6. Cấu trúc của luận văn
2.2.2 Tiếp tục chuyển biến về quan hệ sử dụng đất nông nghiệp
Hộ nông dân được quyền sử dụng đất lâu dài với nhiều quyền năng hơn và tiếp tục được pháp luật thừa nhận
Điều 5 Luật Đất đai năm 2003 về sở hữu đất đai tiếp tục ghi nhận “Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất thông qua hình thức giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất đối với người đang sử dụng đất ổn định; quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất”. Điều 67 về Đất sử dụng có thời hạn “Thời hạn giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thuỷ sản, đất làm muối cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng là hai mươi năm; thời hạn giao đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng là năm mươi năm” và khi hết thời hạn, người sử dụng đất được Nhà nước tiếp tục giao đất, cho thuê đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng, chấp hành đúng pháp luật về đất đai trong quá trình sử dụng và việc sử dụng đất đó phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt. Điều 70 về hạn mức giao đất nông nghiệp quy định “hạn mức giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá ba héc ta đối với mỗi loại đất. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân được giao nhiều loại đất bao gồm đất trồng cây
hàng năm, đất nuôi trồng thuỷ sản, đất làm muối thì tổng hạn mức giao đất là không quá năm héc ta”
Điều 105 về Quyền chung của người sử dụng đất có các quyền chung sau đây “Được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất; Hưởng các lợi ích do công trình của Nhà nước về bảo vệ, cải tạo đất nông nghiệp; Được Nhà nước hướng dẫn và giúp đỡ trong việc cải tạo, bồi bổ đất nông nghiệp; Được Nhà nước bảo hộ khi bị người khác xâm phạm đến quyền sử dụng đất hợp pháp của mình; Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai”, tại Điều 106 của Luật cũng khẳng định “Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất”
Về Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất được quy định trong Chương IV gồm 17 điều (tăng 10 điều so với Chương IV Luật đất đai năm 1993). Luật tiếp tục khẳng định các quyền của người sử dụng đất như luật đất đai năm 1993 và bổ sung quyền tặng cho quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất không phải là đất thuê, quyền bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Nếu Luật Đất đai năm 1993 quy định các điều kiện chuyển nhượng, thừa kế quyền sử dụng đất nông nghiệp thì tới Luật đất đai năm 2003 đã bỏ quy định về các điều kiện hạn chế khi thực hiện quyền chuyền nhượng và quyền thừa kế quyền sử dụng đất nông nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong thực hiện các quyền của người sử dụng đất, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển và tích tụ đất đai theo định hướng của Nhà nước.
Như vậy, từ 2003 đến 2012, hộ nông dân tiếp tục được nhà nước giao quyền sử dụng đất lâu dài - thời hạn giao đất là hai mươi năm và những quyền hạn người sử dụng đất tiếp tục được pháp luật thừa nhận (Luật Đất đai 2003) và được phát triển theo hướng mở rộng hơn (từ 5 quyền lên 7 quyền) được thể hiện qua những điều cụ thể đã trình bày ở phần trên về điểm phát triển của Luật Đất đai năm 2003 so với Luật Đất đai năm 1993.
Đối với người nông dân Ứng Hòa, sự thay đổi trong công tác quản lý đất đai cũng tạo cho hộ nhiều thuận lợi hơn so với trước. Từ chỗ mỗi hộ chỉ có 1 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà lại nhiều ô thửa nằm rải rác ở nhiều cánh đồng thì nay các hộ được hỗ trợ để đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với 2 – 5 thửa tập trung, cũng có nhiều hộ chỉ còn 1 thửa. Đây là một động lực lớn để các hộ nông dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất một cách thuận tiện và dễ dàng hơn, hạn chế những tranh chấp đất đai ở nông thôn, qua đó góp phần vào sự ổn định tại các địa phương. Điều quan trọng là các hộ nông dân sẽ yên tâm với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất kiểu mới.
Hộ gia đình tiếp tục thực hiện chuyển đổi quyền sử dụng đất thông qua phong trào “Dồn điền đổi thửa” đợt 2
Để thực hiện một cách có hiệu quả quy hoạch sử dụng đất trên, chủ trương dồn điền đổi thửa tiếp tục được huyện đẩy mạnh. Thực hiện Nghị quyết số 20 NQ/HU ngày 29/10/2003 của Ban thường vụ Huyện ủy, hướng dẫn số 01 HĐ/UB ngày 5/11/2003 của Huyện ủy huyện Ứng Hòa về việc tiếp tục thực hiện dồn điển đổi thửa lần thứ 2 để tạo điều kiện thúc đẩy xây dựng cánh đồng 50 triệu đồng/ha/năm và chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang sản xuất đa canh. Trong lần 2 dồn điền đổi thửa huyện đã chỉ đạo làm điểm ở 2 xã: Phương Tú và Hòa Lâm làm xong trong quý I năm 2004 và triển khai trong toàn huyện cơ bản xong vào cuối năm 2004. Trên cơ sở đó, huyện tổ chức tổng kết mô hình chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở thôn Ngọc Động để rút kinh nghiệm, nhận rộng ra toàn huyện. Đến năm 2006 có 100% các xã, thị trấn trong huyện thành lập Ban chỉ đạo, tuyên truyền vận động nhân dân dưới nhiều hình thức: trên hệ thống truyền thanh của xã, tổ chức thông qua hội nghị các ban hành đoàn thể, để nhân dân hiểu và hưởng ứng tham gia quá trình dồn điền đổi thửa lần 2, tạo ô thửa ruộng lớn làm tiền đề cho việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi xây dựng mô hình VAC của cánh đồng 50 triệu đồng/ha/năm.
Đến năm 2006, đã có 70 thôn dồn diển đổi thửa lần 2 tại thực địa. Kết quả cụ thể là: Tổng số hộ dồn điền, đổi thửa là: 16.174 hộ với diện tích 4.559,39 ha,
đạt 50,72% số thôn đã dồn điền đổi thửa lần 2, đạt 39,57 % số hộ so với tổng số hộ trong huyện.Trong đó :
- Số hộ nhận 1 ô: 1.752 hộ, diện tích 624,41 ha. - Số hộ nhận 2 ô: 4.183 hộ, diện tích 1.318,79 ha. - Số hộ nhận 3 ô: 3.476 hộ, diện tích 1.026,88.
- Số hộ nhận 4 – 5 ô: 6.763 hộ, diện tích 1.589,31 ha.
Trong số các xã đã dồn điền, đổi thửa có 5 xã có 100% số thôn, số hộ dồn điền, đổi thửa lần 2. Đó là các xã: Lưu Hoàng, Hòa Lâm, Trậm Lộng, Đội Bình và Minh Đức.
Có 2 xã Trung Tú và Kim Đường có 100% số thôn và trên 85% số hộ dồn điều đổi thửa lần 2.
Có 1 xã Đông Tân có 90% số thôn và hơn 80% số hộ đã dồn điển đổi thửa lần 2. Có 3 xã và thị trấn đạt 50% số thôn và có từ 50% tới 72% số hộ đã dồn điển đổi thửa: thị trấn Vân Đình, Tảo Dương Văn, Phương Tú. Các xã còn lại đạt tỷ lệ dưới 50% số thôn và số hộ dồn điền đổi thửa lần 2.
24 thôn thuộc 8 xã chưa xây dựng đề án dồn điền đổi thửa lần 2.
Trong đợt 2 này, phương pháp rút bớt diện tích chia làm ba hạng được các địa phương sử dụng tương đối phổ biến. Thực chất của phương pháp này là tạo ra sự công bằng về tổng sản lượng sản phẩm cho mỗi nhân khẩu, một số địa phương còn gọi đây là phương pháp rút bớt sản lượng. Phương pháp chia đất ra làm ba hạng: tốt, xấu và trung bình gắn với vị trí xa, gần và trung bình, tỷ lệ của các hạng được quy định như sau: tốt gần 0,8 sào; tốt xa 0,9 sào; trung bình 1,0 sào; xấu gần 1,2 sào; xấu trung bình 1,3 sào và xấu, xa 1,4 - 1,5 sào, tuy nhiên hệ số này cũng rất biến động.
Điều này có nghĩa là những hộ nhận ruộng tốt thì phải bớt đi 2 sào/1mẫu ruộng, diện tích thực nhận bằng 80% diện tích định xuất, do vậy những người nhận ruộng xấu được cộng thêm diện tích rút ra từ người nhận ruộng tốt, riêng ruộng trung bình được nhận nguyên diện tích theo định suất được chia. Việc sử dụng hệ số quy đổi tốt, xấu, trung bình ở các địa phương là rất khác nhau ngay
trong cùng một xóm thôn thì hệ số quy đổi này cũng khác nhau. Qua thực tế cho thấy, ở nhiều địa phương, phương pháp này được coi là hoàn thiện, nó vừa tạo ra sử dụng công bằng giữa những hộ sử dụng đất, lại tạo ra được các thửa có diện tích lớn, khuyến khích được người có vốn, có sức lao động, có kỹ thuật, dám nghĩ, dám làm nhận ít thửa hoặc một thửa để làm kinh tế trang trại.
Và tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 2 về dồn điền đổi thửa lần 2, tính tới hết năm 2011 đã có 114/138 thôn dồn điền đổi thửa đợt 2 với diện tích 8.484 /10.826 ha, đạt tỷ lệ 78,01%, số thôn còn lại phấn đấu thực hiện xong trong năm 2012. Trong năm 2012, toàn huyện đã thực hiện dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp được 1.504,24 ha ở 9 xã, đạt 100,3% kế hoạch (trong đó có 7 xã theo kế hoạch của thành phố, gồm Viên An 100 ha, Trường Thịnh 139,31 ha, Liên Bạt 110,2 ha, Đồng Tiến 153,1 ha, Hòa Nam 56,8 ha, Hòa Phú 245,46 ha, Kim Đường 110,2 ha, và 2 xã dồn điền đổi thửa lại để đạt yêu cầu mỗi hộ chỉ có từ 1 – 2 ô, gồm Trung Tú 348,2 ha và Hòa Lâm 91,08 ha. Công tác dồn điền đổi thửa còn được tiếp tục thực hiện sang năm 2013, để đạt yêu cầu của thành phố là mỗi hộ có từ 1 – 2 ô thì tổng diện tích cần dồn điền đổi thửa là 4.098,55 ha [36].
Một trường hợp tiêu biểu trong việc tích cực dồn điền đổi thửa là thôn
Ngọc Động xã Phương Tú. Xã Phương Tú là một trong những địa phương đầu tiên ở khu vực Đồng bằng sông Hồng thực hiện DĐĐT, dưới tên gọi “dồn ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn”.
Năm 1993 HTX đã theo chỉ đạo của huyện đã tổ chức giao ruộng ổn định cho các hộ, bình quân mỗi hộ có từ 20 - 25 ô thửa ở các xứ đồng, theo phương thức có xấu, có tốt, có gần, có xa, gặp rất nhiều khó khăn trong quản lý và điều hành. Trong hai năm 1996- 1997, HTX Ngọc Động là một trong những HTX đi đầu của huyện Ứng Hòa về việc vận động nhân dân làm cuộc chuyển đổi ruộng đất từ 20 - 25 ô thửa xuống 2 - 4 thửa, đồng thời thực hiện quy hoạch lại đồng ruộng như giao thông, thủy lợi, cơ cấu mùa vụ. Kết quả đạt được trên đã bước đầu đáp ứng được yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Song cán bộ và xã viên HTX Ngọc Động vẫn chưa hài lòng
với kết quả đạt được vì qua thực tế sản xuất vẫn gặp khó khăn, nhất là trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, cần phải có một diện tích lớn.
Trước thực trạng đó, năm 2001 thôn Ngọc Động có chủ trương vận động xã viên dồn ô đổi ruộng lần 2, được tiến hành trong năm 2001 và lần 3 trong năm 2006. Sau 3 lần dồn đổi ruộng, số thửa ở Ngọc Động chỉ còn từ 1 đến 4 ô thửa/hộ (trước đây là 20 - 25 ô thửa). Không những thế, phong trào còn lan rộng ra toàn xã. Từ mô hình thành công ở Ngọc Động, xã Phương Tú đã triển khai công tác dồn điền đổi thửa tới 5 hợp tác xã còn lại của xã. Trong đó:
- Số hộ nhận 1 thửa có 145 hộ với diện tích: 41,40 ha chiếm 35%. - Số hộ nhận 2 - 4 thửa có 274 hộ với diện tích: 82,76ha chiếm 65%. - Thửa có diện tích nhỏ nhất: 756,0 m2 (2,1sào).
- Thửa có diện tích lớn nhất: 6.012,0 m2 (16,7sào).
Sau khi dồn điền đổi thửa thành công, các hộ phấn khởi hăng hái để kiến thiết đồng ruộng, bờ vùng, bờ thửa tạo ra mô hình trang trại mới trong sản xuất nông nghiệp. Nhiều hộ đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong cơ cấu cây trồng theo phương thức luân canh mới. Cấy lúa kết hợp với chăn nuôi thả cá, nuôi vịt. Trồng cây ăn quả, tận dụng trên bờ vùng bờ thửa góp phần đổi mới cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp tăng thu nhập.
- Đối với vùng 1 ô thửa đó có 76/145 hộ áp dụng công thức luân canh lúa- - cỏ- vịt. Xây dựng mô hình trang trại trồng trọt chăn nuôi kết hợp.
- Tổng thu nhập lúc chuyển đổi lần 1 là 17 triệu đồng/ha năm 1996, sau chuyển đổi lần 2 kết hợp với chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp thì tổng thu nhập 38 - 40 triệu đồng/ha.
- Đối với vùng 2 ô thửa chủ yếu sản xuất lúa và cây vụ đông, từ tổng thu nhập 17 triệu đồng/ha năm 1996, sau chuyển đổi lần 2 hộ đã đầu tư thâm canh tăng năng suất cây trồng.
- Thu nhập 1 ha gieo trồng cao hơn trước. Hệ số sử dụng đất đã tăng từ 2,19 lần lên 2,56 lần.
- Dồn đổi ô thửa lớn nông dân thực hiện kế hoạch gieo trồng hàng vụ nhanh gọn hơn, việc thanh toán các khâu dịch vụ với HTX nhanh gọn hơn trước không còn nợ đọng sản phẩm.
Như vậy, với quyền năng được quy định cụ thể của người sử dụng đất nông nghiệp và được pháp luật thừa nhận và bảo vệ, hộ nông dân tiếp tục mạnh dạn hơn trong việc sử dụng những quyền năng ấy vào hoạt động sản xuất nông nghiệp để thu lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Hộ nông dân tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển đổi đất nông nghiệp thông qua việc dồn điền đổi thửa để có được mảnh ruộng tập trung. Qua 2 lần thực hiện tại địa phương: đợt 1(1996 - 2003), đợt 2 (2003 – 2006), đồng nghĩa với quá trình tích tụ ruộng đất được đẩy mạnh, đã tạo điều kiện cho các hộ nông dân có thể có những ô thửa ruộng lớn hơn, không còn tình trạng manh mún, mỗi hộ có 10 – 20 thửa ruộng, có ruộng gần, ruộng xa, ruộng xấu, ruộng tốt, tới nay qua các đợt dồn điền đổi thửa chỉ còn lại 3 – 5 thửa ruộng, nhất là có nhiều hộ chỉ còn sở hữu 1 – 2 thửa. Trên cơ sở đó, hộ nông dân có chuyến biến tích cực trong chuyển đổi cơ cấu đất và cây trồng vật nuôi để đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Từ năm 2001 đến 2005 đã có 1.515 hộ đã chuyển đổi 925 ha đất canh tác 2 vụ lúa sang đất sản xuất đa canh theo quyết định 361 của UBND huyện. Điều này phản ánh xu hướng tích cực trong nông nghiệp là chuyển sang trồng những cây hoa mầu mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cây lúa.
Đến ngày 1/11/1006 toàn huyện có 26 đơn vị lập xong kế hoạch chuyển đổi theo quyết định 84 của UBND tỉnh. Tổng số 806 hộ với 681 ha và xin hỗ trợ của nhà nước 8.718 triệu đồng. Trong đó, có 2 đơn vị được tỉnh hỗ trợ kinh phí là Trung Tú 500 triệu đồng và Vạn Thái 175 triệu đồng. Trong năm 2006, số hộ lập kế hoạch xin chuyển đổi sang mô hình sản xuất đa canh theo quyết định 361 là 55 hộ thuộc 6 xã, thị trấn với diện tích 25,24 ha.
Tiếp tục tinh thần đó, từ năm 2006 – 2010, kết quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trong nông nghiệp tiếp tục đạt kết quả khả quan.
Bảng 2.4: Tổng kết kết quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi từ 2005 – 2009