Biện pháp quản lý tiền mặt

Một phần của tài liệu Phân tích tình hình tài chính tại Công ty TNHH Đầu tư và Thương Mại Tâm Phúc (Trang 77)

Tiền mặt bao gồm tiền giấy trong két của doanh nghiệp và tiền gửi không kỳ hạn tại ngân hàng. Trong ba năm liên tiếp từ năm 2011 đến 2013, lượng tiền mặt của công ty khá lớn, cụ thể trong năm 2013 là 672.844.999 đồng việc này đồng nghĩa với việc quản lý tiền mặt là vô cùng quan trọng. Quản lý tốt tiền mặt đòi hỏi vào bất cứ lúc nào công ty cũng phải biết đang cần bao nhiêu tiền mặt, lượng tiền mặt hiện có cũng như tiền đang ở đâu. Nếu không theo dõi được tiền mặt, việc kinh doanh của công ty có thể sẽ thất bại.

Mục tiêu của quản lý tiền mặt là phải đảm bảo cho việc tăng đầu tư lượng tiền mặt nhàn rỗi nhằm thu lợi nhuận trong khi vẫn duy trì mức thanh khoản hợp lý để đáp ứng các nhu cầu trong tương lai. Như vậy, công ty cần phải lập kế hoạch cụ thể khi nào thì có tiền nhàn rỗi có thể dành cho đầu tư và khi nào thì cần vay thêm tiền.

Lượng tiền mặt cần có phụ thuộc vào tình hình tiền mặt hiện có, độ ưa chuộng thanh khoản, kế hoạch đáo hạn nợ, khả năng vay nợ, dòng tiền mặt dự kiến và những phương án thay đổi dòng tiền mặt do những biến động trong tình hình thực tế. Công ty không nên để số dư tiền mặt quá lớn bởi vì đó là vốn không sinh lợi.

Quản lý tiền mặt cũng bao gồm số lượng tiền công ty có thể đưa vào đầu tư là bao nhiêu và khoảng thời gian có thể đầu tư đối với khoản tiền đó. Khi việc thu và chi tiền diễn ra ăn khớp và có thể dự đoán trước được, công ty sẽ chỉ cần duy trì một lượng tiền mặt thấp. Công ty cần dự đoán chính xác lượng tiền mặt cần có, nguồn tiền và mục đích chi trả. Dự đoán giúp công ty Tâm Phúc trong việc thực hiện một cách đúng lúc các hoạt động huy động vốn, trả nợ và tính số tiền lưu chuyển giữa các tài khoản.

3.3.4. Biện pháp Đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ lao động

Đội ngũ lao động là một yếu tố có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả kinh doanh của một doanh nghiệp. Do đó, việc phát huy sức mạnh của đội ngũ lao động, khơi dậy trong họ tiềm năng to lớn, tạo cho họ động lực để phát huy hết khả năng, mang lại hiệu quả cao trong công việc là việc đầu tiên mà công ty nên làm. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả kinh doanh, công ty cần phải có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lao động.

Đầu tiên, công ty cần tiến hành thực hiện công tác quy hoạch lại cán bộ và lực lượng lao động, đề ra kế hoạch cụ thể trong tuyển dụng và đào tạo nâng cao trình độ nhằm phục vụ lâu dài cho công ty như: nâng cao tuyển chọn lao động, đảm bảo chất lượng lao động tuyển thêm, khuyến khích người lao động không ngừng học hỏi nâng cao kiến thức để đáp ứng các yêu cầu kinh tế- kỹ thuật. Tiếp đó, công ty cần xây dựng chế độ đãi ngộ với người lao động hợp lý cũng như phân phối thu nhập và tiền thưởng

tương ứng với khả năng và công sức của người lao động. Làm được như vậy sẽ tạo được động lực thúc đẩy người lao động tự nâng cao trình độ và năng lực để thực hiện công việc có chất lượng và hiệu quả cao nhất.

Ngoài ra, để khắc phục cho vấn đề cạnh tranh và mở rộng thị trường, Công ty nên thuê một số Công ty chuyên tư vấn maketing giúp đỡ để làm tăng tính cạnh tranh và tạo dựng được hình ảnh tốt hơn cho Công ty. Đồng thời, Công ty cũng cần đổi mới cơ chế hoạt động một cách linh hoạt và hiệu quả hơn, giảm thiểu các thủ tục, giấy tờ không cần thiết để giải quyết nhanh chóng các công việc cũng như đáp ứng những thay đổi nhanh chóng của thị trường.

KẾT LUẬN CHƢƠNG 3

Dựa vào những phân tích về thực trạng tình hình tài chính trong chương 2, cùng với những lý luận chung về phân tích tình hình tài chính ở chương 1, chương 3 đã đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao năng lực tài chính tại Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Tâm Phúc. Những giải pháp đưa ra phù hợp với điều kiện tài chính của công ty cũng như tình hình nền kinh tế Việt Nam hiện nay.

LỜI KẾT

Những quyết định chính xác từ kết quả của công tác phân tích tài chính sẽ là cơ sở vững chắc để công ty đứng vững, phát triển trên thị trường và ngược lại. Việc phân tích các đối thủ cạnh tranh cũng như các doanh ngiệp trong cùng ngành cũng sẽ giúp cho công ty đưa ra được những quyết định đúng đắn nhất trong quá trình sản xuất kinh doanh của mình.

Công ty TNHH TNHH Đầu tư và Thương mại Tâm Phúc từ khi thành lập cho đến nay đã trải qua nhiều thăng trầm, song với sự nỗ lực, đoàn kết của tập thể công ty, cùng với sự giúp đỡ của các ngành các cấp có liên quan, công ty đã đứng vững và không ngừng phát triển trong nền kinh tế thị trường. Mặc dù không phải là một doanh nghiệp lớn nhưng công ty vẫn đang hoạt động và khẳng định được tên tuổi của mình trên thị trường bằng các sản phẩm có chất lượng cao, giá thành hợp lý, được khách hàng tin cậy. Sự nhạy bén và linh hoạt trong công tác quản lý đã giúp công ty hòa nhập bước đi của mình với nhịp độ phát triển kinh tế của đất nước, của thành phố, hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và không ngừng nâng cao đời sống cho nhân viên trong công ty.

Là một doanh nghiệp tư nhân với số vốn đầu tư còn ít, nên hoạt động kinh doanh của công ty vẫn còn nhiều mặt hạn chế. Vì vậy, công ty cần có những biện pháp khắc phục những vấn đề tồn tại để đưa công ty ngày càng phát triển hơn nữa không chỉ ở thị trường trong nước mà còn vươn ra khu vực ASEAN và thị trường thế giới trong tương lai không xa.

Trong quá trình thực tập tại Công ty TNHH TNHH Đầu tư và Thương mại Tâm Phúc, được các anh chị trong công ty cùng với sự giúp đỡ của các thầy cô trong Khoa Kinh tế- Quản lý của trường đại học Thăng Long, đặc biệt là cô giáo hướng dẫn Th.S Nguyễn Hồng Nga đã giúp em hoàn thành bài khóa luận tốt nghiệp này. Do còn thiếu nhiều về kinh nghiệm cũng như về thời gian nên khóa luận không thể tránh khỏi có những sai sót. Vì vậy, em rất mong nhận được sự giúp đỡ, chỉ bảo của các thầy cô giáo để em có thể hoàn thiện bài khóa luận được tốt hơn.

Em xin chân thành cảm ơn!

Hà Nội, ngày tháng năm 2015 Sinh viên thực hiện

DANH MỤC THAM KHẢO

1. Lưu Thị Hương (2006), Quản trị tài chính doanh nghiệp, Nhà xuất bản Tài chính, Hà Nội, tr.20-35.

2. Th.S Ngô Thị Quyên (2013), Bài giảng Tài chính doanh nghiệp, trường Đại học Thăng Long, Hà Nội.

3. Nguyễn Minh Kiều (2008), Phân tích báo cáo tài chính công ty, Hà Nội, tr.25- 57.

Một phần của tài liệu Phân tích tình hình tài chính tại Công ty TNHH Đầu tư và Thương Mại Tâm Phúc (Trang 77)