. Nơi công ty bảo hiểm hoặc người thứ ba có liên quan có trụ sở hoặc cư trú
2.3.2.1. Các quy định về thẩm quyền của thương nhân và thương nhân nước ngoài trong quan hệ giao kết hợp đồng với thương nhân nước ngoà
nước ngoài trong quan hệ giao kết hợp đồng với thương nhân nước ngoài
Thương nhân có nghĩa vụ đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Trường hợp chưa đăng ký kinh doanh, thương nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của mình theo quy định của Luật Thương mại và quy định khác của pháp luật (Điều 7 Luật Thương mại). Cách tiếp cận này của Luật Thương mại cho thấy Luật Thương mại đã gián tiếp thừa nhận sự tồn tại của thương nhân thực tế, tuy nhiên chưa chỉ rõ cơ sở pháp lý cho loại hình thương nhân này. Trên thực tế, thừa nhận loại hình thương nhân thực tế nghĩa là thừa nhận sự tồn tại của thương nhân trên cơ sở các tiêu chí mang tính bản chất, đó là "việc hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên" chứ không dựa trên tiêu chí đăng ký kinh doanh. Đăng ký kinh doanh theo hướng này được quan niệm là một nghĩa vụ của thương nhân.
Nghị định của Chính phủ số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/1/2006 quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài đã làm rõ hơn các quy định đối với điều kiện xuất, nhập khẩu của thương nhân. Nghị định phân biệt giữa quyền năng của thương nhân Việt Nam không có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và thương nhân có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong hoạt động xuất, nhập khẩu.
Trong trường hợp thương nhân Việt Nam không có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài thì thương nhân đó được quyền xuất, nhập khẩu hàng hóa không phụ thuộc vào ngành nghề đăng ký kinh doanh, trừ trường hợp hàng hóa thuộc Danh mục cấm xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu, hàng hóa thuộc Danh mục cấm nhập khẩu, tạm ngừng xuất khẩu. Chi nhánh của thương nhân được quyền xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa theo ủy quyền của thương nhân. Trường hợp là thương nhân có vốn đầu tư nước ngoài, công ty và chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Nam, những chủ thể này khi tiến hành hoạt động thương mại tại Việt Nam thì ngoài việc tuân thủ những quy định của pháp luật Việt Nam còn cần phải tuân thủ các cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là một bên ký kết hoặc gia nhập. Lộ trình và phạm vi hoạt động kinh doanh của thương nhân theo pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế sẽ do Bộ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam quy định.
Thương nhân không có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài bao gồm các doanh nghiệp Nhà nước, các doanh nghiệp được thành lập theo Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã và các hộ kinh doanh cá thể được thành lập và đăng ký kinh doanh theo Nghị định số 109/2004/NĐ-CP ngày 02/4/2004 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh được quyền xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu, gia công, đại lý mua bán hàng hóa trong phạm vi Nghị định 12/2006/NĐ-CP không phụ thuộc vào ngành hàng, ngành nghề ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Thương nhân nước ngoài được đặt Văn phòng đại diện, Chi nhánh tại Việt Nam; thành lập tại Việt Nam doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo các hình thức do pháp luật Việt Nam quy định. Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam có các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật Việt Nam. Thương nhân nước ngoài phải chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam về toàn bộ hoạt động của Văn phòng đại diện, Chi nhánh của mình tại Việt Nam (Điều 16 Luật Thương mại 2005).
Tương tự như pháp luật Việt Nam, pháp luật của Trung Quốc cũng quy định thẩm quyền cụ thể của thương nhân và cũng điều chỉnh có phân hóa đối với thương nhân có vốn đầu tư nước ngoài và thương nhân không có vốn đầu tư nước ngoài theo lộ trình và cam kết khi gia nhập WTO. Điều đáng lưu ý là, các quy định khác biệt giữa thương nhân có vốn đầu tư nước ngoài và thương nhân không có vốn đầu tư nước ngoài được quy định trong các quy định pháp luật chuyên ngành.