3.2.4.1. Mục đích
- Thúc đẩy đội ngũ giáo viên tự học, tự bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, tổ chức tốt giờ học theo yêu cầu đổi mới phương pháp.
- Làm cho học viên say mê học tập, có động cơ học tập đúng đắn, thay đổi phương pháp học tập, có ý chí vươn lên trong học tập, có tinh thần hợp tác trong học tập. Học viên tích cực, chủ động chiếm lĩnh kiến thức chung của nhân loại.
- Trong giờ học người thầy chủ động điều khiển tổ chức lớp hoạt động, hoạt động của thầy và trò nhịp nhàng, tạo không khí nghiên cứu học tập cởi mở, đem lại hiệu quả cao nhất trong dạy học.
3.2.4.2. Nội dung và phương pháp tiến hành
* Nâng cao nhận thức về yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học cho giáo viên:
Đổi mới phương pháp dạy có thể nói là một khâu đột phá, là giải pháp quan trọng, là chủ trương lớn của Đảng và nhà nước ta nhằm nâng cao chất lượng dạy học nói chung và chất lượng dạy học của các trung tâm giáo dục thường xuyên nói riêng.
Nghị quyết Trung ương 2, khóa VIII (1996) đã nhận định “ Phương pháp giáo dục- đào tạo chậm được đổi mới, chưa phát huy được tính chủ động, sáng tạo của người học” và chủ trương “ Đổi mới phương pháp giáo dục – đào tạo khắc phục lối truyền thụ một chiều; rèn luyện thành nếp tư duy sáng tạo của người học. Từng bước áp dụng các phương pháp tiên tiến và phương tiện hiện đại vào quá trình dạy học, bảo đảm điều kiện và thời gian tự học, tự nghiên cứu cho học sinh”
Nghị quyết Đại hội Đảng IX(2001) tiếp tục chủ trương “ Đổi mới phương pháp dạy và học, phát huy tư duy sáng tạo và năng lực tự đào tạo của người học, coi trọng thực hành, thực nghiệm ngoại khóa, tránh nhồi nhét, học chay, học vẹt”
Chiến lược phát triển giáo dục 2010 cũng nêu rõ “ Đổi mới và hiện đại hóa phương pháp giáo dục. Chuyển từ việc truyền đạt tri thức thụ động, thầy giảng, trò ghi sang hướng dẫn người học chủ động tư duy trong quá trình tiếp cận tri thức; dạy cho người học phương tự học, tự thu nhận thông tin một cách hệ thống và có tư duy phân tích, tổng hợp; phát triển được năng lực của mỗi cá nhân; tăng cường tính chủ động, tính tự chủ của học sinh, sinh viên trong quá trình học tập, hoạt động tự quản trong nhà trường và tham gia các hoạt động xã hội”
Xuất phát từ chủ trương đổi mới phương pháp dạy học của Đảng và Nhà nước ta, người quản lí trung tâm giáo dục thường xuyên phải không ngừng nâng cao nhận thức về yêu cầu phải đổi mới cho giáo viên làm cho họ hiểu rõ thực chất của đổi mới phương pháp dạy học không phải do ý chí chủ quan, không phải do phong trào, mà xuất phát từ quan niệm dạy học đã thay đổi. Nếu quan niệm dạy học là dạy
kiến thức, là truyền thụ, cung cấp kiến thức thì phương pháp dạy học chủ yếu là thuyết trình giảng giải. Nếu quan niệm dạy học là dạy cách học thì phương pháp dạy học chủ yếu là hướng dẫn, gợi ý cho học viên cách đọc, cách tự phát hiện vấn đề, giúp họ tự giải quyết vấn đề cho phù hợp với nhận thức ngày càng đầy đủ hơn, ngày càng đúng hơn về bản chất học tập của con người. Phương pháp dạy của thầy phải phù hợp với cách học của trò chứ không phải ngược lại.
Giám đốc trung tâm cần tác động đến nhận thức của đội ngũ giáo viên, xây dựng bầu không khí tích cực tự giác, sôi nổi tham gia phong trào đổi mới phương pháp dạy học, chỉ ra là một điều tất yếu và cấp thiết trong giảng dạy là phải đổi mới phương pháp; tạo tâm thế và điều kiện thuận lợi cho giáo viên chuyên tâm, tập trung đầu tư, cải tiến, đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tối đa tích cực, chủ động của học viên, trình bày cho các em biết cách tự học, tự chiếm lĩnh tri thức; chuẩn bị tốt cơ sở vật chất và các điều kiện đi kèm đảm bảo như chế độ, có các lực lượng hỗ trợ…
* Tăng cường các hoạt động chuyên môn nhằm đổi mới phương pháp dạy học:
Từ nhận thức đúng đắn về quan niệm dạy học và thực tiễn của hoạt động dạy học, người quản lí cần phải:
- Tích cực tổ chức và chỉ đạo các chuyên đề về đổi mới phương pháp dạy học, khuyến khích và tạo điều kiện cho những giáo viên mạnh dạn chủ động đổi mới.
- Chỉ đạo dự giờ, trao đổi kinh nghiệm, thực hiện các chuyên đề bộ môn, chú trọng: phát huy tích cực, chủ động của người học, tôn trọng kinh nghiệm và vốn hiểu biết của họ.
- Tăng cường việc chỉ đạo trong tổ, nhóm chuyên môn về phương pháp dạy học. Thông qua các phong trào thi đua và các đợt hội giảng để đúc rút kinh nghiệm, tìm ra phương pháp phù hợp, khắc phục những mặt còn tồn tại chậm đổi mới.
- Việc thực hiện đổi mới phương pháp phải được thể hiện trong từng tiết dạy, trong từng giáo án; hệ thống câu hỏi đảm bảo khắc sâu kiến thức trọng tâm, phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo trong hoạt động của học viên.
- Tổ chức các hoạt động ngoại khóa như: Nghe thời sự, giao lưu văn nghệ, thơ ca, thăm quan điển hình… Đây là những hoạt động bổ ích và lý thú cho cả thầy và trò, thông qua các hoạt động này mà đẩy mạnh hoạt động dạy và học trong các giờ chính khóa, giúp cho người học được thực tế và chia sẻ nhiều hơn.
- Khuyến khích giáo viên sử dụng các phương pháp dạy học mới như thảo luận nhón, tranh luận, nghiên cứu tình huống, tham quan thực hành, dùng phiếu học tập, trò chơi… xây dựng điển hình về công tác đổi mới.
- Thường xuyên tổ chức cho giáo viên được cập nhập các công nghệ mới trong dạy học, các kiến thức mới thay đổi để có thể sử dụng thành thạo các trang thiết bị hiện đại phục vụ cho việc dạy học có hiệu quả. Tăng cường cơ sở vật chất, đồ dùng thiết bị phục vụ dạy học như: tài liệu tham khảo, sách hướng dẫn, sách giáo viên, đồ dùng thiết bị đảm bảo theo quy định, phòng thí nghiệm, phòng chuyên môn. Tạo phong trào khai thác sử dụng đồ dùng thiết bị thí nghiệm hiện có, đẩy mạnh phong trào tự làm đồ dùng dạy học để đáp ứng cho các tiết dạy chưa có thiết bị mô hình. Khai thác dữ liệu trên mạng Internet phục cho giảng dạy, sử dụng các phần mềm dạy học.
Để thực hiện có hiệu quả các nội dung trên các trung tâm GDTX phải xây dựng kế hoạch thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, kế hoạch này phải thực hiện lâu dài. Kế hoạch phải được thực hiện trong từng tháng, từng học kì, từng năm học thông qua các hoạt động: Bồi dưỡng giáo viên các phương pháp dạy học; Kế hoạch triển khai chuyên đề đổi mới phương pháp dạy học cho từng môn học; Tổ chức giờ dạy mẫu, xây dựng giờ dạy chuẩn; Kế hoạch hội giảng cấp trung tâm, cấp tỉnh(nếu có); Xây dựng đội ngũ giáo viên giỏi các bộ môn; Cam kết không dạy truyền thụ một chiều.
Giám đốc trung tâm yêu cầu giáo viên trước hết phải nắm vững chương trình dạy toàn cấp học, theo môn học, đặc biệt chương trình và sách giáo khoa, phương pháp giáo dục, thiết bị giáo dục và đánh giá trong giáo dục một cách đồng bộ. Mỗi tổ chuyên môn là một đơn vị triển khai thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, xây dựng kế hoạch của tổ trên cơ sở kế hoạch thống nhất của Trung tâm.
+ Về bồi dưỡng giáo viên: 100% giáo viên tham gia lớp bồi dưỡng đổi mới phương pháp dạy học do Sở giáo dục tổ chức đầu năm; Giáo viên đều phải tích cực tham gia các chuyên đề, các cuộc hội thảo do tổ và Trung tâm tổ chức; Giáo viên nghiên cứu kỹ các bài, các chương để đưa ra các phương pháp cụ thể, thể hiện trên giáo án và bài giảng. Việc đổi mới phương pháp dạy học của giáo viên còn thể hiện qua hướng dẫn phương pháp học trên lớp và ở nhà của học viên, qua cách kiểm tra đánh giá học viên
+ Về kế hoạch triển khai chuyên đề đổi mới cho từng môn học, căn cứ vào đặc điểm của từng bộ môn, của mỗi giáo viên trong tổ để phân công cụ thể giáo viên đảm nhận: Viết tham luận hội thảo; Thiết kế trình bày trên máy; Sử dụng đồ dùng thiết bị hỗ trợ
+ Về tổ chức giờ dạy mẫu, xây dựng giờ dạy chuẩn: Các thành viên của tổ đều tham gia xây dựng đưa ra phương pháp dạy cụ thể, trên cơ sở các phương pháp, phân tích các ưu nhược điểm của mỗi phương pháp, thống nhất phương pháp bài dạy mẫu. Trên cơ sở một số bài dạy mẫu, xây dựng giờ dạy chuẩn, tiết tự chọn chuẩn để cùng dạy đại trà
+ Tổ chức, tham gia hội thi giáo viên giỏi các cấp, chọn giáo viên xuất sắc. Từ các cuộc thi này các nhóm, các tổ bộ môn đầu tư nhiều cho dự giờ, góp ý đổi mới phương pháp dạy học, tạo ra một không khí tích cực. Thành công của hội thi chính là phong trào thi đua đổi mới phương pháp dạy học.
+ Xây dựng đội ngũ giáo viên giỏi các bộ môn: Việc xây dựng, bồi dưỡng giáo viên giỏi phải bắt đầu ngay từ khâu tuyển dụng, sau đó giao việc giảng dạy ở các khối lớp, bồi dưỡng đội tuyển học viên giỏi, phụ đạo học viên yếu kém…. Thông qua đó Giám đốc trung tâm phát hiện bồi dưỡng họ, thúc đẩy sự phấn đấu của giáo viên có năng lực, làm cho họ trở thành những giáo viên nòng cột, có tiềm năng.
Từ các phong trào thi đua và các cuộc vận động trong Trung tâm, đăng kí nhiều giờ thao giảng, giờ dạy tốt, phát huy vai trò cá nhân của tổ nhóm để tăng cường các hoạt động đổi mới phương pháp dạy học một cách hữu ích.
Qua tổ chức, chỉ đạo, Ban giám đốc cần kiểm tra các hoạt động đổi mới phương pháp dạy học của các tổ, các giáo viên để có đánh giá đầy đủ từng kế hoạch đã đặt ra và việc thực hiện. Số tiết hội giảng đã tham gia, kết quả xếp loại, đánh giá cái được, cái chưa được để điều chỉnh phương pháp dạy. Số tiết dự giờ, dự giờ đột xuất, dự giờ hội giảng đều được đánh giá và góp ý chỉ đạo cho giáo viên và tổ chuyên môn; thống nhất nội dung, phương pháp của các tiết dự giờ để thực hiện triển khai ở tổ. Thông qua việc viết SKKN, viết báo cáo chuyên đề tự bồi dưỡng của giáo viên, Ban giám đốc có thêm cơ sở để đánh giá việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy học của mỗi giáo viên. Kiểm tra đánh giá công tác sử dụng thiết bị và khả năng sử dụng thiết bị trong các yêu cầu cụ thể.
Sau kiểm tra đánh giá các hoạt động về đổi mới phương pháp dạy học, động viên khen thưởng kịp thời những giáo viên tích cực và đạt kết quả tốt, nhắc nhở, rút kinh nghiệm kịp thời những giáo viên chưa thực hiện tốt về quy định đổi mới phương pháp đã được thống nhất.
* Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học
Nghị quyết hội nghị TW lần thứ 2 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII
đã nêu rõ: "Đổi mới mạnh mẽ phương pháp giáo dục đào tạo, khắc phục lối truyền thụ
một chiều, rèn luyện thành nếp tư duy của người học, từng bước áp dụng phương pháp tiên tiến, hiện đại và phương tiện hiện đại vào quá trình dạy học" [14].
Chỉ thị số 58- CT/TW của Bộ Chính Trị (Khoá VIII) ngày 17 tháng 10 năm
2000 khẳng định:”Ứng dụng và phát triển CNTT (CNTT) là nhiệm vụ ưu tiên trong
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, là phương tiện chủ lực để đi tắt đón đầu, rút ngắn khoảng cách phát triển so với các nước đi trước. Mọi lĩnh vực hoạt động kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng đều phải áp dụng CNTT để phát triển". Chỉ thị số 29/2001/CT-BGD&ĐT ngày 30 tháng 7 năm 2001 của Bộ GD&ĐT về tăng cường giảng dạy, đào tạo và ứng dụng CNTT trong ngành giáo dục giai đoạn 2001-
2005 nêu rõ: “CNTT và đa dạng phương tiện sẽ tạo ra những thay đổi lớn trong hệ
thống quản lí giáo dục, trong chuyển tải nội dung chương trình đến người học, thúc đẩy cuộc cách mạng về phương pháp dạy và học”.
Làm thế nào để cho mỗi giáo viên nhận thức được rằng: Thực hiện ứng dụng CNTT trong hoạt động dạy học là nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn hiện nay và là yếu tố quyết định trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Đa số GV các trung tâm GDTX đã nhận thấy: ứng dụng CNTT trong dạy học vừa là phương pháp vừa là phương tiện để hoàn thành nhiệm vụ; và hơn nữa còn đảm bảo tính nghệ thuật trong quá trình dạy học để thực thi nhiệm vụ theo khả năng, nhu cầu và hứng thú của mình một cách chủ động; không bị áp đặt theo một khuân mẫu nào. Nhờ đó mà GV có thể làm chủ được giờ dạy bảo đảm tiến độ chất lượng theo yêu cầu chương trình giáo dục. Cũng chính vì điều này mà lãnh đạo các Trung tâm đã giải thích được tại sao cũng giáo viên ấy, bài học ấy mà có giờ dạy hay, có giờ cảm thấy nặng nề, hiệu quả thấp. Ứng dụng CNTT trong dạy học giúp học viên nhận thức được sâu rộng dễ dàng hơn, người dạy cũng nhẹ nhàng hưng phấn hơn.
Các trung tâm GDTX cần đưa ra tiêu chí đánh giá một giờ dạy ứng dụng CNTT gồm: + Đảm bảo đúng mục tiêu bài dạy.
+ Học viên ghi chép được bài, không lạm dụng trình chiếu + Phát huy được tính chủ động sáng tạo trong học viên + Sử dụng CNTT để kiểm tra trắc nghiệm ngay tại tiết học + Đảm bảo thời gian cho một tiết dạy
Việc ứng dụng CNTT thực hiện quá trình dạy học để phát huy phương pháp dạy học tích cực đó là một yêu cầu cấp bách, quan trọng. Ngay từ khi chuẩn bị tư liệu soạn giáo án GV có thể tìm kiếm dữ liệu trên Internet một thư viện điện tử khổng lồ. Tư liệu soạn giáo án ở các dạng của thông tin như: Hình ảnh, âm thanh,
văn bản (dạng sơ đồ, bảng biểu, số liệu), sẽ được máy tính xử lý nhanh chóng,
chính xác. Chỉ đạo việc ứng dụng CNTT dạy học vẫn cần tuân thủ nguyên tắc soạn giáo án theo hướng tích cực, đảm bảo sự chính xác về kiến thức, hình thức trình bày bài giảng khoa học, lô gíc.
Khi thực hiện bài giảng có ứng dụng CNTT cần lưu ý:
+ Chuẩn bị đầy đủ và kiểm tra kỹ thuật thiết bị trước giờ lên lớp. + Đầu tư nhiều thời gian cho việc chuẩn bị tư liệu và soạn trên máy.
+ Khi ứng dụng CNTT giáo viên cần biết kết hợp nhiều biện pháp giảng dạy để làm rõ bản chất nội dung bài giảng.
3.2.4.3. Điều kiện thực hiện
- Giám đốc trung tâm cần quan tâm chỉ đạo sát sao và trọng tâm đến hoạt động đổi mới phương pháp dạy học bởi đây là yếu tổ liên quan trực tiếp đến việc nâng cao chất lượng giáo dục. Ban giám đốc trung tâm phải là những người đi đầu trong việc đổi mới phương pháp dạy học; có kỹ năng ứng dụng CNTT trong công tác quản lí.
- Thực sự quan tâm đến vấn đề trình độ CNTT của GV; coi việc thiếu hụt kiến thức về CNTT là một phần trách nhiệm của nhà trường; có kế hoạch bồi dưỡng dài hơi; linh hoạt trong việc đưa ra các chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu của từng giáo viên cụ thể. Đưa ra tiêu chuẩn đánh giá cụ thể về năng lực giáo viên, trong đó có tiêu chuẩn kỹ năng ứng dụng CNTT trong giảng dạy; công khai tiêu chí đánh giá thi đua trong đội ngũ giáo viên.