Phân tích ABC thuốc sử dụng trong 2 năm
Trong 2 năm, nhóm thuốc A với 15% thuốc trong danh mục sử dụng, với khoảng 33% về khối lượng sản phẩm tiêu thụ và chiếm khoảng 75% tổng giá trị tiêu thụ của bệnh viện. Nhóm B, nhóm C chiếm lần lượt 59% và 8% về khối lượng sử dụng và 19% và 5% về giá trị sử dụng. Như vậy có thể thấy, nhóm A được tiêu thụ với số lượng khá lớn mà giá thành không quá cao. Trong nhóm A có đến 84,78% (năm 2012), 84,38% (năm 2013) tổng số thuốc là thuốc ngoại với 94,55% và 96,62% về tổng kinh phí mua thuốc trong nhóm A. Như vậy, bệnh viện sử dụng các thuốc có nguồn gốc nước ngoài ở mức độ rất cao, chỉ có từ 4- 5% kinh phí mua thuốc đối với các thuốc sản xuất trong nước.
Theo phân loại ATC, trong nhóm A có các nhóm thuốc chủ yếu là thuốc chống nhiễm khuẩn, thuốc tác dụng lên thần kinh, thuốc hô hấp, thuốc hormone và tác động lên nhóm nội tiết và nhóm thuốc tiêu hóa. Đây là các thuốc điều trị các bệnh có trong mô hình bệnh tật của bệnh viện, đặc biệt là các thuốc chống NK và các thuốc cho hô hấp là hoàn toàn phù hợp với một bệnh viện ngoại khoa và chuyên khoa về TMH.
Phân tích VEN thuốc sử dụng trong nhóm A trong 2 năm
Các thuốc nhóm A được các thành viên phân tích nằm trong nhóm V và E chiếm tỷ trọng cao. Nhóm N chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ từ 0,97-1,26% về giá trị sử dụng các thuốc trong nhóm A và 0,66%- 0,78% khối lượng đơn vị tiêu thụ do BVTMHTW là bệnh viện chuyên khoa TMH, số bệnh nhân bị ốm, yếu không nhiều, đồng thời số ngày nằm viện của bệnh nhân ít, vì vậy mà DMT đã hạn chế nhóm thuốc N để tránh lãng phí cho bệnh nhân và quỹ BHYT. Nhóm này chỉ có 3 thuốc là Newferon viên, Newferon 12,5% và Incyferon, các thuốc này đều có
chung hoạt chất phối hợp của Acridone và N-methylglucamin. Nhóm AN năm 2012 tốn hơn 220 triệu và khoảng 280 triệu năm 2013. Acridon được xếp vào nhóm N do không có tác dụng rõ rệt nhưng thuốc được tiêu thụ với một lượng kinh phí trên do thuốc dùng kết hợp trong các trường hợp nhiễm virus trong các bệnh như: viêm gan B, C mãn, các bệnh Herpes, cúm, … Tuy nhiên, mức độ sử dụng của các thuốc nhóm AN ở BVTMHTW vẫn thấp hơn nhiều so với các viện khác như: BV Hữu Nghị, BV Nội tiết… do các bệnh nhân đến khám không ốm yếu nhiều, chủ yếu là khám chuyên khoa TMH, nên không cần sử dụng đến các thuốc nhóm AN phổ biến như vitamin…
Phân tích liều DDD theo mã ATC thuốc sử dụng trong 2 năm
Các thuốc có số liều DDD lớn nhất chủ yếu là các thuốc hô hấp và các thuốc chống viêm, chống nhiễm khuẩn theo phân loại ATC như năm 2012 có: nước cất pha tiêm (190.800 liều), Flixonase (120.090 liều), Alpha choay (107.781 liều), Antisolam(107.781 liều)… năm 2013 có nước cất pha tiêm (207.000 liều), Coldi B (138.000 liều)… Chỉ với 15 thuốc có số liều DDD lớn nhất nhưng chiếm 57,20% và 53.86% về tổng số liều DDD của cả bệnh viện. Tỷ lệ thuận với nó là số liều DDD/100 ngày- giường cũng cao: từ 32 đến gần 170 liều trên 100 ngày – giường năm 2012, từ 20 liều đến 138 liều năm 2013. Mặc dù số lượng tiêu thụ của các thuốc này lớn nhưng giá thành của thuốc không quá cao, chỉ ở mức thấp đến trung bình.
Ngược lại, các thuốc có số tiền /DDD lớn tập trung chủ yếu vào nhóm thuốc mê, thuốc ung thư và 1 số dòng kháng sinh phổ rộng, phổ rất rộng. Tuy rằng số tiền cho 1 liều DDD rất cao nhưng số liều DDD mà BV sử dụng cho bệnh nhân lại rất ít như Taxotere 80mg với giá trên 11.000.000 đồng 1 liều nhưng cả năm bệnh viện chỉ sử dụng duy nhất 3 liều.
Như vậy, Bệnh viện đã hạn chế sử dụng các thuốc có giá cao, mà tập trung sử dụng nhiều các thuốc có giá thấp hoặc trung bình cho bệnh nhân, mang lại lợi ích cho bệnh nhân mà tránh được sự lãng phí tiền thuốc của quỹ BHYT.