Chính sách của Đảng và Nhà nƣớc về phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ khi hội nhập kinh tế

Một phần của tài liệu luận văn tác động của toàn cầu hóa kinh tế đến các doanh nghiệp vưa và nhỏ ở việt nam (Trang 28)

nhỏ khi hội nhập kinh tế

Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, nền kinh tế Việt Nam gặp vô vàn khó khăn. Bên cạnh đó, chính sách phát triển nền kinh tế tập trung, kế hoạch hóa trước năm 1986 sau một thời gian đầu có hiệu quả đã bộc lộ những nhược điểm trầm trọng như năng suất lao động thấp, nguồn lực của Nhà nước bị phân tán, lãng phí, các doanh nghiệp yếu kém cả về số lượng và chất lượng. Trước đây, phần lớn các doanh nghiệp đều là các xí nghiệp, cơ sở thuộc sở hữu Nhà nước nhỏ lẻ, manh mún, hoạt động theo kế hoạch đề ra nên không có được động lực phát triển. Nhiệm vụ duy nhất mà các doanh nghiệp thực hiện thành công là giải quyết vấn đề lao động, còn các chức năng khác thì mức độ thành công rất hạn chế. Thời kỳ này, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tới 95% tổng số doanh nghiệp trong cả nước và không có doanh nghiệp nào thuộc thành phần kinh tế ngoài quốc doanh [6].

Trước thực trạng các doanh nghiệp Nhà nước không đủ điều kiện và năng lực để đảm bảo sự phát triển ổn định của nền kinh tế, Đảng và Chính phủ đã chủ trương phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của Nhà nước. Nội dung quan trọng là mở rộng, khuyến khích phát triển các loại hình kinh tế ngoài quốc doanh song song với cải cách kinh tế nhà nước, đổi mới cơ chế quản lý để nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động nhằm giữ vững khu vực doanh nghiệp nhà nước là đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế, đảm bảo sự phát triển cân đối của các loại hình kinh tế trong xã hội. Trong thời kỳ này các doanh nghiệp ngoài quốc

doanh đã phát triển tương đối năng động nhưng hầu hết đều là doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ.

Trong phát triển kinh tế, doanh nghiệp có quy mô lớn không thể bao quát hết thị trường, nên doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm vị trí đặc biệt quan trọng do có những ưu điểm riêng như ưu thế về số lượng, cơ cấu gọn nhẹ, năng động, nhạy bén với những biến động của thị trường... Đánh giá được vai trò vô cùng quan trọng của doanh nghiệp vừa và nhỏ về yếu tố kinh tế, công bằng và ổn định xã hội, Đảng và Chính phủ đã đặc biệt quan tâm đến sự hình thành và phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ ngoài quốc doanh.

Từ Đại hội VI của Đảng (1986) đến nay, Đảng và Nhà nước đã xóa bỏ cơ chế cũ, hình thành nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước nhằm thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ ngoài quốc doanh. Các chính sách của Đảng và Nhà nước đã quan tâm đến hiệu quả kinh tế của các doanh nghiệp hơn là tập trung vào việc hình thành các doanh nghiệp có quy mô lớn như trước. Mở đầu cho sự thay đổi này là văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) với nội dung: “Nhà nước và xã hội ủng hộ và khuyến khích các doanh nghiệp ngoài quốc doanh hoạt động có hiệu quả và hợp pháp”. Tiếp theo đó là sự ra đời của các Nghị định số 27, 28, 29/HĐBT vào tháng 3/1988 khuyến khích sự phát triển của các loại hình mới như kinh tế tư nhân, các thể, hợp tác xã, kinh tế gia đình...

Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 khóa VII đã ra Nghị quyết về phát triển công nghiệp và công nghệ theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa với chủ trương: “Phát triển các loại hình doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ với công nghệ tiên tiến, vốn đầu tư ít, sinh lời cao, thời gian thu hồi vốn nhanh”.

Trong bối cảnh nền kinh tế giữa các quốc gia ngày càng xích lại gần nhau với nhiều hình thức như liên minh, liên kết kinh tế, thành lập các khu vực kinh tế... Đại hội lần thứ VIII của Đảng đã xác định nhiệm vụ: “Mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động tham gia các tổ chức quốc tế và khu vực, củng cố và nâng cao vị thế nước ta trên trường quốc tế” và do đó, đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Nghị quyết Đại hội đại

biểu Đảng toàn quốc lần thứ VIII (1996) khẳng định: “Trong phát triển mới, ưu tiên quy mô vừa và nhỏ, công nghệ tiên tiến, tạo nhiều việc làm, thu hút vốn nhanh; đồng thời xây dựng một số công trình quy mô lớn thật cần thiết và có hiệu quả.”

Đại hội lần thứ IX của Đảng đã khẳng định chủ trương: “Phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ nguồn lực bên ngoài và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển nhanh, có hiệu quả và bền vững”. Trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Đảng đã khẳng định đường lối và chiến lược phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ: “Chú trọng phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa; xây dựng một số tập đoàn doanh nghiệp lớn cần thiết, có hiệu quả đi đầu trong cạnh tranh và hiện đại hóa.” Chiến lược này cho chúng ta thấy chủ trương của Đảng là phát triển các loại hình doanh nghiệp một cách tổng thể, hài hòa thống nhất, trên cơ sở phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của mỗi loại hình doanh nghiệp, khẳng định vai trò quan trọng của doanh nghiệp vừa và nhỏ đối với sự ổn định xã hội, tạo thế phát triển cho nền kinh tế quốc dân trên cơ sở phát huy nội lực để tham gia vào tiến trình toàn cầu hoá kinh tế.

Một phần của tài liệu luận văn tác động của toàn cầu hóa kinh tế đến các doanh nghiệp vưa và nhỏ ở việt nam (Trang 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(103 trang)