Thuận lợi:
Các tình nguyện viên, giáo viên đứng lớp của trường tình thương bà Mười chủ yếu là sinh viên với số lượng khá đông (hiện có 26 bạn) đến từ các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn thành phố như: Nguyễn Tất Thành, Tôn Đức Thắng, Công Nghiệp, Hành Chính Marketing, Tự Nhiên, Bách Khoa, Kiến Trúc, Kinh Tế,...
Các bạn rất năng động, hoạt bát sáng tạo không chỉ trong việc dạy học cho các em mà còn trong các hoạt động nữa. Ngoài ra trường còn nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức từ thiện, cá nhân, các đoàn thể khác nhau.
Chính quyền địa phương luôn quan tâm giúp đỡ và tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể để việc dạy và học của thầy trò được hoàn thành tốt, nhất là vấn đề an ninh.
Đồng thời nhà trường cũng có đầy đủ các đồ dùng cần thiết để phục vụ cho việc học của các em như: Tủ đựng sách, đồ dùng học tập, quạt trần mát, bảng sinh hoạt chủ điểm, nhà kho chứ đồ dùng của các em.... Tuy còn thiếu thốn nhưng phần nào đáp ứng được nhu cầu cơ bản của các em trong trường.
Một nhân tố có thể nói rất quan trọng giúp học sinh ở đây vượt qua khó khăn trong việc đến trường là lòng nhiệt tình tâm huyết, yêu thương từ Bà Mười, cô giáo và các bạn tình nguyện viên đã cổ vũ mạnh mẽ vận động các em đến lớp. Qua đó nâng cao điều kiện học tập cho các em.
Khó khăn:
Khó khăn của các trường tình thương nói chung và trường tình thương bà Mười nói riêng là thiếu kinh phí, cơ sở vật chất để phục vụ việc học và là nơi quy tụ phần lớn là các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn với các độ tuổi khác nhau, nhiều em đã quá độ tuổi đến trường, hoặc có vấn đề về tâm sinh lý nên việc dạy các em lại vất vả hơn, trong khi đó trường lại thiếu giáo viên có trình độ chuyên môn hay kỹ năng sư phạm đứng lớp mà chủ yếu là các tình nguyện viên chưa có kỹ năng sư phạm đứng lớp. Vả lại các em học kém thì nhiều mà về nhà lại thêm cái tội nhác học, gia đình ít quan tâm chú trọng đến việc học nữa nên việc dạy dỗ nâng cao chất lượng học tập cho các em rất khó khăn. Các em ở đây đa phần là học sinh yếu kém lại còn nghịch, quậy, lười học nên rất khó tiếp cận và dạy dỗ.
Còn phía các em học sinh nơi đây là các em không có điều kiện, thời gian để đến trường học hành, do hoàn cảnh, kinh tế gia đình khó khăn, bố mẹ ít quan tâm dạy dỗ, các em cũng phải lao động sớm để phụ giúp gia đình. Các em gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức do thời gian đến trường không cố định mà bữa học, bữa nghỉ và thường các trường tình thương đều không có điều kiện mở dạy đầy đủ các môn học theo đúng chương trình đào tạo của Bộ giáo dục.
Một điểm đáng lưu ý nữa đối với các em ở trường tình thương bà Mười là cha mẹ các em công việc không ổn định, thu nhập bấp bênh nên hay di chuyển nay đây mai đó và cho con đi học được một thời gian, rồi chán thành phố gia đình lại chuyển về quên sống, nên có em chỉ kịp làm quen với trường, với lớp và bạn bè, chứ chưa kịp học hành gì cả. Nhiều phụ huynh chưa chú trọng đến việc học của con, họ cứ mải mê kiếm tiền, nhằm cải thiện cuộc sống khó khăn hiện tại nên đã để con em mình mù chữ, thiếu học, dốt nát học hành không đến nơi đến chốn... Buộc con cũng phải lao động phụ thêm cho cha mẹ khi các em đang còn trong độ tuổi đi học.