6. Cấu trúc của luận văn
2.1.2 Chuyển biến về quan hệ sử dụng đất nông nghiệp
Phần lớn ruộng đất được giao cho các hộ xã viên. Quyền sử dụng đất ổn định, lâu dài của các hộ được pháp luật thừa nhận
Người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng ổn định lâu dài hoặc có thời hạn; được có một số quyền theo quy định của pháp luật và được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, có sự phân biệt các loại đất và nguồn gốc đất; đồng thời phải có nghĩa vụ chấp hành pháp luật về đất đai, phải đăng ký quyền sử dụng đất, sử dụng đất đúng mục đích, tuân thủ quy hoạch và chấp hành quyết định thu hồi đất của Nhà nước.
Trong Điều 20 của Luật Đất đai năm 1993 quy định về việc Nhà nước giao đất cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài với “thời hạn giao đất sử dụng ổn định lâu dài để trồng cây hàng năm, nuôi trồng thuỷ sản là 20 năm, để trồng cây lâu năm là 50 năm. Khi hết thời hạn, nếu người sử dụng đất có nhu cầu tiếp tục sử dụng và trong quá trình sử dụng đất chấp hành đúng pháp luật về đất đai thì được Nhà nước giao đất đó để tiếp tục sử dụng”. Khi được Nhà nước giao quyền sử dụng đất nông nghiệp, người sử dụng đất có các quyền được quy định tại Điều 3 Luật Đất đai năm 1993 “Nhà nước bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất. Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp quyền sử dụng đất.
Ngay từ quý 4/1992, Ứng Hoà đã triển khai thực hiện kết luận số 41 ngày 13/7/1992 của Tỉnh uỷ và quyết định 250 ngày 3/8/1992 của UBND tỉnh về việc giao ruộng đất đất ổn định, lâu dài cho các hộ nông dân trên địa bàn Huyện. Trước khi thực hiện giao đất đã có nhiều thôn đang có tranh chấp gay go kéo dài. Ngoài ra, một số xã thôn từ công tác kiểm tra đã dẫn tới mất đoàn kết nội bộ. Dưới sự chỉ đạo của huyện uỷ, chỉ đạo của UBND Huyện và sự cố gắng của các ngành các cấp đã thực hiện tốt công việc giao ruộng cho các hộ, đảm bảo không xáo trộn, giữ gìn trật tự và an toàn xã hội. Tổng diện tích đất nông nghiệp của huyện là 13.207 ha, trong đó đã giao cho:
- Hộ gia đình: 11.982 ha chiếm 87,8%
- UBND xã và HTX quản lý: 1.561 ha chiếm 11,8% - Các đối tượng khác: 55 ha chiếm 0,4%
Về cách thức giao ruộng theo Quy định số 250-QĐ/UB thì các xã đều làm gần giống nhau: Về diện tích thì giao theo định suất được quy đổi từ nhân khẩu và lao động, về chất lượng ruộng thì được chia đều nhau, có xa, có gần, có tốt, có xấu. Đối với quỹ đất do tập thể quản lý thì được cho đấu thầu hoặc giao thầu cho các hộ chủ yếu là đất ao, hồ, ruộng xa và đất xấu. Cuối năm 1993, khi có Luật đất đai và Nghị định 64 của Chính phủ các xã đã tách 5% đất làm đất công ích, giao cho UBND xã trực tiếp quản lý sử dụng. Nghị định 64 của Chính phủ quy định về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp. Đất nông nghiệp giao cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp bao gồm đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, đất nông nghiệp trồng cây lâu năm, đất có mặt nước nuôi trồng thuỷ sản, các loại đất này gồm cả đất làm kinh tế gia đình trước đây hợp tác xã giao, đất vườn, đất xâm canh, đất trống, đồi núi trọc, đất hoang hoá được xác định để sản xuất nông nghiệp. Việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp theo bốn nguyên tắc:
1. Trên cơ sở hiện trạng, bảo đảm đoàn kết, ổn định nông thôn, thúc đẩy sản xuất phát triển; thực hiện chính sách bảo đảm cho người làm nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản có đất sản xuất.
2. Người được giao đất phải sử dụng đất đúng mục đích trong thời hạn được giao; phải bảo vệ, cải tạo, bồi bổ và sử dụng đất tiết kiệm, hợp lý để tăng khả năng sinh lợi của đất; phải chấp hành đúng pháp luật đất đai.
3. Đất giao cho hộ gia đình, cá nhân theo Quy định này là giao chính thức và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ổn định lâu dài.
4. Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh xét và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên cơ sở đề nghị của UBND xã, phường.
Về Cách giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Huyện cũng được thực hiện theo quy định tai điều 12 của Nghị định 64/CP:
1. Ở địa phương mà đất nông nghiệp đang do hợp tác xã nông nghiệp quản lý, thì thực hiện như sau:
a) Nếu Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có văn bản quy định và chỉ đạo giao đất cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài, phù hợp với những quy định của Nhà nước tại thời điểm đó, thì cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho họ.
b) Nếu chưa giao đất cho hộ gia đình, cá nhân thì Uỷ ban Nhân dân xã, phường, thị trấn phối hợp với hợp tác xã và Hội Nông dân xây dựng phương án đề nghị Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh giao và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho họ.
Diện tích đất nông nghiệp sau khi đã trừ đất dành cho nhu cầu công ích của xã, tính bình quân theo nhân khẩu nông nghiệp của xã hoặc hợp tác xã để giao cho hộ gia đình, cá nhân do Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định.
2. Ở địa phương, trong quá trình thực hiện các chính sách đất đai trước đây, Uỷ ban nhân dân các cấp đã hướng dẫn và chỉ đạo nông dân tự thương lượng điều chỉnh đất cho nhau nay đã ổn định, thì Uỷ ban Nhân dân huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh căn cứ vào hiện trạng, xét để giao và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho họ.
Điển hình tại thôn Ngọc Động (xã Phương Tú) là HTX nông nghiệp theo quy mô thôn, có tổng diện tích đất tự nhiên là 179,58 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 134,82ha. HTX có 419 hộ với 2050 nhân khẩu.
Năm 1993 theo sự chỉ đạo của huyện, HTX đã tổ chức giao ruộng ổn định cho các hộ, bình quân mỗi hộ có từ 20 - 25 ô thửa ở các xứ đồng, theo phương thức có xấu, có tốt, có gần, có xa, gặp rất nhiều khó khăn trong quản lý và điều hành. Nhiều ô thửa ở nhiều xứ đồng khác nhau đã hạn chế rất nhiều cho việc đầu tư và chăm sóc dẫn tới năng suất thấp, chi phí cao, luôn xảy ra tình trạng nhầm lẫn giữa các mốc giới giáp ranh giữa các hộ, vì vậy gây mất đoàn kết trong nội bộ xã viên.
Năm 1999, toàn HTX đã cấp xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho 419 hộ với diện tích 124,6 ha.
Thực hiện giao ruộng theo quyết định 250 đã có tác dụng lớn, góp phần ổn định tình hình địa phương, chấm dứt tình trạng tranh chấp đất đai giữa thôn này với thôn kia, hộ nông dân yên tâm sản xuất, từ đó thúc đẩy tăng năng suất. Năm 1992 chính sản lượng lương thực là hơn 7 vạn tấn thì năm 1995 là hơn 9 vạn tấn và năm 2003 là 13,7 vạn tấn. Qua thực tế triển khai thực hiện, tổng kết lại cho thấy trong quá trình quản lý và sử dụng đất đai còn một số tồn tại cơ bản sau:
- Đó là việc giao ruộng đất ổn định, lâu dài cho các hộ nông dân trên một mặt bằng chưa có quy hoạch tổng thể về sử dụng đất, nhất là việc quy hoạch vùng sản xuất, quy hoạch đường kênh mương, đường tưới tiêu tới mặt ruộng và quy hoạch về cải tạo đất, san ghềnh, lấp trũng. Như vậy, có ảnh hưởng tới quá trình sử dụng ruộng đất theo hướng lâu dài và ổn định.
- Tình trạng phổ biến là ruộng đất được giao manh mún, tản mạn, có hộ phải canh tác tới 31 thửa ở 31 vị trí khác nhau, có thửa diện tích chỉ có 20 - 30 m2, có thửa còn dài vài chục mét nhưng chiều ngang thì chỉ đủ một hàng bừa. Trên ruộng màu thì diện tích bờ chiếm mất rất nhiều diện tích ruộng, giữa hộ nọ với hộ kia bị xáo trộn, lẫn lộn và mỗi vụ lại phải thực hiện đo đạc lại rất mất thời gian. Do vậy, tình trạng này gây tốn nhiều công sức, hạn chế cải tạo đất, hạn chế đưa cơ giới vào sản xuất.
- Việc giao ruộng đất còn có điểm chưa đúng với Nghị định 64/CP, phần đất quỹ công 5% do HTX quản lý hầu hết là bố trí tản mạn, UBND xã chỉ nắm được diện tích đất công ích là 5% còn ở vị trí nào, nơi đâu thì chưa nhận diện được hết. Từ đó mức đấu thầu thấp, hoa lợi thu được công ích cũng thấp.
- Quá trình giao ruộng như trên chưa gắn với quá trình đổi mới HTX nông nghiệp. Trách nhiệm của HTX dịch vụ đến đâu còn chưa phân định rõ ràng…
Những tồn tại nêu ra ở trên có ảnh hưởng lớn tới yêu cầu hiện đại hoá nông nghiệp, hạn chế quá trình xây dựng nông thôn mới, do vậy cần phải được sớm khắc phục. Ở Ứng Hoà đã chọn biện pháp khắc phục mở đầu là vận dụng chuyển đổi ruộng đất từ ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn và là một trong huyện đi
đầu trong xu hướng các hộ nông dân tự chuyển đổi đất cho nhau để dồn điển đổi thửa ruộng có diện tích lớn hơn.
Hộ xã viên thực hiện quyền chuyển đổi quyền sử dụng đất thông qua phong trào “Dồn điền đổi thửa” đợt 1
Trước khi có chủ trương dồn điền đổi thửa, việc tập trung ruộng đất nông nghiệp đã diễn ra dưới nhiều hình thức đa dạng và phong phú. Tập trung đất đai trong nông nghiệp là phương thức làm tăng quy mô diện tích của thửa đất và chủ thể sử dụng đất thông qua các hoạt động dẫn tới tập trung ruộng đất: chuyển đổi, chuyển nhượng, thuê đất, thuê lại đất, thừa kế, thế chấp…Hay nói cách khác, tập trung ruộng đất là việc sát nhập hoặc hợp nhất ruộng đất của những chủ sở hữu khác nhau vào một chủ sở hữu hoặc hình thành một chủ sở hữu mới có quy mô ruộng đất lớn hơn. Tập trung ruộng đất diễn ra theo hai con đường: một là hợp nhất ruộng đất của các chủ sở hữu cá biệt nhỏ hơn thành một chủ sở hữu cá biệt khác lớn hơn. Con đường này được thực hiện thông qua việc xây dựng HTX sản xuất nông nghiệp ở nước ta trước đây. Hai là, con đường sát nhập ruộng đất của các chủ sở hữu nhỏ cá biệt để tạo ra quy mô lớn hơn. Con đường này được thực hiện thông qua biện pháp tước đoạt hoặc chuyển nhượng mua bán ruộng đất. Con đường này diễn ra mạnh mẽ ở các nước tư bản.
Hình thức đầu tiên là chuyển đổi đất đai có hướng dẫn của địa phương sau khi có Luật Đất đai năm 1993. Hình thức này được thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 64/CP. Một số địa phương đã sớm nhận thức yêu cầu phải sử dụng đất tập trung để phát triển được sản xuất hàng hóa nên ngay trong khi chia đất nông nghiệp cho hộ nông dân theo Nghị quyết 64/CP thì các hộ đã chủ động bàn với nhau và tiến hành đổi ruộng cho nhau khi đã xác định rõ từng mảnh đất của mỗi hộ trên bản đồ.
Hình thức thứ hai là chuyển đổi đất tự phát giữa các hộ nông dân sau một thời gian sử dụng. Đây là việc các hộ tự nhận thấy tình trạng manh mún của đất nông nghiệp cùng những cản trở của nó tới hiệu quả sản xuất nên đã tự chuyển đổi đất nông nghiệp cho nhau để tạo ra những thửa ruộng lớn hơn. Hình thức
này mang tính tự phát, diễn ra lẻ tẻ, chính quyền không can thiệp cũng không hướng dẫn nên không giải quyết được những vấn đề chung quy hoạch lại vùng sản xuất và thiết kế lại đồng ruộng.
Bên cạnh đó, nhiều hình thức tập trung ruộng đất cũng đã được tiến hành như chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cho thuê đất, phát triển kinh tế trang trại…Tới nay, hình thức tập trung ruộng đất được thực hiện phổ biến tại các vùng nông thôn, được nâng lên thành một chủ trương lớn trong thời gian gần đây là dồn điền đổi thửa hay là chuyển đổi đất sản xuất nông nghiệp có sự chỉ đạo của Đảng ủy và chính quyền các cấp. Đặc biệt trong thời gian hiện nay, khi chương trình xây dựng Nông thôn mới được triển khai rộng khắp trên cả nước, thì công tác dồn điền đổi thửa càng trở thành một chủ trương quan trọng và cần được thực hiện tốt bởi dù trong xây dựng nông thôn mới, DĐĐT không phải là một tiêu chí. Tuy nhiên, với những địa phương có diện tích đất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, hộ nông dân sử dụng nhiều ô, thửa ruộng phân tán trên nhiều cánh đồng sẽ rất khó ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật, khó cho việc cơ giới hóa trong sản xuất và không thể xây dựng mô hình sản xuất tập trung quy mô lớn. Khi xây dựng Nông thôn mới, nếu tiến hành thành công công tác DĐĐT sẽ có tác động tích cực tới hầu hết 19 tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia.
Chủ trương này được bắt đầu nhắc đến từ sau Hội nghị chuyên đề về chuyển đối đất nông nghiệp do Tổng cục Địa chính (nay là Bộ Tài Nguyên và Môi trường) tổ chức tại Hà Tây năm 1997. Đến tháng 11 năm 1998, Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương đã thông qua Nghị quyết 06 – NQ/TƯ mở đường cho phong trào DĐĐT diễn ra rộng khắp các địa phương trên cả nước, trong đó nhiều nhất là các địa phương ở Đồng bằng Sông Hồng – nơi có mức độ manh mún ruộng đất cao nhất trong cả nước. Các Nghị quyết của Trung ương chủ yếu tập trung vào công tác DĐĐT bao gồm: Nghị quyết về việc thúc đẩy công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông thôn thời kỳ 2001 đến 2010 (Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX – Nghị quyết số 15 – NQ/TƯ, ngày 18/3/2002) và Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng
cao hiệu quả kinh tế tập thể (Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX ngày 18/2 – 2/3/2002).
Nghị quyết về việc thúc đẩy công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông thôn cũng chỉ rõ thực trạng “cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn chuyển dịch chậm, chưa theo sát với thị trường. Sản xuất nông nghiệp ở nhiều nơi còn phân tán, manh mún, mang nhiều yếu tố tự phát; ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất chậm; trình độ khoa học, công nghệ của sản xuất nhiều mặt còn lạc hậu nên năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nhiều sản phẩm nông nghiệp còn thấp, kém hiệu quả và thiếu bền vững” [4]. Nghị quyết cũng nêu rõ nội dung của công nghiệp hóa – hiện đại hóa nước ta tới năm 2010. Trong đó, chính sách về đất đai cũng được khẳng định “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để nông dân thực hiện đầy đủ, đúng pháp luật các quyền về sử dụng đất đai; khuyến khích nông dân thực hiện “dồn điền, đổi thửa” trên cơ sở tự nguyện; nông dân được sử dụng giá trị quyền sử dụng đất để góp vốn cổ phần tham gia phát triển sản xuất, kinh doanh, liên doanh, liên kết...Tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy hoạch và chuyển