7. Kết cấu của luận văn
1.2.3. Hệ thống các thiết chế và cảnh quan văn hóa
Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam:
Thiết chế văn hóa là chỉnh thể văn hóa hội tụ đầy đủ các yếu tố cơ sở vật chất, bộ máy tổ chức, hệ thống biện pháp hoạt động và kinh phí hoạt động cho thiết chế đó. Ví dụ, thiết chế nhà văn hóa bao gồm ngôi nhà, bộ máy tổ chức, nhân sự, quy chế hoạt động, nguồn kinh phí; chỉ riêng ngôi nhà hoặc công trình văn hóa chưa đủ để gọi là thiết chế văn hóa [45, tr.230].
Như vậy, về mặt nguyên tắc, một thiết chế văn hóa phải đảm bảo đủ 3 yếu tố: Có một bộ máy nhân sự được tổ chức thành hệ thống; có thể chế (luật lệ) để vận hành; có trụ sở và các thiết bị chuyên dùng, kinh phí... gọi chung là cơ sở vật chất để tồn tại và hoạt động lâu dài. Tuy nhiên, trên thực tế, thiết chế văn hóa được hình thành và được hoàn thiện dần (cả mở rộng) trong tiến
trình hoạt động thực tiễn. Với tư cách là một thiết chế văn hóa, thiết chế, mạng lưới thiết chế phải đảm đương được những nhiệm vụ như: tổ chức các hoạt động sản xuất (sáng tạo) những sản phẩm văn hóa, tổ chức sưu tầm và bảo quản vốn di sản văn hóa của cộng đồng, truyền bá những giá trị văn hóa đến với mọi người, tổ chức đời sống văn hóa ở khu dân cư, bảo đảm định hướng tư tưởng đúng đắn trong đời sống xã hội.
Các thiết chế văn hóa tiêu biểu gồm: nhà văn hóa hoặc trung tâm văn hóa, nhà bảo tàng, nhà truyền thống, công viên, thư viện, rạp hát, rạp chiếu phim, các cơ quan thông tin đại chúng...chính là chiếc cầu nối, "đường dẫn" giữa sáng tạo, truyền bá và thưởng thức, giữa văn hóa quá khứ và hiện tại tới công chúng đương thời. Sự đa dạng và hoàn thiện của các thiết chế văn hóa cho thấy nhịp độ và trình độ văn minh của đời sống văn hóa. Với chức năng của mình và được vận hành thông suốt và có hiệu quả, các thiết chế văn hóa sẽ đóng góp thiết thực vào đời sống văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa ở cộng đồng, cung cấp cho xã hội những "sản phẩm" chất lượng cao, đó là những con người văn hóa. Trong bối cảnh mở cửa, hội nhập, kinh tế thị trường và toàn cầu hóa... thiết chế văn hóa có thể được xem là "căn cứ lưu trú" của văn hóa. Đây là một trong những nơi mà cuộc đấu tranh trên lĩnh vực văn hóa để xây dựng đời sống văn hóa diễn ra một cách cụ thể và thường xuyên.
Cảnh quan văn hóa (thắng cảnh tự nhiên đã được tu bổ, các công trình kiến trúc, quy hoạch đô thị, làng xã, đường phố, tượng đài...) là môi trường vật chất- văn hóa mà trong đó con người sinh sống.
Thiết chế văn hóa và cảnh quan văn hóa thể hiện bề mặt trực tiếp của đời sống văn hóa. Qua thiết chế và cảnh quan văn hóa , ít nhiều có thể khái quát đời sống văn hóa của dân cư. Những sản phẩm văn hóa bên trong những thiết chế văn hóa chứa đựng những chuẩn mực của cộng đồng, thấm đượm sự
lan tỏa của các giá trị văn hóa, có ý nghĩa quan trọng trong việc giám sát, điều chỉnh hành vi con người, giáo dục con người, nâng cao trình độ thẩm mỹ của con người và làm sống động đời sống văn hóa cộng đồng.