Luận ngữ
Theo Ngữ văn Hán Nôm thì Chu Công là người đã sưu tập những nghi
thức đương thời, biên soạn thành Kinh Lễ, về sau Khổng Tử bổ sung thêm.
Nhưng Kinh Lễ bị thất truyền, đến đầu thời Hán, Cao Đường Sinh tìm được 17
thiên. Các học giả đời sau đã lý giải, phụ chú Kinh Lễ, do đó Lễ Ký ra đời. Như
vậy, Lễ ký “không phải là tác phẩm của một người, đồng thời nó luôn trải qua
quá trình chỉnh lý và chọn lọc nên không có tính hệ thống nhất quán” [133, tr.704]. Vì thế, đây cũng là một trong những lý do nảy sinh những quan điểm bất
đồng về nguồn gốc của tư tưởng “Đại đồng” trong Lễ Ký.
Trong sách Lễ Ký, thiên Lễ Vận chép:
“Xưa kia Trọng Ni có lần được mời làm khách dự lễ lạp cuối năm, lễ xong, ông ra ngoài du ngoạn nhìn những cổng kết làm lễ, đột nhiên thở dài. Ngôn Yển đứng bên cạnh hỏi: “Người quân tử có gì mà phải thở dài?” Khổng Tử đáp: “Đạo lớn vào lúc ấy nên ba đời Hạ, Thương, Chu mới có nhiều anh tài. Khâu này chưa thấy được nhưng chí lúc nào cũng muốn vậy. Đạo lớn thi hành, cả thiên hạ là của công, tuyển chọn người hiền có tài năng, nói điều tín nghĩa hòa mục, cho nên người ta không chỉ lo cho người thân của mình, không chỉ lo cho con cái của mình. Xã hội
như vậy đủ khiến cho người già được chết yên lành và người khỏe mạnh có chỗ dùng tới, xã hội như vậy kính trọng người cô quả bơ vơ, bệnh tật và nuôi dưỡng họ. Đàn ông nào cũng có chức phận, đàn bà nào cũng có chồng. Của cải không bị phung phí mà cũng chẳng cần cất giấu. Sức mạnh không cần mang ra khoe mà cũng chẳng vì mình. Cho nên xã hội như thế không cần dùng trí mưu lược mà bọn đạo tặc trộm cắp cũng không nổi lên được, cho nên cửa ngoài không cần đóng. Đó là xã hội Đại Đồng” [95, tr.115-116].
Xã hội lý tưởng với nội hàm khái niệm nói trên , theo Khổng Tử, chỉ có ở thời kỳ trước Hạ, Thương, Chu (còn gọi là Tam đại), nhưng chúng ta không thấy Khổng Tử nhận định đó là thời đại nào . Nhiều người cho rằng, xã hội đại đồng hay còn gọi là mô hình xã hô ̣i lý tưởng được Khổng Tử xác định là xã hô ̣i thời
Nghiêu Thuấn, tức là dưới thời trị vì của các ông vua huyền thoại. Trong Lễ Ký,
chúng ta chỉ thấy ông nói đến sự tất yếu phải quản lý xã hô ̣i bằng Lễ do từ thời
Tam đại đến nay xã hô ̣i lý tưởng hoàn mỹ trước đây đã qua đi , thiên hạ vốn là của chung giờ đây bị chia thành từng nhà, từng họ. Từ đó làm xuất hiện đầu óc tư hữu, từ sự khai thác tài nguyên cho đến mọi hoạt động khác đều vì lợi ích
riêng của mình. Sự ra đời của Lễ như một tất yếu nhằm quản lý xã hội đã bị phân
tán. “Ba đời Hạ, Thương, Chu, những nhà trị vì đất nước xuất sắc đã mở ra một cục diện an khang. Lợi dụng cục diện an khang mà lễ trị đặt ra để so sánh xã hô ̣i đại đồng nên có chỗ hơi khác nhau, vì vậy mới gọi là tương đối tiểu khang” [99,
tr.250-251]. Chúng tôi cho rằng, xã hội tiểu khang theo quan điểm của Khổng Tử
chính là xã hội đã chuyển từ công xã nguyên thủy sang chế độ tư hữu, từ đó mới xuất hiện thiết chế bằng Lễ để duy trì sự ổn định trật tự xã hội. Bàn về xã hội
Tiểu khang, sách Lễ Ký, thiên Lễ vận viết:
“Ngày nay đạo lớn đã bị che lấp, người ta coi thiên hạ là nhà của mình, mỗi người chỉ tự yêu lấy người thân cha mẹ mình, chỉ lo cho con cái riêng của mình, coi của cải sức mạnh là của riêng mình. Các bậc đại nhân, thiên tử chư hầu coi việc truyền đời cho giòng họ mình là lễ, cố giữ cho thành quách sông hồ của mình được bền lâu vững vàng, dùng lễ nghĩa trói buộc
để chính danh vua tôi, ước thúc vào đạo cha con, ràng buộc vào nghĩa hòa mục anh em, thuận hòa chồng vợ để thiết lập chế độ, phân chia ruộng đất, chỉ dùng người hiền kẻ trí, lo lập công vì mình. Lấy mưu mô mà làm việc, mà việc binh đao do đó mà xảy ra. Các vua Vũ, Thang, Văn, Võ, Thành vương, Chu công đều tuyển chọn từ đó mà ra. Sáu người gọi là quân tử ấy, không ai là không biết lễ, họ còn đặt ra Nghĩa, chọn lựa bằng chữ Tín. Ai có tội, họ dùng hình phạt là việc thường. Nếu như có ai không tuân theo đấy họ đều loại bỏ và coi là tai họa của nhân dân. Xã hội như vậy gọi là Tiểu Khang” [95, tr.115-116].
Như vậy, có thể nói, xã hội Tiểu khang xét về cấp độ , rõ ràng là thấp hơn
xã hội Đại đồng.
Theo giải thích của Trịnh Khang Thành đời Hán trong Lễ ký chú sớ thì
“Đại” là “quảng đại”, rộng rãi, lớn lao. “Đồng cũng như là “hòa” và “bình” [125, tr.17]. Theo lời “sớ” của Khổng Dĩnh Đạt đời Đường thì suốt trên mặt đất đều thế cả, nên gọi đại đồng” [125, tr.17]. Nói tóm lại, “Đại đồng” là khái niệm để chỉ xã hội có khung cảnh hòa bình mang tính quảng đại.
Tư tưởng “Đại đồng” đã trở thành lý tưởng, thành điều mơ ước của nhiều thế hệ nhà nho trong lịch sử Nho giáo. Tuy nhiên, quan điểm của họ về nguồn gốc của tư tưởng “Đại đồng” không thống nhất. Chúng tôi xin nêu một số quan điểm cơ bản dưới đây:
Thứ nhất, nhóm học giả có quan điểm cho rằng tư tưởng “Đại đồng” trong
Lễ Ký là của Khổng Tử. Theo Lương Khải Siêu, tư tưởng “Đại đồng” trong Lễ vận, sách Lễ Ký được truyền từ Khổng Tử đến Tử Du, rồi từ Tử Du đến Mạnh Tử, gọi là phái “Đại đồng” [125, tr.22]. Nhà sử học Trung Quốc Kim Triệu Tử cũng tán đồng quan điểm đó, cho rằng Mạnh Tử đã tiếp thu và truyền bá thuyết “Đại đồng” của Khổng Tử. Từ chủ trương “lo không đều chứ không lo ít” của Khổng Tử, Mạnh Tử đã nêu quan điểm “dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”. Theo Kim Triệu Tử, “thứ lễ giáo lấy nhân làm gốc ấy vốn chỉ đi đến cái bước thịnh trị tiểu khang thực hiện lễ và cẩn thận về lễ thôi; đến như chính trị trong lý tưởng của Ngài (chỉ Khổng Tử) thì vẫn phát ra từ quan niệm của Ngài
đối với Trời, ấy là bước thịnh trị đại đồng lấy thiên hạ làm công cộng…” [125, tr.24]. Khổng Tường Hi, một trong những hậu duệ của Khổng Tử cũng nhận định: Tư tưởng “Đại đồng” là của Khổng Tử, tư tưởng đó được các môn đệ của Khổng Tử như Nhan Uyên, Tử Du và Tử Trương lĩnh hội được, truyền bá ra thành phái “Đại đồng”: “Tử Du thực được tiếp nhận cái thuyết “Đại đạo chi hành”, “thiên hạ vi công”. Tử Trương là bậc tài cao, ý rộng, được phu tử bảo rằng: “Biết làm những điều cung kính, khoan thứ, tin thực, minh mẫn và ơn huệ ở thiên hạ thì là người nhân”. Tử Trương cũng truyền được cái học đại đồng” [125, tr.26].
Những luận điểm trên cho thấy, không những các học giả khẳng định tư tưởng “Đại đồng” là của Khổng Tử mà còn cho rằng có học phái “Đại đồng”, lĩnh hội và truyền bá tư tưởng “Đại đồng” nữa.
Một số học giả đương đại, có lẽ căn cứ vào chữ “Khổng Tử viết” nên cho
rằng tư tưởng “Đại đồng” trong Lễ Ký là của Khổng Tử. Giáo sư Nguyễn Tài
Thư trong cuốn Lịch sử tư tưởng Việt Nam cho rằng: “Nho giáo, đặc biệt là Nho
giáo Khổng Mạnh, nêu lên một xã hội lý tưởng, xã hội “đại đồng”, xem đó là mục tiêu phấn đấu của mình. Ở đó có vua thánh, tôi hiền, mọi cái đều là của chung, mọi người đều có quyền lợi, người người đều có sản nghiệp riêng, người người đều được chăm sóc. Đối với nhau thì như anh em. Xã hội thì hòa mục. Khổng Tử nói: “Sự thực hiện đạo lớn là, thiên hạ là của chung, tuyển chọn người hiền và cử người tài năng, nói điều tín và tu sửa hòa mục. Cho nên người ta không chỉ tôn kính cha mẹ mình, không chỉ thương yêu con cái mình, còn khiến cho người già được sống trọn đời, người trai tráng được sử dụng, trẻ thơ được lớn lên, người không vợ, không chồng, trẻ mồ côi, người không con, người tàn tật, tất cả đều được chăm sóc…” [118, tập 1, tr.76].
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình khi đề cập đến vấn đề Quan điểm của Nho
Giáo sơ kỳ về xã hội lý tưởng cũng viết: “Trong thiên Lễ vận (sách Lễ ký), Khổng Tử còn nói đầy đủ và cụ thể thêm về mô hình của xã hội lý tưởng: “Sự thực hiện đạo lớn là, thiên hạ là của chung…” [11, 5, tr.46].
Như vậy, rất nhiều học giả từ cổ đến kim đã đồng quan điểm cho rằng tư
tưởng “Đại đồng” trong Lễ Ký là của Khổng Tử.
Thứ hai, nhóm các học giả có quan điểm cho rằng tư tưởng “Đại đồng”
trong Lễ Ký không phải của Khổng Tử mà là của các nhà nho sau này viết ra rồi
gán cho Khổng Tử. Các học giả này cũng đưa ra nhiều cứ liệu để khẳng định quan điểm của mình. Tựu trung lại, có hai lý do cơ bản, một là căn cứ vào nguồn
gốc của Lễ Ký, hai là căn cứ vào việc so sánh cách hành văn và nội dung tư
tưởng giữa Lễ Ký và Luận ngữ.
Về nguồn gốc của Lễ Ký, trong Sử ký Tư Mã Thiên, phần Khổng Tử thế
gia có viết: “Khi xem những điều nhà Ân thêm hay bớt về lễ của nhà Hạ, Khổng
Tử nói: Tuy một trăm đời sau cũng có thể biết được. Cứ đời trước chuộng văn hoa thì đời sau chuộng thực chất. Nhà Chu noi gương hai triều đại trước, lễ nghi
nhà Chu rực rỡ làm sao! Ta theo nhà Chu. Vì thế phần truyện trong Kinh Thư và
Lễ Ký là do Khổng Tử làm” [98, tr.225].
Trong cuốn Nho giáo, Trần Trọng Kim viết: “Kinh Lễ hiện nay có 25
quyển, chia ra làm 49 thiên, phần nhiều là văn của Hán Nho phụ họa vào, chứ
chính văn đời Xuân Thu thì không còn được mấy. Trong Kinh Lễ có thiên Lễ
Vận, Hán Nho cho là Tử Du hoặc là môn đệ của Tử Du làm ra” [63, tr.155].
Dịch giả Nguyễn Tôn Nhan, trong phần “Truy tìm nguồn gốc Kinh Lễ”
cũng nhận xét: “Kinh Lễ chính thức xuất hiện tuy có muộn nhưng lại có nhiều ngụy bản hơn cả, như các chỗ các nhà nho đời Tần Hán giả mượn lời Khổng Tử
thuật lại việc ở thời Tam đại… Nội dung của Kinh Lễ vốn đã có từ lâu, chỉ có sự
ghi chép lại là có phần muộn màng. Thời gian để Kinh Lễ ghi chép lại thành sách
rất dài, có thể kể từ thời Chiến Quốc đến giữa thời Tây Hán” [95, tr.9].
Như vậy, quá trình hình thành Lễ Ký rất dài, nhiều nhà nho phụ chú,
nguồn gốc lại có nhiều thuyết khác nhau, tựu trung lại, có ba thuyết cơ bản sau: Thuyết thứ nhất cho rằng, đến đầu đời Hán, Cao Đường Sinh, người nước
Lỗ, giữ được và truyền bá 17 chương Kinh Lễ, truyền đến Hậu Thương, Hậu
Thương có hai học trò nổi tiếng là Đới Đức và Đới Thánh. Để tiện cho việc giảng dạy, hai chú cháu (có sách nói là hai anh em) Đới Đức và Đới Thánh đã
sắp xếp 17 thiên Kinh Lễ, đồng thời tham khảo thêm những bình chú trong các
tản thiên Lễ Ký và các thư tịch có liên quan, biên soạn thành sách. Đới Đức
tuyển chọn, tập hợp thành 85 thiên gọi là Đại Đới Ký, cháu là Đới Thánh tuyển
chọn 49 thiên lấy tên là Tiểu Đới Ký. Tiểu Đới Ký được một học giả uyên bác
đời Hậu Hán là Trịnh Huyền chú giải và giới thiệu, được Hán Linh đế cho in vào bộ Thạch Kinh, vì thế nó được lưu truyền rộng rãi đến tận ngày nay. Lễ Ký ngày
nay chúng ta dùng là cuốn Tiểu Đới Ký 49 thiên. Dịch giả Nguyễn Tôn Nhan và
Nhữ Nguyên khi dịch Lễ Ký đều dịch bản này. Trong Từ điển Triết học Trung
Quốc, PGS. TS. Doãn Chính cũng định nghĩa: “Lễ Ký cũng còn gọi là Tiểu Đới
ký hay Tiểu Đới lễ ký, là một tác phẩm của Nho gia, tập hợp các bản văn luận về
“lễ” của các Nho gia từ thời Tiên Tần đến đầu đời Hán” [24, tr.340].
Thuyết thứ hai cho rằng, “cuối đời Hán Võ Đế, Lỗ Cung vương phá nhà cũ của Khổng Tử để mở rộng cung điện, tìm được sách cổ văn “Thượng Thư” và các sách “Lễ Ký”, “Luận Ngữ”, “Kinh Hiếu” tất cả đều chép bằng cổ văn” [95, tr.8].
Thuyết thứ ba cho rằng, đầu đời Hán, Hà Gian Hiến Vương là người tu học thích cổ văn, thưởng rất hậu cho những ai mang đến sách hay. Do vậy Hà Gian Hiến Vương đã thu thập được rất nhiều sách hay trong thiên hạ, trong đó có
Lễ Ký.
Quá trình hình thành Lễ Ký khá phức tạp, diễn ra trong một khoảng thời
gian lâu dài, trải qua sự chọn lọc, chỉnh lý, chú giải của nhiều học giả và có nhiều thuyết khác nhau như vậy, cho nên nhiều học giả có lý do để nghi ngờ tư
tưởng “Đại đồng” trong Lễ Ký không phải là của Khổng Tử.
Lý do khác để một số học giả khẳng định rằng tư tưởng “Đại đồng” trong
Lễ Ký không phải là của Khổng Tử vì xét thấy văn phong và nội dung tư tưởng
không phù hợp so với Luận ngữ. Cho đến nay, Luận ngữ vẫn được xem là tài
liệu đáng tin cậy nhất để đoán định tính xác thực những tư tưởng của Khổng Tử.
Vì thế một số học giả đã lấy Luận ngữ làm chuẩn mực để so sánh văn phong và
tư tưởng giữa Luận ngữ với Lễ Ký.
Xét về văn phong, Hoàng Thúc Trâm nhận định rằng văn phong trong Lễ
lời Khổng Tử đối đáp với các học trò và các vương hầu, “thường bằng một văn thể giản yếu, khái quát, nhã tuần và tổng hợp, chứ không có cái văn thể trường thiên đại luận, phân tích chi tiết như chỗ chép về “đại đồng, tiểu khang” ở trong
thiên Lễ Vận ấy” [125, tr.35].
Xét các quan điểm bàn về tư tưởng xã hội “Đại đồng” và “Tiểu khang”
trong thiên Lễ vận, Nguyễn Hiến Lê nhận xét: “Đoạn đó ngay từ thời Tống đã có
người nghi không phải lời của Khổng Tử vì Khổng Tử rất phân biệt tôn ti, thân sơ, không chủ trương đại đồng” [18, tr.850], “Ngày nay, người ta nhận những lời bàn đó là xác đáng, và lý tưởng đại đồng không phải là lý tưởng của Khổng Tử. Khổng Tử chỉ chủ trương thực hiện được một quốc gia phong kiến thịnh trị, có trật tự, người trên có đức hạnh, dân được no đủ, được giáo hóa. Đoạn văn tả thế giới tiểu khang ở trên chính là trỏ thế giới đó; nhưng của ai viết thì vẫn chưa biết được, có lẽ là một nhà nho ở cuối thời Chiến quốc” [18, tr.851].
Ngoài ra, còn có ý kiến cho rằng, khi Khổng Tử giữ chức Tư khấu, Tử Du mới có 6 tuổi (vì Tử Du nhỏ hơn Khổng Tử 45 tuổi), vì thế, Khổng Tử không thể đem những điều trong thuyết “Đại đồng” ra mà nói cho Tử Du nghe được, Tử Du còn quá nhỏ để hiểu những lý lẽ sâu xa trong thuyết đó [24, tr.725].
Việc xác định tư tưởng “Đại đồng” trong sách Lễ Ký có phải là tư tưởng của Khổng Tử hay không cho đến nay vẫn còn nhiều ý kiến bất đồng. Song, chúng tôi cho rằng tư tưởng “Đại đồng” phù hợp với tư tưởng của Khổng Tử về
xã hội lý tưởng. Nếu lấy Luận ngữ để đối chiếu, có thể thấy tư tưởng của Khổng
Tử về xã hội lý tưởng được thể hiện trong Luận ngữ có những điểm tương đồng
với tư tưởng “Đại đồng” trong Lễ Ký. Chẳng hạn, sách Lễ Ký chép: “Đạo lớn thi
hành, cả thiên hạ đều là của công, tuyển chọn người hiền có tài năng, nói điều tín
nghĩa hòa mục…” [95, tr.116], thì trong Luận ngữ, Khổng Tử nhiều lần nhấn
mạnh: “Cất nhắc người chính trực, loại bỏ hết những kẻ cong vạy, ắt dân phục”, “Cất nhắc người thiện mà giáo hóa người kém cỏi, ắt dân rủ nhau làm điều lành”