VIẾT
Nền văn học Xô viết đã đi trọn chặng đường lịch sử của mình nhưng khuynhhướng văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa chưa thể kết thúc vai trò lịch sử của mình ít ra là trên quê hương của nó. Chỉ có điều khác là bây giờ nó không còn giữ địa vị độc tôn trong văn học như trước kia nữa. Căn cứ theo truyền thống văn học thế giới thì điều này xảy ra trong văn học nghệ thuật không phải là một điều dở, nghĩa là nó vẫn phù hợp với qui luật phát triển ý thức văn học nghệ thuật của loài người.
Trong ngót ba phần tư thế kỷ tồn tại và phát triển, nền văn học Xô viết đã có một vai trò quan trọng, tích cực đối với sự phát triển đời sống tinh thần của nhân dân Liên Xô (cũ) nói riêng và cả nhân loại nói chung. Nó góp phần đấu tranh làm cho đời sống con người lành mạnh, tốt đẹp hơn và mang tínhngười hơn qua những thành tựu nghệ thuật ưu tú của mình.
Về mặt văn học, nó góp phần thay đổi diện mạo văn học thế giới đương đại và gây ảnh hưởng sâu rộng đến sự phát triển của nhiều nền văn học trên thế giới. Những tác phẩm ưu tú của nó đã được thừa nhận và có vị trí trong kho tàng văn học của nhân loại.
Vì vậy, những thành tựu của nền văn học cách mạng này không thể bị lãng quên cùng dĩ vãng, nó vẫn mãi mãi thuộc về tương lai.
Giới văn học này nay đã có đủ thời gian để đánh giá những yếu kém, ấu trĩ ngày xưa. Đó là tính phê phán rất yếu kém. Chủ yếu là do nguyên nhân khách quan : chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa Liên Xô không nhiệt tình hoan nghênh văn học phê phán. Tuy vậy, vẫn có những cây bút mạnh dạn dũng cảm phê phán mặt trái của chế độ này. Tiên phong là nhà thơ Maiakovski với những vần thơ gây khó chịu cho số cán bộ lãnh đạo bảo thủ, yếu kém... Đến nhà văn Oveskin khéo léo hơn với tác phẩm nổi tiếng Chuyện thường ngày ở huyện nổi tiếng khắp thế giới, nhất là trong các nước xã hội chủ nghĩa. Đến mức câu nói “ chuyện thường ngày ở huyện” đã trở thành thành ngữ quen dùng khi nói về các thói tệ tiêu cực trong các xã hội XHCN.... Đỉnh cao của sự phê phán là hai nhà văn Pasternak và Solzhenitsyn (xem chương 12), lúc này hai ông viết không phải với cảm hứng trào phúng thông thường mà như một chủ nghĩa hiện thực nghiêm nhặt, cảm hứng nhận thức khám phá rõ hơn là cảm hứng phê phán. Phần văn học chìm ẩn vì có “ vấn đề ”
đã được phục hồi danh dự trong cuộc cải cách mở cửa những năm 90 thế kỷ trước.
Ngày nay khi thể chế Liên Xô tan rã, hàng ngũ các nhà văn Xô viết có một sựphân hóa sâu sắc về tổ chức, quan điểm, tư tưởng và hành động. Phần đông các nhà văn có tên tuổi và uy tín trước đây chưa lên tiếng. Rõ ràng là đứng trước bước ngoặt lịch sử bất ngờ như thế, mỗi người cầm bút không tránh khỏi phải chịu sự tổn thất nặng nề và sự khủng hoảng sâu sắc về tinh thần, do đó im lặng cũng là điều dễ hiểu. Thực ra văn học Nga ngày nay cũng đang bước vào giai đoạn nhận đường, tìm đường, giống như văn học Trung Quốc, Việt Nam và các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa cũ. Đó là sự phát triển hợp qui luật khách quan của văn học nghệ thuật.