Khắc họa bằng/ qua ngôn ngữ

Một phần của tài liệu Nhân vật nữ trong tiểu thuyết của nguyễn xuân khánh (Trang 71)

6. Cấu trúc của luận văn

3.1.1.Khắc họa bằng/ qua ngôn ngữ

Văn học lấy ngôn ngữ làm phương tiện để miểu tả và phản ánh thế giới khách quan. “Ngôn ngữ là công cụ, là chất liệu cơ bản của văn học, vì vậy văn học được gọi là loại hình nghệ thuật ngôn từ” [30, 180]. Là một trong những yếu tố có vai trò quan trọng trong đời sống con người, ngôn ngữ không chỉ là công cụ giao tiếp mà còn là phương tiện để bộc lộ tư tưởng, tình cảm, thể hiện tính cách và bản chất của con người. Tác phẩm văn học tùy theo đặc thù loại hình mà có hình thức ngôn ngữ riêng. Nhưng nhìn chung, nó có những đặc trưng cơ bản như: Tính chính xác, tính hàm súc, tính đa nghĩa, tính tạo hình và biểu cảm. Ngôn ngữ của thể loại tiểu thuyết theo Bakhtin còn có “tính phức âm, tính phân tầng”. Trong tiểu thuyết, vai trò của người trần thuật và hình tượng nhân vật ở nhiều tư thế và vị trí khác nhau, họ cùng mang chức năng bình đẳng với nhau và tạo nên một kiểu đối thoại trong tác phẩm. Ngôn ngữ tiểu thuyết hiện đại Việt Nam đã có bước đổi mới, nhiều khi pha tạp đủ kiểu loại ngôn ngữ trong cùng một tác phẩm với các chức năng riêng biệt của chúng.

Trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh tác giả đã khắc họa nhân vật nữ đồng thời qua cả ngôn ngữ nhân vật, ngôn ngữ người kể chuyện. Người kể chuyện là hình tượng ước lệ về người trần thuật trong tác phẩm văn học, chỉ xuất hiện khi nào câu chuyện được kể bởi một nhân vật cụ thể trong tác phẩm. Đó có thể là hình tượng của chính tác giả, dĩ nhiên không nên đồng nhất hoàn toàn với tác giả ngoài đời; có thể là một nhân vật đặc biệt do tác giả sáng tạo

ra; có thể là một người biết một câu chuyện nào đó...”[60, 221]. Ngôn ngữ người kể chuyện có thể kể, tả, bình luận, đánh giá hoặc nhập vào thế giới nội tâm nhân vật. Trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh có sự đan xen trần thuật ở ngôi thứ ba với trần thuật ngôi thứ nhất. Nhà văn nhập thân vào và để cho nhân vật Hồ Nguyên Trừng xưng “tôi” nhìn ngắm bản thân, nhìn ngắm và thấu cha mình Tôi nhận thấy ánh mắt cha đang nhìn tôi cầu khẩn...và tôi chợt nhận ra nỗi cô đơn khủng khiếp của người...Bảo nỗi cô đơn của kẻ thoán nghịch cũng được...và bảo là nỗi cô đơn của kẻ làm một việc lớn cũng được

[35, 367]. Ngoài hai giọng kể chính thay đổi luân phiên là người kể chuyện xưng “tôi” và người kể chuyện khách quan, ở nhiều đoạn điểm nhìn trần thuật được chuyển vào Nghệ Tôn, Thuận tôn, Hồ Quý Ly. Hồ Quý Ly viết về lịch sử của một triều đại ở cuối thế kỷ XIV nên để giữ gìn được không khí cổ xưa nhà văn đã sử dụng hệ thống ngôn ngữ khá chỉn chu, thanh nhã, mẫu mực và có phần kiểu cách. Đó là hệ thống từ ngữ xưng hô theo khuôn phép trật tự phong kiến (bệ hạ, trẫm, khanh, chàng, nàng...), hệ thống từ ngữ gọi tên chức tước, hàng phẩm (vua, hoàng hậu, công chúa, quận chúa..). Ngoài ra để kéo lịch sử về gần hơn với thời hiện đại tác giả đã bình dị hóa ngôn ngữ thông qua những so sánh ví von giàu chất đời thường hoặc xây dựng ngôn ngữ nhân vật trần tục nhằm phá vỡ vẻ mực thước, kiểu cách vốn quen thuộc với tầng lớp trí thức phong kiến. Tác giả Đỗ Hải Ninh trong một bài báo đã nêu lên đánh giá của mình về ngôn ngữ của Nguyễn Xuân Khánh sử dụng ở tiểu thuyết Hồ Quý Ly “Sự thành công nổi bật trong sáng tạo ngôn ngữ của tiểu thuyết lịch sử Hồ Quý Ly là đã kết hợp được những yếu tố văn hóa, lịch sử, tôn giáo trong một hệ thống ngôn ngữ tiểu thuyết thống nhất và đa dạng”[67] và những đổi mới trong ngôn ngữ trần thuật của Hồ Quý Ly “chính là sự đan xen ngôi thứ ba với ngôi thứ nhất, với cách tiếp cận nhân vật từ thế giới nội quan, tác phẩm đã tạo được một cách nhìn độc đáo về lịch sử. Nếu đặt trong hệ thống các tiểu thuyết lịch sử trước đó, rõ ràng cách thức trần thuật này là sự đột phá

khi cùng đưa nhân vật thoát ra khỏi cái khung lịch sử đã khép kín để đối thoại với hiện tại, các nhân vật lịch sử khác đều được kéo gần lại, họ là những người cùng thời với người kể chuyện”[67].

Nguyễn Xuân Khánh với tinh thần tôn trọng lịch sử và ý thức khám phá lịch sử từ những chiều hướng mới đã tạo ra ngôn ngữ trần thuật phù hợp. Ông đã lao động thật sự cật lực trên từng con chữ để có được một ngôn ngữ mang dấu ấn rất riêng của mình mà không phải nhà văn nào cũng có được.

Mẫu Thượng ngànĐội gạo lên chùa đều viết về cuộc sống của người dân quê, hơn nữa độ lùi lịch sử không quá xa như Hồ Quý Ly nên ngôn ngữ mang tính bình dân, đậm chất đời thường hơn. Đó là những đoạn văn tả cảnh làng quê, cảnh sinh hoạt của người dân Cổ Đình, người dân làng Sọ, cảnh yêu đương của những đôi trai gái quê...Trong Mẫu Thượng ngàn, xuyên suốt tác phẩm là giọng kể khách quan, nhưng ngoài việc di chuyển điểm nhìn vào các nhân vật, nhà văn còn trực tiếp để cho nhân vật bà Ba Váy tự sự. Chương XI (Bà Ba Váy kể chuyện), tác giả Nguyễn Xuân Khánh đã để cho nhân vật tự kể câu chuyện của cuộc đời mình, tham gia trong vai trò người dẫn dắt câu chuyện. “Tôi là con ông thần rừng...”[36, 521]. Lúc này, tác giả trong vai trò người kể chuyện đã nhường lời lại cho nhân vật bà Ba Váy. Câu chuyện xoay quanh chuyện nhà Lý Cỏn. Đến phần 3 (chương XII) lại là lời của bà Ba Váy, từ việc bệnh dịch hoành hành ở làng, việc ông Lý Cỏn nửa điên nửa dại. Nhưng chủ yếu là bà Ba Váy kể về mình, về việc bà làm vợ ông Lý “Suy cho cùng, tôi lấy ông Lý là do cái sự bắt buộc. Thế nhưng ông trời lại đền đáp cho cái phận hẩm hiu của tôi nhiều quá. Tôi đã có sáu mặt con cùng ông, trong đó bốn đứa con trai. Đối với làng nước, thế là số tôi sướng (...) tôi còn tận tụy với chồng tôi vì cái nghĩa nó buộc tôi phải thế. Tôi là con gái nhà nghèo, cơm chẳng đủ đút miệng, áo chẳng đủ che thân, nay cuộc sống được như thế này, tôi cũng phải biết ơn ông Lý chứ...” [36, 573 -574]. Một câu hỏi được đặt ra là tại sao Nguyễn Xuân Khánh lại chọn bà Ba Váy làm

nhân vật người kể chuyện trong tác phẩm của mình. Ta dễ dàng nhận thấy, trong Mẫu Thượng ngàn, nhân vật bà Ba Váy là hình ảnh tiêu biểu cho người phụ nữ Việt Nam. Bà là một người vợ hay lam hay làm, là người mẹ yêu thương con hết lòng. Trong Đội gạo lên chùa, thứ ngôn ngữ ngồn ngộn sự sống trần tục được tái hiện rất rõ qua ngôn ngữ nhân vật. Và đây là ngôn ngữ của chi Xim trong lần trả nghĩa “long trời lở đất” với người chồng cũ “Xong rồi là xong phắt không dây dưa (...) mười năm đi tù anh chết thèm, chết nhạt (...) mắt anh nhìn em vẫn còn hau háu như muốn ăn tươi nuốt sống”[37, 805]. Nếu cả tác phẩm là lời của tác giả thì những phần có nhân vật tham gia trong vai trò người kể chuyện sẽ giúp tác phẩm mang màu sắc hiện đại. Nó khác hẳn với lối kể chuyện của tiểu thuyết cổ điển, ở đó tác giả “toàn tri”, quán xuyến toàn bộ câu chuyện.

Ngôn ngữ trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh vừa cổ điển, trang trọng vừa mang đậm hơi thở đời sống hiện đại, vừa phảng phất linh khí của tôn giáo. Đó là thứ ngôn ngữ có khả năng tái dựng không khí lịch sử, cá thể hóa nhân vật cao độ và thể hiện rất rõ phong cách văn chương của nhà văn tài hoa, lịch lãm, mang hơi hướng cổ điển nhưng lại rất gần gũi với đời sống.

Một phần của tài liệu Nhân vật nữ trong tiểu thuyết của nguyễn xuân khánh (Trang 71)