6. Cấu trúc của luận văn
2.1.1 Chuyển biến về sở hữu đất nông nghiệp theo tinh thần Luật Đất đai năm
Về vấn đề sở hữu đất nông nghiệp
Khái niệm về đất nông nghiệp: Điều 42 Luật Đất đai năm 1993[19] nêu rõ “Đất nông nghiệp là đất được xác định chủ yếu để sử dụng vào sản xuất nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản hoặc nghiên cứu thí nghiệm về nông nghiệp”. Theo Luật đất đai năm 1993, điều 11 có qui định là căn cứ vào mục đích sử dụng chủ yếu, đất được phân thành các loại sau đây: “Đất nông nghiệp; Đất lâm nghiệp; Đất khu dân cư nông thôn; Đất đô thị; Đất chuyên dùng; Đất chưa sửdụng”
Trong Luật đất đai năm 2003, Đất đai được phân loại thành 3 nhóm như sau: Nhóm đất nông nghiệp; Nhóm đất phi nông nghiệp; Nhóm đất chưa sử dụng. Trong đó, Nhóm đất nông nghiệp được chia thành các phân nhóm sau: Đất trồng cây hàng năm; Đất trồng cây lâu năm; Đất rừng sản xuất; Đất rừng phòng hộ; Đất rừng đặc dụng; Đất nuôi trồng thuỷ sản; Đất làm muối; Đất nông nghiệp khác.
Quyền sử dụng đất hiện nay được quan niệm là loại hàng hóa đặc biệt, được lưu chuyển đặc biệt trong khuôn khổ các quy định của pháp luật. Quyền sử dụng đất cũng là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu [17].
Hiến Pháp năm 1980 và đặc biệt là Hiến Pháp năm 1992, chế độ sở hữu đất đai được quy định là “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước thống nhất quản lý. Điều 17, Hiến pháp năm 1992 [23, tr. 278] đã xác định “Ðất đai, rừng núi, sông hồ, nguồn nước, tài nguyên trong lòng đất, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa và vùng trời, phần vốn và tài sản do Nhà nước đầu tư vào các xí nghiệp, công trình thuộc các ngành và lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, kỹ thuật, ngoại giao, quốc phòng, an ninh cùng các tài sản khác mà pháp luật quy định là
của Nhà nước, đều thuộc sở hữu toàn dân”. Như vậy, sau Hiến Pháp năm 1980 ở Việt Nam chỉ còn một hình thức sở hữu duy nhất đối với đất đai là sở hữu toàn dân. Nội dung nguyên tắc này được tiếp tục khẳng định tại Điều 1 Luật Đất đai năm 1993 “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý. Nhà nước giao đất cho các tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan Nhà nước,tổ chức chính trị, xã hội (gọi chung là tổ chức), hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định lâu dài. Nhà nước còn cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuê đất” và Điều 13 về nội dung quản lý Nhà nước về đất đai bao gồm:
1- Điều tra, khảo sát, đo đạc, đánh giá, phân hạng đất, lập bản đồ địa chính. 2- Quy hoạch và kế hoạch hoá việc sử dụng đất.
3- Ban hành các văn bản pháp luật về quản lý, sử dụng đất và tổ chức thực hiện các văn bản đó.
4- Giao đất,cho thuê đất, thu hồi đất.
5- Đăng ký đất đai, lập và quản lý sổ địa chính, quản lý các hợp đồng sử dụng đất, thống kê, kiểm kê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
6- Thanh tra việc chấp hành các chế độ, thể lệ về quản lý, sử dụng đất.
7- Giải quyết tranh chấp về đất đai; Giải quyết khiếu nại, tố cáo các vi phạm trong việc quản lý và sử dụng đất đai.
Sau khi ban hành Luật Đất đai năm 1993, đã có nhiều văn bản triển khai Luật được ban hành, trong đó đáng chú ý là Nghị định 64 – CP [75, tr.395], ngày 27/9/1993 về đất nông nghiệp. Theo đó, Chính phủ thực hiện việc chia đất theo phương châm là dựa vào hiện trạng đất nông nghiệp mà các hộ và cá nhân đang sử dụng khi thực hiện Chỉ thị 100/CT-TW theo nguyên tắc cơ bản là mỗi hộ được nhận ruộng có tốt, có xấu, có gần có xa.
Ủy ban Nhân dân huyện Ứng Hòa thực hiện vai trò quản lý nhà nước về đất nông nghiêp
Theo quy định của Luật Đất đai năm 1993, cấp Huyện có những quyền hạn cụ thể đối với đất nông nghiệp, những quyền hạn này là cơ sơ pháp lý và thực tiễn để huyện Ứng Hòa đưa các chủ trương, chính sách của nhà nước về
nông nghiệp và đất nông nghiệp vào thực tế địa phương. Theo Điều 7 “Quốc hội thực hiện quyền quyết định, quyền giám sát tối cao đối với việc quản lý và sử dụng đất đai trong cả nước. Hội đồng nhân dân các cấp thực hiện quyền quyết định, quyền giám sát việc quản lý và sử dụng đất đai trong địa phương mình”. Điều 8 “Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về đất đai trong cả nước. Uỷ ban Nhân dân các cấp thực hiện quản lý Nhà nước về đất đai trong địa phương mình theo thẩm quyền được quy định”. Điều 16 “Chính phủ lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai trong cả nước. Uỷ ban Nhân dân các cấp lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong địa phương mình”. Điều 24về Thẩm quyền giao đất để sử dụng vào mục đích nông nghiệp, lâm nghiệp được quy định như sau: Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao đất cho các tổ chức; Uỷ ban Nhân dân huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh giao đất cho các hộ gia đình và cá nhân.
So với thời kỳ tập thể hóa trong những năm 1957 – 1980, khi các hợp tác xã chính là đơn vị quản lý, đơn vị kinh tế chủ yếu trong sản xuất nông nghiệp với toàn bộ ruộng đất và các tư liệu sản xuất của hộ nông dân được đưa vào hợp tác xã, áp dụng cách làm ăn tập thể, phân phối sản phẩm dựa vào cách chấm công điểm. Luật đất đai năm 1993, ghi nhận rõ uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh giao đất cho các hộ gia đình và cá nhân, thực hiện quyền quyết định, quyền giám sát việc quản lý và sử dụng đất đai, đồng thời lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong địa phương mình.
Từ những tháng cuối năm 1992 (8/1992), UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã đưa ra Quy định số 250 - QĐ/UB về Ban hành bản quy định về giao quyền sử dụng đất ổn định lâu dài và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến cho hộ nông dân và cũng đưa ra cụ thể Quy định về giao quyền sử dụng đất ổn định lâu dài và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến cho hộ nông dân để triển khai và hướng dẫn các huyện trong tỉnh thực hiện chủ chương chính sách của Đảng và Nhà nước căn cứ theo Hiến pháp năm 1992, quyết nghị 201 của Tổng cục quản lý ruộng đất về việc cấp giấy chứng nhận sử dụng ruộng đất. Theo văn bản trên
“Giấy chứng nhận quyền sử dụng ruộng đất là chứng thực pháp lý xác lập mối quan hệ hợp đồng giữa Nhà nước với người sử dụng đất nhằm để Nhà nước nắm chắc quản lý nguồn tài nguyên đất đai và người sử dụng đất yên tâm khai thác sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả mọi tiềm năng đất đai theo đúng pháp luật”.
Thực hiện quy định trên của Tỉnh, Huyện Ứng Hòa đã có văn bản Hướng dẫn về việc giao ruộng sử dụng đất ổn định lâu dài và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến cho hộ nông dân số 01/HĐ-UB, ngày 28/8/1992 để triển khai công tác cụ thể tới các địa phương trong phạm vi huyện. Theo đó, các xã sau khi giao ruộng ổn định lâu dài cho từng hộ phải tiến hành chỉnh lý bản đồ, lập hồ sơ địa chính để trên cơ sở đó tiến tới lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Và diện tích ruộng giao là diện tích đất canh tác của hợp tác xã đã giao trước đó cho các hộ thực hiện theo khoán 10 trước đây, quỹ đất này được gọi là quỹ đất 1 (chia cho khẩu), giữ nguyên hiện trạng để giao ổn định lâu dài (chỉ điều chỉnh những trường hợp ở những hộ đã giảm nhiều khẩu). Quỹ đất thứ 2 (chia cho lao động, đấu thầu hoặc giao thầu) trong khoán 10 thì được xem xét điều chỉnh lại cho các hộ mới phát sinh mới, để quỹ đất công ở khoảng 10%, nếu còn dư thừa thì bổ sung vào quỹ đất 1, giao ổn định cho các hộ xã viên.
Chính những chủ trương và chính sách về đất nông nghiệp của Đảng và Nhà nước cùng quá trình thực hiện của huyện Ứng Hòa đã tạo cơ sở cho những chuyển biến về quan hệ sở hữu – sử dụng đất nông nghiệp tại huyện Ứng Hòa – Hà Nội từ 1993 đến 2003.
Ở nước ta đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu (Luật Đất đai năm 2003). Song trên thực tế Nhà nước không chiếm hữu, sử dụng đất mà giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất đang sử dụng của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng lâu dài. Điều này khác biệt với quan niệm của người Châu Âu về sở hữu tài sản trong dân luật của họ, theo đó thì quyền sở hữu bao gồm ba nhóm quyền: quyền chiếm đoạt, quyền sử dụng và quyền định đoạt. Đặc điểm này cho thấy tính chất đặc thù của chế độ sở hữu đất đai ở nước ta. Quyền sử dụng đất phát sinh trên cơ sở quyền sở hữu toàn dân về đất đai,
thông qua việc Nhà nước với tư cách đại diện chủ sở hữu giao đất, cho thuê đất và công nhận quyền sử dụng đất đối với đất đang sử dụng ổn định. Tuy nhiên, quyền sử dụng đất tách khỏi quyền sở hữu đất đai và trở thành một loại quyền có tính độc lập tương đối.
Quyền sở hữu và quyền sử dụng có những điểm khác nhau và không thể đồng nhất. Quyền sở hữu xuất hiện trước, quyền sử dụng là quyền phát sinh, xuất hiện sau, chỉ có khi được Nhà nước giao đất, cho thuê, cho phép nhận chuyển quyền sử dụng đất hay công nhận quyền sử dụng đất. Quyền sử dụng là một loại quyền thiếu trọn vẹn còn quyền sở hữu là một quyền trọn vẹn, đầy đủ. Điều này được thể hiện ở một số điểm:
- Người sử dụng đất không có đầy đủ các quyền như Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai.
- Không phải bất cứ người nào có quyền sử dụng đất hợp pháp cũng có các quyền: chuyển đổi, tặng cho, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, ..
Quyền sở hữu đất đai là một quyền tồn tại độc lập, quyền sử dụng là quyền phụ thuộc. Mặc dù, người sử dụng đất có nhiều quyền lợi từ quyền sử dụng của mình nhưng nó vẫn không đủ để cho phép người sử dụng tự mình quyết định mọi vấn đề phát sinh trong quá trình sử dụng đất, họ (người sử dụng đất) vẫn phải thực hiện những quy định của Nhà nước với tư cách là người đại diện chủ sở hữu đối với đất được giao.
Như vậy, ở nước ta quyền sở hữu đất đai và quyền sử dụng đất được tách ra, ở một chừng mực nào đó quyền sử dụng đất có tính độc lập với quyền sở hữu. Điều này cho thấy mối quan hệ khăng khít, gắn bó mật thiết giữa quyền sở hữu đất đai và quyền sử dụng đất, song không thể đồng nhất quyền sở hữu đất đai và quyền sử dụng đất.