GIỚI THIỆU CUỘC ĐỜI VÀ SÁNG TÁC

Một phần của tài liệu Giáo trình Văn học Nga Phần 2 - Phùng Hoài Ngọc (ĐH An Giang) (Trang 29 - 32)

CHƯƠNG 10 MỘT SỐ TÁC GIẢ TIÊU BIỂU KHÁC

GIỚI THIỆU CUỘC ĐỜI VÀ SÁNG TÁC

A.Fadeev thuộc thế hệ những nhà văn Xô viết trưởng thành cùng cách mạng ngay từ buổi ban đầu gian khổ. Họ cầm súng trước khi cầm bút. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình cách mạng. Năm 1918 ,17 tuổi ông đã trở thành đảng viên Bonsevich, đi du kích chống bọn bạch vệ và quân can thiệp Nhật ở vùng Viễn Đông. Năm 1921, Fadeev đi dự đại hội Đảng lần X. Đi dẹp loạn, bị thương nặng, nằm viện. Xuất ngũ, đi học Đại học Mỏ ở Moskva. Chưa học xong, đi công tác vùng Kafkaz theo điều động của Đảng. Viết những tiểu thuyết đầu tay và khi tiểu thuyết “Chiến bại” ra đời (1926), Fadeev được công chúng văn học rộng rãi chú ý. Cùng với tác phẩm “Tsapaev” của Furmanov, “Suối thép” của Xerafimovich, “Chiến bại” của Fadeev là mốc đầu tiên của văn học Xô viết….

Lúc sắp kết thúc chiến tranh vệ quốc, ông hoàn thành tiểu thuyết “Đội cận vệ thanh niên” (1945). Đây là tác phẩm hay nhất của ông giữ vị trí vững chắc trong nền văn học Xô viết.

Sau chiến tranh, Fadeev còn viết nhiều bài lý luận phê bình văn học có giá trị và một số tác phẩm khác.

Do một căn bệnh kéo dài và trong một bối cảnh xã hội phức tạp sau Đại hội Đảng lần thứ XX, ông đã tự sát vào năm 1956, bỏ dở nhiều dự định tốt đẹp của mình.

Tiểu thuyết “CHIẾN BẠI”

(Р а з г р м) Nội chiến Nga 1918-1921

Cuộc chiến đấu của một đội quân du kích chống lại bọn can thiệp Nhật (bênh vực Nga hoàng) ở vùng Viễn Đông thời kỳ Nội chiến. Levinsơn chỉ huy đại đội du kích. Marozka xuất thân nông dân nghèo ít học, chiến đấu gan dạ và sống trung thực. Metsich vốn là học sinh trung học, đẹp trai con nhà giàu ở thành thị. Hai du kích đi trinh sát, gặp địch, Marozka bắn súng báo hiệu cho đồng đội, bị lộ và tử trận. Còn Metsich rời bỏ hàng ngũ về vùng tạm chiếm. Levinsơn bề ngoài yếu ớt, nhỏ nhắn nhưng thực sự là một người anh hùng vĩ đại – người cộng sản. Sức mạnh của anh là ở ý chí, một trí tuệ sáng suốt, tỉnh táo, gắn bó với đồng đội và nhân dân.

Tiểu thuyết “ĐỘI CẬN VỆ THANH NIÊN” (1945)

(М о л д а я г в а р д и я)

Tác phẩm được viết dựa trên một câu chuyện có thật. Một tổ chức bí mật gồm các thanh niên Xô viết ở thành phố Krasnoda bắt đầu hoạt động từ 1942 trong thời kỳ phát xít Đức chiếm đóng. Hạt nhân lãnh đạo và linh hồn của đội cận vệ vốn là nhóm học sinh thanh thiếu niên trung học gồm: Alec Kosevoi, Liuba, Sevsova, Xecgey Tulenin, Nina, Gromova và Ivan Demunkov. Họ rải truyền đơn, phá trại giam, lật đổ các đoàn tàu chở vũ khí, ám sát lính Đức và tay sai… Vừa hoạt động, họ vừa phát triển tổ chức từ 5 người cho tới gần một trăm đội viên cận vệ hoạt động ở trong và ngoài thành phố…Ít lâu trước khi thành phố được giải phóng, bọn phát xít phát hiện ra tổ chức của Đội cận vệ, mở chiến dịch vây bắt và đem xử bắn. Chính phủ Liên xô đã tuyên dương anh hùng 5 đội viên trong Ban tham mưu.

Chủ đề chính của tác phẩm là: chủ nghĩa yêu nước Xô viết và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của thế hệ trẻ Xô viết trong cuộc đấu tranh chống phát xít xâm lược, bảo vệ tổ quốc XHCN.

Nhân vật chính là con người Xô viết trẻ tuổi với những ước mơ cao đẹp, hoài bão, quan hệ bạn bè trong sáng, đẹp đẽ, vô tư. Đối lập với họ là những tên phát xít tham lam, hèn hạ, ích kỷ. Cắn xé đồng đội nhưng bên ngoài vẫn vênh váo hợm hĩnh, tỏ ra thông minh đi khai hóa cho nước Nga.

Năm nhân vật chính trong ban tham mưu đội cận vệ này là kết quả của chủ nghĩa xã hội. Họ sinh ra và lớn lên, được nuôi dưỡng và giáo dục trong lòng chế độ Xô viết. Những gương mặt hồn nhiên lạc quan, ước mơ thật cao đẹp. Những con người thông minh, dũng cảm, yêu thiết tha thành phố quê hương đang xây dựng chủ nghĩa xã hội. Họ sống trong tình bạn, tình đồng đội và tình yêu trong sáng, cao cả và vị tha.

Đây là bước phát triển mới trong việc xây dựng nhân vật chính diện của nền văn học Xô viết.

Một số đặc điểm nghệ thuật của “Đội cận vệ thanh niên”

Dựa trên những tư liệu người thật, việc thật, tác giả đã đưa tác phẩm vượt qua khuôn khổ thể ký đến với truyện. Trong lần xuất bản đầu tiên, nhà văn bám sát các tư liệu sống mà không chú ý phần hư cấu nghệ thuật của tiểu thuyết. Ông mô tả cuộc chiến đấu của đội cận vệ là những hành động tự phát ngoài sự lãnh đạo của Đảng : Sự thật của đời sống có thể đúng như vậy, nhưng sự thật trong nghệ thuật có thể khác. Báo chí Xô viết hồi ấy đã phê phán rằng: cuộc chiến đấu trong một thành phố bị Đức chiếm đóng trong thời kỳ chiến tranh vệ quốc do Đảng cộng sản lãnh đạo mà lại không có mối liên hệ tinh thần (chưa nói đến mối liên hệ tổ chức cụ thể) với tổ chức Đảng cộng sản thì kể như tác phẩm thiếu sót, chưa đủ sức khái quát tư tưởng, nghệ thuật. Tác giả đã sửa lại bản thảo và cuốn tiểu thuyết chính thức lưu hành cho tới ngày nay. Hình tượng những người cộng sản mới được đưa vào tác phẩm như Liutikov, bí thư cơ sở Đảng bí mật ở thành phố, Protsenko phụ trách Đảng bộ khu.

Một đặc điểm nghệ thuật khác: chất ký sự tiểu thuyết hòa với chất lãng mạn anh hùng ca khá nhuần nhuyễn. Giọng điệu người kể chuyện khi hùng tráng, khi êm ái dịu dàng mô tả các đội viên cận vệ; mỉa mai châm biếm khi miêu tả bọn phát xít. Người

ta gọi phong cách tự sự của Fadeev trong tiểu thuyết này là tự sự – anh hùng – trữ tình.

Với tư cách nhà lý luận phê bình văn học, A. Fadeev đã đóng góp tích cực vào việc xây dựng lý luận về chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Những bài viết của ông có các tác dụng hướng dẫn đối với các nhà văn trẻ vượt qua những bước chập chững ban đầu.

A.Fadeev đã từng giữ trọng trách đứng đầu Hội nhà văn Liên xô trong nhiều năm, đóng góp lớn trong việc tập hợp đoàn kết những người cầm bút và mở rộng quan hệ ảnh hưởng của văn học Xô viết ra nước ngoài.

Một phần của tài liệu Giáo trình Văn học Nga Phần 2 - Phùng Hoài Ngọc (ĐH An Giang) (Trang 29 - 32)