Xã hội thái bình, con người đối xử với nhau thân ái, hòa mục

Một phần của tài liệu Quan niệm của Nho giáo sơ kỳ về xã hội lý tưởng và ý nghĩa hiện thời của nó (Trang 72)

Xã hội mà các nhà sáng lập Nho giáo sơ kỳ mơ ước là xã hội thái bình thịnh trị, con người đối xử với nhau thân ái, hòa mục

Xã hội lý tưởng mà các nhà Nho sơ kỳ mơ ước là một xã hội ổn định, an

vui. Trong Luận ngữ, thiên Công Dã Tràng có ghi lại câu chuyện giữa thầy trò

Khổng Tử, mỗi người nói ra chí hướng, ước nguyện về cuộc sống của mình. Khi được hỏi: “Xin được nghe chí của thầy”. Khổng Tử đáp: “Ta mong sao những người già cả đều được an vui, bạn bè tin cậy ta, và trẻ thơ đều được thương yêu, dạy dỗ” [55, tr.312]. Lần khác, thầy trò Khổng Tử ngồi trò chuyện, Tăng Tích nói: “Cuối xuân, áo đẹp vừa may xong, cùng năm, sáu chàng thanh niên, sáu bảy đứa trẻ thơ, rủ nhau ra tắm ở sông Nghi, hóng mát ở đền Vũ Vu, ca hát mà về”. Khổng Tử than rằng: “Ta cũng muốn được như Điểm vậy” [55, tr.467]. Cuộc sống mà Khổng Tử mơ ước thật an lạc, thái bình. Mong ước của Khổng Tử và các nhà nho sơ kỳ cũng là mơ ước ngàn đời của nhân loại tiến bộ, sau hơn hai ngàn năm, con người vẫn đang nỗ lực thực hiện mục tiêu chăm sóc người già, dạy dỗ trẻ thơ, mong ước một xã hội yên vui.

Kế thừa tư tưởng của Khổng Tử, trong chính sách xã hội của mình, Mạnh Tử đặc biệt quan tâm đến những người cô đơn, già cả, những trẻ em bơ vơ không người chăm sóc. Ông nói: “Ông lão không vợ thì gọi là quan, bà lão không chồng thì gọi là quả, người già không con thì gọi là độc, trẻ thơ mất cha gọi là cô. Đó là bốn hạng người cùng khổ trong thiên hạ mà không có nơi nương tựa.

Khi Văn Vương phát chính lệnh thi hành nhân đức, ắt ngài quan tâm tới bốn hạng người đó trước nhất” [55, tr.785].

Trong xã hội lý tưởng đó, con người đối với nhau thân ái, tin cậy, hòa thuận. Khổng Tử cho rằng, trong quan hệ ứng xử giữa người với người, cần phải giữ nguyên tắc: “Lời nói phải trung tín, việc làm phải thận trọng, kính cẩn…” [55, tr.567]; “Với bạn bè tha thiết thương yêu, thành thật khuyên bảo, với anh em thì giữ một niềm hòa vui” [55, tr.522]. Trong xã hội lý tưởng đó, con người có cuộc sống yên ổn, những tệ nạn xã hội không còn, những hình phạt nặng cũng được xóa bỏ. Nho giáo đặt giáo dục đạo đức để thuyết phục, cảm hóa lên trên hình phạt và chính trị. Với tư cách là Đại tư khấu chuyên thực hiện các vụ xử kiện, khi được hỏi phải xử thế nào, Khổng Tử trả lời: “Xử kiện thì ta cũng như mọi người thôi, sao cho khỏi kiện cáo kìa” [55, tr.485]. Cho nên, Khổng Tử chủ trương dùng người hiền để trị nước, tránh việc dùng bạo lực tàn sát dân lành. Ông tin rằng, “người thiện nhân nối tiếp nhau làm việc nước trong trăm năm cũng đủ cảm hóa kẻ bạo tàn, bãi bỏ hình phạt chém giết vậy” [55, tr.505 - 506].

Để đạt được xã hội an lạc, thái bình đó, các nhà sáng lập Nho giáo sơ kỳ

đã xây dựng và nỗ lực thực hiện những phạm trù đạo đức Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí,

Hiếu. Điều đó thể hiện rõ tinh thần và ý chí tốt lành, thiết tha mong muốn con

người có cuộc sống tốt đẹp hơn, giảm bớt được những đau khổ loạn ly do đạo đức xã hội suy vi, đời sống con người bị trị cùng cực. Trong bối cảnh xã hội mà ở đó các vua chư hầu, các quan đại phu chỉ lo cho nhà mình, lo củng cố nước mình hùng mạnh, tìm cách thôn tính các nước khác để giành quyền bá chủ, các nhà nho sơ kỳ lại thể hiện khát vọng đi tới xã hội “thiên hạ đại đồng”, con người cùng nhau chung sống hòa hợp “bốn biển đều là anh em” là điều có thể lý giải được. Tuy nhiên, xét trên bình diện triết học, trong lý luận về mô hình xã hội và con đường đạt được khát vọng đó ở mức độ nhất định chưa hội đủ những điều kiện tương ứng để mơ ước đó thành hiện thực. Do đó, xã hội lý tưởng mà các nhà sáng lập Nho giáo sơ kỳ mơ ước đối lập với tình cảnh xã hội đương thời và mang không ít yếu tố ảo tưởng, bởi mâu thuẫn nội tại trong chính học thuyết đó khi một mặt các ông mơ ước một xã hội đại đồng, mặt khác lại muốn duy trì sự

phân chia đẳng cấp xã hội với những đặc quyền đặc lợi thuộc về giai cấp thống trị.

Xã hội mà các nhà sáng lập Nho giáo sơ kỳ mơ ước là xã hội không có chiến tranh

Thời đại của các nhà sáng lập Nho giáo sơ kỳ còn được gọi là thời Xuân Thu - Chiến Quốc. Tên gọi của thời đại này đã phản ánh đúng thực trạng xã hội

đương thời với những cuộc chiến tranh triền miên. Với chủ trương Đức trị, các

nhà sáng lập Nho giáo sơ kỳ kịch liệt phản đối chiến tranh, coi chiến tranh thôn tính lẫn nhau là tội ác, là điều trái với tư tưởng thánh nhân, bởi các ông quan niệm rằng dụng binh cốt là để dẹp loạn, an dân chứ không phải là để tranh quyền đoạt vị. Các nhà sáng lập Nho giáo sơ kỳ coi chiến tranh là nguyên nhân gây ra cảnh chết chóc, ly tán, sinh ra các loại người quan, quả, cô, độc. Chiến tranh chính là nguồn gốc của đói nghèo, bất hạnh. Khổng Tử yêu cầu người cầm quyền trước hết phải là người nhận thức được tác hại của chiến tranh và phải thi hành chính sách đức trị, hạn chế chiến tranh.

Khổng Tử yêu cầu người cầm quyền phải là người thương dân, mà thương dân thì phải hạn chế tối đa việc dùng binh lực, tránh tổn hại cho dân. Khổng Tử đã phê bình Quý Thị (một trong ba quyền thần nước Lỗ) gây chiến tranh chinh phạt nước Chuyên Du. Trong tư tưởng của Khổng Tử, dùng binh là việc làm bất đắc dĩ để tự vệ thôi [55, tr.593]. Chính sách chính trị tránh được chiến tranh là tốt nhất, vì thế Khổng Tử khen Quản Trọng (giúp Tề Hoàn Công làm bá chư hầu): “Ai có lòng nhân bằng ông? Ai có lòng nhân bằng ông?” [55, tr.537]. Nguyên do là Quản Trọng đã dùng biện pháp ngoại giao để tránh chiến tranh, tránh đổ máu, hao người, tốn của cho dân. Khổng Tử cũng nhấn mạnh thêm rằng, nếu bất đắc dĩ phải tham chiến thì người cầm quyền phải huấn luyện dân chúng nhằm tránh hao tổn binh lực: “Nhà cầm quyền khéo dạy dân trong bẩy năm cũng có thể khiến dân chiến đấu” [55, tr.523]. Bởi vì, “không huấn luyện mà bắt dân ra chiến đấu, ấy là bỏ dân (chết oan) vậy” [55, tr.523].

Cũng giống như Khổng Tử, Mạnh Tử lên án tội ác chiến tranh rất gay gắt, ông nói: “Những ông vua chẳng thi hành nhân chính, mà các quan còn giúp cho

giàu thêm, đều là những người bị Khổng Tử ghét bỏ, huống hồ những kẻ giúp vua đánh lớn? Chiến tranh để giành đất đã sát hại người ta, thây nằm chật đất; chiến tranh để đoạt thành đã sát hại người ta, thây nằm ngập thành. Như thế gọi là đốc suất cho đất đai ăn thịt người vậy, dẫu chết cũng không đủ đền tội” [55, tr.1041].

Mạnh Tử lên án những kẻ hiếu chiến, là những kẻ khoe rằng, “Tôi giỏi bày trận, tôi chiến đấu giỏi”. Đó là tội rất lớn vậy” [55, tr.1340]. Ông cũng kết tội những kẻ tham chiến, cho rằng, những “kẻ thiện chiến phải chịu hình phạt nặng nhất, kẻ liên kết với các nước chư hầu (xúi giục chiến tranh) chịu tội thứ nhì” [55, tr.1041]. Mạnh Tử cũng chê Lương Huệ Vương là bất nhân đã làm hại cả người thân của mình để tranh quyền đoạt vị: “Bất nhân thay là Lương Huệ Vương… vì mong chiếm đất mà tàn hại dân chúng trong chiến tranh. Thua đậm, muốn phục thù, mà sợ không thắng nổi, nên xua bọn con em yêu quý ra trận, khiến họ chết sạch. Thế là làm hại từ chỗ không thân ái tới chỗ thân ái vậy” [55, tr.1337].

Mạnh Tử lên án chiến tranh còn bởi một lý do khác nữa, đó là khi chiến tranh xảy ra, các bên tham gia chiến trận, đem quân đi giành đất, đánh thành, quân đi đến đâu phải lấy lương thực của dân ở đó mà ăn. Trong khi đó, dân đang lầm than đói khổ, cơm chẳng đủ ăn, áo không đủ mặc mà vẫn phải thắt lưng buộc bụng để tích góp lương thảo cho những cuộc chinh phạt của nhà vua thì tất nhiên dân không khỏi oán giận. Những người tham gia lao dịch phục vụ chiến trận cũng khó nhọc vất vả, không lo cày cấy mùa màng mà phải lo phu dịch cũng không khỏi ca thán. Đồng thời, kẻ thắng trận thì bày tiệc rượu ăn mừng tốn kém, kẻ thua trận lại lo tích lũy lương thảo, luyện tập binh mã để phục thù, nhà có người chết trận thì lo tang ma, cúng tế, tất cả những điều đó đều làm cho người dân trở nên khốn đốn, đời sống ngày càng cùng cực hơn.

Vì thế, Mạnh Tử cho rằng, nếu người cầm quyền không ham giết người thì có thể thống nhất được đất nước, yên trị thiên hạ: “Nay, những kẻ chăn dân trong thiên hạ, không có kẻ nào lại chẳng ham giết người. Nếu như có ai không ham giết người, ắt dân chúng trong thiên hạ nghển cổ trông mong vậy. Thật tình được như thế, ắt dân theo về, như nước chảy xuống chỗ thấp, ào ào, ai mà ngăn được?” [55, tr.735]. Ngược lại, những bề tôi phụng sự vua chúa, không giúp vua

cai trị đất nước bằng nhân nghĩa mà chỉ lo luyện tập binh mã để đánh các nước khác thì cũng bị coi là kẻ thù của dân [55, tr.1270].

Ngoài ra, trong đường lối chính trị, quan điểm của các nhà Nho sơ kỳ về vấn đề binh lực cũng có sự khác nhau. Khổng Tử và Mạnh Tử không quá coi trọng binh lực. Khổng Tử cho rằng, trong ba yếu tố quan trọng đối với sự trường tồn của một quốc gia là lương thực, binh lực và lòng dân, nếu bất đắc dĩ phải bỏ một thứ thì ông cho rằng bỏ binh lực. Điều đó cho thấy, trong tư tưởng của Khổng Tử, binh lực không quan trọng bằng lòng tin và sự no đủ của dân, còn dụng binh là việc bất đắc dĩ để tự vệ. Còn Mạnh Tử thậm chí còn kết tội những kẻ liên minh với nước khác, xúi giục nhà vua tiến quân đánh thành, giành đất, thực hiện tham vọng bá chủ, coi chúng là “phường giặc dân”. Mặc dù chủ trương “phi chiến”, nhưng Mạnh Tử tiến lên một bước xa hơn Khổng Tử khi cho rằng, nếu người dân ở nước nào thống khổ dưới sự cai trị của ông vua tàn bạo, trong trường hợp cần cứu người dân nước đó thì cũng cần đánh, như việc vua Thang đem quân đánh vua nước Cát để cứu dân lầm than thoát khỏi sự cai trị của ông vua vô đạo. Tuân Tử còn tiến xa hơn một bước nữa khi bàn đến việc dụng binh,

cụ thể ông đã viết thành một chương trong sách Tuân Tử bàn về sức mạnh của

đích thực của một đạo quân, thiên Nghị binh.

Tuân Tử cũng cho rằng, sức mạnh của một đạo quân đích thực tùy thuộc vào phẩm chất của khí giới, tài năng của tướng, tinh thần của quân và thực lực kinh tế. Tuy nhiên, Tuân Tử nhấn mạnh một đạo quân chỉ thực sự mạnh khi đoàn kết được dân chúng một lòng và được dân hết lòng ủng hộ: “Dân cùng góp sức thì mạnh, dân không góp sức thì yếu” [16, tr.138]. Như vậy, mặc dù chủ trương xây dựng quân đội để bảo vệ đất nước, nhưng Tuân Tử vẫn kế thừa Khổng Tử và Mạnh Tử khi cho rằng quân lực cần hùng hậu chủ yếu là để củng cố uy lực chứ không nhằm mục đích xâm lược. Qua đó cho thấy Tuân Tử vẫn lấy nhân nghĩa làm trọng. Ông còn đề cao uy đức của nhà vua, cho đó là sức mạnh không đánh cũng thắng: “Nhân hơn thiên hạ, cho nên thiên hạ ai cũng thân yêu, nghĩa hơn thiên hạ, cho nên thiên hạ ai cũng quý trọng, uy hơn thiên hạ, cho nên thiên hạ không ai dám đối địch. Có cái oai vô địch, lại có thêm nhân nghĩa cảm phục lòng

người, cho nên chả phải đánh mới thắng, chả cần tấn công mà vẫn được đất đai” [16, tr.139-140]. Tuy nhiên, chủ trương xây dựng một đạo quân nhân nghĩa của Tuân Tử cũng không được các thế lực cầm quyền đương thời tuân theo, bởi lẽ các nước chư hầu còn mải lo tranh quyền đoạt vị, mải lo thôn tính các nước khác để giành quyền bá chủ, các quan khanh thì mải lo vơ vét, bóc lột, củng cố địa vị, chẳng ai có thì giờ để nghĩ đến và thi hành nhân nghĩa. Thậm chí, họ còn dùng mọi thủ đoạn để đạt được mục đích của mình, do đó lời khuyên nhân nghĩa của Tuân Tử trở nên lạc lõng trước thời cuộc.

Một phần của tài liệu Quan niệm của Nho giáo sơ kỳ về xã hội lý tưởng và ý nghĩa hiện thời của nó (Trang 72)