Ngày nay người ta biết đến Khổng Tử không chỉ với tư cách là người đặt nền móng lý luận cho học phái Nho gia, mà còn biết đến ông với tư cách là người thầy vĩ đại, một nhân cách lớn. Lý Tường Hải cho rằng: “Mấy nghìn năm
lại đây, Nho học sở dĩ được lưu truyền như thế, không chỉ bởi mọi người khâm phục học vấn Nho gia mà Khổng Tử mở ra, mà quan trọng hơn là người ta kính
trọng nhân cách Nho gia ở Khổng Tử” [42, tr.11], “Ông đã để lại cho lịch sử
nhân loại một tấm bia lớn về con người và lòng nhân ái” [42, tr.13].
Khổng Tử (551 - 479 trước CN) tên là Khâu, tự là Trọng Ni, ông sinh ra ở ấp Trâu, làng Xương Bình, huyện Khúc Phụ, nước Lỗ (nay là phía Đông Nam Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc).
Tổ tiên của Khổng Tử là quý tộc nước Tống, do loạn lạc mà đến nước Lỗ, con cháu của ông trở thành người nước Lỗ. Tuổi thơ của Khổng Tử trải qua nhiều biến cố đau buồn. Cha của Khổng Tử là Thúc Lương Ngột, một võ quan nhỏ ở nước Lỗ, mất khi ông 3 tuổi. Mẹ của Khổng Tử là Nhan Thị Trưng Tại, xuất thân trong một gia đình quý tộc nước Lỗ, mất khi ông 17 tuổi. Vì vậy, thiếu thời ông
“nghèo và hèn” cho nên “biết làm nhiều việc nhỏ mọn” [55, tr.400].
Khổng Tử nổi tiếng là tấm gương hiếu học, ông sinh ra và lớn lên ở nước Lỗ, nơi quy tụ và bảo tồn nhiều di sản văn hoá nhà Chu. Khổng Tử lại ham hiểu biết, cho nên, văn hoá lễ nhạc Tây Chu đã thấm đậm vào tâm hồn ông từ rất sớm. Khi còn nhỏ, Khổng Tử thường bắt chước nghi lễ cổ, bày các khay để cúng và chơi trò tế lễ. Hoàn cảnh sống và nền giáo dục đó đã trở thành một trong những
ngọn nguồn tư tưởng của Khổng Tử, và bản thân ông muốn thông qua Lễ nhạc
để khôi phục lại trạng thái an thuận thái hoà của Tây Chu thời hưng thịnh. Bởi
thế, ông tự đảm nhiệm vai trò truyền bá văn hoá Lễ nhạc Tây Chu mà Chu Công
Đán (thế kỷ 11 trước CN) một thời đã góp phần hoàn thiện.
Mục đích suốt đời của Khổng Tử không chỉ dừng lại ở việc học sâu, biết rộng, mà quan trọng hơn, Khổng Tử muốn đem sự hiểu biết của mình, học thuyết của mình thực hành trong xã hội, làm ích nước lợi dân. Trước thực trạng xã hội loạn lạc thời Xuân Thu - Chiến Quốc, Khổng Tử là một trong những nhà tư tưởng xuất chúng của Trung Quốc thời bấy giờ muốn đưa ra một học thuyết chính trị - xã hội để khắc phục tình trạng chiến tranh kéo dài, con người đối xử với nhau vô đạo, thậm chí còn tàn sát lẫn nhau một cách khốc liệt, gây ra cảnh nghèo đói, ly tán phổ biến trong xã hội. Mục đích tối thượng của ông là khôi
phục lại những gì tốt đẹp từng có trong lịch sử Trung Hoa, đồng thời tái thiết, củng cố và duy trì đạo lý nhân luân, làm cho xã hội được ổn định, thiên hạ thái bình thịnh trị. Lý tưởng cao cả ấy ở Khổng Tử đã ảnh hưởng đến các thế hệ học trò của ông và các nhà nho sau này. Tử Lộ, một học trò của Khổng Tử từng nói rằng: “Không làm quan là trái đạo nghĩa… Người quân tử ra làm quan chính là
thi hành nghĩa vụ của mình vậy” [55, tr.648]. Khổng Tử quan niệm rằng, người
quân tử không chỉ học đạo mà còn phải hành đạo cứu đời, trị nước an dân, có ích cho đời. Tuy vậy, sau 14 năm qua nhiều nước, du thuyết với nhiều vị quốc vương và đại phu, Khổng Tử vẫn không tìm được vị nào chịu thi hành đường lối của ông. Ở tuổi 68, Khổng Tử trở về nước Lỗ. Song, cho đến cuối đời, ông vẫn không nguội lạnh tấm lòng vì quốc gia xã tắc, vẫn luôn giữ một tinh thần kiên định vốn có. Khổng Tử dốc hết tâm lực, trí lực cho sự nghiệp văn hoá, giáo dục. Khổng Tử hy vọng thông qua việc giáo dục để tác động đến chính trị, cứu vớt đạo lý nhân luân đang ngày càng mai một, suy vi. Những năm cuối đời, Khổng
Tử tập trung vào giảng dạy và chỉnh lý, biên tập lại các văn hiến cổ đại như Kinh
Thi, Kinh Thư, đồng thời biên tập lại cuốn Xuân Thu do các sử quan nước Lỗ ghi chép, trở thành một cuốn sách lịch sử viết theo thể biên niên đầu tiên ở nước Lỗ
của Trung Quốc. Về sau, những cuốn sách này cùng với Luận ngữ (lời của
Khổng Tử do học trò ghi chép lại) trở thành các sách kinh điển của Nho gia. Cuộc đời, sự nghiệp, nhân cách của Khổng Tử gắn liền và thống nhất với học thuyết của ông. Trong xã hội Trung Quốc cổ đại với những biến cố phức tạp, Khổng Tử muốn đem học thuyết của mình ra cứu đời. Ông cho rằng, người ta sinh ra ở đời ai cũng có nghĩa vụ với đời. Ai có tài trí thì đem ra ứng dụng ở đời để làm những điều ích nước, lợi dân. Việc hành động của người ta không gì bằng chính trị, vì chính trị có quan hệ đến hay dở của nhân quần, sự trị loạn của thiên hạ. Vì thế, càng thấy cuộc đời rối loạn bao nhiêu, Khổng Tử càng ra sức biến đổi bấy nhiêu. Cả cuộc đời Khổng Tử nỗ lực học tập, sửa mình để thực thi học thuyết, mong muốn đem trí lực của mình ra nhằm biến đổi thời đại, trị nước, an dân.
Tư tưởng của Khổng Tử có thể khái quát theo một số phương diện cơ bản sau đây:
Thứ nhất, đó là tư tưởng chính trị - đạo đức hướng tới việc thiết lập trật tự
kỷ cương của xã hội. Nói cách khác, đó là tư tưởng Đức trị dựa trên hệ thống
phạm trù chủ yếu là Nhân, Lễ, Chính danh.
Thứ hai, để đạt được mục đích chính trị - xã hội to lớn đó, Khổng Tử chú trọng vấn đề con người, bao gồm bản tính người, các mối quan hệ người trong xã hội.
Thứ ba, để có lực lượng xã hội (cả số lượng lẫn phẩm chất của nó) trong việc thực hiện mục đích chính trị - xã hội, Khổng Tử đề cao vai trò của việc giáo dục con người nhằm đào tạo mẫu người lý tưởng (quân tử) để điều hành đất nước, quản lý và uốn nắn những kẻ thấp hèn, chỉ mưu lợi mà không biết liêm sỉ, không biết đến nghĩa (tiểu nhân).
Gần đây, việc đánh giá lại Khổng Tử và Nho giáo được đặt ra ở Trung Quốc cũng như ở nhiều nước phương Đông và trên thế giới. Khổng Tử và học thuyết của ông cũng như Nho giáo ở các thời kỳ được đưa ra xem xét một cách công bằng, khách quan và khoa học hơn. Những tư tưởng về con người và vai trò của con người đối với thế giới, đặc biệt là những tư tưởng về việc xây dựng xã hội lý tưởng của Nho giáo chiếm một vị trí không nhỏ trong di sản văn hóa tinh thần và trong lịch sử triết học của nhân loại. Khổng Tử vẫn được đánh giá là một trong những nhà triết học lỗi lạc của thế giới. Nho giáo vẫn được xem là học thuyết triết học, chính trị - xã hội và đạo đức có ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài vào loại bậc nhất trong lịch sử nhân loại.