóa và hướng dẫn cũng đã đưa ra các biện pháp cơ bản giải quyết việc làm, bao gồm: Chương trình việc làm, Quỹ việc làm, Tổ chức giới thiệu việc làm, dạy nghề gắn với việc làm, khuyến khích đầu tư nhằm tạo ra nhiều việc làm, đẩy mạnh xuất khẩu lao động và chuyên gia… Thực hiện quy định của pháp luật lao động, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 90/CP ngày 15/12/1995 cụ thể hóa và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về học nghề. Trước đây, nhiệm vụ quản lý nhà nước về đào tạo nghề thuộc Bộ Giáo dục - Đào tạo, hiện tại nhiệm vụ này được chuyển giao cho Bộ Lao động - Thương binh và xã hội bằng Quyết định số 67/1998/QĐ-TTg ngày 26/3/1998 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời với sự chuyển đổi này, ngày
23/5/1998 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 33/1998/NĐ-CP về việc thành lập Tổng cục dạy nghề thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Ngày 09/01/2001, Chính phủ ban hành tiếp Nghị định số 02/2001/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Bộ luật Lao động và Luật Giáo dục và Dạy nghề. Đồng thời, với chủ trương tạo ra hành lang pháp lý và điều kiện kinh tế - kỹ thuật để có môi trường đầu tư lành mạnh, khuyến khích mọi người đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho mình và thu hút lao động xã hội, Nhà nước đã ban hành Luật Đầu tư trong nước và đã nhiều lần sửa đổi Luật Đầu tư nước ngoài. Bộ Chính trị đã có Chỉ thị số 41, năm 1999 về đẩy mạnh xuất khẩu lao động và chuyên gia. Để tạo hành lang pháp lý cho xuất khẩu lao động, Nhà nước đã nhiều lần sửa đổi chính sách, chế độ trong lĩnh vực này. Nghị định số 152/1999/NĐ-CP ban hành đã tạo điều kiện thông thoáng hơn cho việc mở rộng hoạt động xuất khẩu lao động và chuyên gia…
Ngoài các biện pháp cơ bản nói trên, Chính phủ cũng còn sử dụng nhiều biện pháp, cách thức khác trong lĩnh vực giải quyết việc làm, như việc gắn chính sách dân số, chương trình xóa đói giảm nghèo với việc giải quyết việc làm, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu, nuôi trồng thủy sản, chế biến nông sản, thực phẩm, khai thác đất hoang, đồi trọc, phát triển kinh tế trang trại, kinh tế du lịch...
Để phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước, Bộ luật Lao động đã được sửa đổi, bổ sung một số điều vào các năm 2002, 2006, 2007 và 2009. Theo đó, trong chương II về việc làm chỉ duy nhất điều 18 được sửa đổi, bổ sung. "Tổ chức dịch vụ việc làm" được gọi là "tổ chức giới thiệu việc làm". Từ "dịch vụ" này được thay là "giới thiệu" để tránh hiểu nhầm dẫn đến tình trạng thương mại hóa trong lĩnh vực việc làm. Quyền và nghĩa vụ của các tổ chức này cũng như việc quản lý nhà nước đối với tổ chức này được quy định cụ thể hơn so với Bộ luật Lao động 1994.
Sau khi ban hành Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ban hành các văn bản có liên quan đến việc làm và
giải quyết việc làm như: Nghị định 39/2003/CP ngày 18/4/2003 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về việc làm (sau đây gọi là Nghị định 39/CP), thay thế cho Nghị định 72/CP nêu trên, Quyết định số 71/2005/QĐ-TTg ngày 05/04/2005 về cơ chế quản lý, điều hành vốn vay Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, Nghị định 19/2005/NĐ-CP quy định về điều kiện, thủ tục thành lập và hoạt động của tổ chức giới thiệu việc làm, Luật Thanh niên năm 2005, Luật người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động năm 2006, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006, Quyết định số 103/2008/QĐ-TTg ngày 21/7/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008-2015 theo Quyết định 1956/QĐ-TTg về phê duyệt dự án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, Luật Người khuyết tật (2010)…
Như vậy, với một hệ thống các văn bản và quy định khá đồ sộ, pháp luật lao động đã tạo được hành lang pháp lý tương đối thuận lợi cho vấn đề việc làm và giải quyết việc làm, biến chủ trương, chính sách về việc làm thành các quy định cụ thể về quyền và trách nhiệm của các chủ thể trong quan hệ việc làm, góp phần giải quyết các vấn đề phát sinh trong quan hệ lao động, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, với các thời cơ và thách thức đặt ra trong thời kỳ hội nhập, pháp luật lao động về việc làm và giải quyết việc làm cần phải có những sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện, góp phần thúc đẩy giải quyết việc làm và hướng tới mục tiêu việc làm bền vững, nhân văn.
Chương 2