Yêu cầu của Đài Loan về chất lượng lao động nước ngoài.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ quản tri nhân lực Nâng cao chất lượng nguồn lao động Việt Nam đi làm việc ở Đài Loan đến năm 2020 (Trang 48)

Đài Loan là một quốc gia có nền kinh tế phát triển trong khi dân số đang trong quá trình già hóa. Nguồn LĐ của Đài Loan từ trình độ thấp đến trình độ cao đều không đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, đặc biệt LĐ làm việc ở khu vực nặng nhọc, độc hại và LĐ trình độ cao chủ yếu trong lĩnh vực ngành nghề điện tử. Do đó, Đài Loan tiếp nhận LĐ nước ngoài là điều tất yếu. Từ đầu những năm 1990 LĐ Thái Lan và Philippin chiếm lĩnh phần lớn thị trường. Với điều kiện tham gia sau, tổng số LĐ nước ngoài được tiếp nhận bị giới hạn, LĐ Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh với LĐ các nước khác để tăng thị phần, đặc biệt là thị phần LĐ trình độ cao.

Hiện nay, Đài Loan chủ yếu tiếp nhận LĐ Việt Nam có nghề yêu cầu ở mức trung bình, phải biết tiếng Hoa ở mức độ cơ sở và có những quy định rất ngặt nghèo về sức khỏe, độ tuổi LĐ từ 18 – 39. Yêu cầu về trình độ tay nghề không cao, phù hợp với người nghèo, tuy nhiên ngoại ngữ tốt sẽ là một lợi thế. Trong sản xuất công nghiệp (hàn, tiện, dệt, may…) chủ yếu cần LĐ phổ thông từ 20 - 30 tuổi, trình độ văn hoá lớp 12; riêng nữ thợ may, văn hoá tối thiểu lớp 9. Đối với LĐ nữ giúp việc và chăm sóc người bệnh tại gia đình yêu cầu là từ 20 đến 38 tuổi, văn hóa lớp 6 trở lên, có kinh nghiệm nấu ăn, làm việc nhà, chấp nhận chăm sóc người già, người bệnh, trẻ em. Đối với nữ làm việc ở các trung tâm dưỡng lão phải có kinh nghiệm làm hộ lý và có bằng cấp.

Với con số ít ỏi trung bình 30.000 LĐ Việt Nam trong số 400.000 – 500.000 LĐ nước ngoài được tiếp nhận mỗi năm, hơn nữa chủ yếu là LĐ 3D thì chất lượng việc làm và thu nhập của hầu hết LĐ Việt Nam thấp, nguồn thu ngoại

tệ chuyển về nước còn thấp hơn so với các nước phái cử LĐ khác. So sánh với Philippin, Việt Nam hiện có hơn 109.000 LĐ tại Đài Loan, Philippin có 86.000 LĐ, số lượng ít hơn tuy nhiên phần lớn là LĐ trình độ có bằng cấp cao đẳng nghề hay kỹ sư, trình độ ngoại ngữ tốt, do đó, chất lượng việc làm và thu nhập cao hơn nhiều.

Không chỉ tiếp nhận LĐ trình độ cao của Philippin, Đài Loan cũng có nhu cầu tiếp nhận của Việt Nam, Indonesia, Malaysia... Tháng 5/2013, Đài Loan “đóng cửa” không tiếp nhận LĐ Philippin do trục trặc quan hệ giữa hai bên, chuyển đơn hàng sang lấy LĐ Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam không đủ LĐ trình độ chuyên môn cao, trình độ ngoại ngữ tốt để đáp ứng được yêu cầu của các đơn hàng đó. Yêu cầu của Đài Loan đối với chất lượng LĐ Việt Nam không chỉ dừng lại ở LĐ phổ thông, vì vậy, sắp tới phát triển tỷ trọng LĐ trình độ cao là giải pháp Việt Nam cần hướng đến để nâng cao chất lượng việc làm, thu nhập và tăng nguồn thu ngoại tệ về cho đất nước.

Trong điều kiện cạnh tranh tự do, bên cạnh khả năng làm việc của người LĐ, tỷ lệ bỏ hợp đồng sẽ trở thành nhân tố quyết định ảnh hưởng đến việc mở rộng thị phần. Thực trạng ý thức kém của LĐ Việt Nam hiện nay rất đáng lo ngại với tỷ lệ LĐ bỏ trốn, phá vỡ hợp đồng chiếm tỷ lệ cao nhất. Đây là vấn đề cấp thiết đòi hỏi Việt Nam cần phải quan tâm tới chất lượng nguồn LĐ cả về chất lượng sức khỏe, trình độ và đặc biệt là yếu tố ý thức kỷ luật LĐ, thái độ làm việc và ý thức tuân thủ luật pháp để giảm thiểu nguy cơ mất thị trường, nâng cao uy tín, thương hiệu LĐ Việt Nam về lâu dài.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ quản tri nhân lực Nâng cao chất lượng nguồn lao động Việt Nam đi làm việc ở Đài Loan đến năm 2020 (Trang 48)