BLDS 2005 và LTM 2005 được ban hành trong điều kiện đất nước đang trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng cũng như các hoạt động thương mại khác phát triển. Trong mối quan hệ giữa BLDS 2005 và LTM 2005 thì BLDS đóng vai trò là luật chung còn LTM đóng vai trò là luật chuyên ngành. Có thể nói, việc thống nhất trong quy định về hợp đồng giữa BLDS và LTM đã giải quyết được những mâu thuẫn về tư tưởng của chế định hợp đồng trước đây. Những quy định mới về hợp đồng trong BLDS 2005, LTM 2005 được thể hiện:
Thứ nhất, về nội dung của hợp đồng. BLDS 2005 có điều khoản mang tính hướng
dẫn cho các bên khi thỏa thuận, giao kết hợp đồng nhằm thuận tiện cho việc thực hiện, làm cơ sở để giải quyết khi có tranh chấp xảy ra. Quy định này được thể hiện tại Điều 402 BLDS 2005 là một điểm mới so với BLDS 1995.
Thứ hai, về thời điểm giao kết hợp đồng dân sự. Nó phù hợp với từng loại hợp
đồng quy định tại điều 404 BLDS 2005 xác định thời điểm giao kết hợp đồng cụ thể trên cơ sở công nhận hiệu lực của cam kết, thỏa thuận giữa các bên. Không có sự phân biệt giữa thời điểm giao kết hợp đồng dân sự và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng dân sự đối với những hợp đồng phải đăng ký, công chứng, chứng thực hay xin phép như quy định tại BLDS 1995.
Thứ ba, về nghĩa vụ của bên bán và bên mua. LTM bổ sung một số quy định về
giao hàng trong trường hợp không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ về địa điểm giao hàng (Điều 35), thời hạn giao hàng (điều 37), nghĩa vụ thông báo (điều 47); về quy định việc chuyển rủi ro và quyền sở hữu hàng hóa (điều 57, 59, 60, 61); địa điểm thanh toán (điều 54); thời hạn thanh toán trongtrường hợp các bên không có thỏa thuận (điều 55); nghĩa vụ nhận hàng (điều 56). Đây là sự thay đổi rất quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ của các chủ thể.
Bên cạnh những thuận lợi mà hai văn bản pháp luật mới mang lại, pháp luật quy định về hợp đồng mua bán hàng hóa ở Việt Nam cũng có những vấn đề còn có nhiều bất cập và thiếu sót như việc còn tồn tại những quy định chưa đồng bộ giữa các văn bản pháp luật. Ví dụ về xử lý thanh toán chậm, theo khoản 2 - Điều 305 BLDS 2005 quy định: “Trong trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Hiện nay, mức lãi suất do Ngân hàng Nhà nước công bố chỉ là mức lãi suất có tính định hướng để các tổ chức tín dụng tham khảo ấn định mức lãi suất huy động vốn và mức lãi suất cho vay đối với khách hàng. Trên thực tế, mức lãi suất cơ bản luôn thấp hơn mức lãi suất huy động vốn và thấp hơn rất nhiều so với mức lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng. Nếu việc chậm trả tiền chỉ dẫn đến nghĩa vụ phải trả lãi theo lãi suất cơ bản thì việc chậm trả tiền là có lợi cho người có nghĩa vụ trả tiền và vô hình chung khuyến khích các đương sự chiếm dụng vốn của nhau thông qua việc vi phạm nghĩa vụ thanh toán.
Mặt khác, Điều 305 BLDS 2005 quy định trách nhiệm do việc chậm thanh toán tại khoản 1 và 2, nội dung của hai khoản trong điều luật này gây ra tranh cãi: đây là hai quy định loại trừ nhau hay có thể áp dụng trong cùng một tình huống? Trong trường hợp người có nghĩa vụ vi phạm nghĩa vụ trả tiền thì họ chỉ phải chịu trách nhiệm theo Khoản 2 - Điều 305 hay họ phải chịu trách nhiệm tại cả hai khoản? Nếu người có nghĩa vụ vi phạm nghĩa vụ trả tiền phải chịu trách nhiệm theo quy định tại toàn văn
điều luật thì có nghĩa là, người có quyền không những được yêu cầu người có nghĩa vụ phải thực hiện đầy đủ, đúng nghĩa vụ, mà còn được quyền yêu cầu người có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng; còn nếu người có nghĩa vụ vi phạm nghĩa vụ trả tiền chỉ phải chịu trách nhiệm theo quy định tại Khoản 2 - Điều 305 thì người có quyền chỉ được yêu cầu người có nghĩa vụ phải thực hiện đầy đủ, đúng nghĩa vụ và được đền bù thiệt hại theo thỏa thuận đã có trong hợp đồng hoặc được hưởng lãi trên số tiền chậm được nhận, theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố, mà không có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại. Sự thể hiện không rõ ràng trong Điều luật này có thể tạo ra tranh chấp giữa các bên trong các tình huống tương ứng và Tòa án không đủ cơ sở pháp lý để giải quyết và có thể sẽ có những cách vận dụng pháp luật khác nhau tại các cơ quan Tòa án khác nhau. [13]
Bên cạnh đó, sự thiếu tính thống nhất của pháp luật hợp đồng còn thể hiện ở mâu thuẫn giữa BLDS 2005 và LTM 2005 liên quan đến chế định phạt hợp đồng. Khoản 2 Điều 422 BLDS 2005 quy định: mức phạt vi phạm hợp đồng do các bên tự thỏa
thuận. Tự thỏa thuận có nghĩa là các bên được phép tự do ấn định mức phạt mà không
bị ràng buộc bởi các quy định của pháp luật, điều này thể hiện nguyên tắc tự do thỏa thuận đã được quy định trong pháp luật dân sự nhưng LTM lại quy định về mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm [11]. Cùng điều chỉnh về một vấn đề nhưng lại có sự khác biệt giữa các văn bản. Sự khác biệt về mức phạt vi phạm dẫn đến sự khác biệt trong việc quy định mối quan hệ giữa phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại. Điểm 2 khoản 3 Điều 422 BLDS 2005 quy định: Trong trường hợp các bên thỏa thuận phạt vi phạm mà không có thỏa
thuận về bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải nộp tiền phạt vi phạm.
Trong khi đó, khoản 2 Điều 307 LTM 2005 lại quy định: Trong trường hợp các bên có
thỏa thuận phạt vi phạm mà không có thoả thuận bồi thường thiệt hại thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại.
Ngoài ra, về trách nhiệm của bên bán về khiếm khuyết của hàng hóa: LTM quy định trách nhiệm của bên bán về khiếm khuyết của hàng hóa (Điều 44): “bên bán phải
chịu trách nhiệm về những khiếm khuyết của hàng hóa mà bên mua hoặc đại diện của bên mua đã kiểm tra nếu các khiếm khuyết của hàng hóa không thể phát hiện được trong quá trình kiểm tra bằng biện pháp thông thường và bên bán đã biết hoặc phải biết về các khiếm khuyết đó nhưng không thông báo cho bên mua”. Tuy nhiên theo
Điểm (a) Khoản 3 Điều 444 BLDS lại quy định bên bán không phải chịu trách nhiệm về khuyết tật của vật trong trường hợp khuyết tật mà bên mua đã biết hoặc phải biết
khi mua. Như vậy, nếu bên mua buộc phải biết khiếm khuyết đó nhưng do không thể biết được trong quá trình kiểm tra thì bên bán được miễn trách nhiệm. [7, tr. 53]
Điều này dễ gây cho doanh nghiệp sự lúng túng khi lựa chọn luật áp dụng, dù theo quy tắc chung, thì đối với cùng một vấn đề mà luật chung và luật chuyên ngành có quy định khác nhau thì áp dụng luật chuyên ngành, tức là đối với hợp đồng mua bán hàng hóa thì luật được áp dụng là Luật thương mại.
Tóm lại, những thiếu sót, bất cập, yếu kém của pháp luật hợp đồng ở nước ta đặt ra yêu cầu phải tiến hành một cuộc cải cách pháp luật hợp đồng cho phù hợp với bối cảnh mới hiện nay. Do vậy chương III sẽ phần nào đi sâu nghiên cứu đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về hợp đồng nói chung và hợp đồng mua bán hàng hóa nói riêng
Chương 3