Đời sống văn hóa góp phần tích cực vào giao lưu hội nhập

Một phần của tài liệu Đời sống văn hóa ở huyện yên mỹ, tỉnh hưng yên (Trang 36)

7. Kết cấu của luận văn

1.3.2 Đời sống văn hóa góp phần tích cực vào giao lưu hội nhập

Giao lưu văn hóa là xu thế chung của thời đại ngày nay. Thông qua tiếp xúc, giao lưu văn hóa, các cộng đồng có điều kiện học hỏi, tiếp thu những giá trị văn hóa và thúc đẩy tiến bộ xã hội. Đời sống văn hóa phát triển là tiền đề, điều kiện quan trọng để tăng cường, đẩy mạnh giao lưu hội nhập, hợp tác giữa các cộng đồng, địa phương, quốc gia. Trong điều kiện của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, quá trình giao lưu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, yếu tố quyết định cho sự phát triển là trí tuệ, thông tin, sáng tạo và đổi mới không ngừng nhằm tạo ra những giá trị vật chất và tinh thần ngày càng cao, đáp ứng nhu cầu đa dạng, phong phú của mỗi con người, cũng như của toàn xã hội. Trong quá trình giao lưu hội nhập và phát triển, một nước sẽ giàu hay nghèo không chỉ do có nhiều hay ít lao động, có ít hay nhiều vốn, tài nguyên thiên nhiên, mà chủ yếu ở chỗ có khả năng phát huy đến mức

cao nhất tiềm năng sáng tạo của con người hay không. Tiềm năng sáng tạo này nằm trong các yếu tố cấu thành của văn hóa, trong đó có yếu tố đời sống văn hóa, cụ thể là nằm trong ý chí tự lực, tự cường, khả năng hiểu biết, sáng tạo, tâm hồn, đạo đức, lối sống, trình độ thẩm mỹ... của mỗi cá nhân và của cả cộng đồng. Văn hóa là động lực của sự phát triển. Đời sống văn hóa là yếu tố quan trọng, chi phối mọi hoạt động của con người, xã hội, khơi dậy và nhân lên mọi tiềm năng sáng tạo của mỗi cá nhân, huy động sức mạnh nội sinh to lớn của cả cộng đồng vào sự phát triển chung của toàn xã hội.

Một chính sách phát triển đúng đắn là chính sách làm cho các yếu tố cấu thành văn hóa, trong đó có đời sống văn hóa thấm sâu vào tất cả các lĩnh vực sáng tạo của con người: sản xuất, lối sống, giao tiếp, sinh hoạt gia đình và ngoài xã hội, giao lưu văn hóa... Hàm lượng trí tuệ, hàm lượng văn hóa trong các lĩnh vực của đời sống con người càng cao bao nhiêu thì khả năng phát triển kinh tế- xã hội, khả năng hội nhập để phát triển càng trở nên hiện thực bấy nhiêu.

Đời sống văn hóa có vai trò điều tiết sự phát triển. Văn hóa nói chung, đời sống văn hóa nói riêng giúp cho chủ thể phát triển phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của các nhân tố khách quan và chủ quan, của các điều kiện bên trong và bên ngoài, lựa chọn mô hình phát triển, bảo đảm cho sự phát triển được hài hòa, cân đối, lâu bền, đúng định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong kinh tế thị trường và giao lưu hội nhập, một mặt, đời sống văn hóa dựa vào các chuẩn mực của đời sống văn hóa là Chân- Thiện- Mỹ để hướng dẫn, thúc đẩy người lao động không ngừng phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao tay nghề, sản xuất hàng hóa với số lượng ngày càng nhiều, chất lượng ngày càng cao, đáp ứng nhu cầu không ngừng tăng lên của xã hội; mặt khác, đời sống văn hóa sử dụng sức mạnh của các giá trị văn hóa truyền thống, đạo lý, thuần phong mỹ tục của dân tộc, để tuyên truyền văn hóa Việt Nam với thế giới, hạn chế và triệt tiêu những xu hướng tiêu cực như: sùng bái

hàng hóa, tiền tệ, coi nhẹ các giá trị tinh thần, sính ngoại vọng ngoại, hiểu không rõ, không đúng về văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam...

Giao lưu hội nhập, trong đó có cả giao lưu hội nhập quốc tế là một xu thế, đòi hỏi phải có tinh thần chủ động và tích cực. Trên cơ sở kiến thức khoa học, kinh nghiệm và sự tỉnh táo, khôn ngoan cần phải quán triệt quan điểm chủ động hội nhập, trong quá trình giao lưu hội nhập, phát triển cần phải dựa trên nền tảng văn hóa dân tộc. Trong giao lưu hội nhập, cần thiết phải tiếp thụ những giá trị văn hóa nhân loại trên cơ sở có chọn lọc, vừa phải giữa gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa cộng đồng để phát triển.

Xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, văn minh làm cơ sở, nội lực để giao lưu và hội nhập. Giao lưu hội nhập lại tác động trở lại đời sống văn hóa, quá trình xây dựng đời sống văn hóa. Đây là hai mặt của một vấn đề, có mối quan hệ hữu cơ với nhau, trong đó gốc là đời sống văn hóa do chính người dân đã tạo lập, xây dựng và phát triển.

Tiểu kết chương 1

Văn hóa là một lĩnh vực rộng lớn, hiện diện trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đời sống văn hóa là một thành tố của văn hóa, thể hiện mặt cụ thể của đời sống vật chất và đời sống tinh thần của con người, phản ánh trình độ đáp ứng và xử lý các loại nhu cầu văn hóa, hàm chứa mối quan hệ xã hội.

Cấu trúc của đời sống văn hóa bao gồm các yếu tố: Chủ thể (con người) văn hóa; các giá trị văn hóa; hệ thống thiết chế và cảnh quan văn hóa; các dạng hoạt động văn hóa.

Đời sống văn hóa có vai trò quan trọng: góp phần ổn định chính trị và thúc đẩy phát triển kinh tế, giao lưu hội nhập.

Chương 2

THỰC TRẠNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA Ở HUYỆN YÊN MỸ

2.1. Các yếu tố tác động đến đời sống văn hóa ở huyện Yên Mỹ giai đoạn hiện nay

Đời sống văn hóa, quá trình xây dựng đời sống văn hóa của huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên chịu tác động của một số yếu tố: chủ quan và khách quan, bên trong và bên ngoài, nội sinh và ngoại sinh. Các yếu tố này đã ảnh hưởng, tác động làm cho đời sống văn hóa, nói rộng hơn là quá trình xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn huyện có cả thuận lợi và khó khăn.

Một phần của tài liệu Đời sống văn hóa ở huyện yên mỹ, tỉnh hưng yên (Trang 36)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(133 trang)
w