Những thuận lợi và tồn tại, thách thức trong quan hệ Hoa Kỳ Việt Nam

Một phần của tài liệu Quan hệ hoa kỳvà việt nam từ năm 2009 đến năm 2013 (Trang 99)

7. Bố cục luận văn

3.2. Những thuận lợi và tồn tại, thách thức trong quan hệ Hoa Kỳ Việt Nam

Việt Nam

3.2.1. Thuận lợi

Nhìn lại mười tám năm kể từ khi bình thường hóa (1995- 2013), quan hệ chính trị giữa Việt Nam và Hoa Kỳ ngày càng được tăng cường và phát triển ngày càng tốt đẹp trên cả 3 phương diện: bề rộng, chiều sâu và hiệu quả hợp tác. Những thành tựu trong quan hệ hai nước đã mở ra những thuận lợi mới cho quá trình hợp tác giữa hai quốc gia.

Thứ nhất, chương trình nghị sự không ngừng được bổ sung những lĩnh vực hợp tác mới, chưa từng có trước đó; từ song phương là chính, hợp tác đã mở rộng ra các vấn đề đa phương, khu vực.

Về kinh tế, Việt Nam yêu cầu Hoa Kỳ công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, dành cho Việt Nam quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Hai nước cùng tham gia đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định có ý nghĩa chiến lược đối với hợp tác kinh tế khu vực và đối với mỗi nước. Về khoa học - công nghệ, hai bên hợp tác về công nghệ không gian, năng lượng hạt nhân, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng ở Việt Nam. Về giáo dục, hai bên đang xúc tiến xây dựng trường Đại học Hoa Kỳ tại Việt Nam. Về nhân đạo, Hoa Kỳ tham gia khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin (tẩy độc, chăm sóc nạn nhân) và giúp tìm bộ đội Việt Nam mất tích trong chiến tranh. Về các vấn đề quốc tế và khu vực, hai bên hợp tác chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, chống tội phạm xuyên quốc gia, bảo đảm an ninh nguồn nước và phát triển bền vững lưu vực sông Mê Kông; xây dựng các cấu trúc mới ở khu vực về chính trị, kinh tế, an ninh và thúc đẩy giải quyết hòa bình tranh chấp, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước quốc tế về Luật biển 1982, không dùng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, bảo đảm tự do và an toàn hàng

hải, quyền khai thác tài nguyên hợp pháp, nhằm duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực.

Thứ hai, hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu, thể hiện qua 3 khía cạnh. Một là, hai bên hình thành các cơ chế đối thoại mới, trong đó có đối thoại chính trị - an ninh - quốc phòng, đối thoại chính sách quốc phòng, đối thoại về châu Á - Thái Bình Dương, đối thoại về biển, tạo cơ hội để trao đổi, tham vấn những vấn đề thực chất trong quan hệ hai nước và liên quan hòa bình, ổn định, hợp tác khu vực. Hoa Kỳ thúc đẩy quan hệ và đối thoại với cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hai là, trao đổi đoàn cấp hoạch định chính sách và triển khai thực hiện đều tăng rõ rệt, riêng 2012 và 6 tháng đầu năm 2013, tính trung bình tuần nào cũng có từ 1 đến 2 đoàn Hoa Kỳ vào Việt Nam. Việt Nam cũng cử nhiều đoàn thăm Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, lãnh đạo và các quan chức cao cấp hai nước duy trì tiếp xúc thường xuyên bên lề các diễn đàn khu vực và quốc tế. Ba là, cơ sở hợp tác của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ được mở rộng và tăng cường; trên một số lĩnh vực, hai bên đã gieo được những hạt giống cho việc xây dựng lòng tin trong hợp tác lâu dài.

Thứ ba, hiệu quả hợp tác được nâng cao, thực chất hơn. Hợp tác kinh tế tiếp tục là lĩnh vực trọng tâm, vừa là nền tảng, vừa là động lực của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam luôn xuất siêu; kim ngạch thương mại hai chiều tăng trung bình gần 20%/năm; riêng 2012, kinh tế thế giới khó khăn như vậy, song thương mại Việt - Mỹ vẫn tăng 14%, đạt 24,5 tỷ USD (Việt Nam xuất trên 19 tỷ USD). Về đầu tư, FDI của Mỹ vào Việt Nam đạt trên 10 tỷ USD. Hợp tác giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ đạt kết quả ấn tượng. Gần 16.000 sinh viên Việt Nam đang học tại Mỹ, đứng đầu các nước ASEAN, tăng gấp 2,5 lần so với cách đây 5 năm. Qua những tổ chức phi chính phủ, Hoa Kỳ thường xuyên viện trợ nhân đạo cho Việt Nam trong các lĩnh vực y tế, giáo dục. Trong giai đoạn (2004-2012), Mỹ đã viện trợ cho Việt Nam 565,8 triệu USD nhằm hỗ trợ phòng chống HIV/AIDS.Về quốc phòng, an ninh, hai bên lần đầu tiên ký MOU về hợp tác quốc phòng (9-2011), hợp tác trên 5 lĩnh vực: thiết lập các cơ chế đối thoại, an ninh biển, tìm kiếm cứu nạn, các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa. Bên cạnh đó, hai bên cũng hợp tác tích cực trong vấn đề chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia.

3.2.2. Tồn tại và thách thức

Những tiến triển đáng khích lệ trên chưa tương xứng với tiềm năng quan hệ song phương giữa Việt Nam và Mỹ. Tuy nhiên, đó là những thành tựu đáng kể nếu xét trên thực tế là kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao hai bên mới có cơ hội để thực sự tìm hiểu về nhau. Sau gần 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao, quan hệ giữa hai nước đang chuyển sang một giai đoạn mới, “từ đối thủ trở thành đối tác của nhau”, hợp tác ngày càng được mở rộng và đi vào chiều sâu với kinh tế - thương mại là động lực quan trọng.

Tuy nhiên, giữa hai nước vẫn còn một số bất đồng tồn tại:

Thứ nhất, trong lĩnh vực nhân quyền, hai bên còn nhiều bất đồng. Mặc dù phía Mỹ có đánh giá tốt về tiến triển tình hình nhân quyền ở Việt Nam cũng như các vấn đề khác (như việc chống nạn buôn người qua biên giới) và khẳng định Mỹ sẽ gia tăng đối thoại với Việt Nam về vấn đề nhân quyền như trong những năm tới nhưng về cơ bản, những nghi ngại từ phía Hoa Kỳ về tự do tôn giáo, dân chủ, tù chính trị… vẫn đang cản trở quan hệ hai nước. Hai nước cần tăng cường cuộc đối thoại thường xuyên giữa các cơ quan chính phủ Mỹ và Việt Nam về vấn đề nhân quyền. Việt Nam nên cho phép thêm các chuyến thăm của các tổ chức nhân quyền quốc tế.

Thứ hai, về quân sự, Mỹ vẫn chưa xóa bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Hai nước cần thảo luận về những bước đi nào mà Chính phủ Mỹ kỳ vọng từ Việt Nam nhằm nới lỏng và cuối cùng loại bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương của Mỹ cho Việt Nam. Hai nước cần mở rộng phạm vi trao đổi của lực lượng hải quân Mỹ - Việt, trong đó có các cuộc diễn tập chung về giúp đỡ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, nhấn mạnh đến sự tương tác và việc cập cảng của các tàu Mỹ cho hoạt động bảo trì và sửa chữa.

Thứ ba, về kinh tế, là trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu hiện nay, xu hướng bảo hộ mậu dịch bên trong nước Mỹ luôn là trở ngại lớn đối với thương mại hai nước. Điều này được thể hiện rõ nhất qua vụ việc cá tra và basa, tôm đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ đã bị phía Mỹ áp thuế chống bán phá giá…

Vốn đầu tư của Mỹ vào Việt Nam tăng giảm khá thất thường (do vướng mắc trong đàm phán giá và do nền kinh tế Mỹ có khó khăn) và phần lớn mới chỉ tập trung vào các ngành công nghiệp giản đơn và lắp ráp. Điều này một

phần do cơ cấu kinh tế và định hướng phát triển Việt Nam chưa hướng mạnh vào các ngành công nghiệp công nghệ cao.

Ngoài ra, Việt Nam vẫn đang tiếp tục vận động Mỹ: (i) dành cho Việt Nam chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), công nhận quy chế thị trường (MES) cho nền kinh tế Việt Nam; (ii) loại bỏ các rào cản thương mại (kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp) đối với các sản phẩm của ta xuất sang Mỹ như mật ong, trụ điện gió, mắc áo, cá tra/basa, tôm…Thêm vào đó, Quốc hội Mỹ đang xem xét việc duy trì chương trình giám sát cá da trơn của các nước xuất khẩu vào Mỹ trong đó có của Việt Nam tại Bộ Nông nghiệp Mỹ dẫn đến khả năng ngừng nhập khẩu cá tra/basa của Việt Nam trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục kiện Mỹ tại WTO về vấn đề “quy về không” đối với các đợt rà soát hành chính mặt hàng tôm trước đây trong khi đó phía Mỹ tiếp tục đề nghị giải quyết song phương.

Việt Nam và Hoa Kỳ cần phối hợp với các đối tác để kết thúc và phê chuẩn Hiệp định thương mại tiêu chuẩn cao TPP và cùng hợp tác tại Hội nghị cấp cao Đông Á nhằm đưa ra các bước đi kế tiếp đối với việc hội nhập kinh tế khu vực thông qua một khu vực mậu dịch tự do châu Á - Thái Bình Dương.

Mỹ cần phối hợp loại bỏ việc xác định Việt Nam như là một nền kinh tế phi thị trường trên tinh thần của việc cải thiện quan hệ song phương.

Thứ tư, một trong những vấn đề đã thực hiện nhưng chưa giải quyết triệt để là giải quyết những hậu quả của cuộc chiến tranh ở Việt Nam như tìm kiếm hài cốt người Mỹ và người Việt Nam, làm sạch ô nhiễm dioxin, …. Việc hoàn tất việc làm sạch ô nhiễm dioxin tại Đà Nẵng vào năm 2016 và cam kết thời gian biểu khả thi trong việc làm sạch dioxin tại sân bay Biên Hòa cũ cần được thực hiện nhanh chóng.

Ngoài ra, mặc dù đã hết sức cố gắng, hai nước thực tế vẫn chưa xây dựng được lòng tin cần thiết ở cấp cao cũng như người dân, một bộ phận không nhỏ người Việt ở Hoa Kỳ…

Một phần của tài liệu Quan hệ hoa kỳvà việt nam từ năm 2009 đến năm 2013 (Trang 99)