SERGEI ESENIN (Сергей Есенин)

Một phần của tài liệu Giáo trình Văn học Nga Phần 2 - Phùng Hoài Ngọc (ĐH An Giang) (Trang 39 - 45)

CHƯƠNG 10 MỘT SỐ TÁC GIẢ TIÊU BIỂU KHÁC

SERGEI ESENIN (Сергей Есенин)

(Сергей Есенин)

1895 - 1925

Nhà thơ của nỗi buồn Nga và tình yêu làng quê Nga

(Esenin sinh ở làng Konstantinova, tỉnh Riazan, trong gia đình nông dân. Năm 1913, anh theo cha lên Moskva, làm việc trong xưởng in và học dự thính Trường Đại học Nhân dân Stanisnavski, Năm 1915 đi làm quen với nhà thơ A.Blok và một số nhà thơ khác. Văn nghệ sĩ thủ đô đón tiếp anh nồng nhiệt như vị sứ giả của làng thôn ruộng đồng Nga. Nhật kí của Blok viết: "Sáng nay một chàng trai Riazan mang thơ đến cho tôi đọc…Những bài thơ tươi tắn, thanh khiết, ngôn ngữ nhiều lớp nhiều tầng". Nhờ Blok giới thiệu, thơ anh được đăng ở báo chí thủ đô .

Năm 1916 thơ Esenin được xuất bản thành tập nhan đề "Lễ cầu hồn". Tập thơ hấp dẫn bởi những xúc cảm trước vẻ đẹp thiên nhiên Nga, về không khí lễ hội Cơ đốc giáo ở nước Nga - những nhân tố quan trọng tạo nên tâm hồn dân tộc Nga. Đây là thời gian trưởng thành và hoàn thiện tinh thần và tài năng của nhà thơ. Cuối Chiến tranh Thế Giới thứ I, nhà thơ đi lính Nga hoàng, Esenin đã cộng tác với các cơ quan xuất bản của Phái Xã Hội- Cách Mạng (SR : socialist –revolusioner), in ở đó các tập thơ Lễ biến hình, Sách thánh ca, Nữ tu sĩ . Nhà thơ nồng nhiệt chào đón cuộc Cách Mạng Tháng Mườì với hi vọng một "thiên đường nông dân" sẽ được xây dựng trên đất nước Nga (các tập thơ Người đánh trống trời, Ionhia . . . ) .

Trong những năm 1919 đến 1923, sau khi trở lại Moskva, Esenin tham gia sáng lập nhóm nhà thơ theo chủ nghĩa hình tượng (imaginism). Thực tiễn đất nước Xôviết sau Nội chiến đã không giống như thiên đường ảo tưởng của nông dân gây cho nhà thơ nỗi thất vọng chán chường. Ông cùng vợ là vũ nữ Duncan người Mỹ đi nhiều nơi trong nước và ra nước ngoài (Đức Pháp Bỉ Italia Canada và Mĩ). Kết quả những chuyến đi là các tập thơ theo motif "thành phố sắt thép, nỗi sầu đồng ruộng" như tập thơ “Moskva quán rượu” 1921-1924, Nước Nga Xô viết 1925, Những âm điệu Ba Tư 1925, Ana Xeghina . . .là những xung đột bi kịch giữa niềm hân hoan về sự đổi thay Xô viết đang công nghiệp hóa với tiếc nuối, hoài vọng những phong tục tập quán nét đẹp cổ nước Nga nông thôn đang mai mộ. Esenin đạt tới đỉnh cao sáng tác .

Sống trong thời kì phức tạp về chính trị-xã hội nước Liên Xô những năm Hai mươi, Esenin một con người nhạy cảm, ngất ngưởng sa vào khủng hoảng tinh thần trầm trọng. Ông tự sát tại Leningrad (Saint Petersburg ngày nay) ngày 27.12. 1925 khi 30 tuổi

Toàn bộ sáng tác của ông là một tài sản tinh thần quý giá của văn học Nga, tinh thần Nga. Từ một ca sĩ say mê hát "nỗi sầu đồng ruộng nước Nga" đến cuối chặng đường thơ Esenin đã trở thành thi sĩ của Nước Nga Xô viết. Thơ ông thời kì đầu mang nhiều ảnh hưởng dân gian Nga thanh thoát trong trẻo, sau đó trở nên nặng nề trừu tượng khi chịu ảnh hưởng chủ nghĩa tượng trưng, đến hai năm cuối ông đã tìm lại được sự trong sáng giản dị hàm súc trong phong cách, hài hòa hình tượng... Âm điệu thơ rất uyển chuyển, đầy sức ngân rung, tinh tế khi diễn tả nội tâm và thiên nhiên.

Tôi có lỗi . . .

Tôi có lỗi bởi tôi là thi sĩ

của khổ đau nặng nề và số phận đắng cay Tôi miễn cưỡng bắt mình trở lại

như vốn sinh trên cõi đời này Tôi có lỗi bởi cuộc đời không đẹp Tôi vừa yêu vừa căm ghét mọi người Điều tôi biết về tôi và những gì chưa thấy đều do thơ ban tặng cho tôi

Tôi biết rằng cuộc đời đầy bất hạnh

Hạnh phúc chỉ là mơ trong bệnh hoạn tâm hồn Tôi nhớ mọi điều với âm điệu u buồn

Tôi có lỗi bởi tôi là thi sĩ . (1912)

Tôi giã từ ngôi nhà yêu dấu

Giã từ nước Nga xanh

Ba ngôi sao trên ao nhỏ lung linh bàng bạc chiếu nỗi buồn xưa của mẹ Trăng như con ếch vàng lặng lẽ nằm xoài trong nước lặng êm

như một chùm hoa táo trắng dịu hiền chiếu vào chòm râu cha ánh bạc Bão tuyết gào và từ lâu đã hát

Tôi không về, không trở lại quê hương Cây phong già lặng lẽ đứng bên đường giữ cho nước Nga xanh tươi mãi Và tôi biết có niềm vui trở lại

Và khi đó cây phong già bừng sáng như cái đầu của tôi

(Biên dịch: Đoàn Minh Tuấn Nxb Văn Học 1995)

Thư gửi mẹ

Mẹ có còn sống chăng thưa mẹ?

Con cũng còn sống đây. Xin chào mẹ của con! Ánh sáng diệu kì vào lúc chiều hôm

Xin cứ tỏa trên mái nhà của mẹ. Người ta viết cho con rằng mẹ Phiền muộn lo âu quá đỗi về con

Rằng mẹ thường đi đi lại lại trên đường Khoác tấm áo choàng xưa cũ nát. Trong bóng tối chiều hôm xanh ngắt Mẹ mãi hình dung chỉ một cảnh hãi hùng Có kẻ nào vừa đâm trúng tim con

Giữa quán rượu ồn ào loại đả. Mẹ thân yêu! Xin mẹ cứ yên lòng Đó chỉ là cơn nặng nề mộng mị Con có đâu be bét rượu chè

Đến nỗi chết mà không nhìn thấy mẹ. Con vẫn như xưa đằm thắm dịu dàng Vẫn như xưa chỉ một niềm mong ước Sớm thoát khỏi nỗi buồn đau trĩu nặng Để trở về với mái nhà xưa.

Con sẽ về khi nào độ xuân sang Mảnh vườn ta trắng cây cành nảy lộc Chỉ có điều, mẹ nhé, mỗi ban mai Đừng gọi con như tám năm về trước Đừng thức dậy những ước mơ đã mất Đừng gợi chi những mộng đẹp không thành. Đời con nay đã thấm nỗi nhọc nhằn

Đã sớm chịu bao điều mất mát.

Cũng đừng dạy con nguyện cầu. Vô ích! Với cái cũ xưa, không quay lại làm chi. Chỉ mẹ là nguồn vui, ánh sáng diệu kì Chỉ mình mẹ giúp đời con vững bước. Hãy quên đi những lo âu, mẹ nhé, Đừng buồn phiền quá đỗi về con Mẹ chớ đi đi lại lại trên đường Khoác tấm áo choàng xưa cũ nát. 1924

(Anh Ngọc dịch)

“Thư gửi mẹ” là bài thơ tiêu biểu cho Esenin.Sau những năm lăn lộn với cuộc sống, sau những vấp váp, phiền muộn, chán chường, Esenin lại quay về với những giá trị tinh thần vĩnh cửu mà thiêng liêng hơn cả là tình thương của người mẹ.

Trong “Thư gửi mẹ” có một hình tượng quán xuyến cả bài thơ là hình tượng người mẹ trông chờ con :

“Người ta viết cho con rằng mẹ Phiền muộn lo âu quá đỗi về con Rằng mẹ thường lững thững ra đường Khoác tấm áo choàng xưa cũ nát”

Đó là người mẹ của Esenin mà cũng là người mẹ của muôn đời, người mẹ của phương Đông và phương Tây. Người mẹ mòn mỏi vì thương con, bất cứ nó còn nhỏ hay trưởng thầnh, không cần biết nó đã trở thành anh hùng hay thi sĩ. Trong lòng người mẹ, đứa con bao giờ cũng nhỏ nhoi, yếu đuối và thậm chí còn luôn gặp những bất trắc:

“Trong bóng tối chiều hôm xanh ngắt Mẹ mãi hình dung một cảnh tượng hãi hùng Có kẻ nào vừa đâm trúng tim con

Giữa quán rượu ồn ào loạn đả”

Một anh hùng và một thi sĩ trong lòng người mẹ như thế đấy!

Hình tượng người mẹ càng trở nên thiêng liêng khi Esenin đặt hình tượng người mẹ trong không gian của làng quê êm ả với:

“Ánh sáng diệu kì những tia nắng hoàng hôn”

Hay:

“Trong bóng tối buổi chiều hôm xanh ngắt”

Esenin hồi tưởng về quê hương bao giờ cũng bằng màu sắc tha thiết và ánh sáng êm dịu. Có lẽ thiên nhiên Nga và người mẹ là những giá trị vĩnh cửu mà Esenin đã nhận ra sau những bước chán chường, buồn bực.

Tình thương mẹ của đứa con thì vẫn đằm thắm, thiết tha:

“Con vẫn như xưa đằm thắm dịu dàng Vẫn như xưa chỉ một niềm mong ước Sớm thoát khỏi nỗi chán chường buồn bực Để trở về với mái nhà xưa”

Tình thương mẹ của Esenin không đổi, đó cũng là một giá trị vĩnh cửu nâng đỡ tâm hồn nhà thơ. Nhưng nhận thức của Esenin thì thay đổi. Đứa con “đằm thắm dịu dàng” của mẹ đã trưởng thành. Đứa con đằm thắm dịu dàng của mẹ đã thành đứa con thi sĩ.

“Con sẽ về khi vào độ xuân sang

Mảnh vườn trắng của ta đâm cành nảy lộc”

Nghĩ về người mẹ là nhà thơ cảm thấy ấm áp, tươi sáng. Và trong hình ảnh nẩy nở của mùa xuân, nhà thơ muốn nhắn với mẹ về sự “đâm cành nảy lộc” của chính đứa con thi sĩ của mẹ.

Đến đây bài thơ phát triển đến cao trào. Trong tình thương của người mẹ, đứa con vụt lớn lên. Tứ thơ tạo cho người đọc cảm giác đứng trước buổi mai mùa xuân nhìn thấy vườn cây thay hoa đổi sắc:

“Chỉ có điều mẹ nhé, mỗi ban mai

Đừng đánh thức con như tám năm về trước”

Nhà thơ muốn gợi đến bài thơ “Sáng mai mẹ đánh thức con dậy sớm” sáng tác tám năm về trước để bộc lộ tâm trạng phức tạp của chàng thi sĩ hôm nay

“Đừng thức dậy những ước mơ đã mất Đừng gợi chi những mộng đẹp không thành”

Tám năm về trước, đứa con hồn nhiên kì diệu bao nhiêu thì hôm nay nhọc nhằn, đau khổ bấy nhiêu. Nhưng đó chính là sự trưởng thành về nhận thức của đứa con thi sĩ. Và kì lạ thay, điều này lại đúng với dự báo trong bài thơ hồn nhiên tám năm về trước:

“Người ta bảo, con một ngày sắp đến Thành nhà thơ nổi tiếng của nước Nga”

Đứa con thi sĩ cũng chân thành thưa với mẹ điều khó thưa nhất:

“(Mẹ) Cũng đừng dạy con nguyện cầu vô ích! Nẻo về xưa đã khép lại rồi”

Esenin đã thoát khỏi tư tưởng tôn giáo của người mẹ dạy bảo từ tuổi thơ. Có lẽ trong những điều thưa với mẹ trong thư thì đây là điều đáng hãnh diện của Esenin vì con đã thực sự trưởng thành. Có thể là mẹ sẽ không bằng lòng, nhưng chỉ có điều này con mới xứng đáng là con của mẹ!

Và chính trên cái đà nhớ lại và suy nghĩ đó, người mẹ cũng được đứa con nhận thức lại:

“Chỉ mẹ là diệu kì, ánh sáng, niềm vui Chỉ mình mẹ nâng con vững bước”

Trong lúc những ảo tưởng tan biến, những mộng đẹp trở nên hão huyền, những giáo lí trở nên vô bổ thì “chỉ mẹ là diệu kì”, chỉ mẹ là “niềm vui cho con”. “Chỉ mình mẹ đối với con là ánh sáng khôn tả xiết”. Không phải “Ánh sáng diệu kì những tia nắng hoàng hôn” mà là ánh sáng của tinh thần, ánh sáng của niềm tin yêu,

là ánh hào quang của người mẹ rọi sáng cho con. Từ ánh sáng thật đến ánh sáng trừu tượng, từ ánh sáng bên ngoài toả chiếu vào người mẹ, đến ánh sáng bên trong của người mẹ toả chiếu vào người con, nhà thơ đã tôn vinh người mẹ thiêng liêng, cao cả!

Đoạn kết, hình ảnh người mẹ lại hiển hiện như tượng đài trong lòng con, tượng đài của lòng yêu thương, kính trọng”

“Hãy quên đi những lo âu, mẹ nhé Đừng buồn phiền quá thế vì con

Xin mẹ đừng lững thững ra đừng đường Khoác tấm áo choàng xưa cũ nát”

Bài thơ “Thư gửi mẹ” của Esenin hay nhiều mặt. Giọng điệu trữ tình tha thiết. Tình cảm chân thành, nồng thắm. Lí trí sáng suốt. Hình ảnh đẹp và gợi cảm. Hay nhất là nhà thơ đã biểu hiện được sự vận động của tình cảm, của nhận thức trước những giá trị tinh thần. Trong cuộc sống “nhọc nhằn”, “chán chường buồn bực”, nhà thơ càng nhận ra những giá trị tinh thần vĩnh cửu mà thiêng liêng hơn cả là tình thương của người mẹ:

Chỉ mẹ là diệu kì, ánh sáng, niềm vui Chỉ mình mẹ nâng con vững bước”.

Một phần của tài liệu Giáo trình Văn học Nga Phần 2 - Phùng Hoài Ngọc (ĐH An Giang) (Trang 39 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(74 trang)