. Nơi công ty bảo hiểm hoặc người thứ ba có liên quan có trụ sở hoặc cư trú
1.3. QUAN HỆ TIỀN HỢP ĐỒNG TRONG GIAO KẾT HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA VỚI THƯƠNG NHÂN NƯỚC NGOÀI THEO PHÁP LUẬT VÀ
BÁN HÀNG HÓA VỚI THƯƠNG NHÂN NƯỚC NGOÀI THEO PHÁP LUẬT VÀ THÔNG LỆ QUỐC TẾ
Quan hệ tiền hợp đồng trong giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa với thương nhân nước ngoài theo pháp luật và thông lệ quốc tế
Quan hệ tiền hợp đồng có thể hiểu là các hành vi pháp lý của các bên xảy ra trước khi hợp đồng có hiệu lực. Các hành vi của các bên thực hiện trước
khi hợp đồng có hiệu lực bao gồm nhiều dạng như lời mời giao kết hợp đồng, thư trao đổi, bản ghi nhớ, dự thảo hợp đồng, tài liệu ghi nhận và làm thuận tiện giao dịch. Có thể khẳng định việc tìm hiểu quan hệ tiền hợp đồng có ý nghĩa quan trọng trong việc nắm bắt và làm rõ quá trình giao kết hợp đồng, từ đó xác định thời điểm hợp đồng có hiệu lực. Việc tìm hiểu quan hệ tiền hợp đồng có ý nghĩa quan trọng bởi lẽ trước khi hợp đồng được giao kết, quan hệ giũa các bên cũng có thể kéo theo những sự ràng buộc nhất định về nghĩa vụ. Quan hệ tiền hợp đồng trước hết có sự tham gia của hai bên (người mua và người bán) và trong một số trường hợp có thể có sự tham gia của bên thứ ba trung gian (ví dụ, đại lý, ủy thác, môi giới). Quan hệ tiền hợp đồng ở đây được phân tích dưới góc độ của giao dịch không có sự tham gia của bên thứ ba trung gian.
Trên thế giới có nhiều cách tiếp cận khác nhau đối với các quan hệ tiền hợp đồng, trong đó về cơ bản có hai hướng tiếp cận là tiếp cận theo truyền thống pháp luật của các nước theo hệ thống thông luật và của các nước theo hệ thống pháp luật dân sự. Tuy có những quan điểm khác nhau và hướng tiếp cận khác nhau nhưng nhìn chung các cách tiếp cận này đều cho thấy quan hệ tiền hợp đồng bao gồm các vấn đề sau đây:
- Hiệu lực của lời mời giao kết hợp đồng (ví dụ, quảng cáo, trưng bày giới thiệu hàng hóa);
- Các công cụ làm thuận tiện giao dịch (ví dụ, thư trao đổi sự hiểu biết lẫn nhau, thư trao đổi ý định);
- Đề nghị giao kết hợp đồng và chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng; - Các hình thức xử lý vi phạm đối với hành vi làm ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp, gây thiệt hại cho bên kia trong quan hệ tiền hợp đồng;
- Luật áp dụng đối với các quan hệ tiền hợp đồng.
Quan hệ tiền hợp đồng có thể chia làm hai giai đoạn: giai đoạn thứ nhất là các quan hệ giữa các bên trước khi tạo lập đề nghị giao kết hợp đồng và giai đoạn thứ hai là quan hệ giữa các bên sau khi đề nghị giao kết hợp đồng
được xác lập cho đến trước khi hợp đồng có hiệu lực. Có sự chia tách hai giai đoạn như trên là bởi lẽ cần phân biệt đề nghị giao kết hợp đồng và các dạng đề nghị giao dịch có hình thức tương đối giống với đề nghị giao kết hợp đồng. Điều này có nghĩa là cần có sự phân biệt rõ ràng giữa đề nghị giao kết hợp đồng với các hình thức như lời mời giao kết hợp đồng, sự thể hiện ý trí thông thường hay sự cung cấp thông tin thông thường.
Nét đặc thù của các quan hệ tiền hợp đồng trong giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa với thương nhân nước ngoài là sự xuất hiện của thương nhân nước ngoài. Sự xuất hiện của thương nhân nước ngoài làm nảy sinh vấn đề luật điều chỉnh đối với các quan hệ tiền hợp đồng với thương nhân nước ngoài. Bên cạnh đó, do quan hệ mua bán hàng hóa với thương nhân nước ngoài được thực hiện bởi các thương nhân thuộc về các truyền thống văn hóa khác nhau, do đó các bên thường có mong muốn khẳng định sự chắc chắn của quan hệ mua bán. Điều này đã góp phần làm tăng tầm quan trọng và sự đa dạng của các công cụ làm thuận tiện giao dịch trong giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa với thương nhân nước ngoài.
Các quy định liên quan đến hiệu lực của lời mời giao kết hợp đồng
Nhân tố quan trọng đầu tiên khi xem xét quan hệ tiền hợp đồng là lời mời giao kết hợp đồng. Lời mời giao kết hợp đồng không phải là một đề nghị giao kết hợp đồng mà chỉ là một sư bày tỏ ý định thương lượng để đi đến tạo lập đề nghị giao kết hợp đồng. Lời mời giao kết hợp đồng thông thường là điểm khởi đầu của quá trình đàm phán hợp đồng. Lời mời giao kết hợp đồng có thể thể hiện dưới nhiều dạng khác nhau như quảng cáo, trưng bày giới thiệu hàng hóa, catalogue.
Một yếu tố quan trọng cần làm rõ là cần phân biệt quảng cáo, trưng bày giới thiệu hàng hóa, catalogue với tư cách là một cách thức cung cấp thông tin về sản phẩm với quảng cáo, trưng bày giới thiệu hàng hóa, catalogue đóng vai trò như là lời mời giao kết hợp đồng. Trong một số trường hợp,
quảng cáo, trưng bày giới thiệu hàng hóa…có thể chứa đựng những thông tin nhất định liên quan đến việc hình thành giao dịch. Trong trường hợp quảng cáo, trưng bày giới thiệu hàng hóa đóng vai trò là cách thức cung cấp thông tin, nhìn chung quảng cáo không mang tính ràng buộc và không được coi là lời mời để đi đến đề nghị giao kết hợp đồng. Tuy nhiên, nếu quảng cáo chứa đựng những thông tin có thể tạo ra sự ràng buộc giữa các bên và có quy định trong đó khẳng định sự chắc chắn của giao dịch, quảng cáo này có thể tạo ra sự ràng buộc về khía cạnh pháp lý.
Nhìn chung pháp luật các nước không xem quảng cáo, trưng bày giới thiệu hàng hóa, catalogue là một đề nghị giao kết hợp đồng. Chẳng hạn, luật pháp Hoa Kỳ nói chung xem quảng cáo như sự bày tỏ ý định thương lượng để mua bán, hoặc những công bố về ý định để bán một hàng hóa nhất định. Quảng cáo được xác định vào loại này vì quảng cáo thường thiếu sự rõ ràng chính xác đầy đủ để trở thành đề nghị giao kết hợp đồng. Thay vào đó, pháp luật xem quảng cáo như là lời mời cho người vào xem và tiến hành việc đề nghị giao kết hợp đồng đối với những loại hàng với giá cả chỉ rõ trong quảng cáo.
Pháp luật nhiều nước cũng đưa ra những quy định nhằm làm rõ giá trị pháp lý của sự bày tỏ ý định thương lượng để đi đến đề nghị giao kết hợp đồng. Điểm chung trong quan niệm của các nước là cần phải tìm kiếm ý định thực sự của các bên, cần xem xét từ ngữ biểu đạt thông qua hành vi của các bên để xác định hiệu lực pháp lý của ý định thương lượng. Ví dụ, pháp luật Đức quy định: "Trong khi giải thích một tuyên bố bày tỏ ý định, tòa án cần tìm kiếm ý định thực sự hơn là nghĩa câu chữ được biểu đạt trong tuyên bố đó" [60, phần 133, quyển 1]. Pháp luật Pháp cũng có quan niệm tương tự: "Cần phải tìm kiếm trong các thỏa thuận ý định chung của các bên hợp đồng, chứ không chỉ dừng ở nghĩa biểu đạt của câu chữ" [36]. Pháp luật Pháp còn làm rõ ranh giới giữa ý định thương lượng và đề nghị giao kết hợp đồng khi khẳng định: "Lời hứa bán hàng sẽ đồng nghĩa với hợp đồng bán hàng khi hai bên có thỏa thuận với nhau về hàng hóa và giá cả" [36]. Tuyển tập pháp luật
hợp đồng của Hoa Kỳ cũng có quyết định khá cụ thể, theo đó khi các bên đã thống nhất về những nội dung chủ yếu thì hợp đồng được xác lập bất kể các bên có quy định phải qua một thủ tục bổ sung hay không. Đặc biệt, có nước còn đi xa hơn khi xác định:
Trong trường hợp có một người đang thực hiện thông báo và thông báo này có thể trở thành một đề nghị giao kết hợp đồng, nếu thông bào chứa đựng những từ ngữ như "không có nghĩa vụ" hoặc những từ ngữ tương tự, thông báo này chỉ được coi là một lời mời để giao kết hợp đồng đối với những nội dung mà thông báo này đề cập đến [72].
Lời mời đưa ra đề nghị giao kết hợp đồng là sự bày tỏ ý định của một bên mời bên kia đưa ra đề nghị giao kết hợp đồng. Một bảng báo giá đã gửi đi, thông báo về bán đấu giá, mời thầu, tờ rơi, quảng cáo thương mại là một lời mời đưa ra đề nghị giao kết hợp đồng. Một quảng cáo thương mại được coi như một đề nghị giao kết hợp đồng nếu các nội dung của nó đáp ứng được các yêu cầu của một đề nghị giao kết [63].
Như vậy, lý luận và thực tiễn áp dụng pháp luật của các nước trên thế giới đã đề cập đến lời mời để giao kết hợp đồng. Nhiều nước đã đưa ra những quy định để làm rõ trong điều kiện nào lời mời để giao kết hợp đồng trở thành đề nghị giao kết hợp đồng. Những quy định cụ thể này có vai trò quan trọng việc làm rõ giá trị pháp lý của lời mời giao kết hợp đồng.
Các tài liệu ghi nhận và làm thuận tiện giao dịch
Một hình thức có thể được sử dụng trong đàm phán các hợp đồng mua bán hàng hóa với thương nhân nước ngoài trong pháp luật các nước là các tài liệu ghi nhận và làm thuận tiện giao dịch. Các tài liệu này có thể thể hiện dưới nhiều dạng như thư trao đổi sự hiểu biết lẫn nhau, thư trao đổi ý định, thỏa thuận sơ bộ…
Các ghi nhận và làm thuận tiện giao dịch có thể tìm thấy trong các lĩnh vực luật công và luật tư, các tài liệu này có thể tìm thấy trong các thỏa thuận về tài chính, các thư trao đổi sự hiểu biết lẫn nhau hoặc thư trao đổi ý định trong các giao dịch kinh doanh mua bán, và các thỏa thuận hạn chế được sử dụng trong các hoạt động đàm phán để mua bán. Nói chung, mục đích của tài liệu ghi nhận và làm thuận tiện giao dịch là tạo dựng sự tin cậy hoặc thúc đẩy những giao dịch giữa các bên.
Mặc dù các tài liệu ghi nhận và làm thuận tiện giao dịch nhìn chung là không mang tính ràng buộc, nhưng nhiều nước có quan niệm chung là nếu các bên đã thỏa thuận những yếu tố căn bản và các vấn đề còn lại cho thỏa thuận trong tương lai không phải là yếu tố cơ bản, các bên có thể bị ràng buộc để phải chấp nhận đàm phán đối với những vấn đề hứa được xác định. Chẳng hạn, trong một chuyến đi du lịch cuối tuần tại Florida, công ty Fluorogas và công ty Fluorine, thông qua các giám đốc điều hành của mình, đã xác lập một văn bản tóm lược, theo đó ghi nhận rằng Fluorogas sẽ bán cho Fluorine các quyền riêng biệt đối với công nghệ để chế tạo và bán các thiết bị bán dẫn. Khi Fluorogas từ chối để chuyển giao bằng sáng chế và quyền sở hữu trí tuệ cho Fluorine, Fluorine đã khởi kiện Fluorogas. Trong vụ kiện này, tòa án cho rằng đã tồn tại một sự ràng buộc trong quan hệ giữa các bên bởi lẽ các bên đã thỏa thuận được những yếu tố căn bản của giao dịch [64, tr. 228].
Tài liệu ghi nhận và làm thuận tiện giao dịch trong quá trình đàm phán và giao kết hợp đồng có khả năng tạo ra sự ràng buộc trong hệ thống pháp luật dân sự lớn hơn so với hệ thống thông luật. Theo Bộ luật Dân sự Đức, các bên hợp đồng có toàn quyền trong việc thiết kế các quan hệ hợp đồng của mình. Tính không hình thức về pháp lý này tạo cho các bên sự linh hoạt lớn hơn để thiết kế các giao dịch và phát triển các loại hình công cụ để tăng cường sức mạnh cho ý định của họ. Điều này làm cho thư trách nhiệm trở thành một công cụ phổ biến trong giao dịch kinh doanh và tài chính ở Đức. Sự tiến triển và khả năng thực thi các tài liệu ghi nhận và làmthuận tiện giao
dịch là một sự thích ứng với tính phi hình thức trong pháp luật hợp đồng của Đức [55].
Những qui định pháp luật của các nước theo hệ thống luật dân sự có thể gây trở ngại và mang đến một số rủi ro cho thương nhân nước ngoài thuộc hệ thống thông luật khi họ sử dụng các công cụ ghi nhận sự cần thiết của giao dịch khi giao dịch kinh doanh với một thương nhân nước ngoài thuộc hệ thống luật dân sự. Qui định pháp luật đầu tiên mà các thương nhân thuộc hệ thống thông luật phải đương đầu ở nước ngoài là học thuyết hình thành hợp đồng của Châu Âu. Ví dụ, Điều 1590 Bộ luật Dân sự Pháp đã sử dụng học thuyết Arrhes. Học thuyết này đề cập đếm trường hợp một người mua chuyên giao tiền hoặc một vật có giá trị cho người bán để minh chứng cho việc tạo lập hợp đồng. Việc sử dụng học thuyết Arrhes tạo cho người mua và người bán khả năng lựa chọn để chấm dứt hợp đồng. Các bên có quyền tự do để rút khỏi giao dịch. Trong trường hợp rút khỏi giao dịch, bất kể giao dịch đó là trung thực hay không trung thực, người mua phải từ bỏ khoản tiền hoặc vật đặt cọc trong khi người bán phải trả lại gấp đôi khoản tiền. Do đó, một công cụ ghi nhận sự cần thiết của giao dịch cùng với việc đặt cọc trung thực như vậy có thể tạo ra sự tổn thất tiền bạc không mong muốn.
Đề nghị giao kết hợp đồng và chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng
Đề nghị giao kết hợp đồng là quyết định đơn phương có chủ ý của một người bày tỏ ý định giao kết hợp đồng theo những điều kiện xác định, cụ thể và rõ ràng với một hay nhiều người khác. Đề nghị giao kết hợp đồng phải có nội dung cụ thể, rõ ràng, có thể hướng tới công chúng rộng rãi nói chung hoặc hướng tới một người cụ thể, có thể kèm theo hoặc không kèm theo hạn trả lời. Đề nghị giao kết hợp đồng cần phải được thể hiện dưới một hình thức cụ thể như văn bản (thư, catalogua…), bằng lời nói hoặc hành vi cụ thể. Một đặc điểm quan trọng của đề nghị giao kết hợp đồng Là tính chắc chắn của đề nghị. Nội dung của đề nghị giao kết hợp đồng phải thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng của người đưa ra đề nghị. Nếu đề nghị giao kết đưa ra có kèm theo các
điều khoản bảo lưu thì không đảm bảo điều kiện này. Đề nghị giao kết hợp đồng phải chắc chắn để chỉ cần hành vi chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng của bên kia là đủ để hợp đồng được giao kết. Nếu trong đề nghị có qui định bảo lưu thì đó chỉ là lời mời giao kết hợp đồng, một sự bày tỏ ý định thương lượng để đi đến tạo lập đề nghị lời giao kết hợp đồng, không thể coi đó là đề nghị giao kết hợp đồng, trừ trường hợp đó là những bảo lưu rõ ràng, cụ thể.
Đề nghị giao kết hợp đồng được ghi nhận trong pháp luật các nước và thông lệ quốc tế. Ví dụ, theo Nguyên tắc hợp đồng Thương mại Quốc tế (PICC) do Viện Thống nhất quốc tế về luật tư (Unidroit) soạn thảo, "một đề nghị được gọi là đề nghị giao kết hợp đồng nếu nó đủ rõ ràng và thể hiện ý chí của bên đưa ra đề nghị bị ràng buộc khi đề nghị giao kết hợp đồng được chấp nhận" [85, Điều 2.1.2]). Pháp luật của nhiều nước trên thế giới đã ghi nhận về hiệu lực của đề nghị giao kết hợp đồng. Ví dụ, theo truyền thống thông luật, có ba nhân tố cần thiết để một đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực: Một là, người đề nghị giao kết hợp đồng phải có một ý định thực sự bị ràng buộc bởi đề nghị giao kết hợp đồng; hai là, các điều khoản của đề nghị phải có sự hợp lý nhất định hoặc có tính xác định, đến mức các bên và tòa án có thể xác định