6. Cấu trúc của luận án
3.2.2. Giai đoạn 1936-1939
3.2.2.1. Những hoạt động xã hội và luận thuyết- tiền đề quan trọng phát triển ý thức cá nhân trong tiểu thuyết của Nhất Linh
Giai đoạn này, tình hình thế giới và trong nước tác động mạnh đến phong trào đấu tranh của cách mạng Việt Nam. Nhiều đảng phái chính trị
trong nước hoạt động, có công khai hợp pháp, có cải lương và có phản động. Các đảng đều tận dụng cơ hội thuận lợi để đẩy mạnh hoạt động đấu tranh giành ảnh hưởng trong quần chúng. Nhất Linh dành phần lớn thời gian hoạt
động xã hội. Cùng với cuộc cách mạng dân tộc dân chủ sục sôi ở khắp cả
nước, tháng 12 năm 1936, trên báo Ngày Nay, Nguyễn Tường Tam cùng nhóm Tự Lực văn đoàn phát động phong trào Ánh Sáng, một tổ chức từ thiện
với mục đích cải tạo nếp sống ở thôn quê, trong đó có việc làm nhà hợp vệ
sinh cho dân nghèo: “Hội Ánh sáng là một phong trào mới, đưa dân tộc Việt Nam đến một cuộc đời mới, đẹp đẽ, tưng bừng…” [10].
Ngoài ra, họ còn làm những công việc từ thiện khác như phát chẩn cho dân nghèo bị lụt, bị đói. “Phát chẩn trong đình. Chúng tôi chia việc ra: anh Hoàng Đạo, anh Luyện coi việc soát lại danh sách người làng rồi phát cho mỗi người đại biểu của một gia đình một cái vé có biên số người của gia đình
đó. Anh Nhất Linh và tôi đếm và phát tiền. Anh Thạch Lam canh tiền, anh Khái Hưng chụp ảnh. Mỗi người dân ba hào; một gia đình đông tới 17 người, lĩnh nhiều nhất là 5đ,10, một cái vốn con; gia đình nào ít nhất cũng hai người thì lĩnh 0đ,60, sáu ngày cháo” [11;11].
Ngày 16-8-1937, Hội Ánh sáng do Nhất Linh làm chủ tịch được thành lập với sự đỡ đầu của Thống sứ Bắc Kỳ Sa-ten. Theo báo chí, cuộc họp trọng thể đầu tiên có 2000 người dự, 2000 người phải bỏ về vì hết chỗ. Trong cuộc họp, Nhất Linh tuyên bố tôn chỉ của Hội Ánh sáng: “Đoàn Ánh sáng sẽ là
đạo quân tiên phong đi phá hủy cái thành trì của sự chênh lệch hạnh phúc, trái đạo lý, nó giam cầm anh chị em vào một cuộc đời trụy lạc, tối tăm, buồn tẻ. Đoàn Ánh sáng sẽ là bậc thang thứ nhất giúp anh chị em thoát ly ra khỏi cái mức sống hiện tại, mức sống của cầm thú”. Năm 1939, thôn Ánh sáng ở
bãi Phúc Xá và Voi Phục đã được xây dựng; nhà kiểu mẫu cũng đã được dựng lên ở Kiến An và dự kiến có làng kiểu mẫu tại huyện Bất Bạt (Sơn Tây). Hội Ánh sáng đã thu hút được một số trí thức, viên chức, nghệ sĩ vào các chi hội ở
Hải Phòng, Hải Dương, Sơn Tây, Nam Định. Hội Ánh sáng còn tham gia các hoạt động cứu tế xã hội như tổ chức lễ phát chẩn ở Lang Tài (Bắc Ninh) cho dân bị lụt (tháng 10-1937). Đây là những hoạt động có ích cho quần chúng, tạo nên tiếng vang lớn không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài: “Trong những năm 1936-1939, hòa với phong trào Mặt trận bình dân đấu tranh đòi quyền dân chủ do Đảng lãnh đạo, phòng kiến trúc Luyện- Tiếp- Đức đã đưa
ra kiểu nhà Ánh sáng bền chắc, rẻ tiền, văn minh, hợp vệ sinh phục vụ nhân dân lao động nghèo ở bãi Phúc Xá (Hà Nội). Công trình xây dựng thể nghiệm vừa hoàn tất đã được dư luận đồng tình và báo chí thời đó giới thiệu rộng rãi, gây nên tiếng vang lớn ở trong nước và một số nước châu Phi” [158].
Nhìn lại hoạt động của Nhất Linh giai đoạn này, tư tưởng bình dân, sự
cảm thông chân thành với những nỗi khổ cực của người dân quê được thể
hiện. Nhất Linh tuyên bố trên báo Tin tức, cơ quan của Mặt trận Dân chủ Bắc Kỳ: “Tôi vẫn tha thiết mong cho đám bình dân thiệt thòi và thấp kém trong xã hội có những quyền sống mà họ thiếu thốn. Tôi đã bị thất vọng nhiều lần, thất vọng như bao nhiêu người khác đã quá mong mỏi ở những nơi không nên mong mỏi. Mặt trận bình dân Đông Dương mới thành lập đem lại cho tôi một tia ánh sáng hi vọng. Lấy trách nhiệm là một nhà văn cùng với những người
đồng chí khác, tay cầm tay đứng trong hàng ngũ, tôi xin hết sức giúp một phần nhỏ mọn vào công cuộc đòi quyền sống của hết thảy anh em bị thiệt: Mặt trận bình dân”.
Với hoạt động của Hội Ánh sáng, tác giả Phan Cự Đệ cho rằng Nhất Linh đã đóng vai những nhân cách cao thượng “nghiêng mình xuống lũ dân quê đói khổ, đáng thương” [53;31]. Tuy nhiên, qua nghiên cứu hoạt động văn hóa, xã hội và các tác phẩm Nhất Linh, chúng tôi nhận thấy:
- Có sự cảm thông rõ rệt của nhà văn với cái nghèo, cái khổ, cái đói và sự
dốt nát vì thiếu học của những người nghèo trong xã hội.
- Về tư tưởng bình dân và hoạt động của Hội Ánh sáng, sở dĩ có những ý kiến trái chiều như trên, bởi Nhất Linh có những mâu thuẫn nhất định giữa lời nói với việc làm như: “Nói đi với bình dân nhưng lại bắt tay Thống sứ Sa-ten và Phạm Lê Bổng. Thời mặt trận dân chủ, viện trưởng Viện Dân biểu Phạm Huy Lục làm việc để ngăn bình dân thảo nguyện vọng thì Tam ủng hộ Lục” [195;97]. Vì vậy, gây nên sự khó hiểu, thậm chí những hiểu lầm đáng tiếc.
- Với các hoạt động cụ thể, thiết thực, hướng tới cuộc sống của người bình dân trong xã hội, cái tâm của Nhất Linh và những người cộng sự
dần hiện lên. Nhất Linh chưa lựa chọn được cách làm thực sự hiệu quả, phù hợp với bối cảnh xã hội, lịch sử bấy giờ, nhưng ở khía cạnh nào đó, phong trào cải tạo nông thôn là một hướng đi có ý nghĩa, có ích cho quần chúng. Với ngần ấy con người tham gia phong trào Ánh sáng, với ngần ấy công việc, giúp ích cho bao nhiêu con người và cuộc đời khốn khổ, đó chẳng phải là hoạt động hướng về bình dân hay sao. Và vai trò của người đứng đầu- nhà văn, nhà cải cách xã hội Nhất Linh- là không thể phủ nhận được.
Với những hoạt động xã hội và luận thuyết tiêu biểu thời kỳ này, Nhất Linh tích cực góp phần tham gia vào cuộc vận động dân chủ 1936-1939 sục sôi trên khắp cả nước, hướng về mục tiêu “dân sinh, dân chủ, tự do, cơm áo và hòa bình”. Nhiệm vụ chính mà Nhất Linh và cộng sự hướng đến là đấu tranh chống phong kiến, giải phóng cá nhân. Điều đó, tác động đến sự phát triển của ý thức cá nhân trong tiểu thuyết của Nhất Linh giai đoạn này: tiếp tục hướng đến con người cá nhân, cải tạo xã hội thông qua việc “phá hủy cái thành trì của sự chênh lệch hạnh phúc, trái đạo lý, nó giam cầm anh chị em vào một cuộc đời trụy lạc, tối tăm, buồn tẻ” (tôn chỉ của Hội Ánh sáng), đồng thời, tiến thêm một bước mới với việc đề cao tự do hành vi và lối sống cá nhân, khám phá những tầng sâu ý thức cá nhân.
3.2.2.2. Ý thức cá nhân trong tiểu thuyết của Nhất Linh giai đoạn 1936- 1939
Giai đoạn 1936-1939, Nhất Linh sáng tác không nhiều. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, đây là thời kỳ “thoái trào” trong hoạt động sáng tác văn học của Nhất Linh, bởi “số lượng” và “chất lượng” các tác phẩm. Ngoài hai cuốn tiểu thuyết Đôi bạn (1936-1937) và Bướm trắng (1938-1939), có tập truyện ngắn Hai buổi chiều vàng (1934-1937) và Thế rồi một buổi chiều
(1934-1937). Ý thức cá nhân trong tiểu thuyết của Nhất Linh giai đoạn này vừa có sự tiếp nối, vừa có sự vận động và phát triển so với giai đoạn 1932- 1936, được biểu hiện trên hai phương diện chính: đề cao tự do hành vi và lối sống cá nhân; khám phá những tầng sâu ý thức cá nhân.
Tiểu thuyết Đôi bạn bắt đầu in trên báo Ngày nay số 101 (ngày 13-3- 1938) và năm 1939 in thành sách. Khi sáng tác Đôi bạn, sự nghiệp văn chương của Nhất Linh đã rẽ sang một bước ngoặt. Đây là sự trở về với những tâm tư, khát vọng của tác giả cũng là của một tầng lớp thanh niên trong hoàn cảnh xã hội những năm 1938-1939. Thế giới đầy biến động, thanh niên hừng hực khí thế lên đường với hình ảnh những người khách chinh phu thực hiện chí lớn. Văn chương Việt Nam cũng vang lên những cuộc tiễn đưa, lên đường, ra đi của Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Thâm Tâm… Đôi bạn của Nhất Linh cũng mang âm hưởng và tinh thần như thế.
Đây là cuốn tiểu thuyết nhẹ nhàng, tế nhị, diễn lại những tấn bi kịch xã hội Việt Nam dưới thời Pháp thuộc với những thanh niên thoát ly gia đình, vượt biên giới sang Tàu dấn thân vào cuộc đời gió bụi làm cách mạng. Hành văn chau chuốt, nhẹ nhàng đã tả chân hiện thực một giai đoạn lịch sử nước nhà với những thành kiến hủ lậu, độc đoán đã trói buộc cả một lớp thế hệ
thanh niên. Dũng, một thanh niên con quan, nhưng khác với anh em trong nhà, chàng có tư tưởng cấp tiến, xấu hổ vì giai cấp quan lại của mình. Bạn bè Dũng toàn là những người nghèo khó, nhiều người dấn thân làm cách mạng. Dũng yêu Loan, cô gái nghèo hàng xóm, biết là gia đình sẽ không cho lấy, nhưng vẫn cứ yêu, gia đình ép Dũng lấy một tiểu thư xinh đẹp con một ông quan to, Dũng không chấp nhận sự gò ép, chàng phản đối bằng cách tiêu cực- lẳng lặng cùng một người bạn thân trốn sang Tàu, dấn thân vào cuộc đời cách mệnh.
Nhất Linh không thực hiện được bộ tiểu thuyết dài 4 tập Đôi bạn- Gió lộng- Địa ngục- Biệt ly như dự kiến, nhưng luận đề đấu tranh cho chủ nghĩa
cá nhân vẫn được thể hiện rõ, thông qua cách trình bày nhuần nhị, kín đáo bằng ngòi bút tinh tế, đi sâu vào thế giới tâm lý bên trong của con người. Giai
đoạn này, Nhất Linh tiếp tục đề cao tự do cá nhân trong các sáng tác của mình, tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở tự do cá nhân trong quyền sống và làm chủ vận mệnh, mà cao hơn, nhà văn đề cao tự do trong lựa chọn hành vi và quyết định lối sống cá nhân. Ý thức cá nhân đến giai đoạn này đã vượt ra ngoài mâu thuẫn trong nội tại gia đình thông thường, hay ràng buộc của đạo
đức phong kiến đơn thuần, mà hướng đến lý tưởng về cuộc sống rộng lớn hơn. Lý giải về sự vận động và phát triển của ý thức cá nhân được thể hiện trong Đôi bạn, có thể thấy cuộc vận động dân chủ 36-39 đã thổi luồng gió mới trong đời sống chính trị, văn hóa, xã hội. Với nhãn quan của một nhà chính trị, nhà văn hóa, luồng gió ấy tạo nguồn mạch nuôi dưỡng sáng tác của Nhất Linh giai đoạn này. Vì vậy, lần đầu tiên, nhân vật ý thức rõ hơn về thân thế của mình, giai cấp mình và thấy xấu hổ vì sự giàu có không chính đáng của gia
đình quí tộc phong kiến. Cùng với những hoạt động xã hội và luận thuyết của Hội Ánh sáng hướng về người bình dân, tình cảm đối với những người nghèo khổ trong xã hội được thể hiện trong tiểu thuyết của Nhất Linh vững chắc và thuyết phục hơn.
Luồng gió của cuộc vận động dân tộc dân chủ ấy còn mở ra con đường phía trước rộng lớn, đầy hoài bão cho nhân vật. Tuy nhiên, ít nhiều băn khoăn về lý tưởng và ước mơ lên đường hành động khiến nhân vật bị sa vào tâm trạng cô đơn, bơ vơ vì không hòa hợp được thực tại, muốn chối bỏ, bứt phá để
dấn thân vào cuộc đời mới nhưng lại bế tắc về lối đi. Dũng “sống chơ vơ ở
trong gia đình”, còn Loan lúc nào cũng có một “nỗi buồn xa xôi trong đôi mắt”, “một cảm giác trơ trọi trước cuộc đời”. Tư tưởng “còn gì thích hơn một cuộc đời sống không biết ngày mai ra sao, cũng như đi thế này, đi vào chốn xa lạ không biết trước sẽ tới đâu” trong tác phẩm thể hiện chủ nghĩa cá nhân có phần cực đoan, lãng mạn không tưởng.
Mặc dù chưa định rõ được con đường ngày mai sẽ ra sao, nhưng việc thích thú với triết lý “hành động để hành động” của Anđre Gide, nhân vật Dũng đã thể hiện sự chối bỏ thực tại, chối bỏ lễ giáo phong kiến, khẳng định cái tôi cá nhân trên con đường đến với tự do yêu đương, tự do sống và hành
động theo sở thích và nhận thức của cá nhân, dựa trên nền tảng sâu xa chính là việc xác định quyền cũng như giá trị của con người, cùng với trái tim phập phồng một tình yêu cuộc sống.
Bướm trắng của Nhất Linh được đăng báo từ tháng 4 năm 1940, thể
hiện cuộc đời gập ghềnh, phức tạp của một thanh niên trí thức. Tác phẩm kể
lại câu chuyện về Trương, một sinh viên Luật mắc bệnh lao sắp chết, chàng về
quê bán hết ruộng đất thừa hưởng của cha mẹ để tận hưởng mọi thú vui cho chán chường, để khi chết không còn gì tiếc nuối cuộc đời nữa. Chàng mê mệt cô Thu- em một người bạn- nhưng cuộc tình không đi đến đâu. Trương ăn chơi hoang đàng đến nỗi hết tiền, xin làm cho một hãng tưở Hải Phòng thì lại thụt két, vào tù, khi ra tù thì bị bạn bè xa lánh. Tự nhiên lại hết bệnh không chết, Trương về quê lấy vợ.
Mới thoạt xem, người đọc dễ lầm tưởng Nhất Linh định đề cao một chủ
nghĩa cá nhân cực đoan, một tâm trạng bi quan đen tối, một thứ tình yêu ích kỉ đến bệnh hoạn trong Bướm trắng. Nhưng thực chất, tác giả cho ta chứng kiến một cuộc vận lộn âm thầm, lặng lẽ nhưng dai dẳng, quyết liệt trong tâm tư, tình cảm của Trương. Đó là cuộc vật lộn của ý thức cá nhân ở hai thái cực- tiêu cực và tích cực: giả dối và chân thành, ích kỉ và nhân hậu, phóng đãng và tự trọng, bạo liệt và mực thước, thấp hèn và cao thượng… Những mặt đối lập của tính cách, tâm lý Trương luôn đan xen khiến nhân vật như đang chơi vơi trên bờ vực thẳm, có lúc bị tụt xuống đáy sâu, có lúc lại tỉnh táo để tìm đường
đi lên. Trương luôn tự tra vấn lương tâm, đấu tranh với những tật xấu, cái ác, cái hèn kém ti tiện trong con người, để giữ cho được phần nào cái nhân phẩm. Nhân vật thất bại nhiều hơn thành công, điều đó phản ánh lối sống bế tắc của
một bộ phận trí thức tiểu tư sản. Nhưng hơn hết, đồng thời đọng lại trong tâm trí người đọc là tình cảm thiết tha, chân thành và sâu nặng của Trương đối với Thu. Những trang viết gợi nên tình cảm trong sáng và tạo nên giá trị nhân văn cho tác phẩm. Tác phẩm là một thử nghiệm thành công và thuyết phục của nhà văn Nhất Linh trong việc khám phá những tầng sâu ý thức trong con người cá nhân.
Cùng viết về những day dứt, dằng co trong đời sống nội tâm của lớp người tiểu tư sản, Nhất Linh có những điểm nhất định bắt gặp với nhà văn hiện thực Nam Cao. Cùng thể hiện biệt tài trong việc đi sâu tìm hiểu thế giới phong phú, đầy phức tạp của tâm hồn con người, nhưng do đặc trưng thể loại sáng tác, mỗi người có một nhãn quan riêng. Từ sự chiếu rọi bên trong vừa sắc sảo, gai góc, vừa ân tình, nhân hậu, ngòi bút Nam Cao tinh tế chỉ ra những mâu thuẫn, biến động đầy kịch tính trong con người. Con người hiện lên nhiều lúc đầy nhỏ nhen, ích kỉ nhưng đồng thời cao thượng trong những khát vọng,
ước mơ; con người có thể méo mó, biến dạng, đầy thú tính, nhưng đồng thời cũng lại đáng nâng niu khi nó không bao giờ muốn trao hết cho quỷ dữ tất cả
bản chất thiên lương trong sạch vốn có của mình. Điều khác biệt ở Nam Cao với Nhất Linh là ông đã xây dựng những nhân vật tự ý thức để chống lại sự