7. Bố cục luận văn
1.4. Chính sách đối ngoại của Việt Nam trong bối cảnh mới
Đối với Việt Nam, năm 1975 là năm kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đồng thời cũng là năm mở đầu cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, khó khăn đối Việt Nam cũng chồng chất, đó là hậu qủa của chiến tranh nặng nề trên hai miền đất nước, các khoản viện trợ từ nước ngoài đều bị cắt, trong khi đó phải đối phó với hai cuộc chiến tranh biên giới và chính sách cấm vận của Hoa Kỳ. Mặt khác, trong công cuộc xây dựng CNXH (1976 - 1986), Việt Nam đã tiếp tục lún sâu vào khủng hoảng.
Sang đến những năm cuối thế kỷ XX, sự sụp đổ của Liên Xô và hệ
thống XHCN (1991), đã tác động một cách sâu sắc và toàn diện đối với Việt
Nam. Trước bối cảnh mới đặt ra cho Việt Nam những thách thức lớn, đòi hỏi Việt Nam phải đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện, tái cấu trúc lại nền kinh tế để nhanh chóng hội nhập vào xu thế toàn cầu hoá.
Những năm đầu thế kỷ XXI, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, cùng với những quyết sách đúng đắn của Nhà nước, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng khá, thị trường xuất khẩu hàng hoá được mở rộng, nền kinh tế trên nhiều lĩnh vực thu được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Việt Nam cũng đã bắt đầu quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng với việc ra nhập tổ chức quốc tế - khu vực APEC, WTO... Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính thế giới năm 2008 (bắt nguồn từ Mỹ), đã tác động sâu sắc đến nền kinh tế Việt Nam, đồng thời qua đây cũng bộc lộ rất rõ những khiếm khuyết trong quản lý Nhà nước về kinh tế, sự yếu kém của hệ thống ngân hàng, các doanh nghiệp nhà nước, sự đổ vỡ của các tập đoàn kinh tế lớn như Vinasin, Vinalines...
Đối với Việt Nam, chính sách đổi mới của Đảng ta đã chỉ rõ là đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ đối ngoại, Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trên thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, và phát triển. Tại Đại hội Đảng lần thứ IX (2000), Đảng ta khẳng định cần phải thúc đẩy quan
hệ đa dạng với các nước phát triển. Trong nghị quyết Trung ương 8 về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” (7-2003), Đảng ta đã nêu quan điểm về “Đối tác”, xác định cần thúc đẩy quan hệ với các nước và trung tâm lớn trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, tạo thế đan xen lợi ích giữa các nước với nước ta, tránh bị rơi vào thế đối đầu, cô lập hay lệ thuộc. Tại Đại hội XI, Đảng ta đề ra chủ trương: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam XHCN giầu mạnh”.
Chính vì vậy, tháng 4-1991, xuất phát từ tinh thần nhân đạo và truyền thống hòa hiếu của Việt Nam, Việt Nam đã nhất trí với một lộ trình gồm các bước mà Việt Nam và Mỹ tiến tới bình thường hóa các mối quan hệ do chính quyền Bush nêu ra, theo đó, tiến độ Việt Nam trợ giúp giải quyết vấn đề tù binh chiến tranh (POW), vấn đề người Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA) và các vấn đề khác sẽ được xem là tiền đề và được Mỹ đáp lại bằng việc mở rộng các mối quan hệ giữa hai nước. Và thực tế cho thấy sự hợp tác Việt - Mỹ về vấn đề MIA luôn nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ cũng như những người dân địa phương trên khắp đất nước Việt Nam.
Đồng thời, trong bối cảnh đó, khi thúc đẩy quan hệ với Mỹ, Việt Nam hy vọng có được nguồn vốn đầu tư, kỹ thuật công nghiệp, kinh nghiệm quản lý của Mỹ và đặc biệt là tìm thấy được một thị trường xuất khẩu quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam. Vì vậy, quan hệ Việt - Mỹ được cho là sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế Việt Nam từng bước hội nhập vào nền kinh tế thế giới và nền kinh tế Mỹ [51]. Việt Nam coi quan hệ với Mỹ là một trong những mối quan hệ quốc tế quan trọng hàng đầu của mình trong tiến trình triển khai chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa vì an ninh và phát triển đất nước, bởi lẽ Mỹ vẫn được xác định là siêu cường hàng đầu thế giới và nắm vai trò then chốt trong kinh tế, chính trị và quân sự toàn cầu trong nhiều thập kỷ nữa.
Bên cạnh đó, để thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹ, Việt Nam cũng đã rất tranh thủ sự hiểu biết và các mạng quan hệ của cộng đồng người Việt đã sống
lâu năm với các giới của Mỹ, để gia tăng tư vấn, hợp tác xử lý các vấn đề, phù hợp với lợi ích của Việt Nam nhưng "trung" cơ chế, môi trường... Ra quyết định ở cấp liên bang cũng như ở các địa phương của Mỹ. Trên cở sở đó, có thể xác định mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam là mối quan hệ bất đối xứng (cả về quy mô, đường lối và thể chế). Một mặt, Mỹ không bao giờ từ bỏ âm mưu “diễn biến hoà bình” đối với Việt Nam, nhưng mặt khác chính sách đối ngoại của Mỹ rất thực dụng và linh hoạt nên đã chủ động thúc đẩy quan hệ với Việt Nam khi họ thấy Việt Nam ngày càng có vị trí và vai trò trong khu vực. Bởi vậy, Việt Nam đã tận dụng cơ hội này để phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác, hai bên cùng có lợi với Mỹ, giảm thiểu được các nguy cơ an ninh từ phía Mỹ.
Phát triển quan hệ với Mỹ trên cả bình diện song phương và đa phương sẽ giúp Việt Nam vừa tạo được thế, vừa gia tăng về lực, qua đó nâng cao sức mạnh tổng hợp của quốc gia, nhất là trong bối cảnh hai nước có điểm đồng trong việc tăng cường vai trò của ASEAN trong khu vực, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, nguồn nước, bệnh dịch, vận chuyển người bất hợp pháp qua biên giới và buôn bán - vận chuyển và tiêu thụ ma tuý. Kết quả này lại càng củng cố vững chắc vai trò lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Bên cạnh đó, những thách thức do nhân tố Trung Quốc trong vấn đề
Biển Đông, vấn đề nguồn nước Hạ lưu sông Mê Kông, …. đặt ra cho Việt Nam những đòi hỏi mới trong thúc đẩy quá trình đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, đặc biệt là quan hệ với Mỹ.
Như vậy, quan điểm của Việt Nam về lợi ích và mục tiêu trong quan hệ với Mỹ là Việt Nam có thể thu được những lợi ích nhất định do Mỹ có tiềm lực kinh tế, an ninh quân sự, chính trị, khoa học công nghệ, đào tạo..., và đều đứng hàng đầu thế giới. Việt Nam nhất quán thúc đẩy các quan hệ hữu nghị tích cực với Mỹ trên tinh thần đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn của tất cả các nước trên thế giới, hướng tới một mối quan hệ hữu nghị lâu dài, bền vững, tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi, không ảnh hưởng đến một bên thứ ba nào khác.
Tiểu kết
Có thể thấy, quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam từ 2009 đến 2013 được phát triển trên cơ sở có nhiều nhân tố thuận lợi.
Trước hết, trải qua một quá trình lịch sử tìm hiểu, xác lập quan hệ lâu dài hơn 1 thế kỷ nhưng do nhiều nhân tố khác nhau, quan hệ hai nước bị gián đoạn, thậm chí là đối đầu nhau bằng một cuộc chiến tranh kéo dài hơn 20 năm với nhiều mất mát đau thương. Tiếp đó là 20 năm Hoa Kỳ thực hiện chính sách bao vây cấm vận đối với Việt Nam. Tuy nhiên, đó cũng là cơ sở để hai nước hiểu sâu sắc hơn về truyền thống lịch sử, văn hóa và những hậu quả mà hai bên phải gánh chịu. Từ năm 1995 đến năm 2009, quan hệ hai nước đã từ bình thường hóa đến hợp tác cùng phát triển một cách tương đối nhanh chóng. Đây là cơ sở để quan hệ hai nước có những chuyển biến mạnh mẽ thành đối tác toàn diện trong giai đoạn 2009 đến 2013.
Bên cạnh đó, bối cảnh quốc tế và khu vực châu Á – Thái Bình Dương sau năm 2009 đã và đang có những chuyển biến nhanh chóng. Toàn cầu hóa tiếp tục phát triển mạnh mẽ thúc đẩy quá trình hợp tác giữa các quốc gia phát triển nhanh chóng. Cạnh tranh chiến lược ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương - khu vực phát triển năng động nhất thế giới – tạo cho hai nước những cơ hội và thách thức trong quá trình hợp tác. Trong đó, nhân tố Trung Quốc nổi lên như là nhân tố động giúp quan hệ hai nước xích lại gần nhau.
Hơn nữa, quan hệ hai nước được xây dựng trên nền tảng sự tương đồng về lợi ích chiến lược giữa hai nước. Chính sách xoay trục sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ và chính sách đối ngoại bình đẳng, hợp tác cùng có lợi của Việt Nam đã có sự tương đồng về mục tiêu. Hai nước xác định được tầm quan trọng của nhau trong quá trình hợp tác là cơ sở để thúc đẩy mối quan hệ này lên tầm cao mới.
Chương 2
SỰ PHÁT TRIỂN CỦA QUAN HỆ HOA KỲ - VIỆT NAM TỪ NĂM 2009 ĐẾN NĂM 2013