Các qui định hiện có về PBDEs:

Một phần của tài liệu Nghiên cứu phân tích và đánh giá hàm lượng các polybrom diphenyl ete trong nhựa và bụi tại một số khu tái chế rác thải điện tử (Trang 26)

Na Uy đã đề nghị đưa PentaBDEs vào Phụ lục A (Các chất phải loại bỏ) của Công ước Stockholm sau khi phát hiện được mức phơi nhiễm PentaBDEs đối với trẻ em cao hơn người lớn tại nước này; sau đó, Liên minh Châu Âu (EU) cũng đề nghị đưa OctaBDEs vào Phụ lục A của Công ước [5]. Ngày 8/5/2009, Hội nghị các bên với sự thống nhất của chính phủ hơn 160 quốc gia đã bổ sung 9 chất và nhóm chất vào danh sách các chất POPs theo Công ước Stockholm. Trong đó, 2 nhóm hợp chất PBDEs bao gồm: (1) HexaBDEs và HeptaBDEs (thành phần chính của OctaBDEs thương mại) và (2) TetraBDEs và PentaBDEs (thành phần chính của PentaBDEs thương mại); được đưa vào Phụ lục A Công ước (xem cụ thể trong Phụ lục 2) [32]. Tính đến thời điểm hiện tại, Công ước Stockholm là công cụ pháp lí có hiệu lực mạnh và trên phạm vi toàn cầu hướng đến mục tiêu loại bỏ hoàn toàn các PBDEs.

Tại Mỹ, hiện chưa có qui định cấm đối với các PBDEs của Chính phủ Liên bang, tuy nhiên các tiểu bang như California, Washington, Hawaii, Illinois, Maine, Maryland, Michigan, New York, Oregon đã lần lượt thông qua các đạo luật cấm sản xuất, phân phối và mua bán các sản phẩm chứa Penta và OctaBDEs thương mại. US EPA đã thúc đẩy việc xây dựng một thỏa thuận tự nguyện với tập đoàn hóa chất Great Lakes, nhà sản xuất PBDEs thương mại lớn nhất tại Mỹ về việc ngừng sản xuất PBDEs vào năm 2004 [32].

Ngày 27/1/2003, EU đã thông qua Chỉ thị 2002/96/EC về việc hạn chế các chất độc hại trong thiết bị điện và điện tử (chỉ thị RoHS), chỉ thị này chính thức có hiệu lực ngày 1/7/2006 tại các quốc gia EU. Theo chỉ thị RoHS, hàm lượng tối đa cho phép của các nhóm chất bị cấm trong sản phẩm là 0,1% hay 1000 ppm (đối với các chỉ tiêu chì, thủy ngân, crom (VI), PBBs, PBDEs) và 0,01% hay 100 ppm đối với cadmi [9].

Việt Nam không có các nhà máy sản xuất PBDEs nhưng các nguy cơ ô nhiễm môi trường cũng như rủi ro đối với sức khỏe con người mà các hoạt động sản xuất nhựa, tái chế rác thải điện, điện tử, sử dụng các sản phẩm chứa PBDEs mang lại là không thể phủ nhận. Việt Nam đang nỗ lực thực hiện Đề án hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lí an toàn POPs nằm trong Kế hoạch quốc gia Thực hiện Công ước Stockholm về các chất POPs. Hiện tại chúng ta chưa có bất kì qui định, tiêu chuẩn, qui chuẩn nào về PBDEs, sự thiếu thốn các công cụ pháp lí là một khó khăn cơ bản để Việt Nam thực hiện được mục tiêu quản lí an toàn tiến tới loại bỏ hoàn toàn các PBDEs.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu phân tích và đánh giá hàm lượng các polybrom diphenyl ete trong nhựa và bụi tại một số khu tái chế rác thải điện tử (Trang 26)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)