TỚI CÁC DOANH NGHIỆP VỪA VÀ NHỎ Ở VIỆT NAM
2.1.6. Thị trƣờng
Chi phí tiếp thị là loại chi phí quan trọng trong việc tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam. Nó làm cho người tiêu thụ có đủ thông tin để lựa chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu, đồng thời biết đến thương hiệu sản phẩm và tên tuổi của doanh nghiệp. Trước kia, trong nền kinh tế kế hoạch tập trung, yếu tố tiếp cận thị trường không được chú ý, nhưng kể từ khi Việt Nam đẩy mạnh hội nhập vào nền kinh tế thế giới thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã chú trọng nhiều đến yếu tố này.
Toàn cầu hóa kinh tế được thể hiện qua xu hướng tăng cường hợp tác đa phương, tạo ra sự liên kết và phụ thuộc lẫn nhau ngày càng cao giữa các quốc gia. Đặc biệt, có thể kể tới Tổ chức thương mại thế giới WTO mà ngày càng có nhiều nước, bao gồm Việt Nam, xin gia nhập vào. Hiện WTO có 146 thành viên, chiếm 85% tổng thương mại hàng hóa và 90% thương mại dịch vụ toàn cầu, chẳng bao lâu WTO có thể sẽ trở thành tổ chức lớn nhất hành tinh [28]. Toàn cầu hóa kinh tế cũng gắn với xu hướng tự do hoá và khu vực hóa hình thành nên các khu vực thương mại tự do (FTAS) và những thoả thuận thương mại khu vực (RTAS). Đến tháng 5/2003, có khoảng 250 hiệp định thương mại tự do song phương và khu vực được ký kết, ước tính cuối năm 2005, nếu tính cả các hiệp định thương mại tự do đang được đàm phán hoặc đã được ký kết thì con số sẽ lên tới 300 [28]. Như vậy, toàn cầu hoá kinh tế làm xoá nhoà biên giới địa lý trong hoạt động kinh tế, tạo ra cho doanh nghiệp
vừa và nhỏ một thị trường chung có dung lượng lớn và thông tin trên thị trường rất phức tạp.
Đến nay, Việt Nam đã ký 86 hiệp định thương mại song phương, tạo quan hệ thương mại với trên 160 nước và nền kinh tế, là thành viên của nhiều tổ chức như ASEAN, ASEM, APEC... [28]. Do đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam có “đất” hoạt động rất rộng. Còn hoạt động như thế nào cho hiệu quả thì đòi hỏi doanh nghiệp phải chuẩn bị thật tốt thông tin về thị trường. Thực tế cho thấy, doanh nghiệp vừa và nhỏ của ta đang gặp khó khăn khi đối đầu với sự cạnh tranh trực diện của doanh nghiệp nước khác, khi mà doanh nghiệp vừa và nhỏ nước khác có nhiều điểm trội hơn như sản xuất hàng hóa hợp với thị hiếu khách hàng, quan hệ đối tác tốt, kinh nghiệm trong tiếp thị quốc tế để tìm kiếm khách hàng và xâm nhập thị trường. Hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam gặp khó khăn về nguồn lực nên hiếm khi tổ chức các biện pháp nghiên cứu thị trường, nghiên cứu người tiêu dùng, dù chỉ giản đơn như phỏng vấn, phát phiếu hỏi về những vấn đề người tiêu dùng quan tâm. Nhận định về nhu cầu còn mang tính cảm quan hoặc đơn thuần qua việc tăng giảm doanh thu, lợi nhuận của sản phẩm. Đa số doanh nghiệp mới tham khảo thông tin về khách hàng, thị trường, người tiêu dùng qua các phương tiện thông tin đại chúng. Ở một vài lĩnh vực, doanh nghiệp có nguy cơ đánh mất thị trường trong nước. Chẳng hạn như hiện nay, doanh nghiệp các nước khối ASEAN đã đứng vững ở thị trường ngoài khối cũng như trong khối, bao gồm cả Việt Nam như hàng điện tử, điện lạnh Xingapore, Malaixia, phân bón hóa học của Inđônêxia, xe máy Thái Lan... [4, tr.22 - 23] [35].
Các thông tin về thị trường như nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng, đối thủ cạnh tranh, những chính sách, quy định liên quan tại nước hay khu vực kinh tế doanh nghiệp tham gia hoạt động... liên tục thay đổi trong sự vận động của tiến trình toàn cầu hoá kinh tế. Bí quyết thành công của doanh nghiệp lúc này là phải nắm bắt đầy đủ và nhanh chóng thông tin thị trường. Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam gặp thuận lợi khi có thể tìm kiếm thông tin thị trường qua nhiều nguồn: từ áp dụng thành tựu trong lĩnh vực công nghệ thông tin là mạng internet, khai thác qua báo
chí, hỏi cơ quan chuyên ngành đến việc thông qua các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp, các hiệp hội, câu lạc bộ... Nhưng trong thực tế, do không đáp ứng với yêu cầu của thị trường, thiếu thông tin và am hiểu luật chơi trên thị trường mà doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đã bị rơi vào cảnh khốn đốn. Không ít doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang thị trường Mỹ bị cảnh báo vi phạm về nhãn mác: không ghi nhãn bằng tiếng Anh hoặc ghi nhãn sai quy định, chưa đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Có doanh nghiệp chế biến đồ gỗ ở Bình Dương bị đối tác nhiều lần trả lại hàng vì bàn ghế sử dụng véc-ni có pha hóa chất mà nước nhập khẩu cho rằng ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe, ghế dùng cho trẻ em mà độ nghiêng quá lớn. Nhiều doanh nghiệp bán hàng nông sản cho Trung Quốc bị trả lại hàng vì ghi sai nhãn hàng hóa, ghi thiếu các thông tin cần thiết mà luật pháp nước này quy định như: loại thực phẩm, địa chỉ người sản xuất, nước sản xuất, thành phần... [33]. Hay hàng loạt vụ kiện bán phá giá chống Việt Nam cũng là minh chứng rõ nét. Toàn cầu hóa kinh tế được các chuyên gia kinh tế nhận định là còn tồn tại nhiều mặt bất công thể hiện ở chỗ các nước giàu đã thành công trong việc thiết lập tự do hóa thương mại với những luật chơi do họ đặt ra. Họ cũng đã thành công trong việc buộc các nước khác gỡ bỏ rào cản để hàng công nghiệp và dịch vụ của mình tràn vào các nước này, đồng thời duy trì được mức thuế cao đánh vào một số mặt hàng nhập khẩu... Các nước giàu đã và đang tiếp tục có những thay đổi về chính sách, quy định liên quan mà doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, do không chủ động nắm bắt, đối phó nên hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng. Đầu tiên là cáo buộc bán phá giá gạo của Columbia vào năm 1994, rồi sau đó là lời buộc tội các công ty sản xuất da giày Việt Nam liên kết với Hồng - Kông và Ma - Cao để bán phá giá giầy chống thấm nước vào Canada của Hiệp hội các nhà sản xuất da giày Canada, vụ kiện của EU với mặt hàng bột ngọt, giầy dép năm 1998, kiện bán phá giá bật lửa gas của EU, vụ kiện của Mỹ với mặt hàng cá da trơn, và gần đây nhất là vụ kiện bán phá giá tôm của Mỹ. Do đó, tham gia vào thương mại quốc tế ngày nay, doanh nghiệp phải nghiên cứu thị trường thường xuyên, liên tục để kịp ứng biến với những thay đổi xảy ra.