Về chính trị xã hội

Một phần của tài liệu Quan niệm của Nho giáo sơ kỳ về xã hội lý tưởng và ý nghĩa hiện thời của nó (Trang 31)

Thể chế chính trị nhà Chu (Tây Chu từ 1066 -771 TCN, Đông Chu từ 770- 256 TCN) [100, tr.129] được xây dựng trên nguyên tắc phân phong và cống nạp hàng năm. Trật tự đẳng cấp được duy trì theo thứ tự: Thiên Tử, chư hầu, khanh, đại phu, sĩ. Trong đó, thiên tử nhà Chu là lãnh chúa tối cao chiếm toàn bộ đất đai và thống trị thần dân khắp thiên hạ. Thiên tử chia đất đai và phong chức tước cho anh em, họ hàng và công thần làm chư hầu để họ dựng nước và trị dân các nơi. Vua các chư hầu lại phân phong đất đai, chức tước cho các bậc đại phu, quý tộc. Vua chư hầu cũng có chính quyền và quân đội riêng, hàng năm phải triều cống và triều hội với thiên tử nhà Chu.

Năm 771 TCN, Bình Vương lên ngôi vua, dời đô từ Cảo Kinh về Lạc Ấp ở phía Đông (Thời kỳ Tây Chu đến đây chấm dứt). Sau khi Bình Vương dời đô về Lạc Ấp không lâu, trong cung đình đã xảy ra việc cha con tranh nhau ngôi vua làm cho thế lực nhà Chu ngày càng suy yếu. Mặt khác, do uy thế chính trị của nhà Chu bị giảm sút, nhiều nước chư hầu không chịu triều cống cho vua Chu như trước nữa.

Vì vậy, về danh nghĩa, vua nhà Chu vẫn là vua chung, nhưng trên thực tế, vị thế “đỉnh tháp” này đã không đủ sức để điều khiển các chư hầu nữa. Nhân lúc thế lực nhà Chu suy yếu, một số chư hầu không những không tuân theo mệnh lệnh của thiên tử mà còn xâm phạm lãnh địa nhà Chu, thậm chí còn muốn khống chế thiên tử để chỉ huy các nước chư hầu. Đến giai đoạn này, chế độ “phong hầu kiến địa” của nhà Chu đã không còn được tuân thủ răm rắp như trước. Vua nhà Chu không còn đủ thế và lực để nắm được toàn bộ đất đai, thần dân cũng như các nước chư hầu nữa, các vương hầu tự xưng hùng, xưng bá, lợi dụng danh nghĩa bảo vệ tôn vinh nhà Chu, tập hợp lực lượng để xâm lược, trừng phạt và tiêu diệt nước khác, mà thực chất là từng bước tiếm quyền, chiếm giữ địa vị thiên tử nhà Chu để cai trị thiên hạ. Do vậy, từ đầu thế kỷ VII đến thế kỷ V trước CN, trong đời sống chính trị ở Trung Quốc đã diễn ra cuộc chiến tranh giữa các

nước để tranh quyền bá chủ thiên hạ. Nước đầu tiên giành được quyền bá chủ là Tề (656 trước CN), sau đó là Tấn (632 trước CN), Sở (597 trước CN), sau này là Tần, Ngô, Việt cũng trở thành những nước lớn tranh giành quyền bá chủ.

Theo Khổng Tử, nguyên nhân dẫn đến rối loạn xã hội là do sự hỗn loạn của của quan niệm danh phận đẳng cấp, sự sa sút uy tín của lãnh chúa tối cao là thiên tử nhà Chu, sự suy nhược của các chư hầu địa phương và sự ngông nghênh của các quan đại phu, chư hầu vượt quyền thiên tử, đại phu vượt quyền chư hầu, “thứ dân” mặc sức bàn việc chính trị… Tình trạng đó không những làm phá hoại trật tự phong kiến cổ truyền mà còn là mối nguy cơ chính trị rất lớn thời bấy giờ, Trong

Luận ngữ đã phản ánh về tình trạng đó như sau: “Ba nhà quyền thần cho tụng thơ “Ung triệt”. Khổng Tử nói rằng: “Trợ tế chỉ có hàng tích công, đức của thiên tử rộng lắm thay!”, câu thơ ấy sao có thể đem đọc ở đền thờ của ba nhà” [55, tr.238]; Khổng Tử phê bình Quý Thị: “Sai tám hàng vũ công múa ở sân đền thờ, việc đó còn dám làm, việc gì lại chẳng dám?” [55, tr.237]; chê Quản Trọng: “Vua Tề dựng bình phong che cửa, họ Quản cũng dựng bình phong che cửa. Lúc hai vua giao hiếu, vua Tề dùng lễ phản điếm, họ Quản cũng (bắt chước) dùng lễ phản điếm. Họ Quản mà biết lễ, thì ai là người không biết lễ đây” [55, tr.259]. Sống trong thời kỳ lịch sử đó, Khổng Tử luyến tiếc và muốn khôi phục lại thời kỳ hoàng kim của chế độ tông pháp nhà Chu. Vì theo Khổng Tử, đó là thời kỳ lễ, văn rực rỡ, thịnh trị, ổn định. Vì vậy, trong học thuyết của mình, Khổng Tử đã

đưa ra những nguyên tắc, phương pháp trị nước như Nhân, Lễ, Chính danh, Tu

thân, Đức trị,Hiếu đễ…nhằm đảm bảo cho một trật tự xã hội ổn định, khắc phục tình trạng hỗn loạn đương thời.

Bình luận về sự rối loạn chính trị và suy thoái đạo đức của thời kỳ lịch sử này, Mạnh Tử đã nói: “Đời xưa đặt ra cửa quan là để ngăn chặn kẻ hung bạo, đời nay đặt ra cửa quan là để làm chuyện hung bạo” [55, tr.1343], “Đời nay suy đồi, đạo mờ tối, những tà thuyết, hành động bạo ngược lại nổi lên. Những chuyện bề tôi giết vua mà cũng có, con giết cha mà cũng có. Khổng Tử lấy làm sợ, làm sách Xuân Thu” [55, tr.1001]. Tề Cảnh Công cũng nói: “Nếu vua chẳng ra vua, tôi chẳng ra tôi, cha chẳng ra cha, con chẳng ra con, thì dẫu có lúa đầy kho, ta có

thể ngồi mà ăn được chăng?” [55, tr.484]. Thời đại của Mạnh Tử, thế lực của tầng lớp địa chủ mới kiêm thương nhân đã mạnh hơn trước, nên xung đột giữa họ với giai cấp địa chủ quý tộc cũng tăng lên. Mạnh Tử đứng trên lập trường của địa chủ quý tộc và ông muốn điều hòa mâu thuẫn của hai tầng lớp này. Tức là làm cho lợi ích của địa chủ mới phụ thuộc vào lợi ích của địa chủ quý tộc và địa chủ quý tộc cũng phải chiếu cố đến lợi ích của địa chủ mới. Đồng thời địa chủ quý tộc cũng phải thực hiện một số cải cách đối với người nông dân. Cho nên, Mạnh Tử chủ trương giảm nhẹ thuế khóa, giảm nhẹ binh dịch các nơi cửa quan và chợ búa, chỉ kiểm soát mà không đánh thuế nhằm làm giảm tinh thần đấu tranh của giai cấp nông dân đang lớn dần. Một mặt, ông muốn giảm bớt quyền lực tối thượng của địa chủ quý tộc, ông còn tuyên bố dân là quý, xã tắc là thứ yếu, nhà vua ở vị trí ít được coi trọng hơn. Mặt khác, ông chống lại những tư tưởng của địa chủ mới và nông dân như Dương Chu, Mặc Tử. Mạnh Tử từng chê họ Dương không vua, họ Mặc không cha (Đằng Văn Công hạ). Ông muốn bảo vệ chế độ tông pháp vì ông cho rằng, nước không có vua thì chế độ đẳng cấp phong kiến sẽ bị phá hoại, gia đình không có cha thì chế độ tông pháp sẽ bị phá hoại.

Trong những mâu thuẫn của xã hội thời Mạnh Tử, nổi lên là mâu thuẫn giữa địa chủ quý tộc với địa chủ mới đang lên và mâu thuẫn giữa cả hai giai cấp đó với nông dân. Địa chủ mới kiêm thương nhân vừa muốn thoát khỏi những thuế khóa, lao dịch nặng nề của địa chủ quý tộc, vừa muốn phá bỏ những rào cản do địa chủ phong kiến dựng lên để mở đường cho địa chủ mới và thương nhân phát triển. Mạnh Tử muốn điều hòa mâu thuẫn giữa hai tầng lớp này nên ông chủ

trương giảm nhẹ thuế khóa, lao dịch và miễn bỏ thuế chợ cho địa chủ mới. Mạnh

Tử cho rằng, những biện pháp cải lương đó sẽ điều hòa được mâu thuẫn giữa hai tầng lớp này, đồng thời, địa chủ quý tộc sẽ lôi kéo, thu phục được địa chủ mới kiêm thương nhân: “Nay nhà vua phát khởi chính sách tốt, thi hành nhân đức, sẽ khiến được kẻ làm quan khắp thiên hạ đều muốn đứng nơi triều đình nhà vua, những người làm ruộng đều muốn canh tác nơi ruộng nhà vua, những nhà buôn đều muốn cất giữ hàng hóa nơi chợ búa nhà vua, những khách lữ hành đều muốn

đi lại trên đường của nhà vua” [55, tr.754-755]. Chính sách đó sẽ ổn định được tình thế hỗn loạn đương thời, thiên hạ sẽ quy về một mối và trật tự xã hội có đẳng cấp được củng cố, duy trì.

Để giải quyết mâu thuẫn thứ hai là mâu thuẫn giữa giai cấp thống trị và bị

trị, theo Mạnh Tử cần thực hành Vương đạo, Nhân chính. Ông kêu gọi nhà cầm

quyền phải thương dân, trọng dân, phải chăm lo đến đời sống của dân và chú trọng việc giáo hóa dân. Trong thời đại của Mạnh Tử, thiên tử nhà Chu đã đánh

mất vị thế lãnh chúa tối cao để thi hành nền chính trị Vương đạo, Nhân chính đó,

nên Mạnh Tử không chỉ kế thừa, phát triển học thuyết về xã hội lý tưởng của Khổng Tử mà còn đi du thuyết các nước chư hầu, khuyến khích và thuyết phục

họ thực hành Vương đạo, Nhân chính để tiến tới xã hội lý tưởng.

Một phần của tài liệu Quan niệm của Nho giáo sơ kỳ về xã hội lý tưởng và ý nghĩa hiện thời của nó (Trang 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(195 trang)