Những “mạch ngầm” của văn học Nga-Xô viết (Bài trao đổi nhân dịp kỉ niệm 90 năm Cách mạng Tháng Mười Nga 1917-2007)

Một phần của tài liệu Giáo trình Văn học Nga Phần 2 - Phùng Hoài Ngọc (ĐH An Giang) (Trang 57 - 58)

(Bài trao đổi nhân dịp kỉ niệm 90 năm Cách mạng Tháng Mười Nga 1917-2007) Nhà nghiên cứu văn học Đào Tuấn Ảnh

Văn học Nga - Xô viết có những "đỉnh cao", những "mạch ngầm" còn nấp ẩn, không phải ai cũng biết. Báo Thanh Niên có cuộc trao đổi với PGS.TS Đào Tuấn Ảnh (Viện Văn học).

* Mới đây, nhà văn đương đại Nga Erofiev, trong một tiểu luận, đã cho rằng văn học Nga - Xô viết đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của nó. Bà bình luận gì về nhận định này khi đã có một thời văn học Nga - Xô viết được coi là đỉnh cao ở Việt Nam ?

- Theo tôi, không nên sổ toẹt giá trị các tác phẩm văn học Nga - Xô viết đã từng được dịch ở Việt Nam, nhưng cũng không nên đề cao quá mức. Văn học Nga sau Cách mạng Tháng Mười phát triển rất phong phú, chứ không monotone (đơn điệu) như những gì được dịch ở Việt Nam. Rất nhiều tác phẩm văn học Nga - Xô viết được dịch ở Việt Nam thời gian qua chưa phải là những tác phẩm xuất sắc của nền văn học này. Rất tiếc là những tác giả đỉnh cao của văn học Nga trong giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX nửa đầu thế kỷ XX như A.Blok, Akhmatova, Gumilov thì độc giả Việt Nam hầu như không biết đến. Thêm nữa, có một "mạch ngầm" văn học Nga như Nabokov (Lolita), Bulgakov (Nghệ nhân và Margarita), Boris Pasternak (Bác sĩ Zivago),... lại được truyền bá rất chậm trong thời kỳ Xô viết, mãi đến 3 thập kỷ cuối thế kỷ XX mới được công bố. Do vậy, ngày nay, dù muốn hay không thì cũng phải nhìn nhận lại một cách khách quan diện mạo văn học Nga thế kỷ XX.

* Nếu nhìn nhận lại một cách khách quan, với độ lùi thời gian, thì những Thép đã tôi thế đấy (Alexeevich Ostrovsky), Người mẹ (Maxim Gorky), Đội thanh niên cận vệ (Phadeev), Người thầy đầu tiên (Chingiz Aitmatov), Chiếc nhẫn bằng thép, Lẵng quả thông, Bông hồng vàng và Bình minh mưa (Pautovsky)..., từng làm nức lòng cả một thế hệ thanh niên Việt Nam, liệu có còn giá trị ?

- Khi xem xét một hiện tượng phải đặt nó trên bình diện lịch sử. Trong số những tác phẩm nói trên, có tác phẩm chỉ phục vụ thời sự, không thể sánh ngang với những tác phẩm có giá trị vĩnh cửu (tức là những tác phẩm không viết ra để phục vụ nhu cầu thời sự chính trị trước mắt), song không có nghĩa là nó không còn giá trị gì.

* Thị trường sách Việt Nam hiện nay tràn ngập sách văn học Trung Quốc, Anh, Pháp, Mỹ, Nhật, nhưng văn học Nga đương đại thì hầu như vắng bóng ?

- Văn học Nga đương đại phát triển rất mạnh mẽ với nhiều trào lưu, khuynh hướng, nhiều tác phẩm có giá trị, nhiều best-seller, nhưng độc giả Việt Nam thì hoàn toàn không biết đến! Mà những gì được biết đến, cho đến thời điểm này, thì lại có rất nhiều nhầm lẫn và sai lạc. Tôi lấy thí dụ, trước đây, nhắc đến Maxim Gorky, chúng ta chỉ đề cao “Người mẹ”, và bộ tiểu thuyết tự thuật mà bỏ quên “Cuộc đời Klim Samghin”- tác phẩm xuất sắc nhất của ông.

Theo tôi, cần phải có một cuộc "tổng kiểm kê" di sản văn học Nga ở Việt Nam để dịch thêm, bổ sung thêm những tác phẩm có giá trị.

Tuy nhiên, cái khó hiện nay là ta thiếu những dịch giả am hiểu ngôn ngữ, đất nước, con người và văn hóa Nga, có đủ trình độ thẩm mỹ để lựa chọn những tác phẩm có giá trị, và tất nhiên là cũng phải am hiểu thị hiếu độc giả Việt Nam. Tôi thấy bây giờ phần lớn độc giả Việt Nam đều ca ngợi Dostoievsky, nhưng chẳng mấy người có thể chỉ ra một cách rành rẽ xem ông ấy "vĩ đại" ở chỗ nào, vì không hiểu cội nguồn tư tưởng của Dostoievsky. Tóm lại, cả người dịch lẫn độc giả đều phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Hiện nay, tôi đang thực hiện công trình “Mối quan hệ giữa văn học Nga - Xô viết và tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam thế kỷ XX”, phân tích những cái được và chưa được trong mối quan hệ này.

Một phần của tài liệu Giáo trình Văn học Nga Phần 2 - Phùng Hoài Ngọc (ĐH An Giang) (Trang 57 - 58)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(74 trang)