THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ XỬ LÝ XUNG ĐỘT PHÁP LUẬT VÀ LỰA CHỌN LUẬT ÁP DỤNG ĐỐI VỚI GIAO DỊCH THƯƠNG

Một phần của tài liệu Pháp luật về giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa với thương nhân nước ngoài - kinh nghiệm so sánh pháp luật Trung Quốc và những định hướng hoàn thiện cho pháp luật Việt Nam (Trang 71)

. Nơi công ty bảo hiểm hoặc người thứ ba có liên quan có trụ sở hoặc cư trú

2.2.THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ XỬ LÝ XUNG ĐỘT PHÁP LUẬT VÀ LỰA CHỌN LUẬT ÁP DỤNG ĐỐI VỚI GIAO DỊCH THƯƠNG

PHÁP LUẬT VÀ LỰA CHỌN LUẬT ÁP DỤNG ĐỐI VỚI GIAO DỊCH THƯƠNG MẠI VỚI THƯƠNG NHÂN NƯỚC NGOÀI

Sự xuất hiện của thương nhân nước ngoài và giao dịch thương mại có yếu tố nước ngoài đã đặt ra vấn đề xử lý xung đột pháp luật và lựa chọn luật áp dụng đối với hợp đồng. Mặc dù xung đột pháp luật và lựa chọn luật áp

dụng là hiện tượng khách quan đối với các giao dịch thương mại có yếu tố nước ngoài, tuy nhiên làm rõ việc xử lý xung đột pháp luật và lựa chọn luật áp dụng đối với các giao dịch thương mại với thương nhân nước ngoài luôn luôn là vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn.

Pháp luật Việt Nam đã có một số quy định liên quan đến xử lý xung đột pháp luật và lựa chọn luật áp dụng đối với giao dịch thương mại có yếu tố nước ngoài. Nhiều quy định trong số đó đã đề cập đến việc lựa chọn luật áp dụng đối với việc giao kết hợp đồng có yếu tố nước ngoài. Những quy định này được ghi nhận trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật, trong đó điển hình là Bộ luật Dân sự năm 2005 và Luật Thương mại năm 2005. Các quy định của pháp luật Việt Nam về lựa chọn luật áp dụng trong giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa với thương nhân nước ngoài đã đề cập đến nhiều phương diện của việc lựa chọn luật áp dụng đối với giao kết loại hợp đồng này như lựa chọn luật áp dụng để xác định năng lực của chủ thể hợp đồng, lựa chọn luật áp dụng về hình thức của hợp đồng, những trường hợp áp dụng pháp luật Việt Nam đối với giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa với thương nhân nước ngoài.

Bộ luật Dân sự năm 2005 ghi nhận cách thức lựa chọn pháp luật đối với năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là người nước ngoài, năng lực hành vi dân sự của cá nhân là người nước ngoài, năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân nước ngoài và nhiều quy định cụ thể khác về lựa chọn luật áp dụng đối với hợp đồng có yếu tố nước ngoài.

Về năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là người nước ngoài, Bộ luật Dân sự xác định, năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là người nước ngoài được xác định theo pháp luật của nước mà người đó có quốc tịch. Người nước ngoài có năng lực pháp luật dân sự tại Việt Nam như công dân Việt Nam, trừ trường hợp pháp luật Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quy định khác. Về năng lực hành vi dân sự của cá nhân là người nước ngoài,

Bộ luật quy định năng lực hành vi dân sự của cá nhân là người nước ngoài được xác định theo pháp luật của nước mà người đó là công dân, trừ trường hợp pháp luật Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quy định khác. Trong trường hợp người nước ngoài xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự tại Việt Nam thì năng lực hành vi dân sự của người nước ngoài được xác định theo pháp luật Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân nước ngoài cũng được ghi nhận trong Bộ luật Dân sự, theo đó năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân nước ngoài được xác định theo pháp luật của nước nơi pháp nhân đó được thành lập. Riêng đối với trong trường hợp pháp nhân nước ngoài xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự tại Việt Nam thì năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân được xác định theo pháp luật Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 761, 762, 765 Bộ luật Dân sự).

Như vậy, Bộ luật Dân sự đã ghi nhận cách thức lựa chọn pháp luật đối với chủ thể của giao dịch có yếu tố nước ngoài. Năng lực pháp luật và năng lực hành vi của cá nhân là người nước ngoài được xác định khác nhau. Năng lực pháp luật của họ được xác định theo pháp luật của nước mà người đó có quốc tịch, còn năng lực hành vi của họ được xác định theo pháp luật của nước mà người đó là công dân. Tiêu chí nơi pháp nhân được thành lập được áp dụng để lựa chọn luật áp dụng khi xác định năng lực pháp luật của pháp nhân nước ngoài.

Trong quan hệ giao dịch đơn phương, quyền và nghĩa vụ của bên tự nguyện thực hiện quan hệ giao dịch đơn phương được xác định theo pháp luật của nước nơi cư trú hoặc nơi có hoạt động chính của bên đó (Điều 772 Bộ luật Dân sự).

Bộ luật Dân sự đã đưa ra quy định về xác định luật áp dụng trong trường hợp giao kết hợp đồng dân sự vắng mặt. Trong trường hợp giao kết hợp đồng vắng mặt thì việc xác định nơi giao kết hợp đồng phải tuân theo pháp luật của nước nơi cư trú của cá nhân hoặc nơi có trụ sở chính của pháp

nhân là bên đề nghị giao kết hợp đồng. Thời điểm giao kết hợp đồng vắng mặt được xác định theo pháp luật của nước của bên đề nghị giao kết hợp đồng nếu bên này nhận được trả lời chấp nhận của bên được đề nghị giao kết hợp đồng (Điều 771).

Việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được xác định theo pháp luật của nước nơi xảy ra hành vi gây thiệt hại hoặc nơi phát sinh hậu quả thực tế của hành vi gây thiệt hại. Trong trường hợp hành vi gây thiệt hại xảy ra ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà người gây thiệt hại và người bị thiệt hại đều là công dân hoặc pháp nhân Việt Nam thì áp dụng pháp luật Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 773 Bộ luật Dân sự).

Bộ luật Dân sự đó ghi nhận cách thức áp dụng pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế, pháp luật nước ngoài và tập quán quốc tế đối với các giao dịch có yếu tố nước ngoài. Theo Bộ luật, các quy định của pháp luật Việt Nam được áp dụng đối với quan hệ có yếu tố nước ngoài, trừ trường hợp Bộ luật có quy định khác. Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Bộ luật Dân sự thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó. Trong trường hợp Bộ luật Dân sự, các văn bản pháp luật khác của Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên dẫn chiếu đến việc áp dụng pháp luật nước ngoài thì pháp luật của nước đó được áp dụng, nếu việc áp dụng hoặc hậu quả của việc áp dụng không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Trường hợp pháp luật nước đó dẫn chiếu trở lại pháp luật Việt Nam thì áp dụng pháp luật Việt Nam. Pháp luật nước ngoài cũng được áp dụng trong trường hợp các bên thỏa thuận trong hợp đồng, nếu sự thỏa thuận đó không trái với quy định của Bộ luật Dân sự và các văn bản pháp luật khác của Việt Nam. Và trong trường hợp quan hệ có yếu tố nước ngoài không được Bộ luật Dân sự, các văn bản pháp luật khác của Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc hợp đồng giữa các bên điều chỉnh thì áp dụng tập quán quốc tế, nếu việc áp dụng hoặc

hậu quả của việc áp dụng không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam (Điều 759 Bộ luật Dân sự).

Thực tế cho thấy đã có một số trường hợp doanh nghiệp Việt Nam giao kết hợp đồng với một doanh nghiệp nước ngoài và các bên thỏa thuận áp dụng Công ước Viên năm 1980 về mua bán hàng hóa quốc tế. Hiện tại, Việt Nam chưa phải là thành viên của Công ước Viên về mua bán hàng hóa quốc tế, tuy nhiên các doanh nghiệp Việt Nam vẫn có thể lựa chọn Công ước Viên về mua bán hàng hóa quốc tế là nguồn luật điều chỉnh hợp đồng. Điều này được giải thích dựa trên các căn cứ sau:

Một là, việc lựa chọn Công ước Viên về mua bán hàng hóa quốc tế sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam tránh được những khó khăn nảy sinh khi phải đàm phán lựa chọn luật quốc gia làm nguồn luật điều chỉnh hợp đồng. Thực tế cho thấy việc lựa chọn luật quốc gia làm luật điều chỉnh hợp đồng thường gặp nhiều khó khăn do bất đồng giữa các bên. Tất nhiên, Công ước Viên không phải là công cụ vạn năng để có thể bao quát mọi vấn đề liên quan đến giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa với thương nhân nước ngoài, nhưng việc áp dụng Công ước Viên giúp tạo lập một sự hiểu biết chung giữa các bên tham gia giao kết hợp đồng.

Hai là, các quy định của Công ước Viên về mua bán hàng hóa quốc tế phù hợp với tập quán thương mại quốc tế. Công ước Viên thường được các doanh nghiệp và tòa án, trọng tài quốc tế dẫn chiếu tới khi giải quyết tranh chấp. Chẳng hạn, trong vụ kiện giữa công ty trách nhiệm hữu hạn Ng Nam Bee (Xingapo) và công ty thương mại Tây Ninh (Việt Nam), tòa án đã dựa vào Công ước Viên về mua bán hàng hóa quốc tế để phán xử vụ việc, cụ thể là các điều 29, 53, 61(3) và 64 (1) của Công ước Viên về mua bán hàng hóa quốc tế.

Ba là, Công ước Viên về mua bán hàng hóa quốc tế là nguồn luật phổ biến nhất điều chỉnh quan hệ mua bán hàng hóa với thương nhân nước ngoài.

Tính đến ngày 2 tháng 12 năm 2006, đã có 70 nước là thành viên của Công ước Viên, trong số đó có nhiều nước là bạn hàng lớn và lâu đời của Việt Nam như Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Trung Quốc, Pháp, Đức... Các doanh nghiệp thuộc các nước này đã hình thành thói quen áp dụng Công ước Viên để điều chỉnh các quan hệ hợp đồng của họ. Vì lẽ đó Công ước Viên trong nhiều trường hợp đã được bên nước ngoài viện dẫn để áp dụng với tư cách là nguồn luật điều chỉnh hợp đồng.

Một văn bản quan trọng khác cũng quy định cách thức áp dụng pháp luật đối với các giao dịch thương mại có yếu tố nước ngoài là Luật Thương mại. Theo đó, Luật Thương mại được áp dụng đối với các hoạt động thương mại thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam trong trường hợp các bên thỏa thuận áp dụng Luật Thương mại Việt Nam hoặc luật nước ngoài, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định áp dụng luật này (Điều 1 Luật Thương mại 2005). Trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định áp dụng pháp luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế hoặc có quy định khác với quy định của Luật Thương mại Việt Nam thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó. Các bên trong giao dịch thương mại có yếu tố nước ngoài được thỏa thuận áp dụng pháp luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế nếu pháp luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam (Điều 5 Luật Thương mại 2005).

Ngoài việc được quy định trong hai Bộ luật Dân sự và Luật Thương mại, việc xử lý mối quan hệ giữa điều ước quốc tế và pháp luật quốc gia liên quan đến lựa chọn luật áp dụng cũng được ghi nhận trong các văn bản quy phạm pháp luật khác của Việt Nam. Ví dụ, trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế. Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải bảo đảm không làm cản trở

việc thực hiện điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định về cùng một vấn đề [44, Điều 6].

Theo Điều 126 của Luật hợp đồng của Trung Quốc năm 1999 có quy định: "Các bên trong hợp đồng có yếu tố nước ngoài có thể lựa chọn luật áp dụng cho hợp đồng trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Trường hợp các bên không thể lựa chọn luật áp dụng, thì hợp đồng sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật quốc gia có quan hệ gần gũi nhất". Theo đó, quy định này áp dụng cho cả quan hệ tiền hợp đồng và xác định quyền và nghĩa vụ pháp lý của các bên khi hợp đồng đã có hiệu lực pháp luật

Qua nghiên cứu so sánh các quy định pháp luật về xử lý xung đột pháp luật và lựa chọn luật áp dụng cho hợp đồng của Việt Nam và Trung Quốc, có thể đi đến những nhận xét khái quát sau đây:

+ Pháp luật Việt Nam chưa có những quy định cụ thể về lựa chọn luật áp dụng đối với các quan hệ tiền hợp đồng trong giao kết hợp đồng có yếu tố nước ngoài.

+ Các quy định hiện hành của Việt Nam về quảng cáo, trưng bày, giới thiệu hàng hóa, hội chợ, triển lãm thương mại... chưa cho phép làm rõ những trường hợp, ví dụ thương nhân Việt Nam sang triển lãm và bán hàng ở Trung Quốc thì luật nào sẽ được áp dụng? Trường hợp thương nhân nước ngoài bán hàng tại Việt Nam thì luật chi phối quan hệ này là luật nào? Giả định rằng luật áp dụng đối với quan hệ hợp đồng được lựa chọn thì liệu luật áp dụng này có tự động quay trở lại áp dụng đối với quan hệ tiền hợp đồng hay không? Trường hợp luật áp dụng được ghi nhận trong các văn bản được xác lập trong quá trình đàm phán hợp đồng như Biên bản làm việc, Bản ghi nhớ nhưng sau này lại không được đề cập trong hợp đồng thì quan hệ này được giải quyết như thế nào? Các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam chưa cho phép lý giải đầy đủ những vấn đề này. Nhìn chung, có thể thấy rằng pháp luật Việt Nam chưa có quy định rõ ràng và cụ thể về luật áp dụng đối với các quan hệ tiền hợp đồng.

+ Pháp luật Việt Nam chưa làm rõ được những trường hợp như một bên đưa ra một lời mời chào để xúc tiến bán một loại hàng hóa thì pháp luật nào được áp dụng để điều chỉnh hành vi này, cũng như nếu một bên có hành vi lừa dối làm ảnh hưởng đến quyền lợi của một bên tham gia quan hệ nêu trên thì chế độ trách nhiệm được giải quyết như thế nào, hệ thống pháp luật nào có thể được áp dụng để điều chỉnh loại hình vi phạm đó.

+ Nghiên cứu các hợp đồng mua bán hàng hóa với thương nhân nước ngoài trong nhiều năm gần đây, có thể nhận thấy các doanh nghiệp Việt Nam đó bước đầu có sự lựa chọn luật áp dụng đối với hợp đồng, nhưng nhìn chung đều không chỉ rõ luật áp dụng. Điều khoản phổ biến được các doanh nghiệp Việt Nam thỏa thuận với các doanh nghiệp nước ngoài là điều khoản giải quyết tranh chấp. Ngoài ra, các bên thường thỏa thuận để áp dụng một điều kiện thương mại Incoterms. Các bên thông thường không thỏa thuận một luật điều chỉnh hợp đồng. Ngay cả khi thỏa thuận áp dụng Incoterms thì các bên cũng ít khi ghi rõ đó là phiên bản nào. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa có thói quen sử dụng các tập quán thương mại quốc tế khác.

Như vậy, pháp luật Việt Nam đã có những quy định liên quan xử lý xung đột pháp luật và lựa chọn luật áp dụng trong giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa với thương nhân nước ngoài. Tuy nhiên, nhìn tổng thể có thể thấy các quy định này chưa đầy đủ và chưa tạo lập được cơ sở pháp lý cần thiết trong xử lý xung đột pháp luật và lựa chọn luật áp dụng đối với hoạt động giao kết hợp đồng với thương nhân nước ngoài. Do đó, yêu cầu tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện pháp luật về lĩnh vực này vẫn là nội dung quan trọng trong nghiên cứu pháp luật Việt Nam hiện nay.

Một phần của tài liệu Pháp luật về giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa với thương nhân nước ngoài - kinh nghiệm so sánh pháp luật Trung Quốc và những định hướng hoàn thiện cho pháp luật Việt Nam (Trang 71)